Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Tinder - Giải Pháp Cho Các Mối Quan Hệ Lãng Mạn Hay Chỉ Là Cái Bẫy Ảo?


Gần đây có khá nhiều bài viết nói về các trường hợp đã thành đôi thành cặp qua ứng dụng Tinder và tôi đã tự trải nghiệm ứng dụng này trong ba tháng để khẳng định xem có thực sự Tinder là một giải pháp hữu hiệu cho những người vẫn đang loay hoay tìm một nửa cho mình – một tình yêu đích thực hay đơn giản nó chỉ là một bẫy ảo?

Bài viết dưới đây chủ yếu đưa ra những đánh giá về bản giá trị cốt lõi của các mối quan hệ mà người dùng “match” nhau trên Tinder dưới góc độ tâm lý học, từ đó trả lời cho câu hỏi mà tôi đặt tên cho bài viết này.

Không phủ nhận là các ứng dụng hẹn hò nói chung hay Tinder nói riêng đã ghép đôi thành công cho nhiều cặp, họ không chỉ tìm thấy tình yêu đích thực và còn kết thúc bằng một đám cưới viên mãn. Nhưng các bài viết đó thì không đề cập đến câu chuyện tiếp diễn sau hôn nhân của các cặp đôi này. Có thể họ vẫn hạnh phúc, có thể họ đã chia tay hay đơn giản là đường ai nấy đi. Nghe có vẻ bi quan, và các bạn có thể phản biện rằng ngay cả các mối quan hệ ngoài đời thực cũng có thể rơi vào hoàn cảnh như thế bởi nó thuộc về xác suất.

Bản chất của Tinder là để giúp các cá nhân ghép cặp với đối tượng mà mình thấy hứng thú thông qua một số hình ảnh của đối tượng, thông tin về tuổi tác, sự nghiệp, học vấn, khoảng cách, gu âm nhạc hay một tiểu sử giới thiệu ngắn gọn về cá nhân đó. Nhưng dĩ nhiên không phải đối tượng nào cũng có đầy đủ các thông tin như trên. Bản chất sinh ra của Tinder không xấu nhưng cách những người chơi sử dụng ứng dụng này đã khiến cho giá trị cốt lõi của nó bị biến chất. Có một câu văn của tác giả Yuval Noah Harari trong cuốn “21 bài học cho thế kỷ 21” như thế này “Con người luôn giỏi chế tạo các công cụ hơn là sử dụng chúng một cách không ngoan” – nếu không muốn nói là dùng sai mục đích. Nói thẳng ra là họ không tuân theo luật chơi, có thể có những người vì nghe lời đồn không mấy tích cực về Tinder nên vô hình chung hiểu sai về nó dẫn đến việc dùng sai, có thể có những người ngay từ đầu tìm đến Tinder như một sân chơi tình ái, nhưng dĩ nhiên có những người có niềm tin và họ vẫn mong muốn tìm được một “real love” - tình yêu đích thực.

Trên Tinder, về cơ bản bạn sẽ thấy có bốn nhóm đối tượng nam giới:

Nhóm 1: Tìm FWB (Viết tắt của cụm “friends with benefits” – thiên hạ vẫn hay gọi là “bạn chịch” nhưng thực ra xuất phát điểm của từ này nó không dừng lại ở phạm vi tình dục, mà có thể là bạn bè cùng chung mục đích, cùng chơi, cùng chém gió, café, nhưng sau dần bị biến tướng thành “bạn chịch”), ONS (“Viết tắt của cụm “One-night stand” – hiểu là “tình một đêm”) hay “No strings attached” – mối quan hệ không ràng buộc, ước chừng chiếm 65%

Nhóm 2: Những bộ óc tò mò, lên tìm và ngắm trai xinh, gái đẹp, nói chuyện phiếm để khỏa lấp thời gian rảnh rỗi, ước chừng chiếm 15%

Nhóm 3: Tìm “chân ái” của đời mình, hay hiểu đơn giản là tình yêu đích thực, ước chừng chiếm 10%

Nhóm 4: Tìm đối tượng để kết hôn, ước chừng chiếm 10%

Trong bài viết này tôi sẽ đưa ra quan điểm dưới góc nhìn của các đối tượng thuộc nhóm 3 và 4, với nhóm 1 và 2, tôi sẽ có một vài biết đề cập sau.

Ranh giới giữa việc tìm tình yêu đích thực và tìm đối tượng để kết hôn có vẻ mong manh. Vì theo logic thông thường, người ta sẽ kết hôn với người mà ta thực sự yêu thương và thấu hiểu, vậy thì bạn sẽ thắc mắc sao không xếp chung vào cùng một nhóm? Như tôi đã đề cập ngay từ đầu, chúng ta sẽ nhìn nhận các mối quan hệ dưới góc độ tâm lý học một chút. Mục đích cốt lõi của nhóm 3 và nhóm 4 khác nhau sẽ tác động tới tâm lý và cách tiếp cận của hai nhóm khác nhau. Có thể hiểu đơn giản là với tư duy của những người thuộc nhóm 3, hôn nhân chỉ là bước tiếp theo của một tình yêu đích thực. Với nhóm 4, tư duy của họ là tìm người phù hợp để kết hôn.

 

(Link ảnh gốc: https://www.pinterest.com/pin/AfqRiu3h_xlSZ5-le8DtzyKiwKf0RSrHfjXTqfhOQdvV8mEl61XtjOY/) 

Cách tiếp cận của nhóm 3

Với nhóm 3, bạn hiểu như thế nào về con số 10%? Tức là trong 100 người “match” – cái này các bạn hiểu là người ta thích mình và quẹt phải và mình cũng thích người ta và quẹt phải thì 2 người sẽ “match” nhau, thì có khoảng 10 người có mục đích là xây dựng một mối quan hệ nghiêm túc, tức là tìm tình yêu đích thực. Về cơ bản sẽ có các bước phát triển như sau: nói chuyện trên Tinder, chia sẻ với nhau các vấn đề rất căn bản như tên, tuổi, quê quán, nghề nghiệp hiện tại, chỗ ở, các sở thích, quan điểm cá nhân về các vấn đề chung rồi bước tiếp theo cảm thấy có một chút tin tưởng ở đối phương thì sẽ chuyển sang zalo hay facebook (có vẻ là những nơi cho thấy rõ con người thực của đối phương) nhưng nhất quyết là không đề cập đến vấn đề gia đình, bạn bè hay một số vấn đề thuộc về đời tư cá nhân trong các cuộc nói chuyện và thậm chí nếu có lời đề nghị hai bên gặp mặt thì có lẽ cũng không dễ gì mà thực hiện. Vì sao vậy? Về bản năng sinh tồn, con người ta luôn có sự cảnh giác đối với những thứ không quen thuộc hoặc không đem lại cảm giác an toàn. Bản năng cảnh giác buộc người ta đưa ra những phương án đối phó để luôn đảm bảo mình không bị tấn công hay bị lừa gạt. Gặp gỡ là tương tác, là trực diện đối mặt và người ta có nguy cơ bị tổn thương nhiều hơn, hay nói cách khác là bị đưa ra khỏi vùng an toàn. Giống như một đứa trẻ bình thường, từ bé đã được hình thành cơ chế phản ứng lại với người lạ tiếp cận nó, thường là khóc thét lên (trừ những trường hợp không có phản ứng) nhưng nếu tiếp xúc và tương tác với nó nhiều lần, đứa bé sẽ trở nên gần gũi với người đó hơn.

Như vậy, có thể hiểu việc từ chối gặp mặt lần đầu đó là hoàn toàn có thể hiểu được. Lẽ dĩ nhiên là tôi đang trao đổi trong tình huống từ chối, còn những tình huống đồng ý thì sao? Có thể lý giải theo ba hướng: đối tượng có niềm tin vào bạn, khao khát được bắt cặp kết đôi của đối tượng vượt qua bản năng sinh tồn – cảnh giác với người lạ, tư tưởng rất thoáng cho một mối quan hệ mới. Với hướng thứ nhất, xin chúc mừng bạn đã xây dựng đủ niềm vui vững vàng để khiến đối tượng đồng ý ra ngoài với bạn, đối tượng cảm thấy bạn cũng là người có thể tin tưởng được và có lẽ sẽ an toàn khi tiếp xúc. Với hướng thứ hai, khao khát quá lớn khiến người ta không đủ tỉnh táo để nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, nên họ không chần chừ. Với hướng thứ ba, chúng ta đều là những người trưởng thành, nói chuyện nghiêm túc, việc gặp gỡ là điều rất bình thường và tất nhiên là nếu vấn đề thuộc về “tư tưởng cởi mở” thì bạn phải chấp nhận là đối tượng cũng sẽ “cởi mở” với nhiều người khác. Còn bạn thì đang mải mê tìm kiếm một tình yêu chân chính?

Theo nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại Đại học Kansas, người ta sẽ mất khoảng 40 tới 60 tiếng để hình thành một tình bạn thông thường, 80 tới 100 tiếng để nâng cấp thành tình bạn đúng nghĩa và phải từ 200 tiếng trở lên mới thành bạn thân. Dĩ nhiên các con số ở đây không phải là tính theo 24 giờ mỗi ngày mà tính theo thời gian tương tác của hai bên. Đó là nghiên cứu trên phương diện tình bạn, còn tình yêu thì sao? Có lẽ cần nhiều hơn thế nếu không muốn nói là cũng cần ít nhất chừng đó thời gian ở bước đầu để hình thành một tình bạn thông thường, tức người ta đủ biết về đối tượng, có độ tin tưởng nhất định nào đó. Và quan trọng là bạn muốn kết quả như thế nào thì phải có sự đầu tư tương xứng như thế ấy. Bạn biết rõ rằng phải mất 4, 5 năm học để có một tấm bằng đại học ít nhất là có thể giúp bạn trang trải cuộc sống và thậm chí là giúp bạn xây dựng một sự nghiệp. Ấy vậy mà khi bạn tìm kiếm một tình yêu đích thực và có thể sẽ là một người sẽ đi cùng bạn đến cuối cuộc đời, bạn lại hững hờ bằng vài đoạn tin nhắn, dăm ba câu chuyện và rồi khi kết thúc sự kiên nhẫn bằng một số câu đại loại như “Anh không có nhiều thời gian” hay “Em trẻ con quá” hay “Anh cần một mối quan hệ nghiêm túc”. So với đàn ông, nữ giới cần nhiều thời gian hơn để xây dựng niềm tin đối với một đối tượng lạ hay nói cách khác là bản năng cảnh giác của phụ nữ nhạy cảm hơn, thế nên nếu có bị thử thách quá nhiều, các chàng trai cũng không cần phải kích động. Cái đó thuộc về bản năng sinh tồn.

Để xây dựng một mối quan hệ, chúng ta cần nhiều hơn cái gọi là giao tiếp bằng tin nhắn, chúng ta cần thời gian và tương tác vật lý trực tiếp. Thời gian và tương tác vật lý không đảm bảo đưa mối quan hệ từ bạn bè thành người yêu nhưng nó đảm bảo để ta có cách nhìn nhận đúng đắn và trực quan về đối tượng mà ta đang tìm hiểu.

Cách tiếp cận của nhóm 4

Phần đa các đối tượng thuộc nhóm này nằm trong độ tuổi từ 28 trở đi. Những người thuộc nhóm này thường sẽ rơi vào các tình huống sau: thứ nhất do quá bận rộn với công việc nên không có thời gian dành cho các mối quan hệ ngoại tuyến nên các mối quan hệ trực tuyến có lẽ sẽ là giải pháp trước mắt, thứ hai thiếu sự tinh tế, nam tính và một số yếu tố cơ bản mà người phụ nữ thường cần ở một người đàn ông nên dễ thất bại với các mối quan hệ ngoại tuyến và họ gần như tuyệt vọng, thứ ba vì đã đến tuổi lập gia đình mà nhìn xung quanh môi trường ngoại tuyến không còn đối tượng để thiết lập quan hệ. Nhưng dù nhìn ở bất cứ tình huống nào thì các đối tượng thuộc nhóm này đều có chịu chung một tác động đó là áp lực từ từ gia đình và bạn bè xung quanh. Tuy nhiên “Có một chân lý được đông đảo mọi người công nhận là đàn ông độc thân mà lại còn sở hữu một gia tài đáng kể thì ắt hẳn sẽ muốn lấy vợ lắm.” – trích “Kiêu hãnh và định kiến” của nhà văn Jane Austen. Còn điều ngược lại có đúng hay không thì chưa ai kiểm chứng được. Nếu bạn muốn chọn đối tượng để lấy làm chồng mà đảm bảo phần nào về mặt kinh tế, các chàng trai thuộc nhóm 4 này sẽ không phải là một lựa chọn tồi. Nhưng dĩ nhiên mọi sự lựa chọn trực tuyến đều có nguy cơ của một ván bài đỏ đen.

Với nhóm này, cách tiếp cận của họ khá trực diện và rõ ràng. Một cách hình dung dễ hơn đó là nếu như nhóm 3, các đối tượng thuộc nhóm này vẫn giữ được tính kiên nhẫn và dành thời gian để tìm hiểu đối phương thì nhóm 4, nhanh chóng thôi, họ sẽ nói thẳng thắn “Anh cần tìm người phù hợp để kết hôn, nếu được chúng ta có thể gặp nhau để tìm hiểu nghiêm túc” hoặc gián tiếp hơn nhưng nội hàm lại khá trực diện “Em biết đấy, anh cũng không còn trẻ, anh là con một nên chắc em hiểu ý anh”. Dĩ nhiên những câu nói này thường được đưa ra sau khi cả hai bên đã trao đổi một số thông tin cơ bản về nghề nghiệp, tuổi tác, quê quán, học vấn.

Chúng ta không thể phê bình hay chỉ trích họ. Rõ ràng, khi áp lực quá lớn, sẽ có những người kháng cự được và tìm được cách giải quyết và tất nhiên những người này không thuộc nhóm 4.

Dẫu vậy, dục tốc bất đạt. Thành quả thực sự có giá trị khi chúng ta bỏ công sức xứng đáng. Không thể khẳng định mọi công sức bỏ ra đều đạt được thành quả như ý nhưng chắc chắn mọi thành quả giá trị đều phải bỏ công sức. Sau cùng chúng ta sẽ thực sự hiểu giá trị cốt lõi đằng sau những mối quan hệ trực tuyến này là gì. Rồi một ngày, chúng ta nghĩ lại và tự vấn bản thân đang thực sự kiếm tìm điều gì khi “càng quẹt phải, bạn sẽ càng thấy trống rỗng. Bạn nghĩ Tinder hứa hẹn sẽ cho một người yêu nhưng trên hết, hoặc trước hết, nó sẽ gia tăng ham muốn có người yêu của bạn trước đã. Càng quẹt, bạn càng không thấy đủ, càng nhiều lượt Match, bạn sẽ càng nghĩ có nhiều người “matching” hơn” (trích dẫn một bài viết có tựa đề “Ước gì mình không ước” – Via Minh Đào) và rồi chính chúng ta rơi vào bẫy ảo do chính mình tạo ra.

Tôi không cố gắng thuyết phục các bạn đang và có ý định sẽ dùng Tinder đánh mất niềm tin tìm kiếm được chân ái của đời mình trên ứng dụng này. Nhưng hãy là người chơi kiên nhẫn và chân thành. Sự vội vã và ham muốn quá mức khiến chúng ta mất đi lý trí để nhìn thấy giá trị cốt lõi trong một mối quan hệ thực sự có ý nghĩa. Thay vào đó, hãy dành thời gian để trau dồi và đầu tư vào bản thân, nuôi dưỡng tâm hồn và tìm ra ý nghĩa thực tại trong chính con người mình. Các bạn không có khiếm khuyết gì, các bạn cũng không phải người không có năng lực hay không có điểm gì tốt đẹp để không thể tìm kiếm một nửa chân thành. Vấn đề đó chỉ là vấn đề của thời gian. Có một văn rất hay như thế này “Đừng đuổi theo một con ngựa, hãy dùng thời gian đuổi theo nó để trồng cỏ, đợi tới mùa xuân, ắt sẽ có cả đàn ngựa béo cho ta lựa chọn. Đừng cố làm thân với một người, hãy dùng thời gian ấy để trau dồi năng lực của mình, tới khi thời cơ chín muồi, ắt sẽ có vô số bạn bè đồng hành cùng ta. Bởi vậy, nâng cao năng lực bản thân luôn tuyệt vời hơn là dựa dẫm vào người khác. Gieo hạt ngô đồng, ắt có Phượng hoàng tới thăm. Hoa nở rộ, ắt có bướm ong tìm đến.”

Sau cùng, bạn mới là người tự tìm ra câu trả lời phù hợp nhất cho chính mình. 


Tác Giả: Ichigo Ichie

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/hanhpham1396

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 8 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info   

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.  

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,229 lượt xem, 1,193 người xem - 1213 điểm

lh-fulllh-x