Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Thời Trang Nhanh Và Những Góc Khuất

Cụm từ “thời trang nhanh” tuy không mới nhưng không phải ai trong chúng ta cũng hiểu hết về nó. Thế nhưng, thời trang nhanh lại ẩn mình ngay trong chính cuộc sống của mỗi người, và bằng một cách vô thức, chúng ta không hề nhận ra sự xuất hiện của những món đồ thời trang nhanh trong tủ quần áo nhà mình.

Vậy thì “thời trang nhanh” là gì?

“Thời trang nhanh” là thuật ngữ để chỉ dòng thời trang giá rẻ, thông thường được sản xuất dựa trên những ý tưởng thiết kế từ các bộ trang phục trên sàn catwalk hoặc từ các thương hiệu thời trang nổi tiếp, được sản xuất với tốc độ nhanh chóng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng.

“Đẹp” và “Rẻ”, chỉ với hai yếu tố đơn giản nhưng thu hút được số lượng khách mua hàng khổng lồ, thời trang nhanh dễ dàng xâm nhập vào cuộc sống của rất nhiều người.

Thế nhưng, những mặt tối của thời trang nhanh cho đến hiện tại vẫn còn nhiều người chưa biết tới. Cũng giống như thức ăn nhanh tiện lợi nhưng gây hại tới sức khỏe cho con người, tốc độ sản xuất nhanh đáng kinh ngạc của ngành thời trang này đã để lại những hậu quả nặng nề khiến chúng ta phải suy ngẫm về hành vi tiêu dùng của mình.

1. "Bãi rác lớn" từ thời trang nhanh

Với quy trình sản xuất nhanh tới chóng mặt, ngành thời trang này không chú trọng nhiều tới các yếu tố liên quan tới môi trường trong quá trình sản xuất. Chính vì thế, các chất thải từ thời trang nhanh trở thành một gánh nặng khủng khiếp mà môi trường phải gánh chịu để đổi lấy những lần được "mặc đẹp" của con người.

Trước hết, thời trang nhanh tiêu thụ một lượng nước khổng lồ cho quá trình trồng cotton cũng như nhuộm và xử lý vải.

Những con số sau đây chắc hẳn sẽ khiến chúng ta giật mình:

- Cần 7.000 lít nước để sản xuất một chiếc quần jeans

- Cần 2.700 lít nước để có được một chiếc áo phông

Bản thân cotton - loài cây cung cấp nguyên liệu chủ yếu cho ngành sản xuất vải - đã tiêu thụ một lượng nước lớn, đi kèm với thuốc trừ sâu và các hóa chất nông nghiệp khác. Bên cạnh đó, lượng nước thải chưa qua xử lý trong quá trình sản xuất thời trang nhanh cũng được đổ thẳng ra nguồn nước mà con người sử dụng, gây ô nhiễm nước nghiêm trọng với các hóa chất độc hại và kim loại nặng. 

Thứ hai, việc trồng bông cũng đòi hỏi một lượng thuốc trừ sâu và các hóa chất lớn để đạt năng suất cao. Không chỉ môi trường bị phá hủy mà ngay cả chính sức khỏe của những người nông dân cũng bị đe dọa nghiêm trọng, dẫn tới những căn bệnh nguy hiểm cho cả gia đình, bao gồm cả các thế hệ tương lai như ung thư, dị tật bẩm sinh...

Thứ ba, một sự thật đáng báo động mà ít ai để ý: ngành công nghiệp may mặc là ngành gây ô nhiễm cao thứ hai trên thế giới, chiếm 10% lượng khí thải carbon toàn cầu. Lượng khí thải này không chỉ đến từ quá trình sản xuất sản phẩm mà còn từ quy trình vận chuyển toàn cầu và kết thúc với việc đưa các sản phẩm đã sử dụng tới các bãi rác thải. Và với riêng ngành thời trang nhanh, tốc độ sản xuất chóng mặt của nó còn dẫn tới lượng khí thải đáng quan ngại hơn nữa khi có thể lên tới 1,2 tỷ tấn carbon.

Cuối cùng, "rẻ", "đẹp" nhưng không đi đôi với chất lượng, các sản phẩm thời trang nhanh luôn sớm bị con người lãng quên vì lỗi mốt và tuổi thọ ngắn, dẫn tới 17 triệu tấn chất thải dệt may được đưa tới các bãi rác trong một năm. Đáng nói hơn, chúng cần tới 200 năm để có thể phân hủy, gấp gần 3 lần tuổi thọ của con người.

Với những cái giá quá đắt cho môi trường đe dọa trực tiếp tới cuộc sống con người, liệu chúng ta có nên tiếp tục theo đuổi thời trang nhanh?

2. Bóc lột nhân công

Những khu xưởng sản xuất chật chội, tồi tàn với hàng trăm nhân công, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, đó có lẽ là một khung cảnh chẳng còn xa lạ trong quá trình sản xuất sản phẩm thời trang nhanh. Chạy theo lợi nhuận và doanh số bán hàng, những ông lớn của ngành đang âm thầm vắt kiệt sức lao động của những người yếu thế trong xã hội, đẩy họ vào cảnh khốn cùng.

Những công nhân làm việc tại đây đều bị bóc lột sức lao động nặng nề, phải trực tiếp tiếp xúc với các chất hóa học độc hại để đổi lại mức tiền lương rẻ bèo tới phi lý. Ngược lại, các ông chủ được thỏa sức kiếm tiền trên sức lao động của bộ phận công nhân giá rẻ đến từ các nước đang phát triển, nơi mà luật pháp và các quy định về lao động có thể dễ dàng bị luồn lách. Họ vẫn ngày ngày cho ra hàng loạt những mẫu mã thời trang đẹp - độc - lạ bất chấp những quy định về bảo hộ lao động hay những phúc lợi tối thiểu dành cho người công nhân.

Vậy có đáng không khi chúng ta đổi một lần được mặc đẹp bằng sự thống khổ của những người công nhân đang thầm lặng bị bóc lột?

3. “Ăn cắp” chất xám trắng trợn

Để bắt kịp những xu hướng thời trang mới nhất làm hài lòng người tiêu dùng, các nhãn hiệu thời trang nhanh cũng không ngần ngại sao chép ý tưởng sáng tạo của nhiều nhà thiết kế để biến đó thành sản phẩm của mình mà không cần sự cho phép của chủ sở hữu. Những cáo buộc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ không ngừng được cộng đồng mạng truyền tay nhau, nhưng tại sao các nhãn hiệu thời trang nhanh vẫn nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng?

Shein, một đế chế thời trang nhanh nổi tiếng thế giới đã từng đối mặt với không ít cáo buộc về việc đánh cắp chất xám một cách trắng trợn. Những sản phẩm mà hãng này đạo nhái lại nằm ở các quốc gia khác với Trung Quốc, vì thế việc kiện cáo gặp phải rất nhiều cản trở do luật pháp khác nhau giữa các quốc gia. Hơn thế nữa, với giá thành rẻ mạt cho một món đồ "bắt trend", Shein vẫn không ngừng thu hút được số lượng khách hàng lớn do sự thiếu hiểu biết về quyền sở hữu trí tuệ.

Vậy là một người tiêu dùng thông minh, liệu chúng ta có nên tiếp tục sử dụng những sản phẩm đạo nhái trắng trợn như vậy nữa hay không?

4. Kẻ thầm lặng bào mòn ví tiền người tiêu dùng

Có lẽ câu hỏi đầu tiên của chúng ta mỗi sáng tỉnh dậy sẽ luôn là “Hôm nay mặc gì bây giờ?”, và rồi sau khi ngắm nghía đống quần áo chất đầy trong tủ, chúng ta lại thở dài “Không có gì để mặc hết”.

Tâm lý ưa chuộng những món đồ mới lạ, ngại mặc đi mặc lại các món đồ cũ chắc hẳn là tâm lý chung của những người đam mê mặc đẹp. Hiểu rõ suy nghĩ của khách hàng, thời trang nhanh nổi lên như một giải pháp cứu cánh cho chúng ta mỗi khi không biết phải mặc gì với các món đồ rẻ, đẹp, hợp xu hướng. Mỗi khi mua các sản phẩm này về, chắc hẳn chúng ta thường mang suy nghĩ: mặc một lần rồi bỏ, lần sau lại có dịp mua đồ mới về mặc tiếp. Thế nhưng, đó cũng chính là lý do khiến ví tiền của ta luôn cạn sạch sau mỗi lần chất đầy tủ bằng đống quần áo mới.

Vậy nên, hãy thử nhìn lại vào tủ đồ của chúng ta và ngẫm lại một chút: “Có phải món đồ này mình mua đã lâu mà chưa từng mặc tới?”, “Có phải mình chỉ tiện tay đặt món này về vì nó đang sale?”, “Tại sao quần áo chất đống trong tủ như vậy mà vẫn không biết mặc gì?”

Tóm lại là…

Có lẽ, việc cần thiết nhất mà ta cần làm lúc này để giảm thiểu việc tiêu thụ các sản phẩm thời trang nhanh chính là thay đổi hành vi tiêu dùng và sử dụng các sản phẩm may mặc hàng ngày. Không dễ để ngay lập tức từ bỏ thời trang nhanh dù đã biết về những góc tối của nó, nhưng hãy dần dần học những cách phối đồ mới, biết lựa chọn các chất liệu bền vững và thân thiện với môi trường.

Hãy làm chủ cách ăn mặc của chính mình thay vì trở thành một “nô lệ bất đắc dĩ” của thời trang nhanh.

Tác Giả: Nguyễn Hải Chi

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

173 lượt xem, 146 người xem - 150 điểm