Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] 3 Suy Nghĩ Về Giáo Dục - Suy Nghĩ Thứ Nhất: DƯỠNG

DƯỠNG – Sự hấp thụ thụ động từ môi trường…

Gần đây tôi được chứng kiến một sự lên án tập thể, lên án giáo dục một cách nặng nề với phương pháp giáo dục mới, với những bài học được cho là không phù hợp với trẻ em, với những lo lắng sâu sắc cho tương lai của con em mình, … cùng lòng tin vào giáo dục Việt Nam ngày càng thu hẹp lại.

Tôi không biết ai đúng ai sai, nhưng tôi thấy một sự thật rằng, khi một nền giáo dục thất bại, chúng ta thi nhau đẩy trách nhiệm. Chúng ta đấy trách nhiệm cho nhà trường, đẩy trách nhiệm cho gia đình, đẩy trách nhiệm cho các thầy cô giáo, các ông bố bà mẹ, ông ngoại và bà ngoại, ông nội và bà nội, nói chung là chúng ta huy động toàn thể những người liên quan đến một cô bé, cậu bé nào đấy, để lên án về những hậu quả cho tương lai của chúng.

Nghe thật là nặng nề và to lớn… ha?

Khi đọc những dòng phê phán trên mạng, tôi cảm thấy mình thật tồi tệ, tại sao mình không chú ý đến giáo dục hai đứa cháu mình một cách bài bản hơn? Như vậy thì chúng nó lớn lên sẽ thế nào? Tụi nó không dám ra mưa toàn bị mình xúi bậy ra tắm mưa đi cho cảm chơi, tụi nó chơi ngu toàn mặc ngược áo trái giày rồi ra ngoài mà mình cũng không thèm sửa lại, thậm chí còn nói chúng cứ chạy đi. Thế là mình thấy mình fail toàn tập vì chẳng chịu dạy điều đúng gì cả, có lẽ mình nên chuyển sang vài khóa ngắn hạn về sư phạm, trước khi định bày dại hai đứa nhỏ lần nữa …

Đùa vậy thôi, bạn có biết rằng, những gì chúng ta “dạy”, hay cố tình “chỉ bảo”, luôn luôn chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm, bởi vì bản chất của học tập là thụ động. Bên cạnh những kiến thức sách vở, đầu óc chúng ta, con người chúng ta sẽ tự hấp thụ lấy những gì ở xung quanh mình, từ môi trường, từng chút một, và tạo nên giá trị cốt lõi của một con người. Điều này xảy ra mạnh mẽ nhất trong lứa tuổi thiếu nhi – khi mà các bé làm mọi việc một cách bản năng và thiên về cảm xúc. Và xin nhớ một điều rằng phần nổi của tảng băng thì có thể bị thay đổi hình dạng, bị teo đi hay mập lên gì đó, nhưng phần chìm thì luôn vững chãi. Phần chìm ấy, chính là sức mạnh của sự nuôi dưỡng.

Hẳn ai cũng còn nhớ câu chuyện mẹ của Mạnh Tử dạy con? Bà đã thay đổi chỗ ở tới ba lần, vì một mục tiêu duy nhất là tìm ra môi trường thích hợp cho sự phát triển của con, và bà đã thành công.

Chúng ta thường làm quá vai trò của mình trong việc dạy dỗ trẻ em, đặt lên vai mình những trách nhiệm to lớn để rồi mệt mỏi với chúng. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta nói thì trẻ em sẽ nghe, chúng ta cho rằng chúng ta dạy thì trẻ em sẽ nhớ, mà chúng ta quên mất rằng, môi trường, đất, thổ nhưỡng mới quyết định chúng ta là ai, và con chúng ta là ai.


Silhouette of Man at Daytime


Sự hấp thụ năng lượng

Chúng ta hãy liên tưởng đến sự sống của một cái cây.

Mỗi con người, cũng như một cái cây, đứng trong gió, hứng lấy ánh nắng mặt trời, hút lấy dinh dưỡng từ đất, để tự nuôi sống bản thân mình. Một cái cây tự do, trong một khu rừng của nó, ngàn đời nay sống như thế. Cái cây được sinh ra, được nuôi dưỡng, hấp thụ năng lượng tốt từ xung quanh, làm công việc mà mình cần làn, rồi chết đi, chuyển hóa thành một dạng năng lượng khác, để được hấp thụ từ một thế hệ khác …

Bây giờ hãy xem xét một cái cây bị “ép” – một cái cây bị cấy ghép gen, bị bón phân quá mức, bị ép phải ăn nhiều hơn nhu cầu của nó, được gọi với những cái tên mỹ miều như cải tạo hạt giống cây, cây chất lượng cao, … để phục vụ cho một mục đích mà không phải tự thân nó muốn – mục đích phục vụ đời sống cho con người. Nếu cái cây là con bạn, thì bạn cảm thấy thế nào? Tôi thì cảm thấy rùng mình nếu một đứa trẻ được sinh ra và nhồi nhét để đạt đượng những mục tiêu quái đản ấy.


Năng lượng của cộng đồng

Quay lại câu chuyện về việc trách nhiệm giáo dục thuộc về ai? Tôi muốn hỏi một câu khác, rằng môi trường nuôi dạy của chúng ta như thế nào? Xã hội của chúng ta như thế nào? Tôi rất thích câu trả lời của Lê Cát Trọng Lý trong một bài phỏng vấn như thế này: Tôi ảnh hưởng phương Tây rất nhiều ở sự văn minh, tri thức thẩm mỹ cũng như âm nhạc của họ. Tôi muốn đưa vào những sáng tác của mình tính logic và tính khoa học. Tuy nhiên, tôi là người Việt Nam. Mình là người Việt nên không cần làm gì hay cố gắng gì để có chất Việt trong đó. Căng người lên cố gắng để có chất dân tộc trong bài hát của mình thì thật buồn cười. “

Tôi hoàn toàn đồng ý với suy nghĩ như vậy của Lê Cát Trọng Lý. Phần lớn chúng ta, 20 nằm đầu đời hấp thụ văn hóa Việt Nam, sinh sống, học tập tại Việt Nam. Đúng là chúng ta có sách vở văn minh của phương Tây, có nhiều điều kiện hơn để tiếp xúc với nền văn hóa nước ngoài, nhưng cái thực tế vẫn là Việt Nam. Sách vở, học tập có thể làm ta thay đổi quan điểm, thay đổi suy nghĩ, thay đổi phần nổi của tảng băng, nhưng gốc rễ chúng ta, con người chúng ta ăn sâu vào là Việt Nam. “Việt Nam” ở đây tôi không ngụ ý chỉ là những con người chúng ta sống chung, xã hội mà ta đang ở chính giữa, mà sâu hơn nữa, rộng lớn hơn nữa, chính là non sông đất nước ta. Đó là bầu không khí nóng ẩm, là hàng cây nhiệt đới, là bầu trời nhiều mây, là những cơn mưa, là từng giọt nắng. Bầu trời này, thiên nhiên này đang nuôi dưỡng người Việt Nam qua hơn 4000 năm, và sẽ tiếp tục công việc của nó sau này nữa, giống như một rừng cây, được nuôi dưỡng bởi chung một khí hậu, chung một thổ nhưỡng, sẽ có những tính chất gần giống nhau, thì chúng ta cũng vậy. Sức mạnh của một cộng đồng được nuôi dưỡng chính bằng những điều ấy, chứ không phải do con người tự đặt ra.

Four Rock Formation

Thay đổi và cải tạo môi trường nuôi dưỡng

Ý của tôi là, con của các bạn, cháu của các bạn đang được nuôi dưỡng trong môi trường Việt Nam, và sẽ trở thành người Việt Nam cho dù bạn có dạy con bạn kỹ tới mức nào, thì môi trường mà sau này nó tiếp xúc, cũng là môi trường Việt Nam. Và ai cũng biết rằng, xã hội của chúng ta đang có vấn đề. Không ai muốn con mình lớn lên mang những thói hư tật xấu mà bản thân chúng ta đang mắc phải, và tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm, một cách ngang bằng, trước thế hệ tương lai. Nếu muốn con chúng ta tốt hơn, thay vì tốn thời gian vào việc chỉ trích, phê phán một cách hội đồng người khác, hãy tập trung vào việc HIỂU, CHẤP NHẬN, và LÀM để THAY ĐỔI.

Nếu các bạn thấy dân trí mình còn thấp? Hãy tự nâng cao dân trí, sau đó thay đổi từng nhóm nhỏ một, và đừng chỉ trích người khác khi họ chưa thể nâng lên.

Nếu các bạn thấy dân mình còn chưa văn minh? Hãy tự cố gắng văn minh, sau đó thay đổi từng nhóm nhỏ một, và đừng chỉ trích người khác khi họ đã bị lối sống không văn minh ăn mòn chính họ.

Nếu các bạn cảm thấy tinh thần hợp tác của chúng ta còn quá kém? Hãy hợp tác tốt hơn với những người chúng ta có thể, từng nhóm nhỏ một, và đừng chỉ trích người khác khi họ phải loay hoay trong cái vòng làm sao để làm việc được tốt hơn.

Bạn của tôi ơi, hãy một lần tìm hiểu lịch sử văn minh của thế giới, bạn sẽ thấy rằng một nền văn minh muốn thay đổi và hoàn thiện phải trải qua một quá trình rất dài, cả ngàn năm. So với cái thời gian ấy, thì chúng ta là một phần rất nhỏ, và cái mà chúng ta muốn là thay đổi cả một đất nước, thì còn khó hơn bội lần. Chúng ta sẽ có lúc sai, có lúc đúng, nhưng quan trọng là chúng ta thay đổi, vì một cái gì đó tốt đẹp hơn, bước đi từng bước một, nuôi dưỡng bản thân mình và thế hệ mai sau bằng nguồn năng lượng tốt.

Tôi tin rằng, nếu chúng ta cùng chung tay, vì một cái gì đó lớn hơn mình, tạo ra một môi trường tốt hơn hiện tại, nền giáo dục của chúng ta sẽ thay đổi, Việt Nam chúng ta sẽ thay đổi. 


Tác Giả: Phạm Thị Phương Nhung
--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info


(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

193 lượt xem, 189 người xem - 189 điểm