Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Tâm Sự Của Một Người Chị Có Em Trai Bị U Màng Não

1.     Em trai-món quà lớn nhất mà bố mẹ dành cho tôi…

Khi lên năm lên sáu, nhìn bạn bè ai cũng có anh chị em, tôi cũng nằng nặc xin mẹ một đứa em để chơi cùng. Tôi cố gắng thuyết phục mẹ, như các start-up thuyết phục các nhà đầu tư trên Sharktank. “Con cưng em nhất, chiều em nhất, cái gì cũng để dành cho em…”. Nhưng khi có Xoài (tên ở nhà của em) rồi thì có vẻ tôi quên mất mình đã hứa gì. Tôi khó chịu với nó ra mặt .Bố mẹ về nhà chỉ quan tâm đến em. Khách khứa đến chơi âu yếm xuýt xoa nó để mặc tôi như củ khoai lang. Nhưng khi gạt bỏ những ích kỷ trẻ con đi thì em tôi là đứa trẻ rất đáng yêu và khiến cả nhà càng thêm gắn bó. Xoài không chỉ là em mà còn là người bạn thân nhất của tôi, luôn thích thú nghe mấy câu chuyện đùa mà chỉ có nó mới thấy buồn cười. Hiếm có nhà nào chị em chơi hợp đến thế. Em Xoài và tôi rất thân nhau. Mặc dù vậy, tôi luôn ước ao quay trở về khoảng thời gian khi Xoài còn bé bỏng. Đấy là khoảng thời gian thật hạnh phúc, khi em còn chưa bị bệnh...

 2.     Căn bệnh nan y không rõ nguyên nhân…

Khi em lên bốn tuổi, bố kể với mẹ một điều kỳ lạ là sáng nay nhắc Xoài cài cúc áo đến ba lần mà có vẻ em không nghe thấy gì. Ai cũng chỉ nghĩ đơn giản sáng ra em đang còn ngái ngủ. Lên bảy tuổi em bị ngã xe đạp, trầy trụa hết cả chân tay bị bố mẹ la.  Xoài kể với tôi không phải do bất cẩn, lúc đó đầu em trống rỗng, âm thanh dần méo mó và không biết mọi người xung quanh đang nói gì. Dần dần những cơn vắng ý thức như thế càng nhiều dần, mỗi lần khoảng mấy mươi giây. Bố mẹ tôi phải mất hai mươi triệu để biết rốt cục Xoài bị bệnh gì. Sau khi làm đủ các loại xét nghiệm và chiếu chụp, bác sĩ nói em tôi bị một khối u ở màng não. Nó đè vào vùng ngôn ngữ khiến Xoài bị nói lắp và còn đè vào dây thần kinh thị giác khiến một mắt của em hầu như rất kém không nhìn thấy gì. Lâu dần vì phụ thuộc hoàn toàn vào một mắt khiến mắt Xoài bị lác. Họ hàng hai bên tất cả những người tôi biết đều không ai bị bệnh này.

Dù đau đớn thế nào vẫn phải cố gắng đến cùng để chữa khỏi bệnh, bố mẹ vét hết tiền tiết kiệm mang Xoài sang Singapore chữa trị. Nhưng khối u quái ác khó mà cắt bỏ hoàn toàn vì em tôi có thể bị câm vĩnh viễn. Sau khi đi Singapore về bệnh tình của Xoài thuyên giảm hẳn, nhưng được một năm lại quay trở về như cũ khiến cả nhà tôi suy sụp hoàn toàn. Mẹ vì quá tuyệt vọng nên sinh ra mất ngủ. Từ đó tới giờ mẹ đều phải phụ thuộc vào thuốc mới có thể ngủ được. “Trở về như cũ” mà tôi muốn nói ở đây chính là biểu hiện nguy hiểm nhất của bệnh u não, đó là chứng động kinh.

Tôi không thể nào quên được ngày đầu tiên tôi chứng kiến Xoài bị co giật động kinh. Đấy là buổi tối ngay trước ngày tôi thi Đại học. Khi mọi người đang cố gắng ngủ để mai đi thi, thì tôi quỳ trước bàn thờ tổ tiên, chắp tay cầu xin một phép màu cho em khỏi bệnh. Tôi khóc đến mức bụng đau quặn lên và quyết định tự tử. Và như bạn có thể thấy đấy, tôi không làm được.  Cái cảm giác không muốn chết nhưng cũng không còn can đảm để sống tiếp. Trong đầu tôi chỉ toàn hình ảnh Xoài ngã ra đất, mồm méo xệch, sùi bọt mép, tay chân co quắp lại . Bố mẹ vội lao tới để đỡ em còn tôi chỉ biết òa lên khóc nức nở. Khoảng 15-20 phút sau Xoài mới dậy được nhưng không được tỉnh táo lắm, đau mắt , đau đầu, buồn nôn rất khó chịu.

Tôi không biết là sau này cuộc đời mình còn rất nhiều, rất nhiều lần như thế, ngồi chờ em dậy sau những cơn co giật, dài như một thế kỷ…

3.   Đối với chị, em là chiến binh dũng cảm nhất!

Những cơn động kinh diễn ra bất chợt không thể báo trước khiến em mất đi tự do. Xoài đã từng bị co giật ở ngoài đường nên những lần đi bơi, đi đá bóng, đi xe đạp đều trở nên rất xa xỉ. Đi đâu mà để em đi một mình thì bất an vô cùng. Em không được học thể dục, không được đi tham quan với các bạn, và là nạn nhân của những trò đùa ác ý. Nhà trường bắt mẹ tôi ký vào giấy rằng nếu em xảy ra chuyện gì nhà trường sẽ không chịu trách nhiệm. Càng lớn, em càng ý thức hơn về bệnh của mình. Trong một lần đi thử máu định kỳ, Xoài nói rằng “Nếu khối u của cháu mà ở ngoài đời, cháu sẽ giết nó ngay lập tức, bằng bất cứ giá nào. Nhưng nó ở trong người cháu, cháu không thể làm gì được. Bác sĩ, đến bao giờ cháu có thể khỏi bệnh?”. Nghe em nói thế tôi không thể nào kìm được nước mắt. Các bạn tầm tuổi đấy đều thoải mái vui chơi, vô tư vô lo, còn Xoài thì chịu thiệt thòi đủ thứ. Tôi cầu mong một phép màu, ước gì tôi có thể bị thay em của mình. Nó là đứa mặt mũi sáng sủa khôi ngô, cực kỳ khéo tay, chơi thể thao rất cừ và đặc biệt là sống rất tình cảm. Nhưng chẳng có phép màu nào cả. Bệnh chỉ càng ngày cảng trở nên trầm trọng. Mỗi lần đến tái khám, bác sĩ đều phải tăng thuốc. Nhưng uống thuốc tây nhiều thì gây ra vô vàn tác dụng phụ. Dậy thì sớm, mụn mọc đầy do gan không kịp thải độc. Tính tình thì trở nên nóng nảy, cục cằn, khó mà giữ được bình tĩnh. Tình cờ tôi đọc được bài báo nói rằng bực dọc hay những cảm xúc tiêu cực đều không tốt cho gan. Mà gan của em tôi thì luôn phải làm việc quá sức do uống quá nhiều thuốc. Thành ra lúc nào tôi cũng phải nghĩ ra mấy trò tếu tếu hài hài để chọc cười Xoài.

Đó thật sự là tất cả những gì tôi có thể làm cho đứa em trai tội nghiệp…    

4.       Bởi vì, một thảm họa đã là quá đủ!

Tôi viết bài này không mong cầu giải thưởng. Chỉ cần độ phủ sóng rộng rãi của YBOX có thể khiến mọi người hiểu thêm về chứng động kinh và cảm thông cho những bệnh nhân u não. Khi họ bị mất ý thức, hãy cố ngăn họ không lao ra đường, ngã cầu thang hay bị bỏng do nước nóng. Đừng cố cho họ ăn uống gì hay gọi dậy khi còn đang bất tỉnh. Hãy cố gắng giúp đỡ những bệnh nhân động kinh khi có thể. Vì khi cơn co giật qua đi, họ cũng là người bình thường như chúng ta.

Vị tỷ phú người Mỹ Charlie Munger từng nói một câu mà tôi vô cùng thấm thía: “Khi đối mặt với một thảm họa, bạn đừng bao giờ để một thảm họa biến thành hai hoặc ba thảm họa.”. Căn bệnh giáng xuống em Xoài là một thảm họa, mẹ tôi vì quá lo lắng sinh ra mất ngủ phải phụ thuộc vào thuốc là thảm họa thứ hai, tôi suýt nữa dại dột tự tử là thảm họa thứ ba.

Bạn ạ, trong cuộc sống mỗi người ai cũng phải trải qua những điều không mong muốn. Rải CV khắp nơi chẳng ai nhận, người yêu ruồng bỏ, bạn bè quay lưng, hay bị lừa hết tiền đến không còn một cắc. Nhưng cũng đừng trong lúc đau buồn ăn quá nhiều khiến tăng cân vùn vụt, hay thay đổi tâm tính  sinh ra trầm cảm

Cuộc sống không thể nào bớt khắc nghiệt hơn, chỉ có thể là chúng ta ngày càng giỏi hơn, can đảm hơn và làm chủ được cảm xúc của mình.

Bởi vì chỉ một thảm họa đã là quá đủ rồi , đúng không?...

Tác giả:  Đinh Thanh Trà

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/thanhtrasp


--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

274 lượt xem, 271 người xem - 293 điểm