Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Thuyết Chủng Tộc Thượng Đẳng Và Bài Học Cho Giới Trẻ Việt Nam

Thuyết Chủng Tộc Thượng Đẳng

Có khoảng hai tỷ người da màu và chín trăm triệu người da trắng trên trái đất. Ấy vậy mà lắm kẻ da trắng lại hân hoan khi Bá Tước Joshep-Arthur de Gobineau tuyên bố trong Essai sur l’inégalité des races humaines (Tiểu Luận Về Sự Bất Bình Đẳng Giữa Các Giống Người 1853-1855) rằng loài người được cấu thành bởi các chủng tộc vốn dĩ rất khác nhau về cấu tạo cơ thể, năng lực tinh thần, tính cách lẫn phẩm chất, và chỉ có một giống người duy nhất, giống “Aryan”, có bản chất vượt trội hơn tất cả các giống còn lại. Ông viết rằng: “Tất thảy những gì vỹ đại, cao quý, mỹ mãn trong tất cả các công trình của nhân loại trên hành tinh này: từ khoa học nghệ thuật cho đến ánh sáng văn minh, đều có một xuất phát điểm duy nhất – đó là sự phát triển của một mầm sống đặc biệt bắt nguồn từ một gia đình mà các chi họ của gia đình này đã trị vì khắp các nền văn minh từng có trong vũ trụ… Lịch sử cho ta thấy mọi nền văn minh đều xuất phát từ chủng tộc da trắng, không một nền văn minh nào có thể tồn tại mà không có sự giúp đỡ của chủng tộc này, và một xã hội chỉ có thể tồn tại rực rỡ nếu nó gìn giữ dòng máu của nhóm người cao quý đã tạo ra chính xã hội ấy.”

 

Thuyết Chủng Tộc Thượng Đẳng – Nòi Giống Thượng Đẳng Kiến Tạo Mọi Nền Văn Minh

Gobineau lập luận rằng những lợi thế ngoại cảnh của môi trường tự nhiên không thể lý giải sự phát triển của các nền văn minh nhân loại. Bởi lẽ cũng cùng một môi trường thuận lợi (ví như những dòng sông chở đầy phù sa bồi đắp cho đất đai màu mỡ) đã tắm mát các nền văn minh Ai Cập và Cận Đông lại không kiến tạo nên một nền văn minh nào cho người bản địa ở Bắc Mỹ mặc dù họ cùng sinh sống trên dải đất màu mỡ dọc theo những con sông kỳ vĩ. Ngay cả các thể chế cũng không kiến tạo nên nền văn minh bởi văn minh phát triển mạnh dưới đa dạng hình thái thể chế, mà có khi còn tương phản nhau như chế độ quân chủ trước đây ở Ai Cập lẫn chế độ dân chủ ở Athens. Sự trỗi dậy, thành công, suy tàn và sụp đổ của một nền văn minh phụ thuộc vào phẩm chất vốn có của giống nòi đó. Cũng giống như chính hình thái từ của từ “degeneration” (thoái hóa giống) đã chỉ ra, sự thoái hóa của một nền văn minh chính là sự xa rời khỏi một chủng loại, dòng dõi hay chủng tộc. “Các dân tộc chỉ bị thoái hóa do hậu quả của việc trộn lẫn các dòng máu.”  Thông thường, đây là hệ quả của hôn nhân giao thoa giữa các chủng tộc mạnh mẽ và những chủng tộc yếu kém hơn bị chinh phạt. Điều này dẫn đến sự vượt trội của người da trắng ở Hoa Kỳ và Canada (những người này không kết hôn với dân bản địa) khi so sánh với người da trắng ở Châu Mỹ Latinh (những người này có kết hôn với người bản địa). Chỉ những kẻ là sản phẩm của dòng máu hỗn tạp suy yếu mới dám bàn về sự bình đẳng giữa các chủng tộc, hoặc nghĩ rằng “bốn bể anh em đều là nhà”. Còn những cá nhân và dân tộc mạnh mẽ đều có ý thức về chủng tộc, và từ trong bản năng họ đều không thích việc kết hôn với chủng tộc khác.

Năm 1899, Houston Stewart Chamberlain, một người Anh chọn nước Đức làm nhà đã xuất bản tác phẩm Die Grundlagen des neunzebnten Jabrhunders (Nền Tảng Của Thế Kỷ XIX) với nội dung thu hẹp giống nòi có năng lực sáng tạo từ giống Aryan thành giống Teuton: “Lịch sử đích thực chỉ bắt đầu khi bàn tay quyền lực của người Đức nắm trọn di sản từ thời cổ đại để lại.” Với Chamberlain, khuôn mặt của Dante mang nét đặc trưng của người Đức. Ông tưởng rằng mình nghe thấy chất giọng Đức không lẫn vào đâu được trong bức thư của Thánh Phaolô gửi cho người Galatian. Mặc dù không rõ Chúa Giêsu có phải là người Đức hay không, song ông vẫn dõng dạc tuyên bố: “Kẻ nào vẫn cho rằng Cháu Giêsu xuất thân là một người Do Thái, kẻ ấy không ngu xuẩn thì cũng là dối trá.” Các văn sĩ Đức lại quá lịch sự nên cũng chẳng chống đối ý kiến của người khách đang ngụ trên quê hương, xứ sở của mình: Treitschke và Bernhardi thừa nhận rằng chủng tộc Đức là giống người vỹ đại nhất trong các chủng tộc hiện đại; Wagner đem cả lý thuyết ấy đi phổ nhạc; còn Alfred Rosen đã đưa dòng máu và đất nước Đức trở thành một “huyền thoại của thế kỷ XX gợi cảm hứng”; và đến tận cùng thì Adof Hitler, trên cơ sở của lý thuyết này, đã lôi kéo người Đức vào cuộc đại diệt chủng dân tộc Do Thái và tiến hành chinh phạt toàn cõi Châu Âu.

Một người Mỹ tên Madison Grant, trong cuốn The Passing of the Great race (Sự Lan Tỏa Của Chủng Tộc Thượng Đẳng, năm 1916), đã quy cho một nhánh của chủng Aryan gọi là nhánh “Bắc Âu” – bao gồm người Scandinavia, Scythia, người Đức ở Baltic, người Anh và người Mỹ gốc Anglo-Saxson là tác giả của những thành tựu văn minh. Những mùa đông lạnh đến đóng băng từ Phương Bắc đã trui rèn tộc người này thành “mãnh thú tóc vàng mắt xanh” càn quét từ bờ cõi nước Nga, qua vùng Balkan xuống đến tận Miền Nam u mê và chây lười trong hàng loạt cuộc viễn chinh đánh dấu buổi hồng hoang của nhân loại. Theo Grant, người “Sacae” (hay là người Scythian?) đã xâm lược Ấn Độ, phát triển tiếng Sankrit thành một ngôn ngữ trong ngữ hệ Ấn-Âu và thiết lập chế độ đẳng cấp để ngăn chặn sự thoái hóa giống thông qua hôn nhân phối ngẫu với nhóm “dân đen” bản địa. Người Cimmeria thì vượt dãy Caucasus tràn vào Ba Tư, người Phrygia tràn vào Tiểu Á, người Achaea và Dorian vào Hy Lạp và Crete, người Umbri và Oscan tràn xuống Ý. Giống Bắc Âu ở đâu cũng là những chiến binh, những nhà thám hiểm – cũng là nhóm có kỷ luật cao độ. Chính họ đã đàn áp nhóm người ở vùng Địa Trung Hải dưới miền Nam Âu vốn thiếu sự ổn định, ẻo lả và biếng nhác. Các chủng người Bắc Âu cũng hợp chủng với các chủng dân sống dọc theo Alps vốn là giống trung đẳng, trầm lặng và có tính phục tùng, từ đó tạo ra nhóm người Athens đã đạt đến đỉnh cao vào thời của Pericles và thời La Mã cùng nền Cộng Hòa của họ. Người Dorian ít kết hôn với người ngoại tộc nhất; họ trở thành người Sparta – một nhóm người với giai cấp quân nhân hùng hậu đã cai trị và biến dân Địa Trung Hải thành nô lệ dưới tay mình. Về sau, các cuộc hôn nhân giao thoa tiếp tục làm suy yếu các phẩm chất của huyết thống Bắc Âu ở bồn địa Attica (là vùng đất bao phủ Athens). Hậu quả là người Athens đại bại dưới tay người Sparta trong Chiến Tranh Penoponnesia và Hy Lạp bị các nhóm người mang dòng máu Bắc Âu thuần chủng hơn ở Macedonia và Cộng Hòa La Mã khuất phục.

Trong một tiến trình lan tỏa khác của nhóm dân Bắc Âu – từ Scandinavia và miền bắc nước Đức – dân Goth và Vandal đã xâm chiếm Đế Quốc La Mã; dân Angle và Saxson đã chinh phạt nước Anh và đặt cho nó một cái tên mới; các nhóm người Frank đã xâm chiếm xứ Gaul và đặt tên cho vùng đất này theo tên dân tộc của họ (France – Nước Pháp). Sau đó người Norman mang huyết thống Bắc Âu lại xâm lăng Pháp, Anh và đảo Sicily. Tiếp theo, giống người Lombard Râu Dài (cũng mang huyết thống Bắc Âu) tiến vào Ý, kết hôn và giao thoa với dân Ý bản địa, tiếp thêm sinh khí và chấn hưng các thành phố Milan và Florence, từ đó mở ra Thời Kỳ Phục Hưng ở Ý. Người Varangia gốc Bắc Âu thì xâm chiếm nước Nga và cai trị mãi cho đến năm 1917. Còn người Anh gốc Bắc Âu lần lượt thuộc địa hóa Mỹ và Úc, chinh phạt Ấn Độ, và đặt đồn bốt của họ ở khắp các hải cảng lớn tại Châu Á.

Grant tiếc nuối cho rằng trong thời đại của mình, giống người Bắc Âu đang dần mất đi ưu thế. Họ dần mất đi chỗ đứng ở Pháp vào năm 1789, khi Camilles Desmoulins tuyên truyền trong các quán cà phê rằng cuộc Cách Mạng vốn là một cuộc nổi dậy của người Gaul bản địa (tức người gốc “Alpine”) hòng lật đổ người Frankn (gốc Teuton) bởi lẽ người Frank đã đàn áp họ dười thời vua Clovis và Charlemagne. Những cuộc Thập Tự Chinh, Chiến Tranh Ba Mươi Năm, các cuộc chinh phạt của Napoléon và Đệ Nhất Thế Chiến đã làm suy kiệt nòi giống Bắc Âu, khiến số dân của nhóm người này sụt giảm đến mức không thể địch lại tỷ lệ sinh cao của các chủng  Alpine và “Địa Trung Hải” ở Châu Âu và Châu Mỹ. Grant dự đoán cho đến năm 2000, giống người Bắc Âu sẽ bị soán ngôi, sự sụp đổ của họ kéo theo sự tiêu vong của nên văn minh Phương Tây, chủ nghĩa man rợ sẽ lên ngôi và dâng cao tứ bề. Grant cũng khôn ngoan thừa nhận rằng chủng tộc “Địa Trung Hải”, mặc dù thể chất kém hơn so với giống Bắc Âu lẫn Alpine nhưng lại vượt trội ở phương diện trí tuệ và thành tựu nghệ thuật. Nhờ nhóm người này mà văn minh cổ đại Hy-La mới thăng hoa đến đỉnh cao. Tuy vậy, phải cảm ơn huyết thống Bắc Âu đã phối trộn với giống người này thì mới giúp họ đạt được những thành tựu cao như vậy.

 

Phản Biện Thuyết Chủng Tộc Thượng Đẳng

Thuyết chủng tộc có những nhược điểm dễ thấy. Một học giả Trung Quốc ắt sẽ nhắc cho ta nhớ rằng chính dân tộc của ông đã tạo ra nền văn minh lâu bền nhất trong lịch sử - các chính trị gia, nhà phát minh, nghệ sĩ, thi sĩ, khoa học gia, triết gia, các bậc thánh nhân kể từ năm 2000 trước công nguyên đến nay. Một học giả người Mexico lại có thể chỉ ra các công trình có kiến trúc vô cùng ngoạn mục của các nên văn minh Maya, Aztec và Inca ở Châu Mỹ trước khi Christopher Columpus khám phá ra châu lục này. Một học giả Ấn Độ, dẫu thừa nhận sự thâm nhập của giống người da trắng Aryan tại Bắc Ấn trước khi Chúa Giêsu ra đời đến tận một nghìn sáu trăm năm, vẫn sẽ hồi tưởng rằng chính các nhóm dân Dravidic da đen ở Miền Nam Ấn Độ đã tự sản sinh ra những nhà kiến thiết và đại thi hào của chính họ. Những ngôi đền ở Madras, Mandura và Trichinopoly là những công trình ấn tượng nhất thế giới. Ngoài ra, đáng kinh ngạc hơn nữa có thể kể đến quần thể Angkr Wat cao chót vót của người Khmer. Lịch sử không màng đến màu da, và một nền văn minh có thể phát triển dưới bất kỳ hoàn cảnh thuận lợi nào với bất kỳ sắc da nào.

Vẫn có những điểm khó lý giải ngay cả khi thuyết chủng tộc chỉ bị giới hạn trong phạm vi người da trắng. Người Semite sẽ nhắc ta nhớ về những nền văn minh Babylon, Assyria, Palestine, Phonecia, Carthage và Hồi Giáo. Người Do Thái đã tặng cả Kinh Thánh và Kitô Giáo cho toàn thể Châu Âu, cũng như tặng phần lớn Kinh Koran cho Nhà Tiên Tri Mohamned (người sáng lập ra đạo hồi). Những người Hồi Giáo có thể liệt kê hàng loạt vị vua chúa, nghệ sĩ, thi sĩ, khoa học gia đã chinh phạt và điểm tô phần đáng kể thế giới của người da trắng từ Bagdad tới Cordoue, trong lúc đó thì Tây Âu đang phải dò dẫm bước qua Thời Kỳ Tăm Tối (khoảng năm 565-1095).

Các nền văn minh cổ đại như Ai Cập, Hy Lạp và La Mã rõ ràng chính là hoàn cảnh địa lý thuận lợi kết hợp với sự phát triển kinh tế, chính trị thay vì thể chế về sắc tộc. Và các nền văn minh này chủ yếu có nguồn gốc từ Phương Đông. Như Hy Lạp vay mượn các môn nghệ thuật và chữ viết từ Tiểu Á, đảo Crete, Phoenicia và Ai Cập. Trong thiên niên kỷ II trước công nguyên, văn hóa Hy Lạp được gọi là “Mycenaea” , chữ này có nguồn gốc từ đảo Crete và có lẽ đã vay mượn từ Tiểu Á. Khi những người Dorian gốc Bắc Âu vượt biển Balkan tràn vào Hy Lạp họ đã phá hủy phần lớn những thành tựu và chữ viết của Hy Lạp cổ đại. Phải mất một khoảng thời gian đến vài thế kỷ sau, nền văn minh Hy Lạp mà ta biết qua sử sách mới tái xuất hiện như một vùng đất “địa linh nhân kiệt” với Lycurgus ở Sparta, Thales ở Miletus, Heracleitus ở Ephesus, Sappho ở Lesbos và Solon ở Athens. Kể từ thế kỷ VI trước công nguyên, người Hy Lạp truyền bá văn hóa của họ dọc theo bờ Địa Trung Hải ở Durazzo, Taranto, Crotona, Reggio Calabria, Syracuse, Naples, Nice, Monaco, Marseilles, Málaga. Từ các thành phố Hy Lạp ở Miền Nam Nước Ý cộng với văn hóa Etruria có nguồn gốc Á đã sản sinh ra nền văn minh La Mã; nhờ văn minh La Mã mà sản sinh ra nền văn minh của Tây Âu; nhờ nền văn minh Tây Âu mới có văn minh Bắc Mỹ và văn minh Nam Mỹ. Từ thế kỷ III trở đi, các bộ lạc người Celt, người Teuton và người gốc Á đã tàn phá toàn bộ nước Ý và hủy hoại các nền văn minh cổ điển. Miền Nam tạo ra các nền văn minh, Miền Bắc lại chinh phạt và hủy diệt chúng, rồi lại vay mượn từ chính những nền văn minh ấy để mà truyền bá – sơ lược lịch sử là như thế.

Những nỗ lực cố chứng tỏ mối tương quan giữa nên văn minh và chủng tộc bằng cách thử đo tỷ lệ của bộ não so với khuôn mặt và cân nặng cũng chẳng làm vấn đề sáng tỏ hơn được là bao. Giả như Châu Phi không sản sinh ra nền văn minh vỹ đại nào thì đó chắc là do điều kiện địa lý và khí hậu bất lợi, thử hỏi liệu có chủng người da trắng nào có thể làm khá hơn ở hoàn cảnh tương tự hay không? Điều đáng chú ý chính là trong vòng một trăm năm trở lại đây, đã có biết bao nhiêu người Mỹ gốc Phi vươn lên dẫn đầu trong các lĩnh vực chuyên môn, văn học, nghệ thuật bất chấp vô vàn rào cản xã hội ngăn trở.

Thật ra, đối với lịch sử mà nói thì nòi giống đóng vai trò mào đầu hơn là vai trò kiến tạo. Những chủng tộc khác nhau từ tứ phương tám hướng vào những thời điểm khác nhau đã đến hợp quần tại cùng một vùng đất, rồi thì họ phối trộn các huyết thống khác nhau, giao thoa các truyền thống và tập tục với nhau, hoặc giao du qua lại với chính dân bản địa. Điều này cũng giống như hai nguồn gen khác nhau cùng kết hợp lại trong quá trình sinh sản hữu tính. Sau vài thế kỷ thì sự phối trộn này có thể tạo ra một giống mới, thậm chí là một dân tộc mới bởi vậy mà những giống người Celt, La Mã, Angle, Saxon, Jute, Đan Mạch và Norman đã phối trộn lại với nhau mà sản sinh ra nòi giống Anh. Khi một giống mới thành hình thì các biểu hiện văn hóa của giống ấy là độc nhất theo cách riêng: một diện mạo, tính cách, ngôn ngữ, văn chương, tôn giáo, luân lý và nghệ thuật mới. Không phải nòi giống tạo ra nền văn minh, mà chính văn minh tạo nên một dân tộc: chính hoàn cảnh địa lý, kinh tế, chính trị tạo nên một nền văn hóa, và văn hóa lại tạo ra một kiểu người. Người Anh chẳng tạo ra nền văn minh của chính họ là bao so với cái cách mà nền văn minh tạo ra họ. Nếu một người Anh mang theo văn minh của họ tới bất kỳ đâu, ví như cái cách anh ta phục sức để dự bữa tối ở Timbuktu, thì không phải là anh ta đang tái tạo nền văn minh của mình ở nơi đó, mà chẳng qua anh ta một lần nữa thừa nhận vai trò tối thượng của nền văn minh, rằng nó đã hoàn toàn ngự trị linh hồn anh ta ở bất cứ đâu. Về lâu dài, những dị  biệt vể truyền thống và hình thái sẽ nhường bước dưới sự ảnh hưởng của môi trường. Sau nhiều thế hệ sinh sống ở miền nhiệt đới, những người Phương Bắc (Bắc Âu) dần dung nạp tập tính của người Miền Nam (Nam Âu), còn cháu chắt của người Miền Nam vốn nhàn nhã lại nhiễm tốc độ sống và tư duy nhanh hơn khi di cư lên Phương Bắc.

Nếu xét trên quan điểm này thì văn minh Hoa Kỳ hiện tại vẫn đang trong giai đoạn hợp chủng. Từ năm 1700 đến năm 1848, những người Mỹ da trắng sống tại phía bắc bang Florida chủ yếu là người gốc Anglo-Saxon, và văn chương của họ có thể ví như sự mở rộng của Nước Anh cổ trên “vùng đất mới của Nước Anh” (tức vùng New England ở Nước Mỹ). Từ năm 1848, Hoa Kỳ mở cửa đón chào tất cả những người da trắng bất kể gốc gác, và thế là một tiến trình phối trộn chủng tộc lại diễn ra, và có thể là trong vòng vài thế kỷ nữa nó cũng chưa thể kết thúc. Cho đến khi một chủng người đồng nhất mới xuất hiện thì Hoa Kỳ có thể có ngôn ngữ riêng (khác hẳn tiếng Anh, cũng như tiếng Tây Ban Nha khác so với tiếng Ý), có nền văn học bản địa và những nghệ thuật đặc trưng của chính mình. Ngay lúc này đây, ta đã có thể nghe thấy, nhác thấy mọi việc biến chuyển theo hướng này.

Phần nào căn nguyên của những ác cảm “chủng tộc” đến từ nguồn gốc sắc tộc ,  nhưng có lẽ do chính yếu là sự dị biệt của các nền văn hóa được thu nhận – về ngôn ngữ, cách phục sức ăn mặc, thói quen, luân lý, tôn giáo. Riêng với thói ác cảm này thì không có thuốc chữa, trừ phi trình độ giáo dục được mở rộng. Kiến thức về lịch sử dạy cho ta biết rằng văn minh là một công trình mà nhiều người hợp tác mới thành, hầu như mọi dân tộc đều góp phần tạo ra nó, nó là di sản chung cũng là món nợ chung của chúng ta. Một con người văn minh được thể hiện qua cách anh ta đối đãi với từng người – dù người đó là đàn ông hay phụ nữ, dù thấp kém ra sao – như một cá thể mang tính đại diện cho những tập thể đã chung tay gầy dựng nên văn minh nhân loại.

 

Lời Cuối – Không Có Chủng Tộc Thượng Đẳng, Chỉ Có Cá Nhân Thượng Đẳng

Đến đây chắc hẳn mọi người đều đã hiểu thuyết chủng tộc thượng đẳng vốn đề cao năng lực, khí chất, phẩm hạnh của nòi giống da trắng là một học thuyết có rất nhiều điều bất hợp lý. Đây là một học thuyết không hoàn toàn thuyết phục được toàn nhân loại và nó không thể được cả thế giới coi là mẫu mực về học thuyết chủng tộc. Học thuyết chủng tộc thượng đẳng không thể được cả thế giới coi là một báu vật được trân quý trong thế giới này xuyên suốt mọi thời đại. Ngay từ khi thành hình, nó đã bị phần đông thế giới “cự tuyệt”, ngay trong thời điểm cực thịnh của nó, thì vẫn có những con người bằng xương bằng thịt chứng minh điều ngược lại, điều này chứng tỏ học thuyết chủng tộc thượng đẳng có quá nhiều chỗ sạn. Nếu không phải như vậy thì ai có thể lý giải một cách thuyết phục nhất, cặn kẽ nhất, thấu đáo nhất cho hiện tượng huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long – Vua Quyền Thuật Thế Giới là người da màu. Nhiều võ sĩ da trắng vốn tin tưởng học thuyết này ở mức độ niềm tin cao nhất, họ coi đó là sự thật bất biến, sự thật vĩnh cửu, nhưng rồi thì sao, họ bị một thằng nhóc da màu đánh bại và tước đi niềm kiêu hãnh của họ. Họ bại trận chỉ để nhận một câu nói của Lý Tiểu Long: “Tấm ván mà anh đánh gãy không phản đòn lại anh đâu, nhưng tôi thì có đấy.” Và có một “cao nhân” da trắng nào ủng hộ thuyết chủng tộc thượng đẳng có lời giải thích rõ ràng nhất và thuyết phục nhất cho hiện tượng Huyền Thoại Quyền Anh Hạng Nặng Thế Giới Muhammad Ali đã thành công tột đỉnh trên võ đài quyền anh hạng nặng thế giới, liệu người da trắng nào có thể dạy cho thằng nhóc da màu này bài học về “chủng tộc thượng đẳng”. Và trong ngành vật lý học, liệu người da trắng nào thuộc chủng tộc thượng đẳng có thể vượt trội hơn Albert Einstein về sự thông thái, uyên bác và những cống hiến thành tựu khoa học của ông. Vào thời điểm cực thịnh của học thuyết này, vì lòng tự tôn dân tộc, tự tôn giống nòi mà lắm người Pháp da trắng đã ngạo mạn coi dân tộc Việt Nam là một giống nòi không đủ sức chống lại sự xâm lăng và nô dịch của họ. Nhưng kết quả thì sao? Trận Điện Biên Phủ đã khiến những người Pháp da trắng vốn coi họ là chủng tộc thượng đẳng phải kinh ngạc tột độ và khiếp sợ sự mưu trí và tính anh hùng của người Việt. Sau khi Mỹ đánh bại Phát Xít Nhật, người Mỹ coi người Việt Nam chỉ là tay mơ trên chiến trường, và họ nghĩ Pháp thua Việt Nam là vì người Pháp yếu kém hơn người Mỹ, những nhà lãnh đạo Mỹ và những sĩ quan cấp cao của đất nước này tự nhủ sẽ dạy cho Việt Nam biết thế nào mới là những chiến binh thực thụ. Nhưng kết quả thì sao? Khi Mỹ miễn cưỡng rút quân khỏi Việt Nam, tuyệt đại đa số quân nhân của họ đều nghiện ma túy. Tại sao lại như vậy? Vì trong rừng Trường Sơn, họ không thể biết nơi nào là không có lính Bắc Việt, họ có thể chết bất cứ lúc nào, bởi đạn của người việt, bởi hố chông, bởi cách đánh độn thổ, thậm chí ngay giữa thành phố Sài Gòn khi họ đang chìm trong những cuộc vui với rượu, vũ hội và phụ nữ thì họ vẫn có thể chết bất cứ lúc nào. Đó là lý do họ phải tìm đến ma túy để lấy thêm một phần dũng khí nhỏ nhoi. Vậy ai mới là chủng tộc thượng đẳng đây? Qua hai cuộc chiến tranh chống Thực Dân Pháp và Đế Quốc Mỹ, người Việt Nam phải chịu khó khăn, đau khổ, hy sinh, mất mát gấp nhiều lần hai kẻ xâm lăng này, nhưng người Việt vẫn gian nan khó khăn thì ca hát mà vượt qua, máu đào thay nước mắt, quyết chí hy sinh chẳng ngại thân mình, tuyệt không cần dùng đến ma túy.

Nếu thuyết chủng tộc thượng đẳng cho rằng người da trắng là giống nòi siêu việt nhất thì từ trước công nguyên, người Trung Hoa đã coi họ là chủng tộc thượng đẳng. Nhưng lịch sử đã chứng minh điều ngược lại! Năm ngàn năm văn minh hoa hạ của họ không xóa đi được vết nhơ bị xâm lăng của họ. Nào là Ngũ Hồ Thập Lục Quốc, Mông Nguyên và Mãn Châu. Vậy thì họ cũng từng bị xâm lăng và nô dịch như những dân tộc khác thôi, có gì vượt trội hơn những dân tộc khác ở vùng Châu Á Thái Bình Dương này đâu. Nhắc đến những điều này không thể không kể đến triều đại nhà Tống của người Hoa Hạ. Nhà Tống tự cho mình là Hoa Hạ Thiên Triều và các quốc gia tồn tại cùng thời khác là Nhược Quốc Man Di nhưng có lẽ nào một quốc gia văn minh hùng mạnh nhất khu vực lại không đọ nổi binh lực với các quốc gia bị khinh thị kia. Đại Tống không phải một nước mạnh. Bằng chứng là họ bất lực trước quân đội của Đại Việt, Liêu, Kim, Tây Hạ, Thổ Phồn. Vậy thì cái tư tưởng, cái ý niệm “chủng tộc thượng đẳng” in sâu trong tâm trí và truyền thống của người Hoa Hạ, trên thực tế quá mờ nhạt, quá lung lay, quá bấp bênh rồi.

Thật khó có thể biết giống nòi nào mới là chủng tộc thượng đẳng. Chủng tộc nào dù mạnh hay yếu, dù ra sao đi nữa vẫn có lòng tự tôn dân tộc của họ vì vậy nếu cho họ quyền tuyên bố về nội dung của thuyết chủng tộc thượng đẳng thì lắm người sẽ hăng hái tự nhận chủng tộc của họ là chủng tộc thượng đẳng, vì như thế đồng nghĩa với việc họ cũng là người thượng đẳng. Bởi vậy đây là một chủ đề tranh luận không hồi kết và vốn dĩ đã đi vào hướng cùn mòn từ lâu. Vì thế, cách tốt nhất để xử trí chuyện này là tránh cuộc tranh luận về chủ đề cũ rích, mơ hồ, dễ gây va chạm không đáng có này đi. Cuộc đời vốn là vậy, thùng kêu là thùng rỗng, nhưng sông sâu tĩnh lặng, lúa chín lại cúi đầu. Kẻ tầm thường thì lại khoác lác với cả thiên hạ rằng ta đây là đệ nhất, người thông thái lại thường ít nói và chắc chắn sẽ khiêm nhường đúng thời điểm, đúng tình huống. Điều đơn giản, nhỏ nhoi này còn có giá trị thuyết phục và ý nghĩa hơn gấp nhiều lần cái thuyết chủng tộc thượng đẳng kia. Ý tôi muốn nói rằng thuyết chủng tộc thượng đẳng không đủ sức thuyết phục để áp dụng vào thực tế đời sống. Muốn làm sáng tỏ hai từ “thượng đẳng” thì phải lấy từng cá nhân so với từng cá nhân. Đó mới là “học thuyết” vô danh nhưng đúng đắn nhất về tính ưu việt của con người so với những con người khác.

Tác Giả: Thần Ánh Sáng

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/minhhoang.nguyen.5855594/ 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,049 lượt xem, 784 người xem - 784 điểm

lh-fulllh-x