Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Thanh Xuân - Nên Tận Hưởng Hay Chuẩn Bị Cho Tương Lai Về Già?

Hỡi các bạn trẻ, đã bao giờ giữa những năm tháng vội vã của tuổi thanh xuân, bạn đã từng nghĩ “Mình sẽ nghỉ hưu năm bao nhiêu tuổi” chưa? Hay nói cách khác “Bạn đã có bản kế hoạch tài chính tương lai cho bản thân mình chưa?”

Còn nhớ hồi trước, tôi có một cô bạn thân học cùng mình từ cấp 3 lên đến Đại học. Phải nói, tôi và cô ấy chính là hai thái cực Âm – Dương trái ngược nhau vô cùng. Cô ấy hiền lành, trầm tính, thoạt nhìn thì không có gì nổi bật nhưng lại là một “con nhà người ta” chính hiệu, lúc nào cô ấy cũng chăm chỉ cặm cụi học bài, thi cử rồi nhận học bổng. Trong khi tôi thì lại là một người hướng ngoại, yêu thích giao lưu kết bạn và đi du lịch, thành tích không đến nỗi là tệ nhưng chưa bao giờ thích học. Tại sao ư? Đơn giản vì tôi luôn nghĩ kiến thức sách vở chưa bao giờ giúp tôi áp dụng vào trong thực tế.

Trong suốt nhưng năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, khi mà cô bạn ấy luôn cố gắng giành từng suốt học bổng để tiết kiệm chi phí, tôi lại cố gắng đi làm thêm để lấy tiền đi du lịch, để trải nghiệm đời sống vì thanh xuân mà, chỉ có một lần trong đời nên luôn phải chơi hết mình.

Và rồi cứ thế suốt 4 năm Đại học, cô ấy chăm chỉ học hành, tiếp thu kiến thức sách vở còn tôi thì “đắm mình” trong những cuộc chơi vô tận, giao du khắp “muôn trùng địa hải”. Hai người từ bạn thân, với hai quan điểm sống khác nhau nay bỗng dung trở nên xa cách đến lạ thường. Nhiều lần tôi cũng đã thử rủ cô ấy đi du lịch, tham gia giao lưu kết bạn với mình nhưng lần nào cũng chỉ nhận được câu trả lời “Tớ không có thời gian”. Quả thực, tôi vẫn luôn băn khoăn một người chỉ có sách vở như cô ấy thì làm sao lại không có nổi một chút thời gian dành cho bạn bè.

Mãi cho đến tận ngày họp lớp cấp 3, tôi mới hiểu được hóa ra “không có thời gian” của cô ấy không phải là không muốn dành thời gian cho tôi mà vì cô ấy đã dành quá nhiều thời gian vào việc vun đắp một “bức tường thành tài chính” vững chắc cho mình.

Cô ấy từng nói với tôi rằng “Thanh xuân chúng ta ngắn lắm, nếu không nắm bắt lúc này, khi ta vẫn dồi dào sức khỏe và trí lực để chuẩn bị cho tương lai, mà đợi khi “nước đến chân mới nhảy” thì đã không còn kịp rồi. Tớ đã đánh đổi quãng thời gian vui chơi của tuổi trẻ để có được nhiều hơn quãng thời gian nghỉ ngơi khi về già. Đây là một đầu tư thiệt ít mà lợi nhiều. Còn cậu, cậu đã chuẩn bị gì cho tương lai của mình chưa?”

 Những gì bạn làm hôm nay, sẽ quyết định tương lai bạn ra sao

 Thanh xuân – Bước đệm hay rào cản thành công

Rất nhiều người trong chúng ta đều cho rằng “Thanh xuân là phải đi chơi”, “Thanh xuân không bao giờ quay trở lại nên phải tận hưởng trước”, “Thanh xuân ngắn lắm nên phải chơi khi còn có thể”, …

Tôi cũng từng là một trong những người đó. Nhưng tại sao tôi lại nói từ “từng”? Hẳn là bạn đã đọc câu chuyện trên, nhân vật tôi là một người ham chơi và luôn cho rằng mối quan hệ và trải nghiệm mới là quan trọng nhất. Vì đơn giản, nhân vật tôi ấy cũng cho rằng “Thanh xuân là quãng thời gian đẹp đẽ nhất trong mỗi đời người”. Mà những gì đẹp đẽ thường rất ngắn và mau trôi, chính vì không muốn để lỡ mất “khoảng thời gian vàng” đó nên hầu hết người trẻ chúng ta đều tập trung hết toàn bộ trí lực cùng thể lực vào việc “tận hưởng”, thỏa mãn cảm xúc của mình.

Trong khi đó, lại không ai hay biết hoặc đã quên rằng “Hoa hồng đẹp vì hoa hồng có gai”. Đằng sau mỗi lớp vẻ hào nhoáng, lung linh đều ẩn chứa những mối nguy hiểm rình rập. Đằng sau những tháng ngày vui chơi tuổi trẻ chính là sự trả giá bằng những năm tháng chật vật, lo lắng khi bạn về già. Bạn sẽ cần đi qua tuổi trẻ trước khi bước sang tuổi trung niên rồi tuổi già. Nếu nói sự thành công là có được sự nghỉ ngơi khi về già thì quãng thời gian mà bạn cho là “thanh xuân” chính là nền tảng, gốc rễ của nó.

Bạn có thể nghĩ “Ôi dào, được mấy khi đi chơi, phải tranh thủ lúc mình còn trẻ” hoặc “Không sao, đi chơi xong rồi về tính tiếp, tuổi trẻ mà”, … Vậy hãy dừng lại việc nghĩ như thế đi, bạn của tôi! Chúng ta cứ nghĩ mình có rất nhiều thời gian những thực chất lại chỉ đang ngụy biện cho sự thiếu quyết tâm của mình. Hay nói một cách khác, cái mác “thanh xuân, tuổi trẻ là phải chơi” trong mỗi người chúng ta quá lớn, lớn đến mức khiến chúng ta quên đi rằng, nếu hôm nay không bắt đầu gieo hạt, thì ngày mai sẽ không thể có quả mà ăn.

Tôi nói vậy không có nghĩa bảo bạn không nên vui chơi, trải nghiệm. Đó cũng là một cách để bạn học hỏi cuộc sống, xây dựng hành trang cho bàn thân mình. Cái mà tôi muốn nhắm đến chính là cái sâu xa hơn, cái lợi ích lâu dài hơn kia. Thay vì dành thời gian quá nhiều cho các cuộc vui xuyên đêm suốt ngày, bạn có thể bắt đầu học một ngôn ngữ mới, tìm hiểu về đầu tư, đọc sách để rèn luyện kỹ năng, …. Đầu tư vào cuộc vui có thể cho bạn nhiều cảm xúc nhất thời, nhưng chỉ khi đầu tư bản thân mới đưa bạn đến hạnh phúc. Những cuộc chơi sẽ đem lại cho bạn được nhiều người bạn, nhưng chỉ có sự hiểu biết mới giúp bạn có được tri kỷ.

Tuổi trẻ đúng là ngắn thật nhưng nó sẽ chỉ đẹp khi bạn dành nó cho những việc hợp lý. Nếu đã coi sự nghỉ ngơi sung túc khi về già là thành công thì bạn đã và đang xây dựng để đặt được thành công ấy chưa hay chỉ đang khiến cái đích ấy xa hơn?

Chúng ta cố gắng đi làm kiếm tiền cũng chỉ vì muốn được nghỉ ngơi sớm khi về già, không phải sao?

Tại sao bạn nên chuẩn bị “Kế hoạch tài chính cho tương lai - tuổi già - ngay khi vẫn còn trẻ?

Trong một lần tìm sách để đọc, tôi đã bị ấn tượng bởi bộ sách có tên “Thịnh vượng tài chính ở tuổi 30” của ba vị tác giả người Hàn. Ban đầu, tôi đã cho rằng đó là sách hướng dẫn cách start-up giúp thành công và trở nên thịnh vượng khi mình 30 tuổi nhưng cái tôi nhận được còn hơn cả thế. Chính quyển sách này đã thay đổi 360 độ về quan điểm thành công của tôi.

Từ trước, tôi vẫn luôn cho rằng thành công chính là kiếm được nhiều tiền, có sự dư dả về tài chính để chăm lo bố mẹ và người thân trong gia đình. Mà chưa bao giờ nghĩ rằng kiếm được nhiều tiền chưa bao giờ là cái đích cuối cùng vì lòng tham của con người là vô đáy, bạn sẽ không thể tìm đượcc một con số hoàn hảo cho sự thành công ấy. Trong khi cái đích cuối của con người chúng ta chính là tuổi già, cái tuổi đang chiếm khoảng 1/3 quãng thời gian trong cuộc đời.

Bạn không tin? Vậy hãy làm một bài toán nhỏ để chứng minh điều đó.

Ở dải đất hình chữ S Việt Nam, tình đến năm 2019 thì tuổi thọ bình quân của người Việt đang là 71,0 tuổi ở nam và 76,3 tuổi ở nữ. Cùng thời điểm đó, tuổi nghỉ hưu ở người Việt là 57,5 tuổi (có thể kéo dài thêm 10 năm) còn tuổi người Việt bắt đầu xin việc trung bình là 26,7 tuổi.

Thời gian giáo dục được kéo dài trong vòng 26 năm, thời gian làm việc là 31,5 năm. Tuổi kết hôn trung bình là 25,2 tuổi, trong đó nam giới kết hôn muộn hơn nữ giới 4,1 năm (tương ứng là 27,2 tuổi và 23,1 tuổi) và vợ thường trẻ hơn chồng 5,3 tuổi. Tính từ lúc nghỉ hưu đến lúc qua đời vợ chồng có khoảng 16 năm bên nhau. Vậy nếu tính ra thì trong cuộc đời mỗi người, chúng ta sẽ cạnh gia đình và đi học khoảng 26 năm, đi làm 31,5 năm và nghỉ hưu 16 năm, chiếm khoảng 1/3 cả cuộc đời.

16 năm, 1/3 cuộc đời, số thời gian không hề ít mà cũng chẳng thể nhiều. Thành thật mà nói, 16 năm chưa đủ để bạn tận hưởng hết quãng đời còn lại, nó thậm chí chỉ bằng một nửa quãng thời gian bạn bỏ ra để làm việc (31,5 năm cuộc đời). Bạn thấy có đáng không? Bạn thực sự chỉ muốn ngần ấy năm để nghỉ ngơi sau khi đã bỏ công sức ra gần nửa cuộc đời?

Chuẩn bị kế hoạch về hưu sẽ giúp tuổi già bạn nhàn hạ hơn

Ấy vậy mà nếu từ lúc đó đến 16 năm còn lại, ngày nào bạn cũng phải lo lắng cơm áo gạo tiền, hôm nay mình có tiền hay không, bao giờ mình mới được đi du lịch, … thì rất tiếc phải nói rằng, bạn đã chính thức bước vào nhà tù mang tên “nỗi sợ khi về hưu”, dù bạn có đi bất cứ đâu đi chăng nữa.

Quay lại vấn đề ở trên: “Thanh xuân - Bước đệm hay rào cản cho thành công của bạn”, sau khi đã làm một bài toán về thời gian của cuộc đời, liệu bạn vẫn còn chắc chắn rằng mình sẽ chỉ dành thanh xuân chỉ để chơi; liệu bạn có dám chắc rằng cuộc sống khi về hưu là không quan trọng?

Bạn dành ra mười mấy năm để chơi, tận hưởng một khắc nhưng lại mất gần 50 năm ngày nào cũng bị “giam cầm” trong lo lắng về tiền bạc, ăn mặc. Trong khi bạn chỉ cần chấp nhận đánh đổi một chút, tạm gác chuyện vui chơi trước mắt, vạch ra kế hoạch tài chính cho những năm còn lại cuộc đời thì bạn sẽ được bù lại 20, 25 năm và thậm chí hơn thế.

Chúng ta ai cũng đáng có một quãng thời gian nghỉ ngơi khi về già.

Hãy chuẩn bị cho tương lai ngay từ bây giờ

Không bao giờ là quá sớm để làm một việc gì đó. Bạn đừng nghĩ rằng bạn mới chỉ đôi mươi, vẫn còn tận ba chục năm để làm việc đó. Không bao giờ, không bao giờ và không bao giờ! Điều quan trọng cần nhắc được lại ba lần.

Hôm nay bạn không làm, ngày mai bạn sẽ những cám dỗ khác trong cuộc sống thu hút, rồi mãi mãi sẽ luôn bị cuốn theo dòng chảy của cuộc sống. Bạn sẽ quá bận để lo việc kiếm tiền, cưới vợ/chồng, chăm con rồi nuôi gia đình. Những chi phí sinh hoạt cho gia đình sẽ luôn bao vây lấy bạn, chẳng thể cho bạn một khoảnh khắc lo lắng về việc chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn về hưu, bạn sẽ sống như thế nào khi ngừng làm việc. Vậy tại sao bây giờ, khi vẫn còn nhiều thời gian và sức khỏe, bạn không bắt tay vào chuẩn bị một bản tài chính cho tuổi già của mình?

Bạn chỉ cần dành ra một vài tiếng để dự tính và làm bản kế hoạch đó. Không nhất thiết phải có năng lực nhìn trước tương lai mới làm được, hãy sử dụng trí tưởng tượng cùng đầu óc phân tích của bản thân mình để vẽ lên một bức tranh tương lai của riêng bạn.

Bạn muốn tổ chức đám cưới ở đâu? Trên biển hay ở trung tâm sự kiện? Và con số cụ thể cho chi phí dự tính sẽ bỏ ra.

Bạn muốn sinh mấy đứa con? Chi phí quần áo, bỉm sữa cho con khi con còn bé.

Con bạn sẽ học trường công hay trường tư? Trường chuyên hay đi du học?

Rồi khi con bạn lấy vợ/chồng, bạn có muốn con mình có một đám cưới đáng nhớ không?

Còn chưa kể đến những nhu cầu khác phát sinh như tiền học thêm cho con, tiền đi du lịch hàng năm cho gia đình, tiền mua nhà, mua xe bốn bánh, …

Khi về già, con bạn cũng sẽ có gia đình riêng, chúng sẽ không thể chăm lo cho bạn cả đời. Vì vậy, hãy có một khoản riêng cho bản thân mình. Bảo hiểm, tiền thuốc rồi hậu táng, … bạn cũng nên nghĩ một lần.

Cuối cùng, con số bạn có được có khiến bạn phải giật mình? Số tiền sẽ càng lớn phụ thuộc vào ước mơ của bạn tráng lệ như nào. Nhưng bạn đừng nản lòng vì điều đó, nó sẽ giúp bạn có được cái nhìn khái quát về tương lai của mình, về số tiền bạn cần phải kiếm được để đạt được những ước mơ ấy. Từ đó, bạn sẽ biết mình sẽ cần đầu tư cái gì, tiết kiệm bao nhiêu, chi tiêu thế nào cho hợp lý, để không bị rơi vào vòng xoáy của tuổi già. Bạn đã làm việc hết mình suốt 2/3 cuộc đời, đừng để đến những giây phút cuối đời vẫn còn phải lo lắng về cơm áo gạo tiền hay tiếc nuối vì mãi mãi chẳng thể đặt chân đến nơi mình muốn.

Thà bỏ qua một vài niềm vui khi còn trẻ để lo lắng cho tương lai còn hơn để tuổi già phải trả giá cho những hành động của tuổi trẻ.


Tác Giả: Rosalie Phan

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/rosalie.phan.115/

 --------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +11,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info <3  

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,100 lượt xem, 1,022 người xem - 1034 điểm