Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Có Phải Được Yêu Thương Cũng Là Một Loại Áp Lực?

Đứa trẻ ngây thơ hỏi mẹ nó: “Nếu sau này con không giỏi giang, không thành đạt thì mẹ có yêu con nữa không?”

“Tất nhiên là có, mẹ yêu con vì con là con của mẹ chứ không yêu con vì con sẽ trở thành ai”

Lúc ấy đứa trẻ mới nhận ra câu hỏi của nó ngốc nghếch đến mức nào. Mẹ vẫn luôn yêu nó thôi, nó không cần trở thành người thành đạt, chỉ cần tình yêu của mẹ là nó đã có tất cả.

Nhưng nó lại không hề biết, làm gì có người mẹ nào không muốn con mình giỏi giang, thành đạt chứ. Chẳng qua sự yêu thương khi ấy có thêm một chút ấm áp, một chút tự hào, một chút cố hữu mà thôi.

Tôi biết ơn vì được yêu thương…

Là lẽ tự nhiên, con người sinh ra trong cuộc đời đều có bố có mẹ. Giữa hai bên luôn có một sợi dây gắn kết vô hình được hình thành qua cái gọi là quan hệ máu mủ. Dù đặc biệt hơn nhưng nó cũng giống như bất kỳ mối quan hệ nào khác ở chỗ, nếu không được nuôi dưỡng hằng ngày bằng sẻ chia và thấu hiểu thì sẽ dần mòn như ban đầu đã không có một nền tảng đủ vững. Chỉ qua nỗ lực thì tình yêu ấy mới bền bỉ. 


Đó là ánh mắt sáng ngời của bố khi nhìn thấy tôi từ đằng xa trở về, trong tiếng gọi có chút ngại ngùng nhưng vẫn bối rối đưa tay xoa đầu đứa con gái rượu. Bố nói nhiều hơn thường ngày, cả những câu chuyện không đầu không đuôi từ bao giờ đến nhạt nhẽo, nhưng chỉ cần nhìn tôi ăn ngon thì bữa cơm đều trở nên ngon khác lạ. Cũng là cái ôm ấm áp mẹ đưa tôi vào giấc ngủ. Lúc ấy tôi nhận ra, những thất bại ngoài kia đã bỏ lại đằng sau cánh cửa, bấy giờ tôi chỉ là con bố mẹ, trong một ngôi nhà sẽ sáng đèn vì tôi bất cứ lúc nào. 

Chẳng có gì ngạc nhiên khi nhiều người cho rằng đó là bổn phận. Nhưng sự chân thành mà tôi tìm thấy trong ánh mắt bố mẹ lại trở thành câu trả lời vô cùng rõ ràng. Tình yêu không biết nói dối và cũng chẳng ai có thể áp đặt yêu thương một người. Vốn dĩ bố mẹ chỉ có nghĩa vụ nuôi tôi lớn, đối với tôi bằng một thứ tình cảm gọi là trách nhiệm. Nhưng tình thương mới là thứ nuôi tôi trưởng thành.

Bố mẹ yêu tôi, đó là điều thiêng liêng, may mắn nhất tôi có trong cuộc đời.

Bố mẹ chưa bao giờ đặt áp lực lên tôi...

Mấy đứa bạn của tôi hay ngồi kể về những áp lực khi bố mẹ muốn con mình đứng nhất nhì lớp, được thầy cô công nhận hay một vài giải thưởng để có thể ngẩng mặt tự hào với người khác. May mắn là bố mẹ chẳng bao giờ áp đặt lên tôi một thứ gì, bắt tôi trở thành người này người kia, cũng chưa từng so sánh tôi với con nhà người ta. Nhưng bạn tôi bảo, đấy là vì tôi đã là “con nhà người ta” rồi.

Mà cũng có thể đúng thật. Bởi vì tôi đã có thành tích, có tiếng tăm nên bố mẹ luôn tự hào. Bởi vì những quyết định đều đúng đắn và thành công nên bố mẹ mới tin tưởng. Và cũng bởi vì chính bản thân tôi đã luôn cầu tiến nên bố mẹ không cần phải áp đặt mà tự mặc định rằng tôi sẽ tiến bộ từng ngày. Nếu không phải những thành tích ấy, bố mẹ vẫn yêu tôi, thương tôi mà thôi. Nhưng sự yêu thương khi tôi giỏi giang lại trở nên dễ chịu hơn một chút.


Chỉ là bố mẹ không nói ra, nhưng không có nghĩa là bố mẹ không mong muốn những thành tích, càng ngày càng lớn dần. Lẽ thường đều như thế, khi đạt được một điều gì đó thì những mong muốn xa hơn nảy sinh đủ để lấn át niềm vui hiện có. Và lại là chu trình ấy, lại tiếp tục mong muốn những điều cao hơn ở tương lai. Làm gì có người nào chỉ muốn đứng yên một chỗ, hưởng thụ mãi một điều. 

Điều này không hoàn toàn là bệnh thành tích. Một phần trong đó là để tự hào, nhưng phần nhiều bố mẹ vẫn mong muốn cuộc sống của con mình dễ dàng hơn. Ở đó, thành tích được coi như minh chứng an toàn, được tích lũy để xây nên những bậc thang kiên cố để đứa con leo lên cao. Dù không hoàn toàn đúng, nhưng rõ ràng nó chắc chắn hơn việc một người đột phá không qua thành tích.

Tôi muốn xứng đáng với tình yêu của bố mẹ hơn...

Bọn bạn thỉnh thoảng bảo rằng: “Nếu tao được như mày, cuộc sống sẽ dễ chịu biết mấy”. Nhưng thực ra, được yêu thương, được tin tưởng cũng là một loại áp lực không dễ đong đếm. 

Những ngày ôn thi vất vả tới sáng, bố mẹ thỉnh thoảng lại vờ như ghé qua mà bảo tôi đi ngủ sớm, giữ gìn sức khỏe. Thành thử lời nói từ tai này lại qua tai kia, trong đêm luôn có một sự hấp dẫn từ sách vở đến nỗi không thể rời mắt. Bố mẹ đứng đó một lúc rồi rời đi, đôi lúc lọt thỏm trong không gian yên tĩnh một câu hỏi: “Con muốn ăn gì không?”, “Mẹ lấy bánh cho nhé”... Mấy câu trả lời ậm ừ cho qua cũng khiến bố mẹ sợ làm phiền nên rời đi. 


Đêm nào cũng thế, tôi chỉ dám len lén bật đèn tối, còn chẳng dám cử động mạnh vờ như đã ngủ vì sợ bố mẹ lo lắng. Đến khi xong xuôi bài vở cũng chỉ còn sức lê thân lên giường nhắm mắt, mặc kệ đám muỗi xung quanh hay đống sách vở lộn xộn bừa bãi khắp nhà, có khi còn gục luôn trên bàn tới sáng. Nhưng kỳ lạ là, mỗi khi thức dậy liền thấy màn được bỏ và sách vở đã sắp gọn trên bàn. Vô thức tôi nhận ra, chỉ cần đèn của tôi vẫn sáng thì bố mẹ vẫn còn đau đáu cùng tôi. 

Nói mãi thành chai, sự quan tâm của bố mẹ lúc ấy tất thảy chỉ có thể biểu hiện qua món ăn. Những người quê mùa ấy cả đời còn chẳng biết gì đến bồi bổ, thế mà lại cẩn thận tìm kiếm từng chi tiết để rồi ròng rã bao nhiêu ngày nấu những món mà cả đời còn chưa từng thử qua. 

Những hy sinh từ nhỏ nhặt nhất khiến tôi buộc bản thân mình phải cố gắng không ngừng nghỉ. Làm sao đấy để những giấc ngủ trằn trọc của bố mẹ được trả giá xứng đáng nhất, để sự biết ơn của đứa con trở thành điều gì thật rõ ràng. Tình yêu cao cả ấy tôi không cách nào trả hết, nên chỉ có thể đem về những thành tích mà mỗi ngày của bố mẹ đều có động lực để sống vui vẻ mà thôi. 

Những ngày dù mệt mỏi nhưng tình yêu của bố mẹ lại rõ ràng đến đẹp vô cùng. Tôi đã ước giá như điều ấy cứ kéo dài mãi. Thế rồi tôi lại học sống học chết, lại tự đặt mình vào những áp lực thành tích. Không phải vì bố mẹ chỉ yêu thương tôi với thành tích mà bởi vì những kết quả khiến tôi cảm giác tình yêu đáng giá hơn. Ít nhất bản thân đã làm được điều gì đó và điều đó cũng làm bố mẹ hạnh phúc qua từng ngày.

Tôi không cố gắng vì bố mẹ muốn tôi làm thế, tôi cố gắng vì bố mẹ tin tôi làm được...

Được yêu thương có áp lực gì? Đó là khi mọi người ai cũng tin mình làm được. Như thể con đường trước mặt chỉ có hoa hồng, nếu thất bại thì khác gì đi ngược với quy luật. Khi đó, một thất bại nảy sinh một chấm đen trên tờ giấy trắng, tất thảy chú ý đều dồn vào đó mà ngẫm nghĩ, suy xét. 


Đến trước ngày thi, bố mẹ sẽ động viên tôi: “Không có gì phải lo cả, bao nhiêu lần con cũng làm được thì lần này chắc chắn sẽ làm tốt thôi”. Bố mẹ đã tin tôi làm được, chắc chắn là như thế.

Sự tin tưởng ấy luôn luôn đem cho tôi nhiều áp lực hơn là động viên. Có lẽ trong đầu bố mẹ đã chắc mẩm vẽ ra một tương lai đầy tươi sáng, và tôi sẽ lại là niềm tự hào của bố mẹ. Không phải tôi sẽ làm được mà là tôi phải làm được, như một điều hiển nhiên. Nhưng đối với tôi, mọi thứ dường như chưa bao giờ là dễ dàng. 

Nếu tôi không làm được thì sao? Sự thất vọng của bố mẹ sẽ trở nên hụt hẫng hơn rất nhiều, bởi đó là một đáp án mà bố mẹ chưa từng nghĩ tới. Có thể khi ấy, bố mẹ vẫn sẽ bảo rằng: “Không sao đâu, lần sau lại cố gắng là được”, nhưng chắc chắn sự xấu hổ vì niềm tin của bố mẹ sẽ giày vò tôi mãi. Tôi không được phép thất bại. 

Tôi hiểu rằng bản thân không được định nghĩa về bất kỳ thứ gì ngoài tầm với. Nếu sức lực hiện tại không đủ với mục tiêu ấy thì tôi phải chiến đấu hơn cả sức lực hiện có. Tất cả đều trở nên thật ám ảnh. Tôi làm quen với sự cô đơn bên trang sách, từ chối những cuộc đi chơi với bạn bè và cũng chẳng cho phép bản thân bỏ phí chút ít thời gian nào cho riêng mình. Ngoài việc học, những thứ còn lại đều trở nên vô bổ mà bản thân không nên lãng phí. Đó là một cuộc chiến thật sự, kẻ nào học trong lúc người khác lơ đễnh là chiến thắng.

Xin bố mẹ hãy tin con thất bại...

Người ta thường cho rằng những người giỏi là do thiên phú mà ít ai chịu hiểu cái giá của nó. Đi cùng với mỗi thành tích đều là áp lực và mệt mỏi vô cùng tận, là sự rã rời đến không đủ sức nhấc nổi cánh tay. Một thành tích dễ dàng đạt được ấy đều do đánh đổi tương xứng mà có. Hay nói cách khác, giỏi hơn người khác cũng có nghĩa là nỗ lực nhiều hơn người đó, kết quả cao hơn không khác việc trả một cái giá đắt hơn. 

Không có gì là chắc chắn hay đảm bảo chúng ta sẽ thành công. Nếu nói về một người chỉ thành công thì tức là bạn chưa từng thấy hàng trăm thất bại sau những thành công ấy. Bởi vì chúng ta chỉ tung hô, ngưỡng mộ ai đó khi họ thành công nên vô tình đã bỏ qua chặng đường gian nan họ đã phải bước đi. Đến khi tích lũy đủ, sau vô số thất bại không kể xiết, người ta đã xây dựng cho mình nền tảng đủ vững để cho thấy hàng loạt thành công tiếp theo.


Vì vậy, sự tin tưởng của bố mẹ với tư cách là hình hài hóa của tình yêu thương, ở đây vô tình giống như hòn đá tảng đè nặng. Trong khi giới hạn của một người chỉ dừng tại ngưỡng nhất định, người ta qua mài giũa để tiệm cận giới hạn đó mà không phải vượt qua nó để hòn đá nặng đè chết.

Lâu dần sự biết ơn về tình thương lại quá nhỏ trước áp lực phải làm được điều gì đó để bố mẹ vui lòng. Tôi chỉ có thể chạy, chạy mãi, khi mệt mỏi dừng lại nghỉ ngơi thì những cảm giác tội lỗi bủa vây khiến tôi không cách nào thoát ra được. Bản thân lúc ấy cứ ngụp lặn đảo điên trong con nước siết mạnh của niềm tin và kỳ vọng, không dám thét gào, cũng không dám gọi ai tới cứu. Dĩ nhiên lỗi không thuộc về bố mẹ, chỉ là từ niềm tin lớn lao ấy đã vô tình tạo ra một thứ gì vô hình rất khó nhận biết. 

Thực ra cho dù bố mẹ không kỳ vọng, bản thân đứa con vẫn cố gắng và mong muốn bố mẹ hạnh phúc mỗi ngày. Tôi nên làm, tôi sẽ làm, không là tôi phải làm. Lúc ấy chỉ cần bố mẹ nhìn sang một hướng khác, thấy hình ảnh đứa con mình thất bại trong một đáp án có sẵn thì mọi thứ đã trở nên thật dễ chịu. 

Tác Giả: Thương

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/caohoaithuong.0711 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.  


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

771 lượt xem, 741 người xem - 746 điểm