Nguyễn Đinh Cẩm Tuyết@Triết Học Tuổi Trẻ
2 tháng trước
"Thiên Kiến Kẻ Sống Sót" Đã Ám Ảnh Chúng Ta Như Thế Nào?
Khi lựa chọn học đại học, tôi đứng trước trước hai luồng ý kiến rằng:
Học tập là con đường tốt nhất và ngắn nhất để đi đến thành công và có cơ hội “đổi đời”,
nhưng cũng có người khuyên rằng:
Học cho lắm rồi cũng ra làm công nhân, làm thuê cho người ít học nhưng lắm của.
Và, tôi không thấy ý kiến là hoàn toàn sai vì chúng hiển hiện ngay trong đời sống. Nhưng liệu rằng, chúng có hoàn toàn đúng?
Có người bước lên đỉnh vinh quang nhờ con đường học vấn, nhưng cũng có kẻ thất bại trên con đường này; và có bao nhiêu người có thể giữ vững sản nghiệp của mình nếu ít học?
Có lẽ, chúng ta không thể tìm ra câu trả lời chính xác nhưng vô hình trung, chúng ta đã bị thiên kiến kẻ được chọn gây ám ảnh suy nghĩ của mình.
Và sau khi đọc bài viết dựa trên cảm quan của mình, mong bạn có thể chia sẻ góc nhìn cá nhân nhé!
Survivorship bias - Thiên kiến kẻ sống sót
“Thiên kiến kẻ sống sót” - nghe có vẻ xa lạ nhưng thật ra ta đang tiếp xúc với nó hằng ngày, hằng giờ.
Khi lướt các trang mạng xã hội, chúng ta thường xuyên bắt gặp những bài viết với tiêu đề như “Mình đã kiếm được XXX triệu/ tháng nhờ đọc quyển sách này”; “Bill Gates hay Mark Zuckerberg đều bỏ học và đã thành công”... Điều này làm ta tin rằng việc đọc một quyển sách hay làm theo một video hướng dẫn là có thể đạt được thu nhập đáng mơ ước; hay dù không học chúng ta vẫn có thể thành công. Nhưng, nhưng những câu chuyện trên chỉ là bề nổi của sự việc Để có thu nhập cao, người ta cũng cần phải bỏ ra biết bao mồ hôi công sức, trải qua một quá trình tự học, tìm hiểu và bắt đầu từ con số không; hay người ta bỏ học và thành công vì có tư duy và bệ phóng… Còn chúng ta, những con người bình thường liệu có đủ điều kiện hay năng lực để thành công nếu áp dụng quy chuẩn trên?
Qua hai ví dụ trên, có lẽ bạn đã hình dung được phần nào về “thiên kiến kẻ sống sót”!
“Thiên kiến kẻ sống sót” (Survivorship bias) nói đơn giản là sự đánh giá về một tình huống, câu chuyện nào đó dựa trên thành công của một hay một nhóm người mà bỏ qua những người còn lại.
Ví dụ, Bill Gates và Mark Zuckberg bỏ học và thành công, chúng ta tin rằng bỏ học là thành công mà bỏ qua những tai hại của nó.
Chúng ta đã bị ám ảnh bởi “Thiên kiến kẻ sống sót” như thế nào?
Bị ảnh hưởng bởi “Thiên kiến kẻ sống sót” là câu chuyện không của riêng ai, nó tấn công vào tâm lý chúng ta từng bước một và làm ta hoài nghi bản thân mình.
Trước hết, chúng ta bị ấn tượng mạnh bởi thành công hay thành tựu to lớn của một ai đó, từ đó bắt đầu nảy sinh cảm giác ngưỡng mộ và mong rằng mình cũng sẽ được như thế.
Và ngay lúc này, khi đã biết được câu chuyện đằng sau ánh hào quang, ta bắt đầu nghĩ mình cũng sẽ làm được. Chúng ta bắt đầu thực hành theo và nếu không đủ sự kiên nhẫn và quyết tâm, ta sẽ thất bại và trượt dài trên nỗi chán chường. Nếu may mắn, ta có thể vực dậy và làm lại từ đầu, hoặc là sẽ mãi loay hoay ở vùng trũng do chính mình tạo ra.
Thêm vào đó, “thiên kiến kẻ sống sót” không chỉ gây ảnh hưởng đến một cá nhân mà còn ảnh hưởng đến một nhóm người nhất định. Sẽ như thế nào nếu bạn thường xuyên phải nhìn, nghe một thành công nghe có vẻ dễ dàng đạt được hay thường xuyên đối diện với một câu chuyện tiêu cực?
Qua lại vấn đề ở đầu bài viết, nếu bạn thường bị tiêm nhiễm vào đầu óc rằng học đại học ra cũng làm công nhân, hay lương thưởng không bằng một người buôn gánh bán bưng thì sẽ như thế nào? Liệu bạn có thể giữ vững niềm tin hay sẽ bị lung lay trước những cám dỗ?
Và ngoài ra, “thiên kiến kẻ sống sót” còn gây ra nhiều hệ lụy nếu ta không tỉnh táo trước chiêu trò của những kẻ đầu cơ trục lợi. Ắt hẳn không ai muốn mình là nạn nhân của một trò lừa gạt với một món hời từ trên trời rơi xuống, đúng không?
Vậy, chúng ta cần làm gì để không bị “kiểm soát” bởi “thiên kiến kẻ sống sót”?
Làm thế nào để không bị “kiểm soát” bởi “thiên kiến kẻ sống sót”?
Trước hết, chúng ta cần làm rõ rằng “thiên kiến kẻ sống sót” không phải một hiệu ứng hoàn toàn tiêu cực nếu ta biết cách làm chủ nó. Nếu chúng ta có thể làm chủ được nó thì đây chính là nguồn cảm hứng bất tận mà chúng ta có thể tận dụng để phát triển bản thân.
Để làm tận dụng được những giá trị tích cực của “thiên kiến kẻ sống sót” thì trước hết ta phải tránh được việc bị “thao túng” bởi hiệu ứng này.
Thật tỉnh táo trước những bài viết giật “tít”
Giật “tít” luôn là một công thức truyền thông hữu hiệu, giúp người dùng mạng dễ dàng bị thu hút và níu chân để xem toàn bộ nội dung mà tác giả muốn truyền đạt.
Hãy giữ một thái độ trung lập khi tiếp xúc với những bài viết trên, hãy học học và biến tấu, đừng copy vì công thức là một nhưng quá trình giải đề lại khác nhau và cũng đưa đến kết quả khác nhau.
Tìm hiểu rõ quá trình, căn nguyên của sự việc
Chúng ta không thể phủ nhận thành công của một người nào đó, và điều đó cũng hoàn toàn toàn không nên. Điều chúng ta cần làm là đừng vội vàng nhìn vào thành công mà đánh giá vội, phải tìm hiểu quá trình để tránh đi cái nhìn phiến diện.
Đừng hoài nghi bản thân
Mình tin chắc rằng bất kỳ hai cũng có đôi lúc tự hoài nghi bản thân mình, cho rằng bản thân kém cỏi và sẽ không bao giờ có được thành công như người khác.
Bản thân mình cùng đã từng như vậy, khi nghe học sinh giỏi trả lời phỏng vấn rằng họ chi đọc sách giáo khoa, mình cũng tự hoài nghi bản thân mình kém cỏi khi cũng có sách giáo khoa mà không giỏi, tự hỏi rằng có phải mình đã bỏ sót chỗ nào…
Tóm lại, chúng ta có thể ngưỡng mộ thành công của người khác và xem đó là động lực nhưng đừng bao giờ hoài nghi chính mình, thứ bạn thấy chỉ là thứ người ta muốn cho bạn thấy mà thôi.
“Hãy tin vào tiềm năng vô tận của bản thân. Rào cản duy nhất là những giới hạn bạn tự đặt ra.” - Roy T. Bennett, The Light in the Heart
Vậy ta phải làm thế nào để tận dụng được “thiên kiến kẻ sống sót”?
Học hỏi từ trải nghiệm của người khác
Đời người hữu hạn, biển tri thức là vô hạn. Ngoài sách vở, chúng ta có thể học hỏi từ hành trình của người khác, học tập từ những kinh nghiệm của họ, biến tấu để áp dụng cho bản thân; học hỏi từ những thất bại của người đi trước để tránh đi vào vết xe đỗ của những tiền bối. Chúng ta đều là “những con ếch”, chỉ khác nhau cái “miệng giếng” mà thôi. Hãy không ngừng mở rộng “miệng giếng” của mình, còn học là còn phát triển.
Mở rộng tầm nhìn, đánh giá mọi thứ xung quanh bằng cái nhìn đa diện
Vì bản chất của “thiên kiến kẻ sống sót” là đánh giá bề nổi của một sự vật, sự việc, vì thế chúng ta cần nhìn nhận sự việc một cách đa diện, đặt bản thân vào nhiều góc độ để quan sát và đưa ra đánh giá khách quan, đúng đắn nhất.
Xem đó là động lực phấn đấu
Mình biết là rất khó để vượt qua áp lực đồng trang lứa, nhưng sẽ thật tuyệt nếu bạn xem đó là tấm gương, một người truyền động lực để bạn phấn đấu từng ngày. Và nếu không thể xem đó là động lực, bạn hãy dũng cảm bỏ qua nó và tự tin đi trên con đường của bản thân, mặc kệ những điều xao nhãng xung quanh.
Kết luận
“Thiên kiến kẻ sống sót” là một hiệu ứng tâm lý có tác động tiêu cực lẫn tích cực, và chúng ta là người quyết định sự ảnh hưởng của nó.
Vậy nên, mong bạn xem ai đó là động lực phấn đấu mà không phải là khuôn mẫu để o ép mình. Chúc bạn luôn tiến bộ từng ngày, trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình - đó mới là giá trị đích thực.
“Bạn sinh ra là một bản thể, đừng chết như một bản sao.” - John Masson
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
153 lượt xem, 110 người xem - 117 điểm