Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Ta Sống Cuộc Sống Của Riêng Mình, Và Chết Cái Chết Của Riêng Mình

Đã bao giờ bạn tự hỏi mình mong muốn một cuộc sống như thế nào?

Chúng ta thường phác họa những hình ảnh mơ hồ về một viễn cảnh không thực, ở nơi đó ta có một cuộc sống đóng khung trong niềm hạnh phúc chuẩn mực mà ta bị đặt vào một cách thụ động. Công việc thuận lợi, thu nhập cao, các mối quan hệ thú vị, sự thành đạt, kính trọng, sung túc và đầy đủ,… những thứ ta nhìn qua lăng kính của người khác, chấp nhận cái định nghĩa hạnh phúc của người khác, và hướng mình đi theo những niềm vui xa lạ.

Tôi may mắn xuất thân trong một gia đình bình thường đến không thể bình thường hơn. Tôi có thức ăn mỗi ngày, nước sạch chảy ra từ vòi, ba mẹ tôi làm việc chăm chỉ để cho tôi nền giáo dục tốt nhất mà họ có thể chi trả. Hơn hết, cuộc sống cho tôi quyền được lựa chọn chứ không dồn ép tôi vào ngõ cụt của nỗi lo cơm áo gạo tiền. Tôi lấy một tấm bằng đại học, nhận một công việc ổn thỏa, sống một cuộc sống tương đối no đủ, thỉnh thoảng có thể chi trả cho những chuyến đi xa nạp lại năng lượng. Tôi từng nghĩ rằng có thể sống như thế đến hết đời đã là hạnh phúc. Vậy nên, khi có bất kỳ ai hỏi tôi muốn có cuộc sống như thế nào, tôi luôn trả lời là: “Sống tốt.”

Nhưng khi nhìn lại, kỳ thực vẫn có một cảm giác rỗng tuếch và màu mè khi nói ra điều đó.

Tôi có một cuộc sống đều đặn, trật tự và an toàn như sống trong một chiếc hộp, thế nhưng đâu đó vẫn có những so sánh và tị hiềm. Khi còn bé tôi muốn học giỏi hơn người khác, ăn ngon hơn người khác, biết nhiều hơn, đi nhiều hơn người khác; đến lúc trưởng thành lại cảm thấy mình phải thành công hơn, kiếm nhiều tiền hơn, có địa vị, có thành tựu cao hơn người khác.

Từ những ghen tỵ bản năng cho tới những thứ xã hội thổi phồng lên, kể cả khi không có ác ý, thì theo sau sự đố kỵ vẫn là những nỗi sợ. Ta sợ tất cả mọi người đều hơn mình, sợ mình không bằng ai, sợ mình không là ai cả. Bởi vì không tiến lên sẽ bị bỏ lại, thế nên chúng ta luôn bị kéo theo công việc, cố gắng chạy theo cái guồng quay ấy, căng sức ra để có thể yên vị trên chiếc bàn làm việc quen thuộc và hòa nhập vào những mối quan hệ xã giao. Cho đến khi cuộc sống của ta cũ kỹ đến phát mốc. Cho đến khi, ta tự hỏi cuộc sống này có ý nghĩa gì khi mình cứ cảm thấy có một cái lỗ sâu hoắm đang cắm chặt trong lòng, ăn dần ra mọi giác quan, nhức nhối và khắc khoải.

Giữa nhịp sống hối hả một cách trật tự đó, có những khoảnh khắc ta bước lệch một bước đã lập tức cảm thấy mình lạc lối. Ta hoang mang tìm một sự giúp đỡ, ngụp lặn trong lời khuyên của vô số người khác, từ bạn bè, đồng nghiệp, cho đến những người nổi tiếng, những tác giả, doanh nhân - những người mà ta nghĩ họ sống có mục đích, thành công và hạnh phúc hơn mình. Nhưng giữa rất nhiều lời hay ý đẹp đó, ta chợt nhận ra đó là cuộc sống của họ.

Mà cuộc sống của họ, thì không thể trở thành cuộc sống của mình.


Triết lí là kẻ thù của chân lí. Và khi nói đến triết lí, tôi ngụ ý tất cả mọi triết lí, kể cả của tôi nữa, bởi lẽ triết lí tạo ra màn chắn ngôn từ và bạn không thể thấy được thực tại như nó vốn thế. Mọi triết lí đều mang định kiến, và mọi khái niệm đều không phải là cầu nối." – Osho

Đã bao giờ ta thật sự ngồi xuống, đối thoại với chính mình, và lắng nghe chính mình?

Một công thức nấu ăn có bảng nguyên liệu đầy đủ đến đâu, hướng dẫn chế biến tỉ mỉ thế nào đi nữa, thì nó cũng không thể trở thành món ăn. Ta chỉ có thể cảm nhận được hương vị khi ta nếm thử. Trải nghiệm cá nhân hình thành quan điểm sống cá nhân. Khi dừng việc nhìn vào cuộc sống của người khác, tôi nhận ra mình có hai vấn đề: (1) Ta đã nỗ lực bao nhiêu cho thứ mình muốn? Và (2) ta sẽ sống bao lâu trong cuộc đời này?

Sau khi cân nhắc giữa các vấn đề tài chính và tình trạng tâm lý, tôi quyết định cho phép mình nghỉ việc một năm. Tôi không đặt mục tiêu phải đạt được cái gì cao đẹp, phải tìm ra một giá trị cốt lõi hay triết lí sâu sắc nào để thay đổi cuộc sống. Tôi chỉ cần thời gian để nhìn lại bản thân mình, và cho mình cơ hội thử làm những việc mình muốn nhưng chưa bao giờ dám làm.

Khi chia sẻ quyết định này, không phải ai cũng ủng hộ tôi. Hầu hết mọi người nói rằng tôi đang quá liều lĩnh, và tôi không còn đủ trẻ để "rong chơi mà không có gì trong tay". Tất nhiên không phải mọi người có ác ý, và tôi cũng biết rằng mọi quyết định sai lầm đều đi kèm một cái giá. Vẫn có rủi ro sau một năm tôi vẫn phải loay hoay trong những rối rắm của riêng mình, không tìm được mục đích, không biết mình muốn gì. Nhưng có một điều còn chắc chắn hơn, đó là nếu không thử thì đến khi cận kề cái chết, tôi sẽ trách bản thân đã không dám vì mình mà dũng cảm.

Khi rời khỏi cái cuộc sống mà mình từng đóng khung kia, thứ đầu tiên tôi cảm nhận được là mình đã không còn so sánh với người bên cạnh nữa. Khi dừng việc so sánh, tôi không còn cảm giác bị tuột lại. Khi quyết định sống khác đi, tôi chấp nhận việc tất cả chúng ta đều đi trên những con đường khác nhau.

Tôi không bắt mình phải “sống tốt” theo tiêu chuẩn như trước đây nữa. Tôi đơn giản là cảm thấy mình đang sống, đang làm những gì mình cần làm và yên tâm với những gì mình có. Tôi chưa thể trả lời cho câu hỏi mình muốn sống như thế nào, nhưng tôi biết rằng đó không phải là cảm giác, mà kỳ thực chẳng có ai bỏ lại mình.

Hạnh phúc của người khác không thể trở thành hạnh phúc của riêng ta. Vậy nên nếu không dừng chạy theo hạnh phúc của họ, ta không thể biết được liệu mình có thể vui vẻ sống mà không cần những thứ đó hay không.


Thử nghiệm không phải là chuyện dễ dàng.

Tôi bắt đầu chơi ván trượt. Khởi đầu của tôi là con số không tròn trĩnh. Không kiến thức, không kỹ thuật, không có trải nghiệm nào tương tự môn thể thao này, động lực duy nhất của tôi là cảm giác mới mẻ. Bạn có biết khoảnh khắc nào là đáng sợ nhất không? Không phải khi bạn thực hiện những kỹ thuật phức tạp, không phải lúc làm những động tác mạo hiểm như nhảy xuống mười bậc thang hay trượt trên lan can đâu, mà là lần đầu tiên bạn đặt chân lên ván, cũng chính là lần đầu tiên bạn mất thăng bằng và ngã khỏi ván. Đó không phải chấn thương nặng nhất, tôi thậm chí không xây xát gì, nhưng chắc chắn đó là khoảnh khắc khiếp đản nhất mà tôi từng trải qua. Từ lúc bắt đầu cho đến khi có thể giữ thăng bằng và lái ván một cách tương đối thoải mái, đã có những chấn thương khiến tôi không thể đứng lên ván trong một vài ngày, nhưng một khi vượt qua được lần đầu tiên, khi thật sự bắt đầu, bạn đã đứng trên nỗi sợ.

Bắt đầu một thứ gì đó mới mẻ luôn đáng sợ. Không phải tự nhiên mà chúng ta có khái niệm về “vùng an toàn”. Nhưng trên đời có thể có đến một ngàn lẻ một quan điểm khác nhau, trong khi thực tại của bạn chỉ có một, và bạn là người duy nhất có có được trải nghiệm đó. Bạn được trao cho sinh mệnh này bởi bạn đủ mạnh mẽ để sống trọn vẹn hết cuộc sống của chính mình. Vậy nên nếu không tự mình trải nghiệm, làm sao bạn biết đâu mới là cuộc sống mà mình mong muốn?

Nếu không sống cuộc sống của chính mình, làm sao bạn có thể chấp nhận cái chết của riêng mình?


Tác Giả: Kuma_chan

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/kuma.oguri

         --------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,405 lượt xem, 1,393 người xem - 1400 điểm