Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Tản Mạn Về Tự Do


Nhiều người định nghĩa tự do trong cách sống là được làm điều mình muốn. Càng bị ngăn cản, người ta càng cố gắng vượt thoát để tự do sống theo cách của mình. Vậy cách của mình là như thế nào? Chằng phải trước một việc mình không biết, mình sẽ học hỏi để có thể làm được, thế chẳng phải ta vẫn đang mượn phương cách của người khác?

            

Tự do trong tâm tưởng là khi ta vượt thoát giây phút hiện tại, tâm trí phiêu lưu đến "nơi khác", không ràng buộc vào những gì đang hiện hữu. Con người gọi đó là chuỗi suy nghĩ mông lung không chủ đích, chìm đắm trong thế giới tưởng tượng của riêng mình. Nếu ta muốn thoát khỏi "bệnh này" hãy tìm cách tập trung vào giây phút hiện tại. Đôi lúc, ta vờ như mình đang thưởng thức cuộc sống ngay thời điểm bây giờ, nhưng thực chất những suy tưởng miên man vẫn trôi qua bên trong, có lúc ta nhận thức được chúng, có lúc ta mắc kẹt vào chúng.

             Con người tìm cách vượt qua dòng suy tưởng miên man về quá khứ và tương lai bằng cách tập trung hoàn toàn vào hiện tại, nhưng không nhận thức được vấn đề tại sao mình lại thường suy tưởng miên man. Căn nguyên gốc rễ bắt nguồn từ ước muốn đạt đến vô lượng tự do, tự do tràn đầy đến mức vô đối. Có thể ta không nhận ra trên bề mặt nhận thức, nhưng tiềm thức ta vẫn cứ thực hiện từ ngày này sang ngày khác. Dù ta có mất tất cả, kể cả thân xác này thì ta vẫn còn tự do trong tâm tưởng, nơi ta có thể nghĩ đến bất kì điều gì ta thích, phiêu lưu đến mọi nơi và thêu dệt bất kể câu chuyện gì. 

                                                    ( Tự do bay đến mọi chân trời trong tâm tưởng - Nguồn ảnh: guu.vn)

            

Người ta không hiểu được tại sao một số người bị điên và cứ sống trong thế giới của mình. Họ đã đánh mất sự nhận thức thực tại và rơi vào cảm tưởng tự do bất tận dưới quyền năng sáng tạo bất cứ điều gì họ muốn trong thế giới của riêng mình. Họ bất lực trong việc thỏa mãn những nhu cầu, đòi hỏi trong thế giới thực và tìm thấy sự tự do tuyệt đối trong ảo tưởng của chính mình. Ta cho thuốc họ uống, ta muốn giúp họ trở lại cuộc sống nhận thức bình thường, nhưng điều quan trọng là chính bản thân họ ban đầu đã chọn con đường đó. Họ sẽ không dùng thuốc, sẽ không trở lại thế giới bình thường nếu điều đó không phải là điều họ thực sự mong muốn. Tự do đến độ tâm thần thế này nhiều người sẽ nghĩ rằng hết sức lệch lạc, nhưng chính điều đó góp phần giúp ta hiểu được bản chất về nội tâm con người. Con người luôn tìm cách để đạt được sự tự do tối thượng, và trên hành trình đó, con người sáng tạo ra bao ý niệm mới về hạnh phúc, thành công, giàu có, tình yêu. Nếu không đạt được những giá trị đó trong hiện thực, người ta hoặc sẽ sống trong trạng thái không thỏa mãn thường xuyên, hoặc giả sống trong mộng mị - thế giới hư cấu được tạo ra để người "ngụp lặn" trong ảo tưởng của chính mình.

         Nếu biết trước rồi sẽ chết, sẽ tan biến vào hư vô thì tại sao ta vẫn sống, vẫn duy trì sự sống, vẫn tranh giành, hơn thua, lăn xăn làm điều này làm điều kia? Để tìm gì? Nếu bỏ qua hết những sự thỏa mãn nhất thời, thì đi tìm sự bất biến, trường cửu, cảm giác mình tồn tại mãi mãi có thể là sự thôi thúc mãnh liệt nhất. Ta không thể tìm sự vĩnh hằng nơi thân thể vì giới hạn sinh học và thậm chí có nhiều người còn không màng đến thân thể. Ta tìm sự vĩnh hằng nơi tư tưởng, tâm hồn tự do. Nói đến đây, ta có thể trả lời được phần nào tại sao một số người tự tử. Điều gì nằm sâu trong tiềm thức dẫn đến hành động trái với quy luật sinh tồn của họ vậy? Hẳn là sự bất lực lớn đến nhường nào mới khiến họ đi đến hành động cuối cùng ấy - hành động duy nhất họ cảm thấy mình có quyền kiểm soát được - sự sống chết của chính thân xác mình.


               (Thế giới hư cấu được tạo ra để người "ngụp lặn" trong ảo tưởng tự do của chính mình. Nguồn ảnh: bookhunterclub.com) 


Có thể nói khát vọng tự do là điểm mấu chốt cho tất cả những vấn đề trong thế giới này. Người ta đấu tranh chống chiến tranh không phải chỉ vì bị tước đoạt mọi của cải vật chất, kể cả thân thể mà đằng sau đó là chủ quyền - quyền tự quyết, quyền làm chủ. Con người luôn ngụp lặn để vượt thoát, tìm tự do cho chính mình, kể cả trong thời chiến hay thời bình. Thế giới đầy rẫy những người không hạnh phúc vì không hoàn toàn tự do. Dù ở tình huống nào, ở thời kì nào, anh đều là nô lệ. Anh mãi mãi không được tự do. Nếu anh nói mình tự do ở khía cạnh này thì lập tức anh bị vướng mắc ở khía cạnh khác. Nếu anh tập trung hoàn toàn tâm ý vào những gì xảy ra ở hiện tại, tâm trí anh mất tự do không thể bay nhảy đến những vùng đất mới mà anh tưởng tượng. Nếu anh hoàn toàn tập trung vào những gì tâm trí thêu dệt về quá khứ hay tương lai, anh không thể tự do sống với hoàn cảnh hiện tại đang diễn ra, đối thoại thực sự với người trước mặt mình. Tự do về mặt này là phản tự do ở những mặt khác. Hay nói cách khác, anh tự domà đồng thời cũng “không tự do”.

             Khi anh nghĩ rằng, anh đang sáng tạo tự do theo cách của riêng anh thì anh cũng đang tự nhốt mình trong chính "chiếc lồng tự do" ấy. Anh đọc kiến thức từ người khác, anh tiếp thu những tư tưởng từ thế giới xung quanh, và đến một lúc nào đó, anh có sự thôi thúc bên trong chia sẻ trải nghiệm anh đang gặp phải, đang ngộ ra; thế chẳng phải anh cũng chỉ đơn thuần là một tấm biển chỉ đường, giống như bao người đi trước, để hỗ trợ một phần vô cùng nhỏ bé trên hành trình nhận thức đời sống này? Chân lý luôn tồn tại nhưng anh không phải là chân lý, lời anh nói càng không phải chân lý, đó chỉ đơn thuần là những biển chỉ đường. Càng nhiều biển chỉ đường, hành trình đến với sự thật phần nào dễ dàng hơn, hoặc cũng có thể, anh sẽ mắc kẹt trong "mê cung biển chỉ đường" mà không tìm thấy lối ra thực sự. Nhưng nghịch lý là, cũng từ trong chính mê cung đó, anh có thể phát hiện chìa khóa mở cửa cho chính những hỗn tạp, đa mang, rối rắm trong đời.


(Khát vọng tự do từ mỗi người là "biển chỉ đường" dẫn lối trên hành trình cùng nhau khám phá chân lý cuộc sống. Nguồn ảnh: picpedia.org)


Con người là sinh vật mâu thuẫn và chứa đầy nghịch lý. Họ nói với bạn đừng đứng núi này trông núi nọ, nhưng nếu bạn làm theo bạn sẽ mất tự do trong việc khám phá điều gì đó đối với bạn là mới mẻ. Nếu bạn đang ở đây, bạn không thể ở nơi nào khác. Nếu bạn đang làm việc này, bạn không thể đang làm việc khác. Điều này dẫn đến một phạm trù: Nỗi sợ bị bỏ lỡ. Ta có thể sống mà không bỏ lỡ bất cứ điều gì? Ta cố gắng đi và trải nghiệm thật nhiều, nhưng sẽ luôn có những nơi ta chưa từng đi, có những người ta chưa từng gặp và những việc ta chưa từng làm. Làm sao sống một đời không sợ bị bỏ lỡ, không nuối tiếc, không kì vọng, không đau khổ giống như làm sao sống mà không thở vậy. Oái ăm thay, chúng lại là bản chất của cuộc sống; muốn vượt thoát nuối tiếc chỉ chất chồng nuối tiếc, muốn vượt thoát kì vọng chỉ chất chồng kì vọng, muốn vượt thoát khổ đau chỉ chất chồng cảm giác khổ đau. Trong nhận thức ta muốn từ khước chúng, nhưng trong vô thức ta lại lôi kéo chúng. Tựa như ta đang chơi cùng tâm trí mình, một trò đùa, nói như một nhà văn “một tấn trò đời” không hồi kết, không biên giới.

Cuộc kiếm tìm tự do rồi sẽ dẫn ta đến đâu? Ta cứ đi mà không biết mình sẽ đi về đâu, đích đến sẽ như thế nào. Phải chăng đó cũng là một dạng tự do? Tự do để đi tìm tự do? Tâm trí có thể là cỗ máy quyền năng nhất của con người, nhưng đó cũng chính là mê cung lớn nhất của một đời người. Tâm trí có thể giúp ta tạo dựng nên thực tại theo ý muốn, nhưng một ngày nào đó, tâm trí sẽ phản pháo để lại ta trong một hiện thực trần trụi của những mộng tưởng một đời. Đi tìm tự do để rồi đánh mất tự do. Đi tìm sự thật để rồi đi đến chỗ nhận thức không có gì là thật. Thân xác không thật, nếu là thật, đã không tàn úa. Ý niệm không thật, nếu là thật, đã bất biến theo thời gian. Cảm xúc có thật, suy nghĩ có thật không, khi ta có thể can thiệp vào quá trình tạo dựng ra chúng. Vạn vật đều luôn biến chuyển, thay đổi trong từng khoảnh khắc, vậy ta đi tìm sự bất biến trong cuộc đời này, há chăng là một việc làm vô ích, “dã tràng xây cát”? Chấp nhận sự thay đổi như điều tất yếu của cuộc sống? Nhưng con người có dễ dàng chịu chấp nhận? Ta luôn muốn biết, muốn hiểu, muốn kiếm soát, làm chủ hoàn cảnh; nhưng càng biết, càng hiểu, ta càng nhận ra sự bất lực trên một số khía cạnh đời mình. Ta càng khao khát, ta càng đau khổ. Ấy vậy, nhiều người đã nói theo tinh thần Phật giáo ‘Càng mong cầu càng khổ đau”. Vậy hết mong cầu có hết khổ không? Ta mong cầu cho mình hết mong cầu, há chăng lại là một dạng trá hình khác của mong cầu?

             Nói như một triết gia “thế giới như một nhà tù lớn”. Ta không bị đeo gông, xiềng xích và cũng không có song sắt xung quanh, nhưng ta không thể nào đi ra khỏi nó. Ta không chịu được bốn bức tường, ta muốn đào thoát. Ta không chịu được một thành phố, một đất nước, ta tha phương đến một thành phố khác, một đất nước khác. Ta không chịu được Trái Đất này, ta trốn lên các vì sao, các hành tinh xa. Dù ta có hiện diện nơi không gian rộng lớn nào, ta vẫn cảm giác “mắc kẹt" trong đó và lúc nào cũng mang theo những "vật” nặng trĩu bên trong. Có người nghĩ đến việc vượt thoát mọi gánh nặng, kể cả vật chất và tinh thần, kể cả thân xác và tâm trí. Liệu có thể vẫn tồn tại về mặt sinh học, tức là vẫn giữ lại hình hài vật chất này mà vẫn cảm giác được giải thoát? Có thể giữ lại tâm thức trong hiện thực mà vẫn nhẹ nhõm tựa mây bay?

             Trong thời khắc ta chứng kiến tự do đang đến với mình, từng thứ một trong ta dần dần ra đi. Từng giây phút trôi qua, ta cảm nhận sự giải thoát rõ rệt hơn bao giờ hết. Giống như ta đang cởi bỏ từng lớp áo, từng lớp mặt nạ, để mình hoàn toàn trần truồng trong bản thể đích thực trong suốt giữa chốn vĩnh hằng, “thinh không”. 

                Viết Vào Một Ngày Tự Do Kêu Gào Mãnh Liệt Nhất Và Cũng Là Ngày Buông Bỏ Khát Vọng Tìm Kiếm Tự Do.



Tác Giả: Trần Thị Tuyết (Snow White), Freelancer 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/snowwhite8592

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

827 lượt xem, 778 người xem - 793 điểm