Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Tại Sao Nhiều Người Muốn Quay Trở Lại Tuổi Thơ

Ta bước đi trên dòng đời vội vã, thoáng qua những làn mây vần vũ, lơ lửng trên bầu trời xanh. Tưởng chừng những làn mây đó giống ta, cứ lơ lửng và trôi đi theo chiều gió. Những áp lực và bộn bề cuộc sống khiến nhiều lúc ta chỉ muốn có một nơi trú ẩn để tạm gác lại những lo âu và có không gian để sạc lại năng lượng. Trong vô vàn những lựa chọn đó, tuổi thơ là một trong những lựa chọn sáng chói và thu hút trong tình cảnh như vậy. Và thực tế thì, có khá nhiều lí do để một người quay trở lại quá khứ và mỗi lí do lại mang trong mình một giá trị riêng với bản thân mỗi người. 

1. Quá khứ thường đẹp đẽ hơn so với thực tế của nó. 

Mình tin rằng ai trong chúng ta cũng sẽ có một nơi để khi ta mệt mỏi, cạn kiệt sức sống hay vui sướng, hạnh phúc để hướng về. Nhiều người chọn hướng về tuổi thơ, bởi lẽ khi đó, đa phần chúng ta không cần bận tâm quá nhiều thứ, chúng ta chẳng có những áp lực về việc kiếm tiền, những mối quan hệ xung quanh, tất cả thế giới của ta tại thời điểm đó là những câu hỏi: nay rủ bạn chơi trò gì? Ăn gì? Bao giờ có phim hoạt hình?...Một cuộc sống vô tư và đầy màu hồng khiến ta luôn khao khát được trải nghiệm nó lần nữa, bởi khi lớn lên rồi, cuộc sống quá nhiều màu sắc khi mang đến những gam màu tươi sáng khi hạnh phúc hay cả những gam màu trầm buồn khi cuộc sống rơi vào trạng thái khó khăn, bế tắc. 

Đôi khi, ta chỉ muốn cuộc sống của mình đơn giản nên nhiều người có xu hướng quay trở lại và hồi tưởng về tuổi thơ là vì vậy. 



2.Ta muốn tìm lại chính mình và nhận ra nhiều giá trị cuộc sống mà tuổi thơ đúc kết được. 

Có thể xảy ra một sự thật: ta của năm 20 tuổi sẽ thua kém ta ở năm 10 tuổi ở một mặt nào đó, kể cả một vài góc nhìn nhận thức. 

Tại sao trí tuệ người lớn lại có thể thua một đứa trẻ? Trong khi, đó chỉ là bản thể của họ ở thời điểm quá khứ và hiện tại. 

Bởi lẽ, mình tin rằng chúng ta ngay từ khi còn nhỏ ít nhiều cũng đã được răn dạy về đạo đức, lí tưởng sống, phong cách sống, những cách để phát triển bản thân, tuy nhiên có thể những điều đó ta sẽ dần bị lãng quên đi do những bộn bề và đa dạng của cuộc sống. Lấy một ví dụ đơn giản như thế này: Nhiều người khi còn bé đọc xong ‘’Của chuột và người’’ sẽ nhận ra một thông điệp: nếu muốn đạt được thành tựu, cần cố gắng hết sức để đạt được nó. Và ta có thể dễ dàng nhận ra nó thông qua cách xây dựng cốt truyện và tình huống cụ thể, nhưng rồi cũng chính ta ở những năm sau, khi trải qua những sự thăng trầm trong cuộc sống, vài lần mất việc, vài lần trượt học bổng, vài lần đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn chưa thể đạt được điều mình mong muốn. Ta nản chí. Ta không còn quá tin vào cái được gọi là chỉ cần nỗ lực đều đạt được. Tuy nhiên, rồi một ngày, tại một hoàn cảnh cụ thể, ta gặp lại cuốn sách đó và thấy được hình ảnh ta của ngày xưa đầy khao khát và hy vọng, một tư tưởng mạnh mẽ hiện hữu trong trái tim và trí óc ấy. Ta của hiện tại bỗng dưng thấy lạ về chính bản thân, và tự dưng được thức tỉnh. Không một ai tác động, chỉ là bản thân ta của ngày xưa đã đem đến cho ta những năng lượng mới, nhận thức mới dù đã cũ. Ta ngỡ ngàng như nhận ra một điều gì bí ẩn, dù nó vẫn luôn nằm trong trí óc ta. Hay một tên giết người khi nhìn thấy hình ảnh hồi xưa của mình liền bật khóc vì không thể trở thành phiên bản như anh ta đã từng mơ ước. 



3. Tại tuổi thơ gắn với một thứ đặc biệt trong trái tim mỗi người

Thường thì người ta sẽ yêu một giai đoạn nào đó bởi tại thời điểm đó có một thứ làm con người ta thương nhớ. 

Với nhiều người, trong trái tim họ luôn xuất hiện hình ảnh của những gốc cây, một nơi mà hồi nhỏ họ cùng đám bạn mỗi trưa lại tụ tập. Hay hình ảnh cùng đám bạn trốn ngủ trưa chạy phá làng, phá xóm, một hình ảnh quen thuộc thời đó nhưng giờ lại quá xa lạ với họ. Hoặc cũng có thể, tuổi thơ là nơi gắn với hình ảnh một người đặc biệt, ví dụ như người bà, người trao cho họ tình yêu vô điều kiện. Họ nhớ những khoảnh khắc đó, nó khiến họ nung nấu và bồn chồn mỗi dịp nhớ lại, những cảm giác đó khiến họ cảm giác trở nên ‘’người’’ hơn. Chính những khoảnh khắc hồi tưởng về quá khứ khiến cho những giây phút thực tại được thăng hoa, khi họ được đắm chìm trong những cảm giác mà đa phần do họ nhìn thấy những giây phút kì diệu nhất. Một cuộc sống tưởng tưởng làm tô mờ đi những khó khăn và u ám trong cuộc sống hiện tại. Thế nhưng, hồi tưởng về quá khứ không đồng nghĩa với việc chốn tránh hay bỏ bê thực tại, họ vẫn sẽ sống, sống hết mình với những điều đang diễn ra, chỉ là trong thâm tâm họ vẫn luôn có chỗ chứa cho những khoảnh khắc quá khứ, để rồi chỉ một hiện tượng khẽ chạm là những kí ức đó sẽ quay về, trở lại mà không cần báo trước.



4. Chạm đến những thứ bình dị

Khi lớn lên, ta dường như không còn bị bố mẹ quá kiểm soát nữa, ta có thể tự do làm những điều mình muốn trên một giới hạn nhất định nhưng cũng chính vì vậy, nhiều khi ta lại muốn rằng sẽ có một ai đó mắng chửi ta, nhắc nhở ta đang đi sai hướng hay không. Hay xưa kia, khi còn thơ trẻ, ta có thể dễ dàng chạy đến người thân mà khóc rồi kể về hàng loạt lí do khiến ta cảm thấy bị tổn thương. Nhưng dường như, khi lớn lên, những câu chuyện như vậy thật khó để nói ra, dù bố mẹ vẫn luôn ở đấy, luôn sẵn sàng lắng nghe ta, nhưng kì lạ thay, ta không thể mở lời vì những khoảng cách vô hình nào đó. Bởi vậy, nhiều bạn trẻ trong hành trình lớn của bản thân đã từng rung động bởi những câu hát trong ‘’Khi em lớn’’ của Orange: 

‘’Khi em lớn đường về nhà sao quá xa

Cha mẹ đây nhưng sao chẳng thể nói ra

Con thất bại rồi, chỉ muốn bé lại thôi.’’


Trong hành trình tuổi trẻ của mỗi người, hẳn sẽ có đôi ba lần chúng ta muốn được bé lại, để đắm chìm trong những kỉ niềm và hồi ức tươi đẹp hồi xưa, bởi Lỗ Tấn cũng đã từng nói: chiếc bánh bao ở quá khứ thường sẽ ngon hơn chiếc bánh bao của thực tại, bởi quá khứ luôn là thứ gì đó tốt đẹp trong trí não ta, do vậy, những hình ảnh xưa kia cứ mãi đẹp đẹp và trở thành hình ảnh khó thể quên mỗi dịp nhớ về. Hay tuổi thơ là nơi ta được sống vô lo, vô nghĩ không có những áp lực bồn bề khiến ta bị bào mòn và tiêu hao năng lượng quá nhiều. Tuổi thơ ta có được những mối quan hệ bền chặt và không vụ lợi, có được những người yêu thương ta vô địa kiện trong khi thực tại có thể ta sẽ không còn gặp được nữa. Tuổi thơ là lúc ta dám thể hiện cảm xúc một cách tự nhiên và gần gũi nhất, trong khi thực tại, đôi khi ta không thể thể hiện nó vì những hậu quả nó có thể sẽ xảy ra. Tuổi thơ, một thứ tươi đẹp ta luôn hướng về vì một cách kì diệu nào đó, có ai đo lường được giá trị của tuổi thơ cơ chứ, mỗi người một hoàn cảnh và một cuộc sống sống, và cứ vì vậy sự ảnh hưởng của tuổi thơ lại trở nên đặc biệt với mức độ khác nhau trong trái tim mỗi người.



Tác Giả: Đỗ Thị Ngọc Bích

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/bichdo2938/ 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

503 lượt xem, 439 người xem - 443 điểm