Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Tò Mò Tích Cực – Chìa Khoá Thành Công Cho Người Trẻ

Người nổi tiếng có gì trong túi?

 

Có một dạo, trên Facebook rộ lên trào lưu khoe … trong túi mình có gì. Trào lưu này ban đầu bắt nguồn từ vài “hot names”, sau đó thì lan tràn khắp mạng xã hội.  Đầu tiên là khoe cái túi đã. Rồi đến các thứ trong túi được lần lượt … bày ra “điểm danh”. Nhẹ thì điểm danh bằng ảnh, nặng đô hơn là quay video, hay live stream. Khỏi phải nói, danh sách các nhãn hàng xa xỉ cứ như được quảng cáo miễn phí bởi những người “không khảo mà khoe”. Nhiều người khoe quá nên chẳng thể nhớ hết túi ai có gì. Nhưng người khoe vẫn tiếp tục khoe. Và người tò mò vẫn tiếp tục xem.

 

Rồi đến trào lưu “Thăm nhà người nổi tiếng”. Từng phòng, từng ngõ ngách được giới thiệu tỉ mỉ tới người xem. Thậm chí có cả những nhân vật bỗng dưng nổi tiếng vì “mượn tạm” nhà người khác để khoe trước bàn dân thiên hạ.

 

Những trào lưu này có gì hay mà “hot” vậy? 

 

Thực ra, những trào lưu này, theo tôi, không mang lại giá trị tích cực nào cho xã hội hay cho mỗi cá nhân. Đơn thuần chúng đánh vào trí tò mò của cư dân mạng. Nhà, túi… là những thứ thuộc sở hữu riêng của từng người. Nay có cơ hội miễn phí được ngó vào cái túi xem ca sĩ X, người mẫu Y đựng cái gì, hay được tận … mắt dạo từ phòng ngủ tới phòng ăn của hoa hậu Z, tội gì không ngó.

 

Sau tất cả, người được là những người đi khoe, miễn là khoe cho khéo.  Mỗi lượt “khoe” nhận về vô số lượt view, share, like. Còn người mất là chúng ta – tất cả những người bị trí tò mò tiêu cực “dắt mũi”.

 

 

Người tò mò mất những gì?

 

Wiki định nghĩa “tò mò” là “Có tính hay dò hỏi, tìm cách biết bất cứ chuyện gì,  có hay không quan hệ tới mình”.

 

Vậy một người có “đức tính” này sẽ bị mất những gì vậy?

 

Trước tiên là mất thời gian.

 

Quả đúng là vậy. Bạn sẽ mất ít là 10 tới 15 phút cho một lượt làm khán giả xem … khoe túi. Nếu chủ nhân mà nổi hứng khoe luôn cả nguồn gốc xuất xứ của món đồ thì bạn mất gấp đôi, gấp 3 quãng thời gian trên. 

 

Khoe nhà thì chắc chắn là tốn nhiều thời gian hơn thế rồi. Một ngày có 24 tiếng, bạn tính sơ sơ xem “Ngài Tò Mò” lấy đi bao nhiêu phần trong quỹ thời gian quý giá của bạn? 

 

Một lần lướt Facebook là biết bao cánh cửa gọi mời. Sau mỗi cánh cửa là một câu chuyện. Ngài Tò Mò sẽ dẫn bạn lê la hết các xó, tới khi đầu óc bạn mụ mị vì bị lấp đầy những chuyện chị A đang buồn, anh C đang giận, chú X mới sắm xe, cậu B sắp bán nhà mới ... tạm tha.

 

Một ngày qua đi, chả mấy hết một tháng, một năm… rồi vèo cái mà … hết cả tuổi thanh xuân

 

… Rồi đến mất tương lai

 

“Làm gì mà tò mò chút xíu đã mất được cả tương lai?” Bạn bất bình. 

 

Vậy… tương lai là gì nhỉ? Người lớn hay bảo phải cố gắng mới có tương lai. Ai cũng hiểu tương lai là những gì sắp đến. Nhưng những gì chưa tới lại được xây nên bởi hiện tại – là những gì bạn đang làm. Cái gì sẽ được xây nên từ những thời gian bỏ ra cho việc cập nhật thật nhiều thông tin vô bổ, nhảm nhí?


Tự bạn trả lời được rồi phải không?

 

 

Tò mò tích cực

 


Có phải tò mò lúc nào cũng xấu? 

 

Con người từ khi sinh ra đã mang bản tính tò mò. Khi một em bé bi bô tập nói, Bố Mẹ em phải trả lời không biết bao nhiêu câu hỏi “Tại sao”. Các em bé hào hứng khám phá thế giới rộng lớn đầy mầu sắc. Các em lớn lên, và trưởng thành cùng những câu hỏi “Tại sao”

 

Chả vậy mà trong cuốn sách “Hãy tò mò như một đứa trẻ”, hai tác giả Brian Grazer và Charles Fishman đã viết “Còn hơn cả trí thông minh, sự kiên trì hay các mối quan hệ , trí tò mò đã giúp tôi sống một cuộc đời như tôi mong muốn”

 

Bạn cũng có thể sống một cuộc sống như bạn mong muốn: hạnh phúc, tự chủ và sáng tạo nếu bạn quyết định mình sẽ là một người tò mò tích cực.

 

Vậy tò mò tích cực là gì?

 

Đó là khi những gì bạn tò mò muốn biết, muốn tìm hiểu là những thứ mang lại giá trị tích cực nào đó cho chính bản thân bạn, và có thể cho cả những người xung quanh. 

 

Bạn xem Apple ra mắt điện thoại Iphone đời mới nhất. Sau đó bạn dạo qua Facebook những người nổi tiếng mê mải xem “đập hộp” Iphone – đó là tò mò tiêu cực

 

Nếu sau lễ ra mắt, bạn tìm hiểu về thương hiệu nổi tiếng Apple,về nhà sáng lập huyền thoại của nó, về lịch sử hình thành và phát triển của thương hiệu – đó là tò mò tích cực

 

Bạn mê mệt các nam thần K-Pop. Bạn không chỉ mê mệt các bài hát, điệu nhảy mà còn không ngừng tìm hiểu về đời tư, về các tin đồn xung quanh cuộc sống của họ - đó là tò mò tiêu cực

 

Vẫn là các fan K-Pop, bạn tò mò tìm hiểu thêm về làn sóng Hallyu để hiểu vì sao làn sóng này lại mang văn hoá Hàn Quốc tới từng ngõ ngách của Châu Á và biến Hàn Quốc thành một nước xuất khẩu văn hoá hàng đầu– đó là tò mò tích cực

 

Bạn hâm mộ ca sĩ HNH. Bạn “tiện thể” tìm hiểu luôn cuộc sống của … bạn trai cô ấy. Bạn nhăm nhe tìm tất cả các anti-fan của cô ấy để ném đã – lại tò mò tiêu cực rồi

 

Vẫn là fan ca sĩ HNH, bạn ngưỡng mộ lối sống cân bằng của cô ấy. Bạn tìm hiểu về Yoga – môn thể thao yêu thích của thần tượng để học theo – đó là tò mò tích cực

 

Bạn thấy đấy, khi tò mò tích cực, bạn chủ động với cuộc sống của mình. Trí tò mò như một công cụ giúp bạn khám phá ra những điều tốt đẹp, và nó có thể thay đổi cuộc sống của bạn theo hướng tích cực hơn. Với trí tò mò tích cực, cuộc sống của bạn luôn ngập tràn sự hứng khởi với những lời giải đáp, những ý tưởng mới và những ước mơ được thắp lên từ những điều rất nhỏ.

 

Thay vì tò mò với trò khám túi, khám nhà, bạn hãy tò mò khám phá tủ sách của người thành đạt. Bạn đã thử tìm hiểu về Tủ sách Cánh Cửa Mở Rộng của giáo sư Ngô Bảo Châu và nhà văn Phan Việt chưa? Nếu chưa thì hãy để trí tò mò tích cực giúp bạn tìm hiểu ngay từ hôm nay nhé. Và sau đó hãy kể cho tôi nghe những điều tuyệt vời nhất mà bạn thấy được phía trong Cánh Cửa Mở Rộng này.

 


Vật bất ly thân của những người tò mò tích cực

 

Là cuốn sổ tay nhỏ, cây bút hoặc bất cứ thứ gì để những người tò mò đáng yêu này ghi lại những thứ mà họ muốn tìm hiểu. Cứ tạm gọi là Sổ Tò Mò cho dễ nhớ.

 

Một ngày trôi qua, bạn trải qua vô số sự kiện lớn nhỏ. Đừng bắt trí não phải nhớ. Ngay khi tình bắt gặp một ý tưởng hay ho, một chủ đề khiến bạn thấy tò mò muốn tìm hiểu, hãy ghi lại vào Sổ Tò Mò.

 

Bạn đang đọc cuốn sách “Khi người ta lớn” của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, bạn bắt gặp cái tên Jack Canfield rồi Andre Maurois, rồi các tựa sách được bác sĩ nhắc tới như “Thư ngỏ gửi tuổi đôi mươi”, rồi “Con đường hạnh phúc”, bạn ghi hết vào Sổ Tò Mò. Khi rảnh rỗi, thay vì chực chờ làm khán giả … xem lục túi, bạn lấy sổ Tò Mò ra tìm hiểu. 

 

Chả mấy chốc, những kiến thức có giá trị của bạn sẽ tăng theo cấp số nhân. Tỷ lệ thuận với số kiến thức này là chất lượng sống của bạn: tự chủ, tự tin, sáng tạo và hạnh phúc. 

 

Người ta thường nói “Hãy nói cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ nói bạn là người như thế nào”. Còn tôi thì có câu: “Hãy nói cho tôi biết bạn đang tò mò tìm hiểu về cái gì, tôi sẽ nói cho bạn biết tương lai bạn ra sao”. 

 

Ngay ngày hôm nay, hãy bắt đầu là MỘT NGƯỜI TRẺ TÒ MÒ TÍCH CỰC BẠN nhé.


Tác Giả: Vân Nguyễn

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ. 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

903 lượt xem, 871 người xem - 889 điểm