Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Thông Điệp Của Nỗi Buồn

  Có một dạo nọ, cứ mỗi khi tiết trời trở mình để mây nhuộm màu xám xám, để gió cứ mang hơi thở dài liêu xiêu, để nắng đâu mất chẳng còn, là lòng tôi lại nôn nao một nỗi buồn khó tả. Có phải chăng ấy là cái đặc trưng của lứa tuổi đôi mươi, mười tám, của lòng nhạy cảm, của tâm hồn mộng mơ. Hay ấy là nỗi buồn thế hệ, của một lớp những người biết cảm đời sâu sắc, biết đón đời bằng một trái tim nhiệt thành ? Nhưng suy cho cùng, thì rốt cục nỗi buồn mà chúng ta thấy không chừa tên ai. Nỗi buồn đến như một điều hiển nhiên trong cuộc đời, trong cái mạch bất biến của xúc cảm. Nỗi buồn. Ngang đời. Vô hình. Và sống mãi.

     Mỗi người mang trong mình một nỗi buồn riêng. Có người suốt ngày than phiền vì cha mẹ họ quá nghèo, nhưng họ lại không biết được rằng ở thế giới ngoài kia có biết bao nhiêu tấm đời đơn đọc vì không có mẹ cha. Có người buồn vì không đỗ đại học, có người lại mê mải u sầu vì học như không, học chỉ chống đối, học để yên lòng ba mẹ. Cuộc đời là vậy, ta buồn vì những cái tưởng sẽ không buồn. Mà đã là buồn, thì ta lại càng không thể đặt lên cân mà đong đếm, mà so sánh. Bởi vì là buồn, nên cuối cùng vẫn cứ là buồn, kể cả những nỗi buồn không đáng !



   Để các bạn hiểu hơn về những nỗi buồn, tôi xin chia sẻ những nỗi buồn của riêng tôi 

1. Những nỗi buồn tuổi nhỏ : Những nốt buồn đầu tiên bao giờ cũng là những nốt buồn đẹp nhất. Vì nó trong trẻo, nó long lanh, nó không bị vướng những vẩn đục của cuộc đời, nó không lẫn tạp những bon chen của cuộc sống. Từ nhỏ tôi đã buồn những nỗi buồn khó hiểu: buồn vì không được ba mẹ cho ăn mì tôm, buồn vì không được xem hoạt hình, buồn vì mình là ...trẻ con. Từ cái thuở ấy, nỗi buồn đã ngày trở nên một trọn vẹn, nó lấp đầy cả một tuổi thơ và nó làm đầy cả một tâm hồn. Tự lúc nào không hay, nỗi buồn đã trở thành một người bạn gắn liền với cái tên cuộc đời, nỗi buồn đã cùng ta lớn lên cả một thời ấu thơ. Và tôi biết, chính những nỗi buồn đã làn tuổi thơ tôi trở nên có ý nghĩa hơn. 


2. Những nỗi buồn khó hiểu của tuổi dở dang: Bước vào những năm tháng của tuổi 17, tôi đã buồn những nỗi buồn khó tả. Thuở ban đầu là những nỗi buồn vẩn vơ, nói vui như Xuân Diệu :

                                                                      " Hôm nay trời nhẹ lên cao

                                                               Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn "

Tuổi 17, cái tuổi hồn nhiên của đời người, người ta không có tính toán thực dụng, nhưng cũng không phải không biết lo lắng động lòng trước tương lai. Thuở ấy tôi cũng miên man suy nghĩ về tương lai, về ước mơ, về những dự định. Tôi lúc ấy như một chiếc la bàn hỏng giữa biển cuộc đời. Để rồi vì thế, có một thời gian tôi như một kẻ trầm cảm luôn trốn tránh sự đời, tôi hay trốn học, tìm một xó rồi khóc. Tôi ngụy biện cho mọi lỗi lầm của bản thân. Nỗi buồn thật phức tạp, nó xây lên trong ta nhiều tầng cảm xúc, nhiều tầng nghĩ suy.


3. Nỗi buồn thấm thía : Nỗi buồn thực sự thấm thía khi tôi chứng kiến sự ra đời của người mình thương yêu nhất mà không làm gì được. Vào tuổi sinh nhật thứ 18 của tôi, ông tôi ra đi mãi mãi, ông tạm biệt nơi cát bụi trần thế. Phải đến khi mình là người trong cuộc, thì chúng ta mới hiểu được cái cảm giác xót xa đến nhường nào khi thấy người thân dần xa mà ta không làm được điều gì ngoài khóc. Nó cuộn lên nỗi sầu, nó ngợp những nuối tiếc, nó đưa ta về những hoài niệm đầy đau thương. Vậy mới nói " Ta gặp được nhau một lần là it đi một lần. Thực ra cuộc đời là phép trừ, vậy mà ai cũng lầm tưởng rằng cuộc đời là phép cộng, ta còn nhiều thời gian, còn nhiều cơ hội"

     Và một lần tình cờ, tôi đã đọc được một câu nói, mà tôi đã nghĩ rằng nó đã thay đổi tôi rất nhiều : " Con người cũng như cây cỏ, cùng lớn lên, cùng sinh sôi nảy nở và cuối cùng cũng quay về với lòng đất. Khác biệt duy nhất là con người có cảm xúc và lưu trữ lại kí ức."  Như vậy đấy, buồn không phải là tiêu cực, buồn đơn thuần chính là một loại cảm xúc để cảm , để hiểu, để lưu trữ và để làm người. Sau cùng tôi cũng nhận ra KHÔNG CÓ GÌ LÀ VÔ NGHĨA, KỂ CẢ NHỮNG NỖI BUỒN. Từ những trải nghiệm cảm xúc của bản thân, tôi muốn gửi đến bạn những thông điệp của bản thân, để vuốt ve, để truyền cảm hứng, để vỗ về những tâm hồn còn đang sứt mẻ.

( Nguồn ảnh: Pinterest)


1. Thông điệp thứ nhất: Nỗi buồn khiến ta biết cách hiểu và cảm đời hơn

    - Ngày 4/4 tại tỉnh Quảng Trị một thanh niên 16 tuổi bị nhắc vượt đèn đỏ và rút dao đâm chết người.

    - Ngày 24/4 tại tỉnh Bình Dương, một thanh niên vì cảm thấy rằng nạn nhân có ý coi thường mình nên đã đột nhập vào nhà, khóa cửa ngoài, sau đó giết hại dã man bà, mẹ và nạn nhân là một cô gái.

   - Chỉ trong quý I năm 2019,  số ca trẻ em bị bạo lực là 74 ca (chiếm 35,8% số ca hỗ trợ can thiệp của Tổng đài trong quý), trẻ em bị xâm hại tình dục là 63 ca (chiếm 30,4%), trẻ em bị bóc lột có 21 ca.

 Có một vấn đề mà ai cũng đang thấy rất rõ, đó là tâm hồn của chúng ta ngày nay đang dần trở nên lệch lạc và méo mó. Nếu xưa kia giết người chỉ thuộc về những người có nghĩa vụ thì nay giết người tràn lan khắp nơi, thậm chí họ ra tay giết người chỉ vì ... bị nhắc vượt đèn đỏ.Tôi  nhận ra buồn và được buồn thực sự là điều may mắn. Vì buồn là cách để chúng ta biết rằng tâm hồn của chúng ta vẫn đang rung ngân và con tim của chúng ta vẫn đang còn đập. Buồn để biết rằng chúng ta không vô cảm và xúc cảm của chúng ta không bị chai sạn. Thiết nghĩ, ngày nay người ta vui nhiều quá mà bỏ lỡ đi cả những nỗi buồn. Người ta quên cách buồn vì những phận đời bé nhỏ cùng đôi chân trần đi bán vé số vỉa hè. Người ta quên cách buồn cho một bà lão già vì mệt mỏi lam lũ kiếm sống, ngồi nghỉ ở vỉa hè rồi bị xe say rượu đâm chết. Người ta quên cách khóc cho cô công nhân vệ sinh lặng thầm gánh vác cả gia đình rồi bị xe điên đâm chết đầy xót xa trong đêm khuya hiu quạnh. Thật xót xa sao, vẫn là dòng đời trái ngang ấy, vẫn có những người cười hả hê với những quả bóng cười, những tiếng cười đầy man rợ trong bar. Đấy có thật là nụ cười  của niềm vui, hay của một niềm đau ? Ấy là nụ cười của một trái tim hạnh phúc hay một trái tim đầy sứt mẻ?  Dù chỉ một lần thôi, một lần ta lơ đi trước những người khốn khổ, ta làm ngơ trước những niềm đau, một lần ta sống sai, chỉ một lần ta sống vô cảm thì ta vĩnh viễn đã bị đẩy ngược phía thiện lương. Một lần quên người, cũng chính là một lần chúng ta quên đời. Và giọt nước mắt như sự hồi sinh cho tất cả. Nó biểu tượng sống dậy của lá mầm hiếu sinh, là sự hoàn lương của tâm hồn lỡ sai trái, là sự sống, sự hoàn thiện toàn vẹn nhất. Nỗi buồn đã đưa ta đến gần cuộc đời hơn !


2. Thông điệp thứ hai : Nỗi buồn là bước đệm cho những tháng ngày dông dài về sau

    Nhiều người sợ nỗi buồn vì họ nghĩ rằng nỗi buồn khiến con người ta trở nên trì trệ, lười biếng và vô dụng. Riêng tôi, tôi không tiếc răng khi mình đã buồn một thời gian dài như vậy. Tôi buồn vì không được chọn đi thi học sinh giỏi, tôi buồn vì tôi viết không hay, tôi buồn vì tôi không có năng khiếu. Nhưng trong nỗi buồn ấy, tôi thấy chính tôi thật nhiều. Tôi nhận ra rằng mình không thể đắm chìm mãi trong nỗi u sầu của bản thân. Buồn là một cách để chỉ ra rằng tôi cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. Buồn là chiếc gương để cho tôi thấy rằng mình cần phải thay đổi, phải sẻ chia và phải biết lắng nghe. Nỗi buồn cho chúng ta một cơ hội để hiểu thấu chính mình, để cảm thấu con tim. Buồn là những nốt nhạc thật đẹp, nó không xấu xa như con người ta vẫn thường ruồng bỏ. Với tôi, những cảm xúc tiêu cực có thể là phản ứng phụ của nỗi buồn, nhưng buồn chưa chắc đã đồng nghĩa với những gì tiêu cực. Nỗi buồn không hẳn là mồ chôn, đối với một số người, nó còn là động lực. Nó dạy ta biết cố gắng, nó viết tiếp câu chuyện ngày mai, và về sau, nó lại trở thành những trải nghiệm thật đẹp. Nếu như Thomas Eva Edison cứ mải đắm chìm và chơi vơi trong nỗi buồn vì bị bạn bè cười chê, bị thầy cô ruồng bỏ thì nay ông đâu trở thành một nhà bác học nổi tiếng đến thế. Và nếu như ông tiêu cực ngay từ lần đầu thử nghiệm thất bại, biết đâu ngày nay chúng ta vẫn chưa có bóng đèn để dùng. Vì vậy, buồn đúng cách sẽ giúp chúng ta xác định chúng ta đang ở đâu,  chúng ta cần phải cố gắng điều gì. Bạn có dám buồn không ?


Thông điệp 3: Nỗi buồn là bài học về cuộc đời, về qui luật và tính tất yếu của cảm xúc

    Đôi khi nỗi buồn hiển nhiên đến độ ta tưởng như nỗi buồn đã có sẵn trước khi ta chào đời rồi. Nỗi buồn dạy cho ta mỗi bài học về cuộc đời, rằng có những thứ đến rồi sẽ đến, ta không thể trốn chạy, cũng không thể tránh né. Việc duy nhất ta có thể làm là đối mặt với nó. Giống như khó khăn, nó là qui luật tất yếu, nó là thứ không thể tránh khỏi. Người can đảm thì vượt qua, người hèn nhát thì bị quật đổ. Nỗi buồn giấu trong mình những triết lí sâu sắc mà bình dị. Nỗi buồn còn là một bài học về cảm xúc. Nó dạy ta biết đau đớn ở trước đau thương, nó dạy ta phải đồng cảm với những người đồng khổ. Nỗi buồn dạy ra biết ngân vang cảm xúc sao cho hay, sao cho chính đáng. Nó như đất mẹ xuất hiện đời đời, rồi mang đến cho con người biết bao nhiêu là khát khao. Để rồi sau khi một cuộc đời đi qua, nỗi buồn sẽ là những trải nghiệm đáng nhớ cũng như thấm thía nhất. Và NGƯỜI nhất. 


  Nhưng không phải nỗi buồn nào cũng là động lực với tất cả chúng ta. Và nếu không hiểu rõ bản thân mình, hiểu sai và lệch lạc những thông điệp của nỗi buồn, nó sẽ dẫn ta đến trầm cảm và nhiều việc đáng tiếc. Và vì vậy, tôi xin chia sẻ những tips nhỏ để các bạn hiểu bản thân mình hơn.

Tip 1 : Để hiểu bản thân mình muốn gì, lời khuyên tốt nhất của tôi dành cho bạn là hãy tạo cho mình một cuốn nhật kí. Cuốn nhật kí sẽ giúp bạn ghi lại từng mốc và từng khoảnh khắc trong quá khứ. Bạn sẽ thực sự thấy chính bản trưởng thành ra sao, và bản thân bạn thực sự muốn gì qua những dòng tâm sự.

Tip 2 : Nhờ sự trợ giúp của công nghệ Internet, chúng ta có rất nhiều những trang web khảo sát trắc nghiệm tâm lí, độ stress,... sau đây tôi xin gợi í một vài web sau :

1. https://benhlytramcam.vn/test-tram-cam-157/

2. https://www.psychologytoday.com/us

3. https://www.psychologistworld.com/tests/  

Tip 3 : Đọc sách cũng là một trong những cách tốt nhất để bạn hiểu rõ bản thân mình muốn gì, và giúp bạn nuôi dưỡng tâm hồn của mình. Bạn cũng có thể tham khảo những đầu sách sau đây : 

1. Nhập môn tâm lí học - Nhóm Ezpsychology

2. Xuyên qua nỗi sợ - Susan Jeffers

3. Quẳng đi nỗi lo và vui sống - Dale Carnegie

4. Khám phá miền đất lạ - Jack Canfield, Mark Victor Hansen và Steve Zikman

5. Khám phá ngôn ngữ tư duy - Philip Miller

 ( Nguồn ảnh : facebook )

Bài học về cảm xúc luôn là những bài học khó nhất. Bạn sẽ chọn cách giải mã nó hay chọn cách bỏ cuộc ?


Tác Giả: TheA, Học sinh @THPT Chuyên Hưng Yên
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/Hoangdiu11
--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info


(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,672 lượt xem, 1,620 người xem - 1640 điểm