Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Thuyết So Sánh Xã Hội - Chúng Ta Ở Đâu Trong Thế Giới 7 Tỷ Người!


Tôi trình bày bài viết này gần giống một chương của cuốn sách cuộc đời mình.. Bởi lẽ, tôi nghiệm ra “so sánh xã hội” tồn tại song song cùng với vòng đời mỗi người. Một đứa trẻ mới sinh ra, chưa biết chừng đã được xã hội đặt lên bàn cân so sánh.

 

Tôi thực sự thắc mắc, vì sao những vấn đề tựa tựa như “thuyết so sánh xã hội” lại chưa được giảng dạy trong chương trình đại cương của giới trẻ. Khi chúng ta đã đủ nhận thức và có thể “cần” nhiều kiến thức hơn những điều chỉ gói gọn trong sách giáo khoa về những vấn đề của xã hội, ví dụ như giáo dục giới tính. Những điều hiển nhiên xảy ra trong cuộc sống và gắn liền với con người, nhưng không ai hiểu biết chính xác, một cái tên cũng khá mờ nhạt, thậm chí tự định hình là “nó đó”. Chúng ta cần có thêm nhiều khái niệm, những cuộc tranh luận ở trên các giảng đường thay vì ở quán trà đá vỉa hè hay bàn nhậu, góc ngách trốn công sở…để cùng tiến bộ và văn minh hơn nữa.

 

I. Khái quát về “thuyết so sánh xã hội”

- Cô ấy cao , da trắng, đẹp hơn tôi. Tôi thấy mình thật xấu xí.

- Bạn A nhà cô B là học sinh giỏi cấp tỉnh, cô ấy giỏi hơn mình. Mình chẳng làm nên được trò trống gì. Mình thật kém cỏi.

- Mình cao hơn cô ấy, da trắng mịn hơn. Mình đẹp hơn nhiều người.

- Mình đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, bạn A nhà cô B không được thành tích gì. Mình thấy tự hào về bản thân.

Khi bước chân ra ngoài đường, chúng ta hầu hết đều bật chế độ tự động nhẩm tính “những thước đo” so sánh chính mình với bất kì một ai đó, không ít thì nhiều. Não bộ rất nhạy bén và linh hoạt trong vấn đề này. Việc khen ngợi người khác là một chuyện, so sánh chính mình với người khác lại là một chuyện khác và rất dễ mắc bẫy “so sánh xã hội” do chính mình tạo ra.

 

Thuyết so sánh xã hội được đề xuất lần đầu tiên vào năm 1954 bởi nhà tâm lý học Leon Festinger và chỉ ra rằng mỗi người có thiên hướng bẩm sinh là tự đánh giá bản thân, thông thường là so sánh với những người khác. Đây như một cách thiết lập một tiêu chuẩn để có thể đưa ra những đánh giá chính xác về bản thân.

 

Như một bản năng, con người tự đưa ra các đánh giá về chính mình. “Bí quyết” điển hình để thực hiện điều này là thông qua việc so sánh xã hội, hoặc phân tích bản thân trong một mối quan hệ với người khác.

Trong hầu hết các trường hợp, chúng ta cố gắng so sánh mình với những người cùng trang lứa hoặc những ai đó tương tự mình.

So sánh xã hội là một hành vi tự nhiên, một động lực phổ biến của con người, xuất hiện từ khi trẻ còn rất nhỏ.

Đối với một đứa trẻ, biểu hiện ở việc muốn có bằng được những món đồ chơi giống như bạn mình.

Trường trung học, thế giới của hàng hiệu, sự nổi tiếngvà “nỗi sợ bị bỏ rơi” (Fear Of Missing Out - FOMO) là khi sự so sánh xã hội thực sự có giá trị và nó không bao giờ biến mất hoàn toàn. 

Mỗi người luôn tập trung “chạy đua” vào những trường đại học tốt hơn, tìm được công việc tốt hơn, kết hôn với một ai đó mà bạn bè có thể ghen tị và xây dựng lên một cuộc sống hoàn hảo như tranh vẽ. Và đến khi có con, con cái cũng sẽ tham gia lại vào chu kì này.

Người trưởng thành phải đối mặt với những áp lực so sánh xã hội giống như thanh thiếu niên: ngoại hình, địa vị xã hội, vật chất, thậm chí là các mối quan hệ.

 

Có hai dạng so sánh xã hội:

- Upward social comparison (tạm gọi: so sánh trên): là quá trình đánh giá bản thân trước một người mà thấy người đó hơn mình. Được diễn ra dưới hai hình thức: một là nổ lực tự phát huy bản thân. Tuy nhiên, về mặt tiêu cực thì chúng ta sẽ rễ rơi vào bẫy “position bias” (tạm dịch là thiên kiến vị trí), có khuynh hướng so sánh bản thân với những người “nhóm trên” nhưng bỏ qua những người ở “nhóm dưới”. Ví dụ như: thấy người khác “hơn mình” trên mạng xã hội, về một lĩnh vực hay khía cạnh nào đó, chính mình sẽ tạo cảm giác bất an và đố kỵ.

 

- Downward social comparison (tạm gọi: so sánh dưới): là quá trình đánh giá bản thân với một người “kém hơn” (ở mặt nào đó). Về mặt tích cực, điều này sẽ khiến chúng ta tự tin hơn, đồng thời đem lại tác dụng an ủi. Tuy nhiên, mặt trái là khiến ta không còn nổ lực phấn đấu. 

 

Tôi không nhớ chính xác đâu là lần đầu tiên mình so sánh bản thân với người khác. Năm học tiểu học, thấy bạn mình được vinh danh trong kì thi viết sạch chữ đẹp, tôi đã rất ngưỡng mộ và thúc mình chăm chỉ luyện tập. Năm học cấp hai, tôi đã tự vấn cơ thể có phần hơi “sổ sữa” đang trong quá trình dậy thì và so sánh với những bạn có vóc dáng mảnh mai. Tôi có chút tự ti, thiếu tự tin và cả xấu hổ vì bị trêu chọc.

 

Khi đó tôi không biết khái niệm gì về “thuyết so sánh xã hội” để nhận thức và tự bào chữa cho bản thân. Nếu tĩnh tâm quán chiếu thì người tự biên tự diễn “vở kịch” trọn đời này chính là bản thân mình. So sánh xã hội có cả mặt tốt và xấu, cũng giống con dao hai lưỡi. Điều quan trọng hơn cả là chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phát huy mặt tích cực và dập tắt ngọn lửa tiêu cực ngay từ thời điểm mới nhen nhóm.

 

II. Những Cái Bẫy “Ngọt Ngào” Mang Tên So Sánh Xã Hội:

Lợi ích từ việc so sánh xã hội:

So sánh bản thân với người khác đã và đang phát triển để giúp mọi người sống cùng nhau như một nhóm gắn kết, học hỏi từ những người khác, và giữ cho chúng ta không bị tụt lại quá xa với tiềm năng của mình.

 

Điều này cũng giúp chúng ta xác định và đánh giá bản thân trong các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống.

Tuy nhiên đây cũng là nguyên do gây nên căng thẳng và cạnh tranh hơn mức chúng ta cần.

Những so sánh xã hội không phải lúc nào cũng xấu, nhưng đôi khi chúng ít hữu ích hơn chúng ta nghĩ và thực sự tồi tệ cho mức độ hạnh phúc và gia tăng sự căng thẳng.

 

Tất nhiên, có khía cạnh tích cực đối với khả năng cạnh tranh và so sánh xã hội. Khi bạn bè chúng ta đều làm tốt, họ cũng truyền cảm hứng cho chúng ta làm hết khả năng của mình (điều này đúng khi họ chia sẻ những bí quyết thành công của họ). Đây là mặt tích cực của so sánh trên”.

Và khi chúng ta so sánh bản thân với những người “kém” hơn mình, chúng ta sẽ có xu hướng đánh giá về những gì chúng ta có. nhận thức được rằng, chính mình có thể sẽ đứng ở vị trí “tệ” hơn hiện tại, điều này sẽ giúp chúng ta cảm thấy biết ơn và đồng cảm nhiều hơn.

 

Chúng ta thường làm tốt hơn nếu cố gắng theo kịp một hình mẫu, một người bạn thành công và có thể cải thiện bản thân bằng cách hỗ trợ người khác.

 

Ngay cả mong muốn né tránh cảm giác khó chịu của sự thất bại cũng có thể là một động lực tốt. Sự khác biệt chính là trong sự cạnh tranh thân thiện, những người là động lực thúc đẩy bạn thành công, vui mừng trước những thành công của bạn và giúp bạn tiếp tục vượt qua những giai đoạn khó khăn. Ngược lại khi bạn đang cạnh tranh với những Frenemies (là những người tỏ ra là một người bạn nhưng thực tế là kẻ thù (theo từ điển Cambridge), tạm dịch: “kẻ thù không đội trời chung”), họ dường như “thích thú” với việc “trên cơ” người khác và khi người khác thất bại.

 

Truyền thông ngày một khéo léo dệt nên những “tấm thảm so sánh xã hội” :

 

Truyền thông sẽ không thực sự tốt cho sức khỏe của những người thực sự muốn “yên ổn” và không muốn so sánh xã hội.

 

Từ khi các phương tiện truyền thông phát triển, so sánh xã hội đã được đưa lên một cấp độ hoàn toàn mới. Tốc độ nhanh chóng và mật độ dày đặc của hình ảnh, tin tức về người quen và cả xa lạ tràn ngập mọi ngõ ngách, đặc biệt là mạng xã hội, khiến chúng ta dường như không thể “yên ổn”. Khi ta nhìn thấy một ai đó đang làm những điều mà mình không làm và chúng ta trở nên căng thẳng một cách kinh ngạc. Nhanh chóng, ta đặt những câu hỏi sặc mùi “trầm cảm”:

Liệu mình có đang làm đủ, kiếm đủ và tận hưởng đủ cuộc sống hay không?

Mình đang làm gì với bản thân vậy?

Và ta có đủ tỉnh táo để nhận biết được:

Liệu ta có đang so sánh cuộc sống bình thường của mình với những kỉ niệm đẹp nhất được sắp xếp của người khác?

Liệu rằng họ có phải đang đăng những bức ảnh nổi bật và đẹp nhất trong hàng tá những bức ảnh hay họ đang thực sự chia sẻ những sự kiện bình thường hay tự nhiên khi chúng diễn ra?

 

So sánh xã hội liên quan đến lòng tự trọng?

 

Một người có lòng tự trọng cao và ít căng thẳng trong cuộc sống thường có xu hướng so sánh với những người “kém sung túc hơn” và điều này giúp họ sẽ ổn hơn.

Nhưng, một người thường xuyên “so sánh dưới”, họ sẽ có xu hướng tự hài lòng với tất cả, mất dần đi nỗ lực và chí hướng phấn đấu để đạt được những mục tiêu cao hơn mà chính họ nghĩ sẽ không thể vươn tới.

 

“So sánh trên” hữu ích khi ta so sánh với một người “tốt hơn” từ đó lấy động lực và cảm hứng để hoàn thành mục tiêu của mình. Đơn cử về câu chuyện giảm cân, sẽ rất cần một hình tượng hay bức ảnh mẫu mực làm hình nền điện thoại để nhắc nhớ bạn noi theo và phấn đấu.

Tuy nhiên, “so sánh trên” sẽ phản tác dụng nếu một ai đó vừa trải qua thất bại và lòng tự tôn đang nỗ lực chống đỡ mọi tình huống trong đời sống, khi đó việc “so sánh trên” sẽ khiến họ càng thêm đau buồn và thảm hại hơn.

 

So sánh xã hội tạo nên căng thẳng?

Trong đội tuyển, bạn là người “không may mắn” đem về thành tích. Bạn rất dễ nằm thọt lõm vào bẫy so sánh xã hôi. Thực tế, không phải ai cũng tế nhị và thận trọng trong lời ăn tiếng nói. Hoặc thông cảm và trao cho bạn cái ôm an ủi. Mọi người sẽ tập trung vào những người xuất sắc, kế đến sẽ đem bạn ra so sánh. Hoặc chính bạn tự so sánh mình với đồng đội. Một cảm giác không hề dễ chịu, bạn sẽ thấy cực tủi thân, tệ hơn nữa là thấy bản thân “vô dụng”.

Lúc này, so sánh xã hội đẩy các mối quan hệ sẽ trở căng thẳng dần lên.

 

Những người bạn cạnh tranh

Là những người có thể làm việc có lợi cho bạn nếu họ đang cạnh tranh với chính họ và ủng hộ bạn cạnh tranh với chính mình. Hoặc họ “đùa giỡn” nhằm thúc đẩy bạn đạt được tiềm năng của mình.

Nếu bạn cảm thấy bị đánh giá, hoặc bạn cảm thấy bạn bè của bạn khó chịu khi bạn thành công và hạnh phúc khi bạn thất bại, hoặc bạn bị thúc ép quá mức, đây không phải là tình bạn cạnh tranh một cách lành mạnh.

Thực ra, suy nghĩ tường tận và thấu đáo một chút, bạn sẽ nhận ra được ai là “bạn chí cốt” và fair play thông qua những phép thử “so sánh xã hội”.

 

Rõ ràng tốt nhất nên có những người bạn và trở thành những người bạn, người chỉ hạnh phúc vì thành công của người khác, và đưa ra những hỗ trợ hơn là yêu cầu những “sự vượt trội” khi bạn mình đương lúc khó khăn, thậm chí thất bại. Điều này cần chút nổ lực, bằng việc loại bỏ tính cạnh tranh và thay thế nó bằng tình bạn thân thiết.

Bộ phim cổ trang Hwang Jin Yi (Hoàng Chân Y) phát sóng trên truyền hình năm 2006, kể về một nữ thi sĩ sống dưới thời vua Triều Tiên Trung Tông, đồng thời cũng là một trong những kỉ nữ (gisaeng) nổi tiếng nhất của triều đại Triều Tiên. Bà nổi tiếng với vẻ đẹp đặc biệt, duyên dáng, trí tuệ phi thường, cá tính độc lập và quyết đoán. (Theo: vi.wikipedia.org)

 

Trong cuộc thi tuyển chọn người tiếp nhận chức vụ “Tổng Quản Kỹ Nữ Hoàng Cung”, người đầu tiên vỗ tay công nhận tài năng xuất chúng của Hwang Jini lại là Bu Yong, “đối thủ” duy nhất của Jin Yi. Bu Yong tâm phục khẩu phục trước màn trình diễn tuyệt vời hơn và phá vỡ mọi quy tắc hoàng gia của Jin Yi. Chính ở giây phút đó, Bu Yong biết mình kém hơn và Jin Yi mới thực sự xứng đáng. Tuy nhiên, người được chọn kế nhiệm lại là Bu Yong, tuy cô không phải là người giỏi nhất nhưng cô có sự tinh tường và lòng rộng lượng để nhìn nhận và nuôi dưỡng tài năng của người khác. Còn Jin Yi đã trở thành một vũ công tài giỏi xuất sắc nhất với lựa chọn của riêng mình là mong muốn dành cả đời đem vũ điệu đến cho mọi người.

Giữa Jin Yi và Bu Yong, họ vẫn mãi dành cho nhau tình bạn, những cảm kích và tôn trọng “đối thủ” của mình.

 

Có thể chúng ta chưa “thấu” rõ vấn đề và tường tận được suy nghĩ của người khác. Đồng thời, cũng chưa điều chỉnh đúng cách mình “so sánh xã hội”. Và hơn hết, ai ai cũng mong cuộc sống trở nên tươi đẹp và hòa hợp giữa người và người. Trước tiên, chúng ta hãy cùng tham khảo một vài “hướng dẫn sử dụng” so sánh xã hội đúng cách.

 

III. Những giải pháp giải phóng bản thân khỏi “cái bóng” của so sánh xã hội:

Ngừng thực hiện so sánh xã hội không phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của mình:

Đơn cử, một ai đó trong danh sách bạn bè đăng những bức hình lung linh đầy lãng mạn, được một nhiếp ảnh gia lành nghề chụp thật có tâm bởi dưới ánh sáng và không gian cực chất. Bạn bỗng ngưng lại, nhẹ nhàng thực hiện một phép so sánh trên. Và phù, deadline, công việc, bài vở, nhiệm vụ… những thứ đang kiến bạn đầu bù tóc rối, quần áo lôi thôi, đôi mắt phờ phạc sẽ kéo tâm trạng bạn tụt xuống tận đáy.

 

Những lúc như này, hãy khôn ngoan dừng gõ lạch cạch với tâm trạng không vui, bạn có thể xem hết abum bức ảnh của người bạn đó, thả tim nhẹ nhàng, gửi những lời chúc thật lòng. Lưu vào ghi chú thêm một địa điểm để chụp ảnh cưới sau này, mặc dù có thể bạn chưa hề biết ngày đó là nào và với ai. Cuối cùng, việc bạn cần làm ngay bây giờ, giải quyết những “thì hiện tại” của bản thân. Những  bạn đang làm hiện tại là để trả tiền cho những bức hình cực xinh trong “thì tương lai. Một ngày nào đó, bạn cũng sẽ trở thành nhân vật chính trong cuốn abum cưới lung linh của mình.

 

Hãy chỉ thực hiện so sánh xã hội tích cực:

 

Đây là biện pháp mang tính kêu gọi bởi lẽ không phải chúng ta lúc nào cũng tỉnh táo nhận ra mình đang so sánh tích cực. Ngay cả khi bạn đang thực hiện việc so sánh tiêu cực, đừng để nó xâm chiếm mảnh đất tâm trí của bạn quá lâu, hãy nhưng lại ngay lập tức.

Nhiều người nhận thấy rằng mạng xã hội làm trầm trọng thêm sự so sánh xã hội theo mọi cách tồi tệ nhất, khiến nhiều chúng ta cảm thấy chính mình “thật tệ”. Trớ trêu thay, điều này thường xuyên diễn ra trong các tình huống bình thường  đời thực.

 

Nói đi cũng phải nói lại, nói người cũng phải nhìn lại ta.

Chúng ta thường hay “soi” người khác hơn là soi chính mình. Bạn hãy thử “khảo sát” xem mình có thực sự “fair play” với người khác qua đôi ba câu hỏi dưới đây:

 

- Bạn có nhận thấy rằng mình hạnh phúc cho một người bạn khi nghe tin vui của họ, nhưng lại có chút tiếc nuối cho bản thân vì đã không gặp được vận may tương tự?

- Ngược lại, bạn có thấy mình cảm thấy hài lòng chút xíu khi nghe tin người khác “ngã xuống” hoặc gặp một chút bất hạnh,  bạn có cảm thấy mình may mắn hơn không?

 

Mặc dù những cảm giác này đôi khi có thể là tự động, nhưng chúng ta không cần phải để bản năng so sánh xã hội trở thành một phần quan trọng của mỗi người.

Nếu bạn nhìn thấy bản thân mình đang trong bẫy của của so sánh xã hội, cảm thấy phần nào mắc kẹt bởi cảm giác vượt trội từ sự so sánh dưới hoặc “đánh bại” chính mình khi bạn so sánh trên, hãy thoát ra khỏi cái bẫy tinh thần này. Chúng ta có thể giảm thiểu những khuynh hướng này và chống lại bằng những nổ lực để cảm thấy bớt căng thẳng hơn vì chúng. Tuy nhiên, bước đầu tiên là nhận thức về sự so sánh xã hội giữa chúng ta và người khác. Thêm nữa, bạn có thể huấn luyện bộ não của mình ít quan tâm về những gì người khác suy nghĩ và làm.

 

Tìm mẫu hình lý tưởng

 

Nếu bạn đang nỗ lực để theo kịp những hình mẫu lý tưởng, bạn có thể đạt được những lợi ích từ sự thành công của họ mà không cần thêm các yếu tố cạnh tranh vào mối quan hệ của bạn.

Sẽ dễ dàng hơn trong việc lấy mẫu hình lý tưởng như Oprah Winfrey và Elon Musk hơn là học từ bạn bè trong cuộc sống của mình, mà cuối cùng không cảm thấy “kém hơn” khi họ liên tục đạt được những thành tựu.

Ví như, bạn yêu thích ca hát và đủ tỉnh táo nhận ra rằng khả năng của mình chẳng hề “cao siêu” nhưng vẫn đam mê. Bạn có thể lấy hình mẫu là Adele, bởi khi bạn có hát dở hơn cô ấy thì cũng cảm thấy “ thật sự ổn” vì chẳng mấy ai trên thế giới hát được như “họa mi nước Anh” cả.

 

Tạo vòng kết nối hỗ trợ

Sẽ dễ dàng hơn để tránh những “bạn bè cạnh tranh và “đối thủ” nếu bạn tạo ra vòng kết nối với những người ủng hộ lẫn nhau và tập trung vào họ. Đây có thể là một nhóm bạn, những người chia sẻ những mục tiêu chung.

Bạn có thể bắt đầu với câu lạc bộ ăn kiêng, áp dụng một trong những phương pháp ăn kiêng nổi tiếng thế giới như Weight Watchers

 

Tìm một đối tác thực thụ

Bạn cũng có thể tìm một “người bạn” để chia sẻ động lực, thay vì một nhóm. Bạn và bằng hữu có thể kiểm tra với nhau về mục tiêu của mình, cùng ăn mừng và thúc đẩy cùng nhau thực hiện kế hoạch.

Điều này cung cấp cho bạn sự hỗ trợ về tinh thần cá nhân, một chút trách nhiệm để thực hiện kế hoạch (hoặc bạn sẽ để cho bằng hữu và chính mình thất vọng) và làm cho việc ăn mừng những chiến thắng nho nhỏ trở nên thú hơn.

 

Đếm những “phước lành” của bạn

Khi bạn thấy mình đang so sánh, hãy cố gắng ghi lại “điểm số” trong đầu. Nếu bạn cảm thấy ghen tị với chiến thắng của người khác, hãy nhắc nhở bản thân về những chiến thắng và điểm mạnh của chính mình.

Nếu bạn đang cảm thấy bị phán xét, hãy nhắc nhở bản thân về những điểm mạnh của người khác và những điều đặc biệt mà họ đem lại.

Điều này cũng giúp duy trì một lòng biết ơn liên tục để bạn luôn trong tâm trí đếm những hạnh phúc của mình hơn là những gì bạn thiếu. Và giúp bạn tập trung vào cuôc sống của mình chứ không phải cuộc sống của người khác.

 

Trau dồi lòng vị tha

Lòng vị tha có rất nhiều lợi ích, vì vậy việc nuôi dưỡng nó như một thói quen suy nghĩ có thể thậm chí còn tốt cho bạn hơn là bạn cho người khác được hưởng lợi ích từ lòng tốt của bạn. Xem những việc nhỏ bạn có thể làm cho bạn bè và người lạ. Thực hành thiền từ tâm. Trở thành bản thân tốt nhất của chính mình và bạn sẽ không cảm thấy dễ bị so sánh nữa.

 

Tránh những Frenemies

Nếu môi trường xung quanh bạn có những người thường hay phán xét và so sánh, sẽ ổn thôi, bạn có thể tránh được (thậm chí là tốt hơn là đằng khác). Bạn có thể không hoàn toàn loại bỏ họ ra khỏi cuộc sống của mình, nhưng bạn có thể giảm thiểu tiếp xúc và hướng cuộc trò chuyện sang chủ đề trung lập khi gặp phải tình huống đó. Và giảm thiểu xu hướng so sánh cạnh tranh ở bản thân.

 

Kết

Xét cho cùng, thuyết so sánh xã hội cũng như hầu hết mọi thứ đều có tính hai mặt. Điều cần làm là phát huy tối đa mặt tích cực và hạn chế đến triệt tiêu mặt tiêu cực, sẽ đem lại những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

 

Nguồn tham khảo:

1. https://www.verywellmind.com/what-is-the-social-comparison-process-2795872#citation-1

2https://www.verywellmind.com/the-stress-of-social-comparison-4154076

Nguồn ảnh: Internet

Tác giả: Nguyễn Thúy

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/profile.php?id=100004490164794

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,014 lượt xem, 1,463 người xem - 1465 điểm