Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Cho Những Ước Mơ Vút Bay

Chúng ta ước mơ cho nhiều điều, vì nhiều lí do và chúng ta cũng có nhiều cách để thực hiện ước mơ của mình. Chúng ta thích mơ mộng, những giấc mơ dù là nhỏ nhất nhưng có ý nghĩa dường như đều mang đến cho ta những nguồn năng lượng mới. Không ai đánh thuế ước mơ, có lẽ vì đó cũng là lí do làm chúng ta hay có những giấc mơ tuyệt đẹp. Tuy vậy, không ít người chỉ dám mơ nhưng chẳng dám hành động bởi họ sợ rủi ro, sợ khó khăn, chung hết là thất bại.

         

 Ai rồi cũng sẽ có những thất bại, những vấp ngã, sự khác nhau ở họ chính là việc đứng lên sau những vấp ngã ấy để đi đến giấc mơ của mình. Trong khi nhiều người dừng lại thì nhiều người khác vẫn tiếp tục mà chẳng quan tâm là mình sẽ còn té ngã bao nhiêu lần nữa. Nếu sớm dừng lại dù chỉ một lần, hẳn chúng ta sẽ day dứt bởi con đường phía trước còn chưa được biết, tiếc rẻ về những công sức mà mình đã bỏ ra. Ai trong chúng ta dám khẳng định mình chưa từng vấp ngã. Ai trong chúng ta dám nói mọi việc mình làm đều suôn sẻ. Ước mơ lớn đòi hỏi nỗ lực lớn cho những thử thách lớn. Thay vì than thở cho thất bại của mình thì hãy nhận ra rằng: “Tôi đã học được nhiều điều từ thất bại của tôi hơn là từ thành công của tôi” (W. H. Davies). Chúng ta hãy xem đó là những bước lùi tạm thời cho những bước tiến mới, hãy nhớ lại Thomas Edison đã thất bại bao nhiêu lần trước khi tạo ra bóng đèn điện. Ai đi đến cuối con đường thành công mà trên lại không có thương tích. Chúng ta có một lời khuyên tinh tế từ Soichiro Honda: “Nhiều người ước mơ được thành công. Thành công chỉ có thể đạt được qua thất bại và sự nội quan liên tục. Thật ra, thành công thể hiện trong 1% công việc ta làm - kết quả có được từ 99% cái gọi là thất bại”. Xin đừng xem thất bại là sự xấu hổ, cũng xin đừng quên lãng chúng đi mà hãy đặt lại cho chính mình câu hỏi vì sao chúng ta vấp ngã và lúc này, bạn sẽ nhận lại câu trả lời mang tên bài học nếu bạn suy xét một cách thấu đáo và dám nhìn nhận.


Nhưng hãy khoan suy nghĩ nhiều về cách chúng ta chấp nhận thất bại mà hãy tìm cách để tránh chúng bằng cách vượt qua những khó khăn, thử thách. Thomas Carlyle làm chúng ta suy ngẫm bởi phát biểu của ông: “Khối đá hoa cương vốn là vật cản đường đi của kẻ yếu trở lại trở thành tảng đá lót chân trên bước đường của kẻ mạnh”. “Yếu” hay “mạnh” đâu phải đong đếm bằng sức người mà bằng ý chí, có cố gắng thì có thể sẽ vượt qua được thử thách. Mà cho dù có thất bại thì cũng chẳng sao, nếu chúng ta cố gắng thì thất bại nào phải là do ta “vấp” “đá hoa cương” mà là do chúng quá trơn trượt đấy thôi. Nếu muốn thành công của mỗi người thêm lấp lánh, sao không thử lát trước những phiến đá ấy trên đường đi thay vì mang chúng đến đích. Hãy cố gắng, hãy quyết tâm, bạn sẽ hài lòng.

         

Chúng ta đang nói về những thất bại - những thất bại cho dù có xảy ra đi chăng nữa nhưng nếu ta có ý chí đủ lớn vẫn có thể sẽ vượt qua. Nhưng hãy dừng lại một chút, nếu ai cũng vượt qua được những thất bại thì sẽ đâu có những ước mơ tan vỡ. Con người chúng ta phải chấp nhận một sự thật rằng rồi sẽ có lúc ta đứng lại bởi những khó khăn đã lấp đầy con đường chúng ta đang đi. Chúng ta chấp nhận dừng lại. Nhưng xin đừng đánh đồng sự dừng lại ở đây với cái gọi là bỏ cuộc bởi đâu phải con đường ấy là lối vào duy nhất dẫn đến cánh cổng ước mơ. Những lúc như vậy hãy thật tỉnh táo để tìm ra cách giải quyết, có những khoảnh khắc sẽ làm thay đổi cả cuộc đời và trong những khoảnh khắc ta tỉnh táo nhất, hãy tìm ra giải pháp hợp lí nhất, hãy tìm một lối đi, nơi vẫn thấy được sự lấp lánh của ngày ước mơ thành sự thật dẫu biết rằng con đường ấy vẫn sẽ chông chênh, vẫn sẽ gập ghềnh, thậm chí là gấp bội so với hướng đi kia. Nhà phát minh Alexander Graham Bell đưa ra một lời khuyên mà thiết nghĩ, ai trong lúc bế tắc nên cần suy xét: “Khi một cánh cửa đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra. Nhưng chúng ta thường nhìn cánh cửa đã đóng đầy luyến tiếc đến nỗi chúng ta không nhìn thấy cánh cửa khác đã mở ra cho chúng ta”. Khi quyết định theo đuổi giấc mơ của mình nghĩa là ta phải biết chấp nhận, chấp nhận gian nan, thử thách, chấp nhận những cơ hội và biết chấp nhận cả những thất bại. Những ước mơ lớn lao luôn là những bài toán khó mà đòi hỏi người giải chúng phải thật tư duy và linh hoạt, chúng ta có thể giải một bài toán bằng nhiều cách cũng như có thể chạm vào mục tiêu của mình bằng nhiều con đường, dám chấp nhận và bước tiếp là điều đáng quý.
           

Chúng ta tiếp tục đi theo ước mơ mình hẳn vì ta tin mình làm được, ta thấy cơ hội ở phía trước và ta nghĩ “sau cơn mưa, trời lại sáng”. Chúng ta có những cơ hội dù là được tạo ra một cách chủ quan hay khách quan nhưng sẽ là một câu chuyện khác nếu chúng ta biết nắm bắt.


         

Người ta thường bỏ qua cơ hội để làm cho con đường đi đến ước mơ của mình thêm bằng phẳng khi người ta chần chừ, do dự, người ta sợ thêm khó khăn, sợ mạo hiểm, sợ những điều chưa biết trước. Nếu con đường đi đến mục tiêu của chúng ta quá gồ ghề sao không thử đi vào một con đường mang tên cơ hội. Có thể đó là đường tắt nhưng cũng không loại trừ đó là đường vòng. Nhưng là đó là gì đi chăng nữa thì hẳn cũng sẽ là một trải nghiệm khi ta dám thử thách với cái mới. Nếu mọi chuyện quá dễ dàng thì chúng ta sẽ khó để trân trọng. Cứ đặt ra cho mình một vòng an toàn thì đến bao giờ ta mới có thể vững vàng mà vượt trùng khơi, mà khám phá. Nếu chẳng may một ngày nào đó, ta vấp ngã, chúng ta sẽ tiếc nuối về những cơ hội mình đã bỏ lỡ, day dứt về những việc đáng lẽ mình phải làm. Nếu biết có một ngày như thế, sao không tự cho mình cơ hội, ngay lúc này.
           

“Chúng ta trở nên lớn lao bởi những ước mơ. Tất cả các vĩ nhân đều là những người hay mơ mộng. Họ nhìn thấy sự việc trong làn sương mờ của một ngày mùa xuân hoặc trong ánh lửa hồng của đêm dài mùa đông. Một số người trong chúng ta để những ước mơ tuyệt vời này chết đi, nhưng những người khác lại nuôi dưỡng và bảo vệ chúng qua những ngày xấu trời cho đến khi chúng mang đến cho họ ánh thái dương và ánh sáng, đó là điều luôn đến với những người hy vọng chân thành rằng những ước mơ của họ sẽ trở thành hiện thực” (Woodrow Wilson). Phải thừa nhận một điều rằng chúng ta thường hay có những ước mơ và cũng không phủ nhận rằng không ít người làm được điều họ mong muốn bởi họ biết cách nuôi dưỡng những giấc mơ, biết cố gắng vì những giấc mơ của mình. Hãy thôi cuộn tròn mình trong chăn ấm, hãy mở mắt, bước khỏi giường, hãy mở rèm cửa để xem hôm nay ánh nắng sớm ấm áp thế nào hay cơn mưa kia mát mẻ ra sao, hãy có những ước mơ thật ý nghĩa cho ngày hôm nay, cho ngày mai và cho cả cuộc đời. Hãy bước đi và thực hiện ước mơ của bạn. Đừng quên rằng Nick Vujicic đã phải nỗ lực như thế nào để có được ngày hôm nay như chúng ta thấy. Đừng quên rằng vẫn còn nhiều người đang miệt mài theo đuổi giấc mơ của mình. Và đừng quên nhắc nhở để biết mình cần phải cố gắng ra sao để những ước mơ kia vút bay khỏi trí tưởng tượng và bước vào đời thực.

Nguồn ảnh: Internet.


Tác giả: Phạm Hồng Sơn, sinh viên @ Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/profile.php?id=100018153271984
-------------------------------- 
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 
         (*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

364 lượt xem, 359 người xem - 371 điểm