Susan Thai@Triết Học Tuổi Trẻ
3 năm trước
Tình Yêu Không Phải Là Chiếm Hữu
Tôi học được một bài học rất hay ho, khi một khái niệm chưa được định nghĩa chính xác hoặc có nhiều tầng nghĩa khác nhau, ở ngữ cảnh khác nhau thì ý nghĩa khác nhau… Ta có thể định nghĩa theo cách nó không phải là gì. “Yêu, là chết trong lòng một ít/ Vì khi mấy khi yêu mà chắc có được tình yêu?” - Xuân Diệu. Xuân Diệu đã đặt ra câu hỏi mấy khi yêu mà có thể có được tình yêu, để có được tình yêu nó hiếm hoi đến “mấy khi”, rất ít người có được tình yêu. Vậy có được tình yêu là có như thế nào. Có được tình yêu là có được người mình yêu hay có được tình yêu của người mình yêu hay là có được cả người mình yêu và tình yêu của họ. “Có được” là vừa có vừa được? Tình yêu có cần có được, tình yêu có cần được sở hữu, tình yêu có cần chiếm hữu nhau. Một góc nhìn khác "Tình chỉ đẹp khi còn dang dở đời mất vui khi đã vẹn câu thề". Hay hôn nhân là nấm mồ của tình yêu. Vậy tình yêu đẹp là tình yêu có được hay một tình yêu dang dở.
Theo thần thoại Hy Lạp, ngày xưa con người là loài lưỡng tính mặt trước là nam mặt sau là nữ họ là những người khổng lồ Titan có sức mạnh rất lớn, đến lúc họ đe dọa đỉnh núi Olympia của thần Zeus đang ngự trị. Zeus cũng phải sợ hãi trước mối họa này, được các thần linh khác hiến kế rằng sở dĩ người khổng lồ Titan có sức mạnh vô địch vì họ có âm dương kết hợp. Chỉ cần tách họ ra làm hai thì sức mạnh đó sẽ suy yếu đi, thế là thần Zeus đã dùng tia sét tách họ ra làm 2 và đã làm suy yếu được những người khổng lồ, tách họ thành nam và nữ như hiện tại. Thế nên con người luôn luôn đi tìm nửa kia của mình để có sức mạnh tuyệt đối và hoàn thiện, tình yêu giúp hai con người kết hợp lại, mạnh mẽ hơn và cùng nhau làm được mọi thứ. Dựa theo câu chuyện trên, tình yêu của hai con người là do cả hai khuyến khuyết một nửa và tìm đến nhau để hoàn thiện, tuy hai mà một, tình yêu giữa hai người là sự bổ khuyết cho nhau chứ không phải là chiếm hữu dựa trên sự bình đẳng của âm dương.
Tình yêu có lẽ là một trong những đề tài tốn nhiều giấy mực nhất trong văn học thơ ca. Tấn bi kịch thường diễn ra với nhân vật thứ chính, tình yêu của ai cũng đều bình đẳng như nhau, nhưng bi kịch diễn ra khi tình yêu trao đi và không hề được nhận lại. Lòng chiếm hữu trong tình yêu của những nhân vật thứ chính trong các tác phẩm trên cho ta thấy được mặt tiêu cực của một tình yêu chiếm hữu. Ai cũng có quyền được yêu nhân vật chính được xây dựng một cách hoàn mỹ, nhưng bi kịch chỉ diễn ra khi anh đem lòng chiếm hữu làm của riêng mà không được cho phép. Gạt đi lòng chiếm hữu, dành tình yêu cho một hoặc nhiều người mà ở họ có những giá trị cao quý đáng ngưỡng mộ thì đó hẳn là một tình yêu đẹp. Điển hình của bài thơ “Tôi yêu em” của Puskin:
“Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài
Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”.
Nếu không có khao khát chiếm hữu thì đó không phải là tình yêu? Một phản biệt đặt ra rất hay, đúng vậy chiếm hữu là một biểu hiện quan trọng trong tình yêu. Bất kỳ một vật hay một người nào đó mà bạn yêu thích thì việc mong muốn nó là của riêng mình là một điều không thể tránh khỏi, đó hầu như là bản năng. Nhưng chiếm hữu có nhiều mức độ khác nhau và bản chất khác nhau trong các tình huống khác nhau. Tình yêu không phải là chiếm hữu có nghĩa là mong muốn chiếm hữu không hoàn toàn là tình yêu, tình yêu là một cái gì đó nó rộng hơn và cao cả hơn mong muốn chiếm hữu. Những biểu hiện của chiếm hữu: kiểm soát người yêu, nhạy cảm với các mối quan hệ với người khác phái, áp đặt, những khát khao bất thường đối với người yêu… Để có một con người khỏe mạnh và một tình yêu khỏe mạnh ta nên biết khống chế các biểu hiện trên.
Nếu tất cả mọi mọi người điều có thể thỏa mãn với tình yêu của bản thân thì mọi chuyện sẽ không còn gì để tranh luận nhưng thực tế nó không hoàn hảo như vậy. Tính chiếm hữu trong tình yêu thể hiện sự tiêu cực rõ nét ở hai trường hợp: yêu và không được đáp lại và sự chiếm hữu cao trong tình yêu giữa hai người. Osho một trong những triết gia nổi bật nhất của thế kỷ 20, trong cuốn Yêu - Being love, đem lại một quan điểm rất sáng tạo, yêu là việc cá nhân của mỗi người, bạn cứ yêu không ai có thể ngăn cấm bạn, nhưng đừng đòi hỏi người khác phải yêu bạn như vậy vì bạn không có quyền đó và cũng không thể làm được việc đó. Đối với ông tình yêu là một bản năng rất tự nhiên của con người, hãy yêu thương hết mực khi có thể, đừng đòi hỏi từ phía bên ngoài, bởi khi yêu là bạn đã được rất nhiều chính bởi tình yêu thương đó. Trông chờ vào sự hồi đáp không phải là tình yêu, hãy tìm kiếm tình yêu trọn vẹn từ trong chính bản thân của bạn và trong chính cảm xúc của bạn. Một khi bạn đã thấu hiểu triết lý này thì bạn sẽ thấy rõ chiếm hữu không có ý nghĩa trong tình yêu bởi tình yêu nó đơn thuần xuất phát từ bản thân và tự lấy nó làm hạnh phúc.
Tình yêu là một danh từ rất mỹ miều nó mô tả một tình cảm đẹp đẽ, một đích đến mà mọi người điều hướng đến bởi ai cũng có nhu cầu được yêu thương. Có lẽ sự thiếu thốn tình cảm sẽ làm ta càng khao khát, càng muốn có tình yêu dễ dẫn đến tính chiếm hữu. Nhưng những tiêu cực sẽ xuất hiện với một tình yêu chỉ biết chiếm hữu dù sớm hay muộn. Để yêu thương người khác, trước hết hãy học cách yêu thương bản thân bạn, chỉ khi biết cách yêu thương bản thân bạn mới biết cách yêu thương người khác. Một tình yêu đẹp là một tình yêu biết cho đi chứ không phải là chiếm hữu. Bởi những người ta quyết định yêu thương chắc hẳn là họ xứng đáng và quan trọng thế nào với ta, nên hãy trao đi tình yêu của ta dành cho họ chứ đừng đòi hỏi ta nhận được gì, hãy chỉ yêu khi bạn thật sự sẵn sàng.
Một tình yêu không được đáp lại cũng không phải là bi kịch nếu ta hiểu rằng yêu chỉ là cảm xúc của riêng ta, cho dù họ có không thích ta. Ta cứ yêu và không cần sự hồi đáp, tận hưởng trong chính cảm xúc của bản thân, mọi thứ chỉ tiêu cực chi bạn đem lòng chiếm hữu, đố kị và ganh ghét. Tình yêu đó được Puskin thể hiện rất rõ trong câu thơ “Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”, một tình yêu vượt lên mọi tình yêu đầy vị tha và cao thượng. Khi có được tình yêu tính chiếm hữu cao là tốt hay xấu. Ta chỉ có thể nói rằng lúc này cảm xúc yêu đã vơi đi mà thay vào đó là sự chiếm hữu, sự chiếm hữu không làm ta hạnh phúc nó làm ta bất an, tình yêu mới làm ta hạnh phúc. Ta sợ mất đi, ta sợ người yêu ta không còn yêu ta nên ta chiếm hữu và kiểm soát. Nhưng ta không biết rằng đấy là tình yêu biến chất nó không làm ta hạnh phúc. Khi đã có được tình yêu ta hãy cố gắng giữ “yêu” chứ không phải giữ người ta yêu, ta yêu ai thì ta cũng yêu chính cảm xúc và quyết định của họ.
Tình yêu là danh từ là đích đến, nhưng hãy chỉ yêu là động từ là hành động là cảm xúc biến nó thành sự hạnh phúc. Đừng tiến đến đích đến (có sự chiếm hữu) mà hãy luôn luôn giữ trong mình hành động yêu, khi đó bạn luôn hạnh phúc với tình yêu của mình.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
879 lượt xem, 784 người xem - 787 điểm