Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Thời Gian Có Nghĩa Lý Gì?

"Mà thời gian có nghĩa lý gì với ông cơ chứ?"

Đây là câu nói mình cảm thấy ấn tượng nhất trong phim "Người bất từ" của đạo diễn Victor Vũ, khi nhân vật An nói với ông Hùng - một người dùng bùa ngải để mưu cầu sự bất tử.

--

Tự dựng coi tới đây, mình tự hỏi:

Nếu như bây giờ có một bà tiên xuất hiện và ban cho mình sự bất tử mà không cần phải trả giá gì hết, mình có nhận không?"


Ai mà chẳng muốn mình sống lâu, sống thọ, sống vĩnh hằng chứ?

Nhưng, có lẽ mình sẽ không dám nhận, vì đơn giản như nhân vật An nói, thời gian sẽ chẳng có nghĩa lý gì đối với một người bất tử.

Chúng ta chỉ biết sống có ích và sẵn sàng làm những việc ngoài sức tưởng tượng chỉ khi chúng ta biết thời gian của mình là hữu hạn, và rồi sẽ có một ngày mình vĩnh viễn mất đi. Lẽ thường cái gì càng ít thì càng quý và chúng ta càng biết trân trọng, đúng không?


Nhân vật Hùng trong phim "Người bất tử"

“Đời người dù dài đến đâu của cũng là một khoảng rất ngắn trong lịch sử miên viễn loài người” (trích “Nhà lãnh đạo không chức danh”). Dù biết mình nhỏ bé như vậy như loài người là một sinh vật đặc biệt có nhu cầu được thể hiện, được cống hiến và được ghi nhận. Cho nên dù sao thì ai ai ít nhiều cũng cố gắng để lại một di sản trước khi mình qua đời: có thể đơn giản là một đứa con, một căn nhà, dăm ba mẫu đất mà vất vả cả đời mới tậu được; hay vĩ đại hơn là một công trình nghiên cứu hay phát minh khoa học,… Nhưng ngược lại, với một người bất tử thì sao? 70 năm có chăng chỉ như 7 ngày? 100 năm có chăng như một cơn gió thoáng qua? Rồi người thân, bạn bè cùng trang lứa với mình sẽ lần lượt ra đi mà mình vẫn cứ sống sờ sờ như thế? Thật cô đơn biết bao? Thật vô nghĩa biết bao? Nếu như vậy thì bất tử để làm gì?

 

Nói tới đây mình thoạt liên tưởng đến trường hợp tương tự của ông Trương Ba trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da Hàng Thịt” của Lưu Quang Vũ. Khi đứng trước sự lựa chọn giữa việc nhập hồn vào xác Cu Tị để được sống tiếp hay vĩnh viễn mất đi thì ông đã chọn giải pháp thứ hai vì những lý do tương tự. Cho nên đôi khi cái chết không đáng sợ như ta nghĩ, âu đó cũng là một sự giải thoát và lời răn dạy? Chúng ta buộc phải sống ý nghĩa hơn và trân quý từng giây từng phút mình còn thở.

--

Những điều trên cũng không mới mẻ gì, có thể ai cũng thừa biết nhưng tréo ngoe thay nhiều người không dễ gì sống một cuộc đời như mình muốn. Có người muốn làm cái này nhưng không có tiền, không có thời gian và sợ đủ thứ. Cách duy nhất là chờ đến khi nào thời cơ chin muồi. Đây là cách ngụy biện mình thường nghe nhiều nhất, nhưng cái thời cơ đó chính xác là khi nào chứ, chờ mãi, chờ mãi…chờ tới già luôn…và lời ngụy biện cuối cùng trước khi lâm chung là: “Tôi đã không còn đủ sức để làm nữa!” Cho nên người ta nói: “Con người thường hối tiếc vì những việc chưa làm hơn là những việc đã làm”. Đã làm thì dù sao cũng làm rồi, dù có sai, có thất bại thì cùng lắm rút ra một bài học, còn chưa làm thì hối tiếc cũng phải rồi, vì cái viễn cảnh ấy ta sẽ không bao giờ biết được chính xác.

“Nói thì dễ, làm mới khó”. Đôi lúc trì hoãn để chờ thời cơ là một sự kiên trì khôn ngoan, nhưng thực tế phần lớn là ngụy biện như tôi nói. Có một người bạn tôi gặp từ 2 năm trước nói rằng bạn muốn sau 1 năm nữa có được chứng chỉ IELTS 6.5, nhưng tới giờ vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Haizz…Tôi thử nghĩ chắc là bạn chỉ nói đùa thôi. Chính bản thân tôi cũng vậy, nhiều khi nghĩ mình sống quá an toàn và lười nhác. Muốn cái này, muốn cái kia, tự vẽ ra một viễn cảnh tươi sáng vô cùng cho mình sau 1 năm, 2 năm rồi 5 năm, nhưng đi một vòng nhìn lại cũng chỉ làm được bấy nhiêu thôi. Điều đặc biệt là phần lớn những mục tiêu chưa đạt là do tôi chưa bao giờ bắt đầu nghiêm túc vào việc đó chứ không phải đã thử làm và “fail”. Không làm tất nhiên không có kết quả, tôi cũng giận bản thân mình lắm nhưng thời gian trôi, đâu cũng vào đấy. Tôi dần rơi vào cái bẫy trung bình, tinh thần lên xuống thất thường, làm việc chỉ nhìn vào kết quả ngắn hạn thay vì chuyên tâm cho một mục tiêu lâu dài. Suy cho cùng, tôi cũng chỉ là một kẻ giỏi nói chứ không giỏi làm.

Nhưng…không thể mãi như thế được, đã đến lúc tôi nghiêm túc đưa mình vào một khuôn kỉ luật và “ác” với bản thân một tí.


  Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng/Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai



Bạn thử nghĩ xem, không phải lo xa gì, tưởng tượng sau này bạn già đi, ngồi lại với đám con cháu mình, bạn sẽ tự hào kể gì về cuộc đời mình cho tụi nó nghe?

“À, hồi trẻ ông/bà đã từng có một công việc lương ngàn đô, đi xế hộp, được cơm bưng nước rót tận miệng?”

Hay là:

“À, hồi trẻ ông/bà từng bỏ ngang công việc đang làm, với mười mấy triệu đồng trong tay mà cũng gan đi du lịch bụi vòng quanh thế giới, tới nước này nước kia, gặp người này người kia, nhìn thấy kì hoa dị thảo ... bla bla”

 

Bạn nghĩ con cháu bạn sẽ thích nghe câu chuyện nào hơn? Theo tôi thành công của mỗi người không chỉ đo bằng tiền bạc mà còn đo bằng lượng trải nghiệm và kiến thức họ có. Không phải tự nhiên từ ngàn xưa, người được tôn trọng nhất trong xã hội là bật trí giả, nhà thông ngôn, còn kẻ thừa tiền thiếu trí chỉ bị coi là phường trọc phú mà thôi. Quyền hành và tiền bạc có thể ép người khác làm theo ý bạn, nhưng chính đức hạnh và trí tuệ mới khiến người đời “tâm phục khẩu phục”, không cưỡng không ép mà họ cũng cúi đầu sát đất.

---

Nhiều khi tôi nghĩ mình có phải là một bà cụ non không nhỉ? Nhiều khi tôi nghi ngờ rằng mình có nên biết quá nhiều? Vì biết nhiều lại đâm ra nghĩ nhiều và đau đầu, mà không biết nhiều thì lại còn thảm họa hơn? Nhưng tính tình sinh ra đã vậy, biết sao được, thôi thì cứ đọc, cứ viết, cứ làm theo đam mê mình mách bảo rồi sớm muộn cũng tìm được người hiểu mình. Quay lại vấn đề thời gian, tôi luôn trăn trở làm sao để giúp mọi người “dám sống” hơn và phát triển hết tiềm năng của mình.

Ngày xưa trẻ người non dạ thường ganh ghét đố kị với những người giỏi hơn sướng hơn mình. Nay tôi mới ngộ ra là ghen ghét đố kị người khác chẳng khác nào tự lấy dao cứa vào da thịt mình vì cảm giác đau đớn tương tự. Tôi bắt đầu thấy vui vui khi đọc được tin một người bạn nào đó thành công ở lĩnh vực này, lĩnh vực kia vì xã hội lại có thêm được một nhân tài, một người tốt. Bản thân biết mở rộng tâm trí và trái tim cho người khác thì lòng cũng an yên hơn và sống ra "người" hơn. Và hơn hết, biết dùng thời gian của mình một cách hợp lý để ít ra 10 năm sau không cảm thấy hối tiếc.

--

Vậy làm sao để biết quý thời gian hơn?

Tin tôi đi, không chỉ cần đọc và nghe, bạn cần phải luyện tập và đưa ý thức thời gian vào tiềm thức của mình. Đây là một số cách mình đọc được và cũng tự nghĩ ra:

 

       1. Hãy tập đếm ngược thời gian và tưởng tượng bạn chỉ còn bấy nhiêu thời gian đó thôi để sống.

Cái này không phải bi quan hay nói gỡ gì, chỉ là muốn tác dụng mạnh thì phải cần đến phương thuốc mạnh (mang tính ám ảnh). Một năm có 365 ngày, hãy tập đếm ngược là mình còn 364, 360, 100,… ngày thôi. Hoặc nới rộng ra hơn, mình chỉ còn 5 năm, 3 năm, 1 năm nữa để sống. Mình không còn quá nhiều thời gian để lo sợ và trì hoãn nữa. Hết mỗi chu kì, bắt đầu đếm lại như cũ. Thời gian đặt ra càng ngắn thì bạn càng cảm nhận được sức ép và giá trị của nó.

Hãy thử thực hành phép “tự kỉ ám thị” này cho mình và ngạc nhiên về những gì mình đã làm được sao khoảng thời gian đó.


2. Đặt ra mục tiêu ngắn hạn, dài hạn cho từng giai đoạn; đặt ra kế hoạch từng ngày, từng tuần, từng tháng trong năm. Nghiêm chỉnh làm theo kế hoạch đặt ra, bạn có thể linh hoạt thay đổi nhưng chắc chắn sự thay đổi đó cũng phù hợp với mục tiêu trọn đời của bạn.

Ví dụ: Mục tiêu 3 năm sau khi tốt nghiệp đại học sẽ săn được một học bổng 100% đi học thạc sĩ ở Đức. (Mục tiêu càng cụ thể thì càng dễ tưởng tượng và có động lực thực hiện)

Vậy bạn cần làm gì đề đạt được mục tiêu đó?


-         Bước 1: Tìm hiểu thông tin, yêu cầu học bổng từ những nguồn uy tín, hỏi thăm người quen biết,…

-         Bước 2: Chuẩn bị lần những thứ cần thiết ngay từ bây giờ nếu việc đó tốn nhiều thời gian như: tích lũy GPA cao khi đang học đại học; bắt đầu học GMAT vào năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp; năm thứ 2 sẽ thi GMAT,…vâng vâng

-         Bước 3: Chia nhỏ thêm thời gian, học làm sao để đạt GPA cao? Học GMAT bao nhiêu buổi 1 tuần, đi làm lúc nào? Học ở đâu hay tự học? Tài liệu mua hay xin? Cần kiếm nhóm học chung không? Tốn bao nhiêu tiền cho phần này?

        

       Trên đây là một ví dụ nhỏ về việc lập kế hoạch. Trong tiếng Anh có một câu chơi chữ mà mình rất thích: “Failing to prepare is preparing to fail” (Nếu bạn không chịu chuẩn bị gì thì có nghĩa bạn đang chuẩn bị để “tạch”). Người ngoài có thể đánh giá bạn quá cứng nhắc và lý trí, nhưng thà làm một người lý trí và cứng nhắc hơn là kẻ cảm xúc mù quáng và dễ bị lôi kéo đi đủ hướng. Nói vậy thôi, chứ tại sao không thể là một người vừa lý trí, vừa cảm xúc được chứ?


Nếu bạn đọc xong bài viết này và thật sự đang vướng vào tâm lý như tôi nói thì hy vọng bạn có thể bắt đầu liều lĩnh hơn, mạnh dạn hơn, dám sống hết mình hơn, vì bạn cũng như tôi, không thể bất tử.


Bài viết đến đây đã dài, mình xin được ngừng bút và sẽ trở lại với chủ đề “Cân bằng cuộc sống - Chọn con tim hay là nghe lý trí?” ở kì sau.

---

À, còn một bài học nho nhỏ mà mình rút ra là: Xem phim rất có ích để học hỏi và chiêm nghiệm. Nhưng nó chỉ đúng trong một số trường hợp nhất định.

Chào tạm biết và hẹn gặp lại! 



Tác Giả: Trịnh Thủy Ngân, Sinh viên @Đại học Ngoại Thương CS2

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/profile.php?id=100009566226395

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

284 lượt xem, 281 người xem - 283 điểm