Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Ta Đã Bao Nhiêu Lần Thất Hứa Với Đứa Trẻ Mang Tên Chính Mình? Mặc Kệ Người Ta Nói, Dũng Cảm Lên Đi!

Nếu bạn của năm 9 tuổi gặp lại bạn năm 19 tuổi...

“Này, cậu biết tớ là ai không?”

Đứa trẻ đó ngồi đối diện tôi, gương mặt sáng sủa và có phần nghịch ngợm. Nó hếch mũi lên nhìn tôi dò xét.

“Cậu - tớ sao?” – Tôi ngạc nhiên, thoáng cho rằng đứa trẻ này thật hư và tự hỏi liệu có phải là nó đang không thể nhận thức được tuổi tác của mình không. Tôi nghĩ bụng: “Có lẽ như vậy hợp lý hơn với một cô bé!”

“Hãy nhìn cái này đi!”

Cô bé chìa ra một tấm ảnh cũ kỹ, tôi lờ mờ nhận thấy vẻ quen thuộc.

Là tôi và ba mẹ mình. Bức ảnh hồi tôi còn học lớp 4. Và rồi, tôi chợt nhìn ra đứa bé ngồi trước mặt chính là mình của những ngày ấy.

Đúng rồi! Cái gương mặt bầu bĩnh này, đôi mắt sáng này... Cả cái điệu bộ có phần ngỗ nghịch nhưng tự tin kia nữa. Đã lâu thế rồi...

Tôi mơ màng với cuộc gặp gỡ kỳ lạ. Cô bé cứ thao thao bất tuyệt những mẩu chuyện ngây ngô mà tôi chẳng tài nào nhớ nổi và cứ luôn khăng khăng cho rằng nó đã xuất hiện trên đời này trước tôi cả chục năm, thế nên đáng nhẽ ra tôi nên gọi nó là chị. Tôi dường như chẳng đáp lại gì nhiều, chỉ lắng nghe rồi gật gù, cười mỉm.

“Cậu có còn nhớ ước mơ của mình là gì không? Tại sao bây giờ cậu đang ở đây với cái dáng vẻ yếu đuối và chậm chạp kia vậy? Cậu không còn nhớ lời hứa giữa hai ta 10 năm trước sao?”

*   *   *   *   *

Thôi được rồi! Tôi có thể tiết lộ rằng bạn đã không nhầm khi nghĩ cuộc hội thoại kia chỉ là một giấc mơ. Hoặc tệ hơn là cho rằng tôi đang bịa chuyện một cách xàm xí. Dù sao thì hai lời nhận xét đó cũng chỉ cùng là một loại phản ứng thôi mà.

Cuộc trò chuyện ấy kết thúc khi tôi biết chắc rằng mình chỉ đang mơ và dù cho đã cố gắng tiếp tục câu chuyện để thỏa mãn trí tò mò nhưng tôi không thể.

Tôi thức dậy. Lúc ấy là 3 giờ sáng.

Trăng vẫn treo ngoài cửa sổ. Một đêm hè khá mát mẻ và đẹp đẽ ở chốn thành thị đông đúc, chật hẹp này.

Lọ mọ lục lại thùng đồ cũ trên gác xép, cuốn sổ tay tôi tự xé giấy làm ra vẫn còn đó, đã ám mùi mốc ẩm của thời gian, một lá thư dài được kẹp giữa trang giấy đầy những nét chữ nắn nót bằng mực tím. Là bức thư tôi tự viết gửi cho mình năm 19 tuổi. Một bài Tập Làm Văn lớp 4 được giáo viên rất khen ngợi của tôi...

 

“Hãy tưởng tượng là em đã gặp lại mình và viết một lá thư gửi cho chính mình mình sau 10 năm”

 “Chào An của năm 19 tuổi!

Tớ chính là cậu của năm 9 tuổi nè. Cậu còn nhớ tớ chứ? Dạo này cậu vẫn khỏe phải không? Cậu vẫn vui vẻ, xinh đẹp, đáng yêu và tự tin như tớ chứ?

Thật ra là hôm qua tớ đã gặp lại cậu trên chiếc “vô tuyến thời gian” rồi. Tớ biết cậu sẽ giữ lời hứa của chúng ta mà. Cậu đã ngày càng trở nên tuyệt vời hơn rồi. Tớ tự hào vì chúng ta đã cùng nhau cố gắng rất nhiều. Thật may mắn khi qua bao nhiêu thử thách cậu và tớ vẫn luôn mạnh mẽ bước qua. Cậu đã thực hiện được ước mơ của chúng ta, đã trở thành một cô gái độc lập, tự tin và tài giỏi. Nhưng tớ cũng không hề thua kém tí nào đâu nhé. Năm năm rồi tớ đều chăm chỉ học tập và luôn là một học sinh xuất sắc đó.

Mặc dù vẫn hay trốn ngủ trưa đi chơi, nhưng thật ra tớ không có hư đâu. Tớ vẫn luôn giúp ba mẹ làm việc nhà đấy. Ngày nào ba cũng chở tớ đi học, còn mẹ thì luôn nấu những món ngon cho tớ ăn. Tớ yêu ba mẹ lắm. Tớ có nghe ai đó nói, lớn lên rồi thì con cái sẽ không còn ngoan ngoãn, lại còn vơi bớt dần đi tình cảm với ba mẹ mình. Nhưng cậu phải hứa với tớ sẽ luôn yêu thương ba mẹ nhé! Tớ biết, làm người lớn thì sẽ phải đi xa, sẽ rất bận rộn. Nhưng mà, cho dù có xa bao nhiêu, bận rộn bao nhiêu cậu cũng phải thường xuyên quan tâm đến ba mẹ và cả em Ki nhà mình nữa nhé. Nếu không, mọi người sẽ rất nhớ cậu đấy!

Tớ biết, làm người lớn thì sẽ không được khóc nhè nhiều. Cho nên, cậu hãy luôn cười thật vui vẻ nhé. Bởi vì cậu luôn có tớ, có ba mẹ ủng hộ mà. Chỉ cần nhớ vậy thôi là cậu sẽ cảm thấy mình có thể làm được bất cứ điều gì. Như hôm trước, tớ đã rất buồn khi thằng Minh Ngố đầu xóm chê tớ không biết đi xe đạp, nhưng khi mà tớ vừa khóc vừa kể thì mẹ đã xoa dịu tớ bằng một que kem, còn ba thì hứa chiều nào cũng giúp tớ tập đi xe nữa. Thế là tớ liền thấy đi xe đạp thật ra dễ ẹc!

Tớ biết, làm người lớn thì sẽ gặp nhiều quyết định khó khăn. Nhưng cậu nhớ hãy luôn mạnh mẽ và tin vào chính mình nhé. Vì tớ đây tuy còn nhỏ nhưng đã rất quyết đoán rồi. Lại như hôm trước, tớ đã quyết định không xin tiền mẹ mua búp bê giống như cái Nga mà đã dành tiền mua một chiếc bút mực để luyện thi viết chữ đẹp và đạt được giải Nhất cấp trường đấy. Cậu thấy tớ giỏi không? Thế nên, tớ sẽ tin tưởng tuyệt đối ở quyết định của cậu.

Tớ biết, lớn lên rồi cậu có thể sẽ quên đi rất nhiều thứ. Nhưng cậu đừng bao giờ quên những đứa bạn hàng xóm đã cùng nhau trốn ngủ trưa rong ruổi khắp làng xã bắt ve sầu, những đứa mà đã cùng cậu thả bò, chăn trâu ngoài đồng ruộng ngày còn bé nhé. Vì bọn nó chính là “huynh đệ chí cốt” của tớ mà. Cho dù có kết bạn với nhiều người hơn nữa nhưng cậu nhớ phải giúp tớ giữ liên lạc với hội anh em chí cốt đấy!

Thôi, lá thư này có vẻ đã dài rồi. Cậu đọc xong nhớ hứa với tớ sẽ làm những điều dễ ẹc này nhé. Vì cậu còn có thể cố gắng bao nhiêu để trở thành một cô gái giỏi giang đến thế cơ mà...”

 

Nguồn ảnh: Internet

“Tớ nghe ai đó nói, lớn lên rồi thì con cái sẽ không còn ngoan ngoãn, lại còn vơi bớt dần đi tình cảm với ba mẹ mình. Nhưng cậu phải hứa với tớ sẽ luôn yêu thương ba mẹ nhé!...”

 

Người ta nói...

17 tuổi. Xung quanh tôi họ khuyên rằng, họa sĩ hay nhà báo chỉ là công việc dành cho những đứa con sinh ra trong môi trường sẵn có, hoặc cha, hoặc mẹ hoặc bất cứ điều kiện nào đó thỏa mãn công thức - “Con nhà công, không giống lông cũng giống cánh”. Còn một đứa sinh ra trong một gia đình trung bình, ba mẹ đều là nông dân như tôi thì tốt hơn nên cố mà thi vào khối trường An ninh, hoặc theo học trong các trường Kinh tế, Luật hay Y, hoặc tốt hơn là nghỉ học và xin đi làm kiếm tiền ở một xí nghiệp nào đó gần nhà ngay sau khi kết thúc đời học sinh. Họ bảo rằng, tôi không có tài năng gì nổi trội, cho nên hãy chăm chỉ mà nghe theo những gì con nhà kia nói, con nhà nọ làm. Và rồi tôi của năm 17 tuổi, với cái đầu ngờ nghệch về cuộc sống xung quanh, cũng dần bị thuyết phục bởi số đông những lời khuyên của “người có kinh nghiệm” mà cho rằng ước mơ của mình là xa vời với thực tế.

18 tuổi. Tôi nhắm mắt đưa chân bước vào một trường đại học về kinh tế, đăng ký học một ngành được cho là “hot và top” trong trường. Bắt đầu cuộc sống sinh viên, tôi gặp những người lạ. Xung quanh khu vực giao tiếp hạn hẹp của mình, tôi được họ rỉ tai rằng: “Đời sinh viên là phải dấn thân”. Có người khuyên nên đi làm thêm để có tiền phụ giúp ba mẹ, bởi mức học phí đắt đỏ hằng năm mà tôi phải nộp sẽ là gánh nặng với gia đình; người lại bảo rằng tôi nên tham gia vào các câu lạc bộ để mở rộng vòng tròn quan hệ với những người xa lạ; người lại nói tôi nên học thêm tiếng Anh và các kỹ năng sống tại các trung tâm nổi tiếng để tăng thêm giá trị của bản thân,...

Tôi 18 tuổi. Lạ lẫm và ham thích một chút với những thứ mới mẻ; lúc rụt rè, chùn bước, lúc lại quyết tâm muốn dấn thân. Bằng chút nỗ lực bé nhỏ, hời hợt còn sót lại, tôi theo chân đứa bạn đi làm thêm, rồi đăng ký tham gia vào một hội sinh viên của trường và tìm ra nơi để trau dồi thêm “vốn liếng” tiếng Anh cũng như kinh nghiệm sống cho bản thân. Tôi ôm đồm tất cả chúng, nhưng cuối cùng chẳng xuất sắc thứ gì, chẳng có ai nhìn thấy và công nhận tôi trong số họ. Trong lúc mê mải bận rộn chạy theo chúng, hình như thời gian của tôi dần co lại, bẵng đi một vài tháng là những kỳ thi lại bất ngờ tới. Tôi như bị đánh úp, co cẳng chạy đua trong những ngày sát rạt kỳ thi, ôn thi thâu đêm, cả ngày lẩm bẩm học vẹt như một cái máy những kiến thức mà mình chẳng còn chẳng biết đã gặp nó ở đâu. Sau đó thì tôi nhận được một bảng điểm lên xuống thất thường y như đồ thị hình sin và chẳng có chút kiến thức hay ho gì để lại trong đầu. Người ta bảo, thế mới là sinh viên!

Sau đó không lâu, tôi bỏ việc tham gia hội nhóm và “học thêm” tiếng Anh cũng như kỹ năng tại trung tâm vì chẳng nhận ra được bất kỳ sự thay đổi nào từ bản thân. Tôi thấy không thoải mái khi sống trong những tập thể mà cứ luôn phải đón nhận những ánh nhìn phán xét từ người khác, những ánh nhìn mà tôi dù để tâm rất nhiều nhưng chẳng thể giải mã được ý nghĩa của chúng là gì, tôi cảm thấy mệt mỏi vì có quá nhiều thứ tồn đọng mà mình phải giải quyết trong một ngày với tất cả những gì tôi phải chịu trách nhiệm. Tôi nhận ra mình đã đi sai và chỉ biết rằng mình nên dừng lại.

Người ta khuyên tôi làm những gì nhưng tôi thì cứ luôn thắc mắc rằng nên làm chúng như thế nào mới phải?

 

Tôi của tuổi 19

Cuộc sống như một guồng quay vô tận, cứ mãi nghiền nát đi thời gian và giấc mơ của những kẻ thiếu bản lĩnh bằng vỏ bọc của sự bận rộn và những thử thách mơ hồ. Để một khi nhìn lại, họ mới giật mình nhận ra bản thân vẫn luôn “chuyển động” trong tư thế “giậm chân tại chỗ”.

*   *    *   *   *

Thời gian tuy chẳng dài nhưng cũng khiến tôi nhận ra bản thân mình đã thay đổi ra sao cho đến năm 19 tuổi.

19 tuổi. Tôi vẫn nhạt nhòa giữa thế giới. Vô định với tương lai. Cho dù là chẳng hay ho gì nhưng có lẽ tôi nên thừa nhận con người thật của tôi bấy giờ, một kẻ hoàn toàn xa lạ với những ảo ảnh mà một đứa trẻ thông minh, hoạt bát năm nào vẫn luôn vẽ ra trên những trang nhật ký.

Một sinh viên năm 2 bình thường, trong một trường đại học Kinh tế được xếp vào hạng trung, với một ngành học chẳng hề liên quan đến ước mơ thuở bé. Tôi ở giữa tuổi 19 trở nên hèn nhát mà chọn cho mình một con đường đã mòn bước để lần theo dấu chân của phần đa những kẻ bình thường khác. Hằng ngày đến trường mà chẳng để tâm với những bài học trên giảng đường, rồi đi làm thêm lại “tận tâm” với một công việc “bán thời gian” (đúng theo nghĩa đen) chẳng liên quan đến chuyên ngành hay sở thích, ngốn mất nhiều thời gian và sức khỏe chỉ để huyễn hoặc bản thân tự mãn nguyện với những đồng lương bé nhỏ, rồi trở về phòng trọ với bốn bức tường và gục đầu vào những giấc ngủ mệt nhoài. Ngày qua ngày, lặp lại như một vòng luẩn quẩn không lối thoát.

Tôi của tuổi 19. Luôn biện hộ rằng mình quá bận rộn để có thể thực hiện một vài chuyến xe về với gia đình những dịp nghỉ lễ, tự cho rằng mình đã quá lớn để còn có thể trao cho ba mẹ những cái ôm mà bản thân khỏi ngại ngùng. Không dám kết giao thêm nhiều bạn bè, không còn thường xuyên liên lạc với bạn “cũ”, chẳng háo hức muốn chu du đến những vùng đất lạ, cũng chẳng còn dùng đôi mắt tinh nghịch và trái tim hồn nhiên để làm quen với mọi chuyện xảy ra xung quanh.

Tôi của tuổi 19. Cứ mải mê đi vòng vòng trong cái ranh giới an toàn mình tự vạch ra mà mù quáng cho rằng nó thật hoàn hảo. Giữa cái thời khắc mà người ta gọi là “tuổi trẻ”, giữa khoảng thời gian được gọi là “thanh xuân”, những tháng năm mạnh mẽ và ồn ào nhất cuộc đời, tôi lại nhút nhát, yếu đuối và bị thế giới xung quanh nhào nặn chả khác gì cục đất sét lem nhem những màu sắc nham nhở mà lũ trẻ mầm non vẫn thường thích thú, nhưng lại không hề nhận ra cái dáng vẻ đáng thương của chính mình.

Năm 19 tuổi, tôi lơ ngơ bước giữa đời như một đứa con nít lạc mẹ trong một khu vui chơi khổng lồ, nơi mà hàng nghìn người hỗn loạn chỉ trỏ về phía một chú hề đang mệt mỏi sau lớp mặt nạ hài hước cùng cái mũi đỏ chót, nơi mà lũ trẻ vắt vẻo trên vai bố mẹ mình rồi hò reo với những màn trình diễn màu diệu của những tay ảo thuật gia kì bí, nơi tất cả dòng người đều đổ dồn sự hiếu kỳ vào những thứ rực rỡ, màu mè mà họ cho rằng thật hay ho và bỏ quên đi những khu vực yên tĩnh, ít huyên náo, ít thu hút đám đông.

Tuổi thơ yên bình sống trong sự bảo bọc của ba mẹ cùng những thành quả bé tí hin thuở bé giờ đã trôi xa, để tôi ở lại, ngày qua ngày chăm chăm tìm kiếm hai chữ “an toàn” khi đang lúng túng lạc bước đi theo đoàn người lạ lẫm giữa “sân chơi cuộc đời”.

Cho tới khi đọc lại lá thư gửi từ 10 năm trước, tôi mới thảng thốt nhận ra mình đã thất hứa với đứa trẻ tên An của năm 9 tuổi như thế nào, đã tổn hao sức lực bao nhiêu khi mải mê làm vừa lòng hằng hà sa số những kẻ luôn chĩa mắt vào người khác dè bỉu, phán xét.

Thất hứa thật tệ, tệ hơn cả là thất hứa với cam kết của chính mình!


Nguồn ảnh: Internet

“Cuộc sống như một guồng quay vô tận, cứ mãi nghiền nát đi thời gian và giấc mơ của những kẻ thiếu bản lĩnh bằng vỏ bọc của sự bận rộn và những thử thách mơ hồ. Để một khi nhìn lại, họ mới giật mình nhận ra bản thân vẫn luôn “chuyển động” trong tư thế “giậm chân tại chỗ...”

 

Mặc kệ người ta nói, dũng cảm lên đi!

Cớ sao tôi 19 tuổi lại quan tâm và lãng phí nhiều thời gian để nghe ngóng xem người khác nghĩ gì về mình? Nếu như năm 9 tuổi, ba mẹ có thể mau chóng xoa dịu tôi khỏi những lời chê bai của người khác chỉ bằng một que kem thì tôi 10 năm sau lại yếu đuối và khó khăn nhường nào để tự vực dậy bản thân khỏi những lời ác ý của những kẻ xa lạ?

Cớ sao tôi 19 tuổi lại mò mẫm đi theo lối mòn của số đông như một đứa mù đường tuyệt đối tin vào Google Map bất chấp mà đi vào làn đường một chiều? Nếu như năm 9 tuổi, tôi tin tưởng vào quyết định của chính mình đã từ chối con búp bê để đổi lấy một chiếc bút mực thì chính tôi 10 năm sau đã bao nhiêu lần trao quyền tự chủ cuộc đời mình cho những kẻ chẳng hề phải chịu trách nhiệm về nó?

Cớ sao tôi 19 tuổi lại bỏ quên con đường về nhà thân thuộc, lại giấu nhẹm đi những nỗi lòng của bản thân và ngày một ít đi những cái ôm hôn thường nhật thuở bé với ba mẹ? Nếu như năm 9 tuổi, tôi luôn mong mỗi tối về nhà quây quần bên mâm cơm mẹ nấu, chạy ùa về mách ba khi bị bạn trêu đùa thì tôi của 10 năm sau lại vô tâm nhường nào với những người luôn đứng sau ủng hộ và sẵn sàng làm chỗ dựa cho mình?

Và cớ sao tôi 19 tuổi lại dần tự cô lập bản thân, xa cách bạn bè và hạn chế kết giao? Nếu như năm 9 tuổi, tôi luôn sẵn sàng nhập hội cùng “đồng bọn” trốn ngủ trưa, rủ “hội anh em” lên triền đê ngồi hát và tuyên thệ với đám bạn hàng xóm rằng sẽ luôn nhớ và giữ liên lạc với nhau thì tôi của 10 năm sau lại yêu thích việc khép nép vào thế giới của bản thân, làm bạn với bốn bức tường kín mít đến nhường nào?

Sự khác biệt của tôi 9 tuổi và tôi 19 tuổi... Đó là một câu chuyện trải dài theo thời gian về thứ mà ta vẫn gọi là lòng dũng cảm, thứ quý giá nhất tồn tại trong trái tim của cô bé 9 tuổi tên An, nhưng chính nó đã dần bị ăn mòn theo những tháng năm mà cô bé ấy miệt mài trên chặng đường dài lang thang gặp gỡ và lệ thuộc vào sự điều khiển của những “đạo diễn tay ngang”, những con người thích lãnh đạo cuộc sống của kẻ khác.

Sự thật là tôi đã suýt quên béng đi việc lắng nghe bản thân, thấu hiểu những tâm tư của chính mình mà đặt cược hết khoản thời gian quý giá của mình vào việc nhập vai một diễn viên nghiệp dư, để rồi luôn luôn cố gắng lắng nghe, hồi đáp và biến hóa mình theo cái nhìn và sự đánh giá của người khác. Có thể tôi chỉ đang cố chứng tỏ rằng tôi tốt trong mắt họ, tôi là người mà chẳng ai có thể trách cứ hay phê bình, nhưng trên thực tế, mọi nỗ lực là vô bổ và hoàn toàn sai khuấy.

Chỉ vì thiếu dũng cảm...

Phán xét của bất cứ ai về cách bạn sống hay những thứ bạn chọn lựa cũng luôn luôn chỉ là những lời kết án một chiều, thiếu công tâm với chính bạn. “Phiên toà cuộc đời” chẳng áp dụng những bộ luật cụ thể để có thể giúp bất kỳ vị thẩm phán nào đưa kết luận ai đúng, ai sai. Vậy còn chờ gì nữa mà không tự cởi trói cho bản thân, dũng cảm đứng lên và bỏ qua những góc nhìn phiến diện đã gây nhiều phiền nhiễu ấy đi?

 

Nếu thật sự có cơ hội cảnh tỉnh chính mình trong suốt bao năm qua thì tôi của hiện tại sẽ chẳng ngần ngại mà hét lên mỗi ngày rằng: “Này cô bé yếu đuối kia, ngừng sợ hãi và quẳng những nỗi lo phù phiếm đi, mặc kệ người ta nói mà dũng cảm lên!”.

 

Vạch đám cỏ ra mà bước...

Chẳng có mẫu số chung nào cho thành công, hạnh phúc hay niềm vui của tất cả mọi người vì cuộc sống đâu phải là những phân số trong toán học. Khi thậm chí mỗi cá nhân lại có định nghĩa riêng về mọi phạm trù xung quanh, thì tại sao ta lại phải bước theo số đông chỉ vì cảm thấy sợ sai lầm và bị chê cười?

Ai cũng nói về đam mê, ai cũng kháo nhau về công thức cho những chiếc bánh thành công, hạnh phúc. Nhưng có lẽ chỉ số ít trong tất cả bọn họ dám đeo bám con đường của chính họ vạch ra, dám một lần tin theo công thức riêng của chính họ sáng tạo mà chẳng hề xao động bởi những lời ong muỗi vo ve. Thậm chí số đông còn lại thường lạc lối trong ma trận của những điều mà cả thế giới vẫn ra rả hằng ngày bên tai.

Tôi từng nghe tới câu chuyện về những con ve sầu, 7 năm chấp nhận sống tĩnh lặng trong lòng đất với thân phận của những ấu trùng, để sau đó được ỉ ôi tiếng hát không biết mỏi mệt trong vòng mấy chục ngày giữa cái nóng thiêu đốt của mùa hạ, trước khi chỉ còn lại cái xác khô trên những thân cây. Con người cũng vậy, liệu có ai biết ta đã trải qua bao nhiêu kiếp làm cây cỏ, cả vòng đời chỉ biết nghiêng mình theo chiều gió cho tới khi được trở thành chúng ta bây giờ? Ai cũng biết rằng cuộc sống ngắn ngủi, ai cũng muốn tận hưởng nó như cái cách những chú ve sầu đã thực hiện niềm đam mê hát hò như một bổn phận, như mục đích sống của bản thân. Nhưng ít ai nhận ra mình cũng chỉ đang đứng yên một chỗ đong đưa theo chiều gió. Y như một ngọn cỏ.

Lỗ Tấn từng nói: “Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi cũng thành đường thôi”. Thế nên, tuổi trẻ à! Thôi đong đưa theo gió, thôi bước theo lối mòn, thôi hòa mình vào đám đông, thôi túm tụm lại ở những nơi huyên náo, màu mè, đã đến lúc lần theo niềm tin của mình mà đi rồi.

Tôi của năm 20 tuổi, chẳng còn dò dẫm, lơ ngơ chen chân theo dòng người ngoài kia, chẳng còn tự kỷ ám thị tin theo những định nghĩa về “đam mê” vẫn tràn lan trong sách báo hay cố gắng trở nên hoàn hảo trong mắt của bất cứ ai. Tôi chỉ làm duy nhất một việc. Đó chính là vạch đám cỏ ra mà bước theo con đường mình đã chọn.

Giữa một ngày mưa Hà Nội, tôi ngồi bên khung cửa sổ hoàn thành nốt câu chuyện dự định sẽ gửi cho tòa soạn Hoa Học Trò vào cuối tuần và dành chút thời gian viết một lời hồi đáp chính thức cho lá thư năm 9 tuổi của mình. Còn gì tuyệt vời hơn mỗi sáng thức dậy và biết rằng lại sắp được làm những gì mà mình thích chứ?

“Cô bé à! Hãy yên tâm về tớ nhé!”...


Nguồn ảnh: Internet

“Khi bạn khao khát một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp sức giúp bạn đạt được điều đó.” – Paulo Coelho.

 

Tác Giả: An Thảo 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/hoangthihuyenn

 
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info


(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,218 lượt xem, 1,172 người xem - 1199 điểm