Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Thần Tượng Hóa – Mũi Hảo Vọng Của Người Trẻ

Câu chuyện về bóng ma của Mũi Hảo Vọng

Mũi Hảo Vọng là một trong những nơi xa nhất của Nam Phi giáp biển, nó là một trong những địa điểm có tiếng đối với giới hàng hải. Thời trung đại đến cận hiện đại, khi chưa có kênh đào Suez thì Mũi Hảo Vọng là mốc nhận biết mà các tàu biển thương mại phải đi qua nếu muốn di chuyển từ Âu sang Á và ngược lại.

Một trong những câu chuyện rất nổi tiếng liên quan đến địa điểm này là truyền thuyết về người Hà Lan bay (The flying Dutchman), truyền thuyết này được kể ngắn gọn rằng, thuyền trưởng Van der Decken sau chuyến viễn Đông thành công, ông hướng về phía Mũi Hảo Vọng để trở về Hà Lan, lúc này ông đang có kế hoạch xây dựng tại Mũi Hảo Vọng một trạm dừng chân cho các tàu thương mại, khi còn đang mơ màng về kế hoạch tại Mũi Hảo vọng tuyệt đẹp, người thuyền trưởng không để ý rằng mình đã đi vào một cơn bão hung tợn (Vùng biển quanh mũi Hảo Vọng thường có bão, trước khi được đổi tên, địa điểm này có tên là Mũi Bão Táp). Mặc cho các thủy thủ căn ngăn, ông vẫn một mực ra lệnh để tàu tiếp tục đi thẳng đến mũi Hảo Vọng mà ông cho rằng thấy rất rõ (dù thực tế không thể thấy trong thời tiết cực đoan) và không tránh cơn bão, quyết định này dẫn đến cái chết của các thủy thủ, chính ông và con tàu. Sau này khi vùng biển này có bão, người ta đôi khi có thể thấy con tàu từ thế kỷ 17 lướt trên mặt biển (hoặc trên trời) cùng người thuyền trưởng mãi mãi đi tìm Mũi Hảo Vọng.

 Người ta tin rằng vị thuyền trưởng đã thấy một ảo ảnh do chính ông suy tưởng từ sự say đắm với Mũi Hảo Vọng (Ảnh: Tvtropes.org)


Theo đuổi một con người thật hay theo đuổi một ảo ảnh?

Trong cuộc sống, chúng ta luôn đi tìm một lý tưởng sống, mà được gọi là lý tưởng thì nó phải đẹp, phải có tính vĩ đại, lý tưởng đó đủ để thay đổi toàn bộ cách nhìn cuộc sống của một người, thay đổi cả đời người đó. Điều này cũng như người thuyền trưởng tìm thấy mũi Hảo Vọng trong cơn bão hay kẻ lữ hành tìm thấy ốc đảo giữa sa mạc.

Đi tìm lý tưởng sống không phải là điều dễ dàng, do đó nhiều người sẽ lấy nguyên hình mẫu của một ai đó – thường là người đã thành công (hoặc mang dáng vẻ của người thành công) và biến người đó thành hình mẫu, thần tượng của mình.  

Nhưng không phải ốc đảo nào trong sa mạc cũng là thật, việc yêu thương các hình tượng này có một mặt không khách quan là thần thánh hóa các hình ảnh trong tâm trí của người theo đuổi, biến những người được theo đuổi trở thành những vị thần toàn vẹn, những ảo ảnh không có thực.

 

                                                                  Ảo ảnh mặt hồ đầy nước trên hoang mạc (Ảnh: flickr.com)


Ngày nay, trên thế giới và tại Việt Nam, giới trẻ thường noi theo những người có sức ảnh hưởng trong xã hội, đa phần ở các lĩnh vực giải trí và thể thao. Vì những người này thường cùng độ tuổi nhưng đã đạt được những thành tựu nhất định, điều này không có gì là xấu cho đến khi nó biến những người theo đuổi trở thành những kẻ “cuồng đạo” và không còn nhận thức được các chuẩn mực đúng sai, đạo đức. 

“Trong con mắt của kẻ cuồng đạo, không ai đẹp hơn các vị thần” – Vô Danh. 

Hãy cùng phân tích ví dụ gần đây

Ngô Diệc Phàm là một trong những ngôi sao hạng A tại Trung Quốc với gương mặt điển trai và khả năng ca hát, sự nổi tiếng của anh không chỉ có tầm ảnh hưởng tại Trung Quốc mà toàn thế giới (là cựu thành viên của nhóm nhạc Hàn Quốc đình đám EXO), trong mắt người theo dõi – fan thì Phàm là vị thần tuyệt đối của họ. Giữa năm 2021, Phàm bị một số cô gái tố cáo dụ dỗ, tấn công tình dục, môi giới mại dâm và nhiều scandal khác. Hãy cùng theo dõi cách phản ứng của người theo đuổi Phàm trong 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 - Khi các bị hại bắt đầu tố cáo Phàm: Thời điểm này, các fan đồng loạt đăng tin phản bác, bỏ tiền mua một số trang bìa của báo Trung Quốc nhằm đánh hướng dư luận cho rằng các nạn nhân đang vòi vĩnh Phàm vì không được đáp ứng tình cảm, họ tấn công các tài khoản cá nhân cũng như phá rối tại nơi ở, nơi làm việc của người tố cáo. Tại giai đoạn này, Phàm là vị thần toàn vẹn, đẹp về hình thể lẫn đạo đức, những kẻ tố cáo Phàm chắc chắn đang nói dối và phải bị trừng trị. 

                                                            Ngô Diệc Phàm và người tố cáo đầu tiên (Ảnh: Sohu)

Giai đoạn 2 - Khi cơ quan công tố tạm giữ Phàm: vì có bằng chứng xác nhận cho thấy các tố cáo có căn cứ, cơ quan chức năng của Trung Quốc đã tạm giữ Phàm như nghi phạm trong hàng loạt vụ án liên quan đến cưỡng dâm, môi giới mại dâm,… Cần lưu ý rằng tại Trung Quốc, các tội về tình dục được xem là đại tội và kẻ vi phạm thường bị gọi là “cầm thú”. Tại giai đoạn này, những fan của Phàm vẫn một mực cho rằng cơ quan chức năng đã làm sai và có móc nối với những nạn nhân, họ không tin rằng một người toàn mỹ như Phàm lại có thể là một “cầm thú”. Thậm chí một số cô gái còn đứng bên ngoài đồn  cảnh sát nơi Phàm bị tạm giam để lên tiếng phản đối.

                     Ngô Diệc Phàm được mời làm việc tại Cơ quan công tố (Ảnh: gocphongcach.com)

Giai đoạn 3 – Phàm chính thức bị chính quyền Trung Quốc “phong sát”: Sau một thời gian điều tra, dù chưa được đưa ra xét xử, nhưng giới chức Trung Quốc đã chính thức có văn bản cấm Ngô Diệc Phàm tham gia các hoạt động nghệ thuật và xuất hiện trước công chúng. Tại giai đoạn này, dù không thể tìm kiếm từ khóa “Ngô Diệc Phàm” trên trang Weibo (tương tự như Facebook) và các phim tham gia trước đây đều bị gỡ xuống, nhưng người theo dõi – fan vẫn tiếp tục tham gia một số cuộc biểu tình tại nơi Phàm bị tạm giam, cũng như vẽ lên những thuyết âm mưu cho rằng Phàm đã bị hãm hại.

                             Ngô Diệc Phàm và văn bản “phong sát” của Ủy ban Công tác Thanh niên Trung Quốc (Ảnh: congly.vn)

 

Như vậy, ngay từ giai đoạn một cho đến thời điểm Ngô Diệc Phàm bị bắt và thanh trừng khỏi ngành giải trí, những người theo dõi – fan vẫn không tin Phàm làm những việc đồi bại như vậy, và họ sẵn sàng gây gổ với cảnh sát để cứu anh ta, mặc cho các bằng chứng được giới chức Trung Quốc đưa ra.

Có thể thấy rằng, những người “cuồng đạo” này không hề thần tượng Ngô Diệc Phàm như chính con người anh ta, mà đang thần tượng HÌNH ẢNH ĐÃ ĐƯỢC VẼ NÊN trong tâm trí của chính họ, hình ảnh này Ngô Diệc Phàm là một vị thần toàn vẹn, không vết ố, hậu quả là họ đã quên đi những nguyên tắc, đạo lý hay logic mà chính họ sẽ không thể cho qua nếu đó là người khác.

 “Đừng thần tượng bất kỳ ai, vì kẻ vĩ đại nhất vẫn có lỗi lầm, và vì ngươi sẽ biến lỗi lầm đó trở thành của mình ngoài những lỗi lầm đã có sẵn (điều này đúng trong nghệ thuật lẫn đạo đức)”


Như vậy, việc đánh giá đúng một người, một thần tượng rất quan trọng trong việc xác định lý tưởng của người trẻ, nhưng chuyện không dễ như vậy.

Nghịch lý của việc đánh giá một người: không nhiều hơn và không ít hơn.

Loài cá đèn sống tại biển sâu là một ví dụ trực quan nhất về sự nguy hiểm của vẻ đẹp tuyệt mỹ được vẽ ra trong đầu của kẻ theo đuổi, trong cái tăm tối hơn 2000 mét dưới đáy biển, ánh đèn của loài cá này như sự cứu rỗi cho các sinh vật ngàn năm không nhận được ánh sáng.

Sự cứu rỗi này đẹp đến mức sẽ khiến những sinh vật nhỏ bé không thấy được hàm răng ngay phía sau, và thậm chí sau khi đã bị nuốt, những con cá có lẽ vẫn cho rằng: “đó là một ánh sáng tuyệt đẹp !”.

Không bao giờ nhìn nhận sự vật, hiện tượng đặc biệt là con người chỉ dưới một góc độ là bài học chúng ta đã được dạy từ khi còn nhỏ, từ câu chuyện dân gian “thầy bói xem voi” hay thành ngữ “đừng bao giờ đánh giá một cuốn sách thông qua trang bìa của nó”. 

Thầy bói xem voi (Ảnh: sách Ngữ Văn 6)

Người viết cho rằng cần đặt bài học này ở một mức độ cao hơn, đó là: những gì ta thấy cần phải được đánh giá ở mặt khách quan và trần trụi nhất của nó, không suy luận hơn những gì ta thấy và có thể đánh giá khách quan, nói một cách khác là không vội kết luận khi không đủ căn cứ. (nhưng căn cứ bao nhiêu là đủ?, điều này phải dựa vào kinh nghiệm sống). 

Nhưng đồng thời, kết luận có căn cứ, vốn là những kết luận được xây dựng trên các dữ liệu, thông tin khách quan, trải qua thời gian thử nghiệm, thì cũng có thể đánh giá được sự vật, hiện tượng. Lấy ví dụ việc Elon Musk tạo ra tên lửa tái sử dụng. Sau khi hoàn thành sứ mạng trên không gian, tên lửa được lập trình tự quay lại mặt đất và đáp xuống vị trí chỉ định, hoàn hảo và nguyên vẹn, sẵn sàng cho lần sử dụng tiếp theo, điều chưa từng có tiền lệ trong ngành không gian. Nhưng trong quá trình thực hiện, tên lửa của Musk đã rơi và nổ tung nhiều lần trước khi thành công, không thể phủ định trước những lần phóng thất bại, đội ngũ SpaceX đã kết luận được hơn một lần quỹ đạo “hoàn hảo”, nhưng kết quả vẫn có rất nhiều triệu đô la bị thổi bay, những kết luận sai này chính là những cơ sở, được thử nghiệm để tạo nên kết luận có căn cứ - lần bay thành công. Áp dụng trong cuộc sống, đây chính là kinh nghiệm sống. 

Tên lửa tái sử dụng của SpaceX (Ảnh: Arstechnica.com)

Cùng quay với Ngô Diệc Phàm, trong con mắt của những người dù yêu thích hay không, Phàm là một người tuấn tú, hát hay và có sức ảnh hưởng lớn trong giới giải trí, đây là sự thật, căn cứ là thông qua các bảng xếp hạng âm nhạc và xếp hạng ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi cho rằng Phàm mặc định là người đạo đức vì…. anh trình diễn hay trên sân khấu hay cảnh sát bắt anh là sai do Phàm tuấn tú, giàu có là những suy luận không có căn cứ. Vậy do đâu mà người ta vẫn tin tưởng tuyệt đối? có lẽ fan – người theo đuổi của Phàm không thể từ bỏ ảo ảnh của Phàm trong họ (một điều không có thật).

Không chỉ nghệ sĩ, người trẻ còn thần tượng nhiều kiểu người khác nhau trong xã hội, thần tượng hóa ảo ảnh trong tâm tri, người viết sẽ liệt kê ví dụ điển hình và phân tích về cách đánh giá một người: 

Không đánh giá, kết luận về người khác nhiều hơn thông tin ta biết về họ…..

1.       Tiến sĩ, đây học vị cao nhất mà một người có thể đạt được thông qua việc học tập và nghiên cứu, trong tâm trí của hầu hết mọi người, đây là những “người thông thái”, học rộng, hiểu nhiều. Thực tế, học vị tiến sĩ có thể đạt được thông qua việc nghiên cứu MỘT ĐỀ TÀI và bảo vệ MỘT LUẬN VĂN thuộc MỘT LĨNH VỰC, và thường thì các đề tại đó cực kỳ cụ thể và chi tiết, nó rất cá biệt, những tiến sĩ có kiến thức sâu nhất trong đề tài của mình không đồng nghĩa họ hiểu rộng mọi vấn đề. Đây là đối tượng thường bị hiểu nhầm nhất trong hoạt động liên quan giáo dục đào tạo, người viết từng biết một tiến sĩ chuyên đi bán các khóa học về thành công, viết những cuốn sách về thành công, kiểm soát tâm trí, cảm xúc, hôn nhân, gia đình, dù ông là một tiến sĩ chuyên ngành về kinh tế. Ông nói chuyện có phần dung tục, nhưng đương nhiên, đối với những người theo đuổi, đó là “lời thật tự đáy lòng” từ một tính cách thẳng thắn chứ nào phải lời văng tục. Người viết cho rằng không phải vị tiến sĩ này không có quyền nói về những điều trên, tuy nhiên việc luôn đưa danh hiệu tiến sĩ (chuyên ngành kinh tế) để thu hút người nghe về thành công, gia đình, hôn nhân, tâm lý thì không phải là một hành động chuẩn, tương tự như một tiến sĩ tâm lý nhưng giảng giải về công nghệ thông tin. Như vậy, danh hiệu tiến sĩ đã bị hiểu nhầm từ “người chuyên ngành” trở thành “người thông thái”.

Tiến sĩ (PhD) chỉ nghiên cứu trong chuyên ngành của họ trong rất nhiều ngành (Ảnh: IDP.com)

 …. Nhưng cũng không đánh giá, kết luận một người chỉ dựa trên thông tin ta biết về họ

2.       Người tốt - sẽ thật lạ khi người viết đột nhiên đưa một danh từ không phải danh hiệu, cũng không phải học hàm, học vị hay chức sắc để giải thích cho hiện tượng thần tượng hóa của người trẻ. Xin hãy để người viết được giải thích, trong cuộc sống, chúng ta gặp rất nhiều người, và chúng ta thường phân tích, đánh giá và phân loại thành một trong hai nhóm: tốt hoặc xấu. Ví dụ: cha, mẹ, người yêu thương ta: người tốt; Bạn trai cũ, bạn gái cũ, người làm đau chúng ta: người xấu (Người viết đang đề cập đại đa số, không sử dụng những trường hợp cá biệt để đánh giá). Bằng cách nhìn nhận như trên, chúng ta sẽ tránh được việc bị tổn thương, tuy nhiên mặt trái là chúng ta sẽ nhìn nhận phiến diện rằng một người chỉ có thể hoàn toàn xấu, hoặc hoàn toàn tốt.

 Việc này được xuất hiện rõ nhất ở những cặp đôi yêu lần đầu, khi đang yêu, trong mắt người tình, đối tượng luôn là người hoàn hảo và các khuyết điểm dễ dàng được bỏ qua chỉ cần người đó quan tâm đến bạn, tuy nhiên, khi một mối bất hòa xảy ra (ví dụ bạn nam tát bạn nữ một cái vì nóng giận đến đỉnh điểm), đối tượng sẽ có xu hướng đặt câu hỏi “tại sao một người yêu mình lại có thể hành động như vậy?” và sẽ dễ dàng đi đến kết luận : “chỉ có thể là người đó HOÀN TOÀN không yêu mình”, dù sau đó người bạn trai có cố  gắng giải thích thế nào, trong mắt đối phương, anh ta đã là kẻ xấu.

Kết luận này là điều có thể hiểu được khi bạn không đủ trải nghiệm trong cuộc sống, và chỉ phân loại một người hoàn toàn tốt (entirely good) hoặc hoàn toàn xấu (entirely bad). Con người luôn có phần “con”- tức là phần thú, mặt xấu, trái với nhân tính – tức phần “người”. Chúng ta luôn có một con quái vật, nằm ẩn sâu bên trong tâm thức, nhưng bị phần “người” kiềm hãm không dễ thoát được ra ngoài. Tôi đã từng tin ông của mình là một người hoàn toàn tốt, cho đến khi biết được trong chiến tranh, ông đã nổ súng và giết chết nhiều kẻ địch – vốn dĩ cũng là con người, dù có thể biện minh đó là trong cuộc chiến, nhưng không thể phủ nhận việc ông đã tước đi mạng sống của của người khác và ông tự dày vò cho đến khi qua đời, vì kẻ thù cũng có thể là một người chồng, một người cha, một người ông của ai đó. Hay chính bản thân người viết cũng từng cho rằng bản thân là người tốt cho đến khi bị kẹt xe hàng tiếng đồng hồ, và khi bị người phía sau đâm vào đuôi xe, người viết đã thét lên “bị mù à!” – một hành động chưa từng xảy ra, nó khiến chính người viết bị ngạc nhiên về khả năng “ác” của bản thân. Bạn đã từng tự ngạc nhiên về khả năng "xấu"/"ác" của mình chưa?. 

Nếu người đọc vẫn nhất quyết tin rằng có những người có tâm hồn của thiên thần – không có phần “con”, bạn có thể tìm thêm các thông tin về thí nghiệm Milgram trên lòng ác của con người. Tóm lại, không có người tốt hay người xấu, chỉ có người tốt, xấu tại các thời điểm khác nhau, và đối với người bình thường, các thời điểm xấu sẽ ít xuất hiện hơn nhiều, nhưng khi nó xuất hiện, đừng lấy làm ngạc nhiên. Đây là một bài học đắt giá trong việc đánh giá một người. 

 Tốt và xấu luôn đi với nhau (Ảnh: Phim The Emperor's New Groove)

Người viết xin được nhắc lại, không đánh giá một người chỉ dựa trên những gì ta thấy và không đánh giá một người nhiều hơn những gì ta thấy là điều rất khó, như một nghịch lý nhưng lại đi song song với nhau, và chúng ta luôn phải thực hiện, như một cách bảo vệ bản thân trong xã hội loài người.

Cách nhận biết bạn đang theo đuổi một ảo ảnh

Từ hiện tượng và các ví dụ ở trên, người viết cho rằng, người đọc đã phần nào dự liệu được cách để xác định liệu ta có đang thần tượng một ảo ảnh trong tâm trí hay không. Đó là bằng phép thử tưởng tượng, nếu có một tin xấu, có xu hướng làm mất đi hình tượng của người bạn đang theo đuổi (nghệ sĩ, sếp, cha, mẹ, …), bạn sẽ thấy thế nào và hành động ra sao?, ngay lập tức nóng mặt hay vẫn điềm tĩnh?, ngay lập tức tìm lý do để phản bác hay xem xét vấn đề từ cả hai phía?. Nếu hành xử của bạn đều là vế trước của hai câu hỏi: nóng mặt và tìm lý do phản bác, có lẽ bạn cần trả lời một câu hỏi lớn hơn: Bạn có đang nhìn nhận một người như chính họ, hay đang thần tượng hóa hình ảnh của họ trong tâm trí của bản thân?

Không có cảm giác nào tệ hơn bị phản bội, nhất là với người mình đặt niềm tin và thần tượng, do đó hãy đặt đúng chỗ, đúng liều lượng. “Càng ít hy vọng càng ít thất vọng” không chỉ là câu nói về việc niềm tin có thể bị phá hủy, mà còn về việc phải nhìn nhận sự việc, con người đúng như bản chất của nó.

Liệu bạn có sẵn sàng chấp nhận khi thần tượng bị “lung lay”? (Ảnh: Psychology-spot.com)

Lời kết

Người viết mong rằng đã giúp bạn đọc vén được một lớp màn (dù rất mỏng) của sự thật xung quanh chúng ta, để có thể thấy rõ hơn hiện tượng thần tượng hóa trong tâm trí của mỗi người, đặc biệt là người trẻ. Hi vọng người viết đã đặt được vào tay bạn một chiếc la bàn nhỏ trong cơn bão của thế giới thông tin truyền thông, để bạn không còn là người thuyền trưởng đơn độc dễ bị đánh lừa bởi ảo ảnh trong tâm trí. 

Chúc bạn sớm nhìn thấy mũi Hảo Vọng thực sự. 


Tác Giả: PresentMen

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/trungnvq1497 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

220 lượt xem, 199 người xem - 199 điểm