Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Thế Hệ Trầm Cảm

Chúng ta đang ở đầu những năm 20 của thế kỷ 21. Thế nhưng, nếu có một cuộc khảo sát về căn bệnh nào xứng đáng được mệnh danh là "căn bệnh thế kỷ", tôi sẽ không ngần ngại mà bỏ ngay một phiếu cho bệnh trầm cảm. Mặc dù HIV vẫn chưa tìm ra thuốc giải hay vắc xin, dịch COVID vẫn đang hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới, hay những thể loại dịch cúm gia cầm đến mùa lại trồi lên như nấm sau mưa,, nhưng trầm cảm lại có độ nguy hiểm và tác động của nó lên xã hội cao hơn hẳn các thể loại bệnh dịch khác. Có rất nhiều người trẻ trong chúng ta có thể đang bị trầm cảm mà không hề hay biết. Và tiếc thay, chúng ta không thể dùng vắc xin hay thuốc men để chống lại căn bệnh này được.

Trầm cảm ở giới trẻ - không phải câu chuyện để đùa

Trầm cảm là cụm từ mà chúng ta được nghe và thấy đặc biệt nhiều trong những năm đổ lại đây. Lướt sơ sơ một vài bài viết tranh luận hay "bóc phốt" trên Facebook là có thể thấy ngay các comment có chứa cụm từ "trầm cảm" (hoặc nhiều khi là biến thể của nó - ckam kam chẳng hạn) mà chẳng có chút hàm ý gì liên quan đến ý nghĩa gốc của cụm từ đó. Bởi vì thật lòng mà nói, mấy ai hiểu trầm cảm thật sự nghĩa là gì? Hầu hết các bạn sẽ cắt nghĩa nó như một trạng thái cảm xúc tiêu cực đơn thuần, chứ không hiểu sâu xa hơn.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, bệnh trầm cảm được định nghĩa, hay nói đúng hơn, được nhận diện qua "sự buồn bã, mất cảm giác hứng thú và khoái lạc với những hoạt động thường ngày trong một thời gian dài, thường đi kèm với rối loạn giấc ngủ, khẩu vị ăn uống, sự mệt mỏi và kém tập trung. Những hậu quả mà trầm cảm gây ra thường lâu dài và ảnh hưởng mạnh đến khả năng sống vui vẻ, hưởng thụ như một người bình thường". Tức là trầm cảm không chỉ là một trạng thái tiêu cực nhất thời, mà là sự rối loạn dai dẳng về cảm xúc và có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh lý của người gặp phải, khiến con người chán ăn, chán ngủ và thậm chí là chán sống.

Điểm qua trên thế giới thì trầm cảm không còn quá xa lạ với mọi người, khi nhiều ngôi sao từ Hollywood sang K-pop đã đi đến tự tử để chấm dứt cảm giác giày vò mà trầm cảm mang lại. Với những người thức thời, chắc chẳng ai lại không nhớ tới cái chết của danh hài Robin William ở tuổi 61, của đầu bếp Anthony Bourdain - người ăn món bún chả cùng với Tổng thống Obama, hay của những ngôi sao trẻ như Jonghyun, Sulli, Goo Hara. Sự ra đi của họ là nỗi tiếc thương cho bao nhiêu người hâm mộ, và cũng là những bài học cho những người ở lại về cuộc sống khắc nghiệt của giới giải trí. 

Với người nổi tiếng là vậy, với người thường chúng ta cũng chẳng khá hơn là bao. Trong vòng 2 năm trở lại đây, nhiều tổ chức y học và báo chí đã đưa ra các thống kê về tỉ lệ bệnh trầm cảm trên thế giới. Theo WHO, vào năm 2017 đã có khoảng hơn 300 triệu người trên thế giới đang trải qua căn bệnh trầm cảm. Điều đáng nói là, dù trong hơn 300 triệu người này, số người mắc bệnh trầm cảm nhiều nhất rơi vào độ tuổi trung niên trở lên, nhưng tỉ lệ tự tử do trầm cảm và các bệnh tâm lý cao nhất lại ở độ tuổi từ 15 tới 35, chính là từ thế hệ 8X đổ lại - những người trẻ chúng ta. Chính bởi những số liệu này, cùng với tình trạng càng ngày càng nhiều người trẻ tìm tới bác sĩ tâm lý, hoặc tệ hơn là tìm tới cái chết để giải thoát, mà những cụm từ như "cô đơn", "trầm cảm", "buồn bã", "bất ổn" trở thành cái nametag cho thế hệ millennials chúng mình.

Và Việt Nam đương nhiên cũng không ngoại lệ. Trầm cảm, vốn trước đây được coi là thứ bệnh của người già, thì nay lại được dùng cho những người đang ở tuổi ăn học, những ngưới mới ra trường, những người đã và đang đi làm. Những người vốn dĩ phải luôn tràn trề sức sống và lạc quan. Nhưng đáng buồn là, không phải ai cũng có cái nhìn rõ ràng về vấn đề này, kể cả những thành phần trong chính thế hệ trẻ bây giờ.


Chúng ta luôn bị những sức ép từ học hành, công việc, định kiến xã hội làm cho mệt mỏi, mà nếu những mệt mỏi, bức xúc ấy không được giải quyết, chúng sẽ dẫn đến cảm giác u uất trog một thời gian dài, và trầm cảm là điều không thể tránh khỏi. Những người thế hệ trước có lẽ chưa hiểu được điều đấy. Họ cho rằng ngày họ còn trẻ, mọi thứ còn khó khăn hơn bây giờ, nhưng họ vẫn vượt qua và nuôi dạy chúng ta. Nên việc con cái mình trầm cảm, theo họ vẫn còn là cái gì đó nực cười, "đú đớn", "làm quá", chứ chưa coi nó là một loại bệnh nghiệm trọng như bao loại bệnh về thể chất khác. Rồi còn cả những cô, cậu bạn tầm tuổi mình, lên mạng và đùa cợt về trầm cảm, hay lại có cả những người gặp một chút vấn đề đã vội kết luận rằng mình bị trầm cảm. Tất cả những hành động như vậy, dù vô tình hay cố ý, đều gây tổn thương đến những bệnh nhân thật sự, và khiến họ cảm thấy bệnh của mình không được nhìn nhận nghiêm túc. Và bất kể là họ có để ý hay không thì những hành vi, tư tưởng sai về trầm cảm đều có thể gây nguy hiểm tới những người đang mắc phải. Và đương nhiên là điều này cần phải thay đổi.

Trầm cảm - nên có cái nhìn thế nào cho đúng

Thế hệ trầm cảm - đây là danh từ mỹ miều mà báo chí đặt cho chúng ta. Không chỉ bởi tình trạng trầm cảm ở cái thế hệ này đang gia tăng, mà có lẽ còn vì những tính cách chung của những người trẻ hiện tại. Chúng ta là một thế hệ nhạy cảm và thực tế, thậm chí đến mức bi quan. Việc lớn lên trong môi trường phát triển và dễ dàng tiếp cận với xã hội bên ngoài đã khiến chúng ta thấy được nhiều vấn đề, bất công trong cuộc sống và khiến tư tưởng của chúng ta bớt màu hồng và thêm chút màu xám. Bên cạnh đó, xã hội ngày càng phát triển khiến những kỳ vọng mà bố mẹ, xã hội đặt lên vai những người trẻ ngày một lớn, và đương nhiên sẽ gây áp lực ít nhiều lên chúng. Và như đã nói, những áp lực này nếu không được giải tỏa sẽ dẫn đến những cảm giác tiêu cực hơn và cuối cùng là tìm tới sự giải thoát. 

Tìm hiểu về bệnh trầm cảm không phải là chuyện dễ dàng. Nó không phải cái thứ bệnh mà chỉ có phân tích về mặt khoa  học là ra, cũng không có thuốc giải hoàn toàn và chắc là phải rất lâu sau này mới có ai đó chế ra được thuốc chữa. Không phải ai cũng bị trầm cảm vì cùng một lý do. Chính vì thế mà chúng ta phải cùng tự tìm hiểu, ngoài việc đọc các bài báo, tài liệu nói về trầm cảm, thì cũng nên để ý tới chính bản thân chúng ta và những người xung quanh. Phát hiện dấu hiệu trầm cảm ở một người, chính là một cách để cứu người đó. Bởi họ sẽ cảm thấy được lắng nghe, không bị bỏ rơi và vật lộn trong chính những tư tưởng giày vò của mình.


Kể từ ngày tôi đọc hồi ký của một người nổi tiếng (là một tiểu thuyết gia mà tôi yêu thích) đã từng bị trầm cảm, tôi cực kì chú ý đến vấn đề này và thường để tâm đến mọi người xung quanh, từ gia đình cho đến bạn bè tôi, và luôn cố gắng giúp đỡ họ về mặt tinh thần bởi tôi rất sợ họ rơi vào cái tình trạng như tôi đã đọc trong sách nếu không có ai bên cạnh để sẻ chia. Hai tháng trước, vào một buổi chiều, tôi nhận được vài tin nhắn từ một người bạn thân, bảo đại loại rằng bạn ấy đang cảm thấy mệt và kiệt sức, muốn gọi tôi một chút. Tôi gọi bạn ấy ngay lập tức, và trò chuyện cùng bạn cả buổi chiều. Sau hôm ấy bạn bảo tôi rằng hôm đấy bạn cảm thấy thật sự chỉ muốn chết đi, vì cảm thấy quá kiệt sức với những áp lực bạn đang phải chịu, nhưng nói chuyện cùng ai đó khác đã khiến bạn ấy cảm thấy khá hơn rất nhiều, dù đó chỉ là một người bạn không có bằng cấp gì về tâm lý và cũng không có kinh nghiệm tâm lsy nào ngoài nỗi sợ phải xa người thân yêu vì trầm cảm.

Bạn hiểu chứ? Thái độ và sự lắng nghe của bạn có thể cứu lấy một người bị trầm cảm đấy.



Tác giả: Phạm Bảo Ngọc

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/emily.ph.9237/
--------------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 8 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.




----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,961 lượt xem, 1,882 người xem - 1896 điểm