Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Tính Nhạy Cảm Theo Kiểu "This" Và "That" Của Người Trẻ Ngày Nay

"Nhạy cảm là gì? Là trong 100 người, có 99 người khen bạn đẹp, nhưng chỉ cần một người nói khác đi, bạn sẽ tin người đó." (Elaine N. Aron).  

  • Luôn tự “vơ" hết lỗi phải về phần mình. 
  • Hễ nghe ai nói gì là luôn tự vấn bản thân mình “Có phải họ đang nói mình không?”.
  • Chỉ vì một câu nói của ai đó mà có thể buồn hay vui cả ngày.
  • Dễ bị tổn thương.
  • Bị mắng là nghỉ việc.
  • Dễ xúc động, rơi nước mắt dù không phải chuyện của mình.
  • 30s thôi là phát hiện được ai đang nói dối, nói phét.

Nhạy cảm thường gắn liền với yếu tố “bẩm sinh". Ngoài ra, người trẻ chúng ta hiện tại dưới quá nhiều áp lực cuộc sống, tần số nhạy cảm lại càng khó kiểm soát. Tệ nhất, sự nhạy cảm thường đi liền với cụm từ yếu đuối, nhu nhược và tiêu cực. Thậm chí, sống quá nhạy cảm quá bởi như thế sẽ rất thiệt thòi.

Tuy nhiên, sự nhạy cảm cũng là “món quà mà Thượng đế ban tặng". Nếu được phát huy đúng lúc nó sẽ biến thành năng lực siêu nhiên, kiểu mà ở họ toả ra mùi hương nhạy cảm “đặc biệt" vô cùng. Cùng bàn về chủ đề “NHẠY CẢM” dưới góc nhìn "this" và "that" thử nhé!

1/ NHẠY CẢM TRONG TÌNH YÊU

Nhạy cảm tiêu cực trong tình yêu đó chính là bạn chỉ “nhạy" với những nhược điểm của người khác

Điển hình như bà, mẹ, những phụ nữ quá nhạy cảm thường mang theo “tiêu cực" đối diện với những vấn đề cuộc sống. Họ thường để ý tiểu tiết nhưng lại quên đi những phần tảng băng trôi. Chẳng hạn như mẹ tôi, bà thường buồn vì bố tôi không màng đến những ngày lễ 8/3 hay 14/2, kỷ niệm ngày cưới của hai người. Nhưng bà lại quên mất là chồng bà là người đàn ông vô cùng có trách nhiệm, ông luôn nhớ rất rõ ngày sinh của vợ con, nhớ ngày tái khám định kỳ của bà, luôn nhắc bà đến viếng mộ hay cúng giỗ của hai bên nội ngoại….

Còn nhạy cảm tinh tế trong tình yêu, chính là sự cảm thông và chấp nhận đối phương

Tôi biết cặp đôi này yêu nhau lạ mà hay lắm. Yêu nhau tận 5-7 năm nhưng ảnh chụp chung của họ, đếm trên đầu ngón tay.

Chị làm nghề viết lách, bình thường chỉ thích ở nhà, trồng cây, tập yoga. Cứ vài tháng, tôi lại thấy chị đăng ảnh hoàn thành một khoá học nào đó. 

Anh là người hướng ngoại, công việc là Business Manager cho một Agency. Gặp anh ở ngoài, bạn sẽ thấy anh vô cùng hiếu khách và năng động, thậm chí có chút đào hoa. Nhưng anh lại có thói quen chỉ thích du lịch một mình và hầu như mỗi tháng anh sẽ đến một nơi. 

Họ sống cùng nhau, ăn ngủ cùng nhau nhưng lịch sinh hoạt là riêng tư, mỗi người một phòng. Thậm chí, chị bảo những lúc anh stress, anh cần du lịch một mình để cân bằng cảm xúc. Chị đồng ý và chị chỉ yêu cầu anh báo chính xác lịch trình, chị sẽ sắp xếp mọi thứ ở nhà thay anh. Nhiều lúc anh đi đến tận 2-3 tuần, chị vẫn vui vẻ một mình ở nhà rồi đến ngày thì ra đón anh ở sân bay.

Tôi hỏi họ làm thế nào họ có thể duy trì tình cảm nhiều năm qua như vậy. Chị bảo "chỉ là tôn trọng đối phương". Ngoài những lúc bên nhau, bất cứ ai cũng cần khoảng riêng để "enjoy cái moment" của mình. Anh thích du lịch, chị thích vẽ tranh. Anh thích ngắm trời, chị thích chìm đắm trong những bộ phim. Anh muốn ra ngoài để khám phá, chị thích đọc sách để mở rộng thế giới nội tâm....Chúng ta bây giờ rất dễ "chán" và tan vỡ là bởi vì ai cũng có cái "tôi" riêng của mình cần thoả mãn. Chỉ khi đủ nhạy cảm, rồi cảm thông, chấp nhận và tôn trọng thì mới duy trì được bền lâu.

Thật ra chị ngày xưa siêu nhạy cảm. Chỉ cần một sợi tóc rơi trên sàn, chị cũng khó chịu phải lấy máy hút bụi, thu dọn cả phòng. Chỉ cần người yêu rep tin nhắn cụt ngủn, chắc hẳn chị đã suy nghĩ rất nhiều rằng liệu anh có đang còn thích chị. Nhưng nhạy cảm theo cách của một người từng trải, mọi thứ được vận hành một cách thoải mái hơn. 

Phụ nữ sở hữu khả năng “nhạy cảm" hơn đàn ông. Chỉ cần ai đối xử tốt với mình, họ sẽ ghi lòng tạc dạ. Nhưng chỉ cần một chút Trước kia, khi nói về kiểu người nhạy cảm, người ta thường cảm thấy họ hơi “quá đà". Nhưng hiện tại, chúng ta có thể vượt qua bằng cách: 

  • Một, tôn trọng và chấp nhận trải nghiệm của người khác. 

  • Hai, truyền đạt với người kia về sự tổn thương hay suy nghĩ không vui và nỗi lo của bạn.

  • Ba, đừng nghi ngờ, hãy tạo điều kiện cho người khác mở lời, chủ động giải thích với bạn. Nếu họ không nói, chỉ là họ cần chút thời gian để xử lý và sắp xếp mà thôi.

2/ NHẠY CẢM TRONG CÔNG VIỆC

Cấp trên chỉ ra lỗi sai của bạn, bạn sẽ thế nào?

Một chị Quản lý cấp cao tại một công ty quảng cáo tâm sự với tôi rằng, suốt hơn 20 năm làm quản lý, chị thấy thế hệ trẻ ngày nay của chúng tôi là nhạy cảm nhất. Chị bảo chị thường hay chỉ ra lỗi sai của nhân viên ở trước mặt họ hoặc ngay trong những group làm việc chung. Khi đó, chị thường nhận được vô số kiểu phản ứng. Gen Y trở đi thường xử lý nhẹ nhàng hơn. Nhưng Gen Z đa phần là kiểu đôi co, phân bua và thể hiện chính kiến hoặc im lặng và nghỉ việc. Có trường hợp một bạn nhân viên sau khi nghỉ việc còn gửi tâm thư chia sẻ rằng cô bé ấy đã rơi vào trầm cảm nhẹ. Suốt 5 tháng làm việc tại đây, bạn đã trải qua hàng loạt cảm xúc: Xấu hổ - Tự trách bản thân mình vô dụng - Tụt mood - Cảm thấy mình thất bại - Cảm giác bị đối xử bất công và cần được Giải thoát. Bạn không tìm thấy động lực để tiếp tục công việc này nên xin dừng lại và bạn mong rằng sau này sẽ không xảy ra trường hợp đáng tiếc như thế. 

Đối với trường hợp này, tôi khuyên chị hãy nhẹ nhàng hơn trong việc góp ý với nhân viên của mình. Có thể với những thế hệ trước, chúng ta phân rõ vai trò cấp trên - cấp dưới. Thế hệ hiện tại có chút khác biệt, mỗi một cá thể đều hi vọng mình được coi trọng và cần môi trường làm việc tự chủ hơn là bị kiểm soát. Lời góp ý mang tính xây dựng sẽ trở nên vô nghĩa với các bạn nếu mang tính kiểm soát hay phê bình, chỉ trích. 

Nhưng đồng thời, chúng tôi cũng thảo luận rằng giá mà thế hệ trẻ các bạn biết kiểm soát “cảm xúc nhạy cảm" của chính mình. 

  • Thay vì bị tổn thương bởi lời phê bình, bạn có thể xem đó là lời hướng dẫn rút kinh nghiệm để cải thiện. Bởi chẳng ai dành lãng phí thời gian với người mà mình chẳng thích. Sếp bạn phải thực sự mong muốn bạn tốt hơn tại đây thì mới chia sẻ với bạn những điều đó.

  • Thay vì phản ứng thái quá trước ý kiến của người khác, sao bạn không thử lắng nghe và phân tích từ tốn. Chắc chắn ai cũng có lý do của họ, đặc biệt đừng bao giờ ngắt lời hoặc phản bác ý kiến của Sếp mình. Bạn có thể dùng thời gian và cách khéo léo hơn để đáp trả họ.

Tôi có thể lấy ví dụ của một bạn Senior Editor sinh năm 94 ở team tôi. Trong một dự án ra mắt Website, bạn đã đề xuất ý tưởng làm Podcast chủ đề tâm sự đêm muộn. Bạn trình bày riêng với Sếp mình trước đó và được ủng hộ. Đến buổi thuyết trình trước cả team, chị lại chỉ ra rằng ý tưởng này khó tiếp cận với lượng người đọc trên trang mình và chưa phù hợp mục tiêu Affiliate của công ty sắp tới. Dù với tâm trạng khó hiểu nhưng bạn bình tĩnh trình bày trong buổi họp rằng đây chỉ là phác thảo ban đầu, bạn đang khảo sát thêm một số đối tượng bạn đọc nhất định và sẽ trình bày bản số liệu chi tiết hơn sau hôm ấy. Chị Sếp của bạn cũng bảo rằng may mà em không bóc mẽ chị. Bởi vì tuần trước khi bạn trình bày với chị, chị đã bận đến mức không xem kỹ thông báo mới của Sếp để điều chỉnh khoản đó. Nhạy cảm trong tình huống này của bạn Senior Editor này là vô cùng tinh tế và thấu đáo. Ngược lại, nếu nhạy cảm một cách tiêu cực, bạn sẽ gây ra khó xử cho cả Sếp, những người có mặt trong cuộc họp và cả chính mình. 

Gen Z còn được gọi là “thế hệ hoa tuyết”, năm 2016, Collins định nghĩa thuật ngữ này là “những người trẻ tuổi (khoảng 20 tuổi) của những năm 2010, được xem là ít kiên cường hơn và dễ tự ái hơn các thế hệ trước”. 


3/ NHẠY CẢM VỚI CUỘC SỐNG

Thói quen của tôi là đi làm rất sớm, mang cơm đi làm mỗi sáng nên dù ở bất cứ công ty nào, tôi cũng thường xuyên làm quen và bắt chuyện với cô lao công. 

Tôi nhớ có lần, ở công ty cũ, chiếc hộp của mình biến mất, tôi kể cho cô lao công nghe, bảo rằng “Hộp cơm của con mất rồi, chắc bạn nào đã cầm nhầm!”. Cô cũng giúp tôi tìm xung quanh xem có bị lạc ở nơi nào đó không cũng chẳng thấy. Tôi cũng bỏ qua, nếu ai cầm nhầm, họ sẽ trả lại tôi thôi. 

Nhưng sang tuần sau, bên hành chính kể lại tôi nghe rằng cô lao công nghỉ việc rồi. Hôm làm việc cuối cô còn than thở đủ thứ kiểu và cô còn nhận xét là các bạn công ty này không có thích cô. Công ty thường xuyên mất đồ và cô cũng ngại, rất buồn khi làm việc tại đây. Những câu nói cuối cùng của cô còn là “Đi làm đã cực, nghe kiểu người ta không tin tưởng mình, còn mệt hơn".

Tôi thề rằng mình không nghĩ rằng có ai đó muốn lấy cắp chiếc hộp cơm nhỏ xíu, xấu xí và chẳng đáng giá gì như thế. Tôi càng không nghĩ rằng một câu nói vô tình của mình lại làm ảnh hưởng đến tâm trạng của người khác đến thế. 

Trái ngược hoàn toàn, cô lao công hiện tại của chúng tôi đã 55 tuổi nhưng lại thân thiết với tất cả các bạn nhân viên. Chẳng hiểu sao, đứa nào cũng gọi cô bằng “Má". Tôi hỏi thăm vài đứa, nó bảo “Má Hằng thương lắm, hôm trước thấy em bị đứt tay, má cho em miếng băng cá nhân rồi hôm sau em đi làm, má đã lấy giấy nhám chà lại cái góc bàn và tủ cho em”. Nó còn nói thêm: má Hằng còn mua giùm bọn em mấy cái lót ly, má thấy cái bàn bên góc trà chiều tụi em ngồi bị nắng quá nên mua miếng vải về may che cho tụi em,...Bởi vậy, có món gì ngon là tụi nó từ quê lên mang cho má 1 phần hết á. 

Bài học ở đây là gì? Cái sự nhạy cảm do suy diễn theo cảm xúc, nó dễ mang đến hệ quả rất tiêu cực, khiến cho bản thân người đó không thoải mái và làm cho người xung quanh cái cảm giác nặng nề bao trùm. Còn sự nhạy cảm được điều chỉnh theo trực giác và sự quan tâm giữa người với người, nó dễ thương đến mức không tưởng. 

4/ NHẠY CẢM TRONG GIAO TIẾP

Thỉnh thoảng, người ta trở nên quá nhạy cảm vì họ không nói ra nhu cầu và cảm xúc của mình cho người khác. Hoặc do họ quá nhạy cảm nên ngại nói ra làm ảnh hưởng đến cảm xúc của người đối diện.

Dù là ở vế nào, nếu quá thụ động trong việc giao tiếp, bạn sẽ gặp rắc rối trong việc nói “không” và bạn cũng sẽ không thể bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình một cách rõ ràng và chân thật. Tốt nhất, hãy học cách quyết đoán trong giao tiếp sẽ giúp bạn nói ra những nhu cầu và cảm xúc của bản thân, từ đó giúp bạn cảm thấy được lắng nghe và trân trọng. Chỉ cần học được điều đó, bạn sẽ tránh được tình trạng quá tải cảm xúc và hơn nữa còn phát huy được năng lực “điều khiển” người khác mà không làm họ thấy phiền.

Cụ thể, tôi học được nghệ thuật giao tiếp của một người bạn nhạy cảm trong đời sống thường nhật của ấy:

- Bạn cảm thấy khó hòa nhập trong buổi liên hoan này và muốn rời đi sớm nhưng không thể nói thẳng sợ bữa tiệc mất vui. Hãy dùng đại từ ngôi thứ nhất để bày tỏ trước: “Tôi muốn ra về sớm vì tôi sẽ rất lo lắng nếu trễ cuộc hẹn trước đó”. Hoặc cần mời người khác ra khỏi phòng bạn có thể “Anh sẽ rất vui và biết ơn nếu em không phiền cho anh 5 phút để gọi một cuộc gọi quan trọng". Khi muốn từ chối, hãy tránh đổ lỗi cho người khác và tập trung vào ngôn ngữ bày tỏ “cảm xúc” của riêng bạn. 

- Bạn có thể nhờ người khác bằng cách “Tuần này cậu nhớ dọn rác và toilet nhé, còn tớ thì sẽ nấu nướng thật gọn để cậu đỡ dọn nhiều” thay vì đưa ra mệnh lệnh “Nhớ mang rác ra ngoài đổ đấy”.

- Hãy đặt những câu hỏi như “Bạn nghĩ sao nếu….?” hoặc “Cậu có đề nghị nào khác không?” để tiếp nối ý tưởng của ai đó mà bạn cảm thấy chưa thuyết phục, nó tránh được việc tranh cãi và để cho người khác có thêm cơ hội để trình bày quan điểm khác tốt hơn.

Triết học gia người Đức Arthur Schopenhauer cũng từng viết “Nhược điểm đặc biệt của con người chính là quá để ý cách nhìn của người khác về mình”.

5/ NHẠY CẢM VỚI NGUỒN NĂNG LƯỢNG XUNG QUANH BẠN

Một chương trình trò chuyện với thính giả của Trung Quốc rất hay. Trong chương trình đó, một cô gái gửi lời cảm ơn tới bác tài xế cho cô quá giang vào ngày mưa. Hôm ấy cô vừa mất việc, bắt xe về nhà nhưng chẳng còn chuyến xe công cộng nào nữa cả nên vừa khóc vừa gọi đại một chiếc taxi. Bác tài xế vui vẻ mời cô lên xe. Cô còn chưa biết giải thích thế nào vì mình không mang đủ tiền. Đang ấp úng thì chú hỏi thăm. Chú tài xế nghe được câu chuyện, dù đoạn đường còn khá xa nhưng chú dừng đồng hồ tính tiền ở đúng mức phí xe thông thường. Đến nơi, chú còn tặng dù và an ủi, mọi chuyện rồi sẽ ổn cả thôi. Cô gái muốn thông qua chương trình này để gửi lời cảm ơn đến bác tài xế, hy vọng nếu có dịp sẽ đền ơn. Cũng nhờ chiếc ô, mỗi khi gặp khó khăn, cô sẽ nhìn và lấy động lực để mình tiếp tục cố gắng. Mọi người đều hết sức cảm động bởi câu chuyện cũng như sự nhạy cảm và thấu cảm của bác.

Và tôi cũng cảm nhận được tâm hồn nhạy cảm của bạn thính giả kia nữa. Quả thật, khi những con người nhạy cảm gặp nhau, họ lại viết nên những câu chuyện ấm áp đến lạ. 

Vạn vật xung quanh ta đều sở hữu những nguồn năng lượng riêng biệt. Với sự tinh tế trời phú, người nhạy cảm luôn biết cách lựa chọn môi trường có cùng tần số năng lượng với bản thân để có thể phát triển và hạn chế tiếp xúc với những người hay tập thể ảnh hưởng xấu đến năng lượng của họ. Bên cạnh đó, người nhạy cảm "chân chính" còn biết lan toả nguồn năng lượng tích cực của mình đến mọi người vì họ hiểu rằng mình đã nhận sự giúp đỡ từ ai đó, thì cũng truyền đi tiếp sự ấm áp đó lan tỏa đến một người khác nữa. 

THÔNG ĐIỆP CUỐI

Sự nhạy cảm với cụm từ yếu đuối và nhu nhược. Kiểu sống quá nhạy cảm quá bởi như thế sẽ rất thiệt thòi và tự làm khổ mình. Mẹ tôi cũng là một kiểu người cực kỳ nhạy cảm. Bà làm quần quật từ sáng đến tối và nở nụ cười thật tươi với tất cả khách hàng ghé quán. Nhưng chỉ cần về đến nhà, bất cứ những gì tôi làm, bà đều cảm thấy không hài lòng. Những việc bày ra trước mắt chỉ khiến bà khó chịu, vừa làm vừa mắng tôi và bố. Điều đó cũng từng gây tổn thương tâm lý trong tôi suốt khoảng thời gian cấp 2, 3. Nhưng mãi cho đến khi tôi cũng bước vào thế giới của người trưởng thành, phải làm việc, phải chạy deadline, phải ứng phó với khói bụi và kẹt xe mỗi ngày,..., bỗng ngày đi làm về tôi bật công tắc đèn lên mà chẳng sáng, tôi lại uất ức đến bật khóc. Lúc này tôi mới hiểu bản thân mình từ khi nào đã nhạy cảm đến vậy.

Nhưng, có một điều rằng không phải hôm nào tôi cũng khóc, tôi sẽ dành 1 ngày để tự kỷ và 364 ngày còn lại để cười tự hào với chính giác quan nhạy cảm của mình. Dùng nó để cảm nhận ai là người đang thật lòng hay nói dối, dùng nó để khơi gợi cảm xúc của người khác, dùng nó để logic sự vật sự việc, ….

Một bức ảnh hay ho của Gudim mà tôi muốn truyền tải đến bạn tại đây. Đôi khi, thứ mà bạn cho là xấu xí, lại mang vẻ đẹp của riêng nó.
Đừng cố chối bỏ mà thay vào đó bằng một thứ chẳng khác gì là bao. 

Các nhà thần kinh học đã phát hiện ra rằng một phần trong tính nhạy cảm của chúng ta có liên quan tới Gen và số liệu ước tính khoảng 20% dân số có thể thuộc nhóm "cực kỳ nhạy cảm". Có một phương pháp hiệu quả để “đo lường" liệu bạn có phải là một người nhạy cảm hay không - Đó là làm trắc nghiệm, ví dụ như bài trắc nghiệm từ "The Emotionally Sensitive Person" (Người nhạy cảm về mặt cảm xúc) tại PsychCentral. Những câu hỏi này mang giá trị giúp bạn nhìn nhận lại cảm xúc và trải nghiệm của mình và tìm ra thế mạnh hoặc những khuyết điểm mà bạn cần khắc phục. 

Thật ra thì người nhạy cảm có những sức mạnh, nét đẹp riêng ẩn khuất đằng sau đó. Bạn phải hiểu rõ về nhạy cảm, bước vào thế giới quan đó, mới tìm ra giá trị của nó. Nếu là một người nhạy cảm hoặc yêu phải một người nhạy cảm hay làm việc với người nhạy cảm, cũng không cần phải quá bức bối vì điều đó, hãy từ từ khám phá năng lực trời phú này thôi! 

Tác Giả: Bunny

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.instagram.com/bunniexiuxiu/ 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

776 lượt xem, 716 người xem - 731 điểm