Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] “Con Gái Đừng Học Giỏi Làm Gì!”

Mỗi đứa trẻ sinh ra đều bình đẳng, nhưng không biết từ khi nào, cán cân bình đẳng ấy dần lệch đi… Và như một lẽ hiển nhiên, con trai luôn được hưởng một “đặc quyền ưu tiên” vô hình về giáo dục trong tiềm thức của nhiều người.

Những bé trai luôn được định hướng học những ngành nghề “tri thức” theo quan điểm của người lớn, như bác sĩ, kỹ sư, giảng viên, nhà nghiên cứu thông qua việc nhận được những món quà mang tính sắp đặt như bộ đồ chơi xếp hình, máy bay, robot…

Ngược lại, những đứa bé gái, nghiễm nhiên được trao cho những con búp bê đáng yêu, gương, lược cùng những bộ đồ hàng... Và cũng từ những thứ đó, chúng được mặc định trở thành những cô gái yếu đuối, mỏng manh, nhốt mình trong nhà, chỉ biết làm đẹp và nấu ăn như cách bà và mẹ chúng được dạy.



Những cậu bé được dạy để trở thành những “người tri thức”, còn những cô bé thì được bảo ban chỉ nên quan tâm đến vẻ ngoài và cuộc sống nội trợ. (Nguồn ảnh: Internet)


Từ khi còn bé, những đứa bé trai được bảo ban rằng đàn ông sinh ra để làm người trụ cột, người hùng, kẻ làm việc lớn, và không được khóc; còn phụ nữ được tạo ra chỉ để trở thành hậu cần cho người đàn ông.

Và với những cô bé, đây sẽ là những câu nói mà hẳn rằng ai cũng từng nghe qua ít nhất một lần: "Học chi rồi sau này cũng lấy chồng, đẻ con", "Học cho giỏi rồi sau này cũng để đám con trai lấn lướt thôi con ạ", "Con gái mà giỏi quá thì thằng nào mà thèm lấy"... Và cứ thế, xã hội mặc định gán ghép cho họ hình ảnh nhu nhược, yếu đuối, không có tiếng nói và dễ bị sai khiến bởi những người-khác-phái: đàn ông.

Dù câu chuyện sửa điểm của Đại học Tokyo, Nhật đã lắng xuống, nhưng tôi vẫn không thôi ám ảnh bởi lời giải thích “phụ nữ có khuynh hướng bỏ việc sau khi trở thành bác sĩ, cụ thể là lúc họ lập gia đình và có con cái. Các bác sĩ nam được cho là bám nghề, chịu được áp lực thời gian và cường độ làm việc cao hơn”. Vậy mới thấy, sự bất bình đẳng trong giáo dục tồn tại là vì có những suy nghĩ, tư tưởng cổ hủ đeo bám và kéo trì những bước tiến của xã hội.

Những nam sinh viên, dù nhiều người có thể không thật sự đam mê ngành y, cũng vì cha mẹ mong muốn và định kiến xã hội mà trở thành những “bác sĩ lành nghề” một cách dễ dàng vì có những nhà tuyển sinh với suy nghĩ áp đặt và cổ hủ như Đại học Tokyo. Còn những cô gái, dù yêu thích khoa học, mong muốn cống hiến cho xã hội bằng ngành nghề vô cùng cao quý: bác sĩ, cũng vì bởi hiện tượng “bỏ việc sau khi lập gia đình và có con cái” (theo lời giải thích của Đại học Tokyo sau vụ bê bối) mà phải gấp những trang sách, cất những ước mơ ấy đi để tìm kiếm một tấm chồng thành đạt và trở thành một "người nội trợ đảm đang", "người phụ nữ đứng sau lưng người đàn ông thành công"..., theo như quan niệm của nhiều người trong xã hội.


Họ có cùng xuất phát điểm, nhưng không được trao cùng cơ hội với những sinh viên nam, nhất là trong những nhóm ngành đòi hỏi nhân sự “tri thức cao” và “chịu được áp lực”.  (Nguồn ảnh: Internet)

Đấy là câu chuyện chung của những bé gái, chúng lớn dần trở thành những nữ sinh rồi là những người phụ nữ với cả phần đời chôn vùi bản thân trong những định kiến và áp đặt của xã hội. Còn của tôi thì sao?

Lúc bé tôi cũng thường xuyên được mọi người tặng cho những món đồ hàng, những con búp bê xinh đẹp, hay thậm chí là những món trang sức dành cho trẻ em. Nhưng ba mẹ tôi thì không, họ cho tôi chơi những thứ tôi thích, tôi thích chơi xe điều khiển, họ sẽ không ép tôi bán đồ hang; tôi thích chơi siêu nhân, họ sẽ không thay nó bằng một con búp bê và bảo tôi “ru em ngủ”.



Ba mẹ chưa từng bắt tôi làm điều gì theo đúng định kiến xã hội. Tôi hoàn toàn có thể tự quyết định mọi thứ thuộc về mình, miễn là đó không phải việc sai trái. (Nguồn ảnh: Internet)

Khi còn bé, tôi bảo muốn làm bác sĩ và phải đi du học, ba mẹ tôi chỉ bảo “muốn làm bác sĩ thì phải học thật giỏi” và thật vậy, tôi đã cố gắng suốt những năm cấp Một, cấp Hai để có thể hoàn thành giấc mơ của mình. Thấy vậy, nhiều người thân khuyên tôi không nên học cao, học bình thường để sau này có nghề đi làm là được. Nhưng ba mẹ tôi thì không, họ khuyên tôi phải cố gắng học hành, phải tự đứng trên đôi chân của chính mình, ngay cả ba mẹ cũng không thể lo cho tôi cả đời, thì “chồng” cũng sẽ không phải là người chắc chắn hoàn thành tốt “trách nhiệm” đó.

Lên cấp ba, tôi nhận ra mình không hợp với ngành y và quyết định học Quan hệ quốc tế, ba mẹ chỉ bảo, học ngành này khá cực, nhưng chưa từng phản đối con gái, thậm chí ngược lại, họ còn ủng hộ tôi làm điều mình thích. Nhưng những người thân, bạn bè thì lại luôn nhìn tôi với ánh mắt e ngại “con gái mà chọn ngành nào cũng khó” hay “gia đình có ai làm ngành đó đâu”.

Có thể tôi may mắn hơn rất nhiều người, ba mẹ tôi chưa từng phản đối bất cứ điều gì tôi muốn làm với lý do vì tôi là con gái. Nhưng tôi cũng không phải là ngoại lệ của những lời khuyên “con gái lớn thì phải lấy chồng” đến từ người thân và bạn bè. Nhưng điều quan trọng, đó chính là tôi chưa bao giờ tin vào lời bảo ban “con gái không bằng con trai”, tôi luôn cố gắng để chứng minh điều ngược lại cho mọi người thấy rằng “con-gái là tên gọi khác của bản-lĩnh” và rằng “mỗi người sẽ tự nắm lấy số phận của riêng mình, chứ nó không bao giờ được quyết định bởi xã hội và định kiến”.


Tôi muốn nói gì qua câu chuyện của những bé gái, và của chính bản thân tôi?

Là con gái, tôi chưa từng nghĩ để bản thân bị sắp đặt bởi người khác. Nếu người ta nói làm con gái là thiệt thòi, thì tôi phải biến chính sự thiệt thòi đó thành ưu thế của mình. Tôi cố gắng không phải để chứng minh cho người khác thấy tôi tài giỏi, mà là để phủ định lại câu nói cửa miệng “chắc nịch” của xã hội “con gái chẳng bao giờ bằng con trai”.

Là con gái, tôi luôn cho mình quyền được tự do, tôi chưa từng nghĩ lấy chồng hay sinh con phải là mục đích cuối cùng của cuộc đời một người phụ nữ. Đó là giai đoạn mà nhiều người sẽ trải qua, nhưng sẽ không phải là đích đến cuối cùng. Nếu con trai và con gái sinh ra là bình đẳng, thì tại sao người ta lại đặt đích đến của người phụ nữ trước người đàn ông? Điều đó chẳng phải đang ngầm khẳng định rằng một khi tiêu chí “lấy chồng, sinh con” hoàn thành nghĩa là cuộc đời người phụ nữ đã trọn vẹn, còn người đàn ông sau khi “lấy vợ, có con” thì vẫn sẽ tiếp tục trên con đường theo đuổi sự nghiệp của mình hay sao?


Với nhiều người, một khi tiêu chí “lấy chồng, sinh con” hoàn thành nghĩa là cuộc đời người phụ nữ đã trọn vẹn, còn người đàn ông sau khi “lấy vợ, có con” thì vẫn sẽ tiếp tục trên con đường theo đuổi sự nghiệp của mình. (Nguồn ảnh: Internet)

Và là con gái, tôi chưa bao giờ cho phép mình được trì trệ học tập, vì đơn giản, tuy học tập không phải là con đường duy nhất đến thành công, nhưng đó chính là con đường ngắn nhất và trực tiếp nhất. Tôi chưa bao giờ cho rằng phụ thuộc người khác là sự lựa chọn tốt, dù cho đó có là ba mẹ hay chồng mình, vì nếu nó tốt, thì chẳng ai khuyên con trai học nhiều để làm gì mà thay vào đó sẽ khuyến khích chúng phụ thuộc ba mẹ hay vợ mình.

Cuộc đời mỗi người là do họ tự quyết định, có thể, nhiều người phụ nữ sẽ nói rằng họ vẫn sống hạnh phúc và đầy đủ dù đang phụ thuộc hoàn toàn vào kinh tế của chồng, dù bản thân cũng không phải là người giỏi giang. Nhưng họ lại quên mất việc tự hỏi rằng họ sẽ ra sao nếu một ngày bệ đỡ kinh tế của họ không còn. Tìm lấy một nền tảng kinh tế khác bản thân và tự an ủi mình rằng bản thân vẫn ổn và sẽ hạnh phúc với đôi chân không phải của mình dường như sẽ không là một sự lựa chọn thông minh đối với đa số mọi người, nó được dùng làm lời khuyên cho những bé gái chỉ vì họ nghĩ rằng chúng yếu đuối, nhu nhược và không bản lĩnh bằng đàn ông, chỉ thế thôi!

Vậy nếu là bạn, bạn sẽ lựa chọn trở thành một người phụ nữ của gia đình, mãn nguyện với việc xây dựng tổ ấm và đứng trên đôi chân của “người chồng thành đạt” trong mơ, hay sẽ cố gắng tự xây dựng tiềm lực và đứng trên đôi chân của chính mình?



Tác Giả: Đặng Mỹ An

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/myandang2002

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,551 lượt xem, 4,473 người xem - 4500 điểm