Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Trầm Cảm Và Những Điều Chúng Ta Cần Làm Với Người Trầm Cảm

Tôi có một người bạn gái rất thân thiết và cô ấy bị trầm cảm, tôi sẽ gọi tắt tên cô ấy là X. Bài viết này được viết dựa trên những cảm xúc chân thật mà cô ấy từng trải qua dưới vai trò là một người bị bệnh trầm cảm, và những trải nghiệm của tôi khi chính tôi là người được tiếp xúc với cô ấy - một người bạn bị trầm cảm và những người bạn (cũng bị trầm cảm như cô) nữa. 

“Năm tớ 10 tuổi, tớ đột nhiên muốn chết kinh khủng.

Tớ cũng chẳng biết tại sao lại như thế nữa. Mỗi buổi sáng khi thức dậy, việc tớ làm đầu tiên là tự hỏi mình rằng tớ có đáng sống nữa không, rằng tớ có nên tiếp tục đến trường và lúc nào cũng tươi cười để bố mẹ an lòng hay không?

Bố mẹ tớ đều quan tâm đến tớ, họ nhận ra rằng tớ có những suy nghĩ bất ổn này nhưng họ không thể làm gì cả, không thể thuyết phục tớ ngừng suy nghĩ về việc chết đi. Điều họ làm là cố gắng ở bên tớ, hỏi han tớ và cùng tớ ngồi đọc sách.

Ý nghĩ muốn tự tử của tớ cứ lớn dần theo thời gian, nhưng mỗi lần muốn đặt dấu chấm hết cho nó, tớ lại không đủ dũng cảm. Tớ cứ sống mà mơ hồ như thế, trong suốt gần chục năm.

Thế rồi, mọi chuyện bắt đầu thay đổi.  

Hồi tớ đang điều trị bệnh trầm cảm ở khoa sức khỏe tâm thần ở bệnh viện T, lúc đó tớ khoảng 17 tuổi, tớ đang phải đối mặt với chứng rối loạn lo âu xã hội nghiêm trọng, lúc nào tớ cũng cảm thấy nói chuyện với người lạ là điều cực kỳ khó khăn. Nhưng có một cuộc trò chuyện đã diễn ra tại đây và giúp tớ nâng cao tinh thần sống hơn bất kỳ cuộc nói chuyện nào khác. Tớ gặp một người phụ nữ ở đó (lúc hỏi ra thì cô ấy hơn tớ 13 tuổi) và cô ấy nói với tớ rằng chỉ trước đó vài ngày thôi, cô ấy đã lái chiếc xe máy của mẹ mình của mình đến một cái vực gần nhà, cô ấy ngồi trên xe, tăng tốc động cơ và nghĩ về chuyện lái xe lao xuống vực. 

Cô ấy kể cho tớ nghe về những chuyện đã xảy ra khiến cô ấy định tự tử, suy nghĩ của cô ấy vào giây phút đó, lý do cô ấy muốn chết và lý do cô ấy không lao xe xuống. Chúng tớ đã gật đầu và mỉm cười chia sẻ, rồi sau đó đến lượt tớ kể về câu chuyện của tớ trong bữa tối hôm đó ở bệnh viện. Cô ấy cho phép tớ được thể hiện tình trạng trầm cảm nặng của mình và đồng thời được gắn kết thật sự với người khác. Lần đầu tiên trong đời, tớ xem mình là người mắc chứng trầm cảm, và điều kỳ lạ là tớ cảm thấy thoải mái về điều đó - hay đúng hơn là tớ cảm thấy mình không phải là người tồi tệ chỉ vì mình bị trầm cảm.”

Câu chuyện của bạn tôi có thể diễn giải chỉ ngắn gọn trong vài dòng với người phụ nữ xa lạ, nhưng tôi hiểu rằng, để có dũng cảm chia sẻ cảm xúc của mình với người khác khi trạng thái tinh thần của cô bạn tôi không hề ổn định quả là một điều rất khó khăn. 

Bây giờ, bạn hãy tưởng tượng một trong những người ngồi ở bàn ăn trong gia đình hoặc bạn thân của bạn, và người đó nói với bạn rằng họ thật sự rất phiền muộn và rằng họ không có cách nào thoát ra khỏi những rắc rối cá nhân. Bạn có cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với họ không? 

Tôi đoán là không.

Trầm cảm, theo WHO định nghĩa, là một rối loạn tâm thần phổ biến, đặc trưng bởi sự buồn bã, mất đi hứng thú hoặc khoái cảm, cảm thấy tội lỗi hoặc tự hạ thấp giá trị bản thân, bị rối loạn giấc ngủ hoặc ăn uống và kém tập trung. Trầm cảm có thể kéo dài hoặc tái phát nhiều lần, làm suy giảm đáng kể khả năng làm việc, học tập hoặc khả năng đương đầu với cuộc sống hằng ngày. Trường hợp nặng nhất, trầm cảm có thể dẫn đến tự tử. Trầm cảm được coi là một “gánh nặng tiềm ẩn” cho xã hội, vì cho đến nay, có khoảng hơn 350 triệu người trên toàn thế giới mắc bệnh, và cũng theo WHO, đến năm 2020, trầm cảm sẽ trở thành căn bệnh thứ hai dẫn đến tàn tật trên thế giới.

Tuy chứng trầm cảm là một điều xảy ra vô cùng phổ biến, nhưng bằng những gì tôi quan sát được, hầu hết mọi người đều không muốn nói chuyện với người trầm cảm trừ phi những người trầm cảm đang cố tỏ ra họ hạnh phúc. Thế nên, điều này vô tình đã làm cho những người bị trầm cảm như cô bạn tôi phải học cách “trưng ra” gương mặt tươi cười những lúc nói chuyện xã giao, như khi đi mua sắm chẳng hạn. 


(Bức họa một người bệnh trầm cảm của Vincent van Gogh, chính ông cũng mắc phải căn bệnh này và có lẽ đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tự sát của ông -  Wikipedia)

Trầm cảm không làm giảm khao khát được gắn kết với người khác, nó làm giảm khả năng để ta có thể kết nối với mọi người. Thực tế, việc nói chuyện với những người bị trầm cảm lại là một chuyện khá dễ dàng, nếu bạn biết cách. Đó không phải là cảm giác phấn khởi khi được chụp ảnh chung với idol mà nó là cảm giác vui vẻ khi chúng ta thích được đứng cạnh nhau một cách tự nhiên, khi mọi người đều không cảm thấy lúng túng và không ai lên tiếng buộc tội rằng vì người này, người kia mà không khí cuộc vui bị làm hỏng.

Người trầm cảm và không bị trầm cảm tạo ra một ranh giới mà ở đó là một bên - những người bị trầm cảm có thể cư xử một cách khó hiểu hoặc khó chịu; còn bên còn lại là những người khác, những người không hiểu hoặc không bị trầm cảm, chỉ đi qua và lắc đầu ngán ngẩm thắc mắc, “Sao anh/ chị ta phải phiền muộn nhiều đến vậy?”

Cô bạn của tôi đã bước vào trận chiến với chứng trầm cảm từ khi cô ấy 10 tuổi, và sau 11 năm, thật tuyệt vời khi cô ấy đã bắt đầu giành được phần thắng. Từ trạng thái lúc nào cũng đau khổ và đằm chìm trong suy nghĩ tuyệt vọng, cô ấy đã cởi mở hơn và dần đón nhận những điều tuyệt vời của cuộc sống. Cô ấy đã có thể vui vẻ đi làm mà không để mình phải chịu nhiều áp lực từ nơi làm việc, gia đình và cả những người bạn xung quanh cô nữa. Hiện nay, cô ấy đã vượt qua một vài vấn đề sức khỏe tâm thần khác như ăn uống quá độ, chứng nghiện rượu, kể cả chứng rối loạn lo âu xã hội của cô cũng đã giảm đi đáng kể. Là một người đã và đang tiếp xúc với một người trầm cảm đang sống ở cả hai phía ranh giới ngăn cách, tôi muốn dành cho bạn một vài lời khuyên dựa trên kinh nghiệm của tôi để bạn có thể giúp đỡ người bị trầm cảm, giúp họ một lần nữa vượt qua rào cản để có một đời sống tâm lý ổn định. Tôi đã gặp gỡ và trò chuyện với những người bạn bị trầm cảm của cô bạn tôi để hoàn chỉnh hơn lời khuyên này.

Tuy nhiên, trước hết, tôi muốn đưa ra cho bạn những điều mà bạn không nên làm - nên tránh khi nói chuyện với người bị trầm cảm.

“Đừng buồn nữa” là câu nói không nên nói nhất

Chẳng ai muốn mình đau buồn cả, đương nhiên người bị trầm cảm cũng vậy, họ còn là những người có mong muốn được sống hạnh phúc hơn cả người khác ấy chứ. Bị trầm cảm nghĩa là họ đã mất đi khả năng để bản thân ngừng đau buồn. Nỗi buồn của họ đến rất tự nhiên và bất ngờ, chỉ một chiếc lá rơi cũng có thể khiến họ liên tưởng ra những điều kinh khủng, nên khi bạn nói câu “đừng buồn nữa”, nó cũng không khác gì việc bạn bảo một người đang ốm hãy khỏi ốm đi vậy. Đừng tạo áp lực bắt ép họ phải vui vẻ và bình thường. Sự mong mỏi họ không còn phiền muộn sẽ khiến họ cảm giác như họ đang khiến bạn thất vọng vậy. Không gì quý bằng sự cảm thông, nhưng đừng áp đặt nó lên vai của họ.

Đừng cho rằng những gì có tác dụng với bạn cũng có tác dụng với người khác

Ví dụ, bạn cho rằng khi bạn buồn thì việc xem một bộ phim hài là lựa chọn tuyệt vời nhất để bạn cảm thấy vui vẻ hơn, tuy nhiên bạn không thể chữa bệnh trầm cảm bằng cách xem một bộ phim hài được. Tôi đã từng thấy bạn mình, dù xem một bộ phim hài của Châu Tinh Trì rất hay và hài hước, có thể khóc to như đứa trẻ và liên tục dằn vặt bản thân vì điều gì mà tôi không rõ nữa.

Đừng buồn nếu người bị trầm cảm phản ứng tiêu cực với lời khuyên của bạn

Khi bạn bè của bạn gặp chuyện khó khăn, có lẽ bạn sẽ muốn giúp người đó bằng cách đưa ra cho họ lời khuyên đúng không? Nếu người đó làm theo và thành công, họ sẽ cảm ơn bạn, bạn sẽ cảm thấy lời khuyên mà bạn dành cho người ấy rất tuyệt và bạn quả là một người sáng suốt đúng không? Tuy nhiên, nếu người đó ngay cả việc làm theo lời khuyên của bạn cũng chưa thử mà đã bác bỏ hoàn toàn ý kiến của bạn thì sao? Chắc chắn bạn sẽ rất tức giận với người đó cho mà xem. Tuy nhiên, cũng giống như cô bạn tôi ngày xưa, lúc nào cô ấy cũng nghĩ rằng cô ấy là kẻ tồi tệ, và rằng mọi người đều ghét cô ấy nên dù cho có bao nhiêu người nói với cô ấy là điều này đúng hay không đúng đi chăng nữa, cô ấy cũng không tin. Vậy nên, đừng cảm thấy buồn nếu họ phản ứng không như bạn mong muốn, hãy cho họ biết rằng bạn vẫn quan tâm đến họ dù có chuyện gì xảy ra đi nữa.

Buồn và ổn không hẳn là hai khái niệm trái ngược

Nỗi buồn, dù là ở người bị trầm cảm hay không đều đến với chúng ta một cách rất bình thường. Trong cùng một lúc, một người bình thường có thể cảm thấy ổn và cũng như không ổn. Nên bạn đừng hoảng hốt khi người bị trầm cảm không vui vẻ. Người bị trầm cảm có thể buồn và cũng đồng thời cảm thấy ổn. Họ có thể cảm thấy vô cùng khó chịu với mọi thứ xung quanh nhưng đồng thời họ lại cảm thấy vô cùng an toàn khi được sống trong môi trường đó. Nhiều người trong chúng ta được dạy rằng nỗi buồn là một thứ có ảnh hưởng tiêu cực và chúng ta phải cưỡng lại nó, nhưng sự thật thì nỗi buồn là một điều tự nhiên của cuộc sống, và việc chấp nhận nó cũng giống như việc ta hiểu rằng việc nó không tồn tại sẽ đem lại điều tuyệt vời cho chúng ta.

Tiếp sau đây là một số điều mà bạn nên làm.

Nói chuyện với người bị trầm cảm bằng giọng tự nhiên của bạn

Tôi nói thật đấy, bạn không cần phải thận trọng, e dè, hoặc hạ giọng của mình xuống khi nói chuyện với người bị trầm cảm đâu. Bạn có bao giờ nói chuyện với người bị cảm khi vừa nói vừa hắt hơi không? Đương nhiên là không rồi, vì bạn chẳng cần phải rơi vào hoàn cảnh của họ thì mới thấu hiểu điều họ đang trải qua. Bạn hãy thuận theo những cảm xúc cá nhân bình thường của bạn khi đứng trước mặt người bị trầm cảm, dù đau khổ cũng được, hoặc phấn khởi và vui vẻ cũng được, điều đó quả thực không hề xấu một chút nào cả.

Người trầm cảm không phải là trách nhiệm của bạn

Điều này có nghĩa là bạn đừng xem bản thân phải có trách nhiệm với người trầm cảm. Có thể trong một ngày, khi bạn vô tình lướt qua những bài báo về một sự kiện đau lòng nào đó, chẳng hạn như về ô nhiễm môi trường, bạn thường hay có suy nghĩ rằng thế giới này tồi tệ là do một phần mình đóng góp vào và mình, ở một phần nào đó, cũng có trách nhiệm với những vấn đề lớn hơn này. Tuy nhiên, bạn không nên đặt trách nhiệm của mọi chuyện lên vai bạn, điều đó là không cần thiết. Bạn có thể lo ngại rằng nếu nói chuyện với người trầm cảm, bạn sẽ chịu trách nhiệm cho sức khỏe của họ, rằng bạn cần “chữa” cho họ và giải quyết vấn đề của họ. Lời khuyên của tôi ở đây là bạn không cần phải cố gắng trở thành một Chúa Giê-su hay một Mẹ Te-re-sa vĩ đại để đi giúp đỡ người trầm cảm, bạn hãy cứ thân thiện như bác dẫn chương trình Lại Văn Sâm ấy. Điều mà họ quan tâm nhất không phải là ngôn từ mà chính là sự bình thường trong thái độ của bạn đó.

Vẫn tương tác với người trầm cảm trong những tình huống bình thường hoặc nhờ họ giúp đỡ mình 

Khi ai đó lo lắng cho người bạn của tôi, họ gọi cho cô ấy và hỏi cô ấy có muốn cùng đi mua sắm hoặc giúp họ dọn dẹp vườn cây không. Tôi phải nói thật lòng rằng đây là một cách quan tâm tuyệt vời. Những người bạn của X cũng như tôi đã cố gắng thấu hiểu và cư xử thích hợp mà không kéo bệnh trầm cảm của cô ấy vào. Cô bạn tôi hẳn biết rằng chúng tôi quan tâm cô và không còn xem bản thân cô là một gánh nặng nữa. Tôi chân thành khuyên bạn rằng, hãy mời những người bị trầm cảm tham gia vào cuộc sống của bạn theo bất kỳ cách nào, dù chỉ là việc mời nhau đi ăn cơm hoặc cùng làm đồ handmade chẳng hạn. Đó, từ nào đến giờ, vân là cách mà con người chúng ta kết nối với nhau.

Tất cả những lời khuyên của tôi đều được tôi rút ra, có tham khảo một số nguồn viết và quan điểm của người khác. Thật ngạc nhiên là rất nhiều người có cùng quan điểm với tôi về cách mà ta nên đối xử như thế nào với người bị trầm cảm, và tôi chỉ tổng hợp lại chúng. Tôi xin đề xuất bài viết “Nên nói gì và làm gì với những người bị trầm cảm” của tác giả Bill Bernat (bản dịch tiếng Việt đầy đủ có trên trang web Ubrand.global.com). 

Những việc làm được liệt kê trên đây vẫn thống nhất với nhau trên một nguyên tắc chủ đạo: Hãy nói chuyện một cách bình thường với người bị trầm cảm. Hãy cho họ thấy họ xứng đáng được giúp đỡ và họ cũng có thể giúp đỡ mình. Đó là cách mà người phụ nữ ở bệnh viện đã vô tình giúp đỡ cho X trong việc chiến thắng chứng trầm cảm: cô ấy nói chuyện với X như thể rằng X không sao cả, rằng X cũng là một người bình thường như chúng ta mà thôi. Hãy nói chuyện với người bị trầm cảm bằng sự tôn trọng và trân quý. Mỗi người đều có một cuộc sống của riêng mình, và sinh mạng cũng như tâm hồn ta đều là những điều truyền cảm hứng nhất và đáng trân trọng nhất.

************************

Tôi quan tâm đến vấn đề của người bị trầm cảm bởi vì người bạn thân của tôi cũng có chứng bệnh như vậy, và chủ đề này chỉ được tôi bắt tay vào viết sau khi tôi đọc được dòng tin về sự ra đi bất ngờ của Sulli - cô gái thiên thần là từng là thần tượng một thời của tôi. Vì tôi đã lớn và có công việc của riêng mình, tôi đã không còn quan tâm nhiều đến chuyện đời tư của thần tượng như trước nữa. Những ký ức về một thời tuổi trẻ đam mê idol cũng dần có chút phai mờ, tình cảm nồng nhiệt năm nào cũng giảm đi mấy phần. Việc một người đột ngột ra đi, khi tôi lớn lên rồi, chợt nhận ra rằng nó trở thành một điều không thể thiếu, một cái gì đó nhàn nhạt và chắc chắn phải xảy ra. Thế nên, cũng không biết bản thân mình lúc đó có cảm nhận gì nữa.

Sau sự ra đi của Sulli, tôi nhận ra rằng có rất nhiều người không được may mắn khi gặp được đúng người để cùng họ sẻ chia và thông cảm cho những mất mát hay suy nghĩ bộc phát bất ngờ của họ để từ đó, họ có động lực để thay đổi bản thân cũng như cố gắng vượt qua chứng bệnh của mình. Chúng ta đều quá bận rộn với cuộc sống cá nhân và quên đi rằng, có những người dù họ sống ở nơi đèn hoa mỹ lệ, vẫn luôn cảm thấy cô đơn, vì một khi rời xa ánh đèn sân khấu và những lời hô hào, ca tụng của khán giả, họ trở về với chính họ, bị bủa vây trong bóng tối thăm thẳm của tâm trí mình cùng hàng trăm ý nghĩ điên rồ và tiêu cực. 

Joker, một kẻ tâm thần điên loạn trong mắt của người đời, đã phải có lúc thốt lên rằng: “Thật khó khăn khi phải cố gắng tỏ ra vui vẻ mọi lúc”. Sự giả dối khi phải cố tỏ ra mạnh mẽ là mặt tối của cuộc đời, là một phần mà Thần linh đã bỏ quên. Đó là sự mơ hồ của giới hạn về tình yêu thương và cảm thông của mọi người dành cho nhau. Đó là những ổ trâu, ổ gà mà cuộc sống vội vã này tạo ra, để khiến cho người ta bất kỳ lúc nào cũng có thể sập bẫy. 

Có một câu nhận định rất đúng về Sulli mà tôi đã đọc được rằng: “Sulli là một bông hoa mang vẻ đẹp quá rực rỡ kèm theo đó là một tâm hồn quá nổi loạn. Ngoại lệ của Sulli cứ tồn tại, ngỡ là may mắn mà hóa ra lại thành bất hạnh. Cô là một ngoại lệ có một không hai ở Kpop, cứ thế tồn tại cùng phẫn nộ và bàn tán xung quanh mình, trong một thế giới chẳng thể nào mang đến hạnh phúc và yên bình cho tâm hồn nổi loạn của cô.” Tôi hiểu rằng, không phải riêng gì Sulli, mà tất cả sự ra đi của những người khác khi họ đã một lòng muốn ra đi, đều mang đến cho người ta sự ám ảnh khôn nguôi, những câu hỏi không thể giải đáp. Người duy nhất có thể trả lời những câu hỏi đã không còn ở lại nơi này nữa vì họ đã ra đi mãi mãi và không còn quan tâm thế giới đằng sau mất mát đó nữa. (Kênh14)


(Nguồn ảnh: Kenh14)

Tôi mong rằng, dù là ai đi nữa, hãy ngừng đặt áp lực lên vai của người khác, hãy ngừng bôi nhọ nhân phẩm của nhau, hãy rộng lòng mở ra cho ai đó một lối đi, hãy cho ai đó mượn một bờ vai khi họ cần đến, hãy làm người bảo vệ đằng sau một ai đó, hãy mở cửa trái tim để tha thứ cho những điều không thể nào tha thứ được, và luôn nhớ rằng, hãy biết ơn vì tất cả mọi người xung quanh mình, vì nhờ có họ, cuộc sống của chúng ta mới tuyệt vời và tràn đầy màu sắc.

Tôi viết bài này cho bạn của tôi, cho Sulli, cho những người mà tôi chưa từng nói được một lời cảm ơn chân thành thật sự nào.

Link tham khảo:

  1. https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7m_c%E1%BA%A3m

  2. https://www.vinmec.com/vi/benh/tram-cam-2982/   

  3. https://roiloanloau.vn/bai-viet/phuong-phap-dieu-tri/9-hau-qua-khon-luong-cua-tram-cam-doc-de-tranh-va-cuu-giup-nguoi-than.html

  4. https://www.ubrand.global/courses/nen-noi-gi-va-lam-gi-voi-nguoi-bi-tram-cam 


Tác giả: Bút Xanh  

 --------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,326 lượt xem, 2,265 người xem - 2302 điểm