Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Cơn "Đại Dịch" Của Hiện Hữu Con Người

                                                                       CƠN “ĐẠI DỊCH” CỦA HIỆN HỮU CON NGƯỜI

Đã một lần nào đó, trong những bóng đêm của cuộc sống, ta bất chợt nhận ra sự tồn tại của bản thân mình thật trống vắng và vô vị. Dường như ta không phải sinh ra ở nơi này, nơi đây không hề có chỗ cho sự tồn tại của ta. Dường như ta không nên đi lối này, ta đã sai sau những tháng năm dốc hết sức lao về phía trước. Có những giây phút, ta ngậm ngùi thấy mình chỉ là một con cờ vô tri trên bàn cờ số phận, sống theo mong muốn của người khác, xoáy theo những “vòng xoáy” của thời đại. Bao nhiêu năm qua, ta cứ dũi mình trôi theo dòng sông vô định của cuộc đời mà không một lần dám dừng lại hỏi: Tôi có thực sự yêu mến những gì mà tôi đang có hay không? Tôi có hạnh phúc không?

            Một bóng đen phủ lấp hiện hữu con người…

Quả thực khoảnh khắc đáng sợ và khủng khiếp nhất là lúc ta chẳng biết ta hiện hữu trong cuộc đời để làm gì? Tôi có còn là chính tôi nữa hay không? Khi ta rơi vào những câu hỏi đó, loay hoay mãi mà chẳng thể tìm cho mình một câu trả lời thoả đáng, đó là lúc ta đang rơi vào một “cơn đại dịch” mang tên “Khủng hoảng hiện hữu” (Existential Crisis). Năm 1970 một bác sĩ người Đức là Erik Erikson đã chính thức nghiên cứu về nó trên góc nhìn Tâm lý học và mặc cho nó một cái tên khác “Khủng hoảng danh tính”. Nói một cách khác, một khi ở trong cơn khủng hoảng ấy “Tôi không còn là tôi nữa”.

Sở dĩ ta có thể gọi nó là một cơn “đại dịch” bởi lẽ nó lây lan đến mức chóng mặt trong cộng đồng, ở mọi lứa tuổi, trong mọi hoàn cảnh và có nguy cơ dẫn con người đến gần hơn với cái chết của chính mình. Khủng hoảng hiện hữu thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau của con người như: tự do, trách nhiệm, cái chết, sự cô lập, văn hoá…Nói chung, trong mỗi khía cạnh của tồn tại con người, ngoài những điều tích cực vẫn chất chứa đâu đó mầm mống đen tối của một cuộc “Khủng hoảng hiện hữu”.

            Con người đánh mất cuộc đời mình

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng, nhưng theo tôi nó bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính yếu là: sự dữ hiển nhiên trong thế giới và sự chọn lựa sai lầm của con người.

Khi con người ta đối mặt với những tai hoạ khó tránh khỏi trong cuộc đời mình như thiên tai, bệnh tật, cái chết của những người thân yêu và đặc biệt là khi ta cảm nghiệm cái chết của chính mình đang đến gần, tâm hồn ta đầy trống rỗng, chán nản và bi quan. Sống để làm gì? Giá như tôi đừng hiện hữu thì đâu phải chứng kiến những đau khổ này. Những ai đã từng nhìn ngắm khuôn mặt của người thân yêu lần cuối ngay lúc người ta kéo nắp quan tài lại mới thấy rõ cái trớ trêu của số phận và cái nghịch lý của tồn tại con người. Đau lắm, trống vắng lắm!

Đại dịch Covid-19 đã và đang hoành hành trong thế giới là một đại dịch “kép”, bởi lẽ nó không những đánh dấu chấm hết lên cuộc đời của hàng triệu người mà còn gây ra cuộc “khủng hoảng hiện hữu” cho chính những người mắc bệnh và hàng triệu người khác may mắn sống sót. Những ngày tháng nằm trên giường bệnh có lẽ là những giây phút khủng hoảng nhất, những lúc ấy, phải chăng sự hiện hữu đối với họ là một đau khổ? Những gia đình trước đây sung túc và ấm cúng thì nay chỉ còn lại mỗi một người cô đơn và hiu quạnh; hàng ngàn đứa trẻ vô tội không còn cha mẹ; hàng triệu người thất nghiệp phải chia tay những chốn phồn hoa đô hội mà tìm về “Quê cha đất Tổ” chỉ với một động lực duy nhất là sống . Có lẽ dưới vô vàn “cái liếc xéo” của cuộc đời, chúng ta đã nhiều lần tự hỏi bản thân mình: Sự hiện hữu của tôi còn có nghĩa lý gì nữa hay không?

Ngoài những điều bất khả của cuộc sống, ngày nay rất nhiều người “khủng hoảng hiện hữu” do chính lựa chọn sai lầm của mình. Cuộc sống người Việt hiện đại mà đặc biệt là giới trẻ, mặc dù đã có nhiều thay đổi tích cực mang tính tự do, nhưng vẫn còn rất nhiều bạn trẻ đánh mất một quãng thanh xuân của mình bởi niềm hy vọng và sự sắp đặt của người khác. Có nhiều bạn, khi còn là một học sinh tiểu học, đã được cha mẹ vẽ ra một viễn tượng tương lai và tìm mọi cách thúc ép đứa con thân yêu của mình đạt được nó. Tương lai của con cái hoá ta chính là sự thể hiện cái ý chí của cha mẹ.

Rồi kết quả thế nào? Một thế hệ trẻ có một tuổi thơ bị vùi lấp trong đống sách vở và thời khoá biểu dày đặc từ sớm thứ Hai đến tối Chủ nhật. Nhiều bạn đến khi tốt nghiệp đại học, có cuộc sống riêng mới nhận ra rằng mình đã chọn sai nghề, đi sai hướng, đánh mất đi những đam mê cháy bỏng của bản thân mình. Lúc đó, cái khao khát bên trong tâm hồn vẫn còn, nhưng cái bên ngoài thì đã hoàn toàn khác biệt, dẫn đến mất định hướng, trầm cảm, mất đi ý nghĩa của cuộc sống và nguy hiểm hơn là tự tử. Bạn có hạnh phúc không khi phải luôn đeo chiếc mặt nạ, làm một việc mà mình chẳng mong muốn, ở một nơi mà mình cảm thấy không hề thuộc về mình. Nếu cứ tiếp tục sống như thế, chẳng lẽ cả đời cứ làm một “con người ta” nào đó chứ không một lần sống cho riêng mình. Rất nhiều bạn trẻ đã đánh mất cuộc đời mình như thế đó! Đúng là “Trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng” (Nguyễn Du - Truyện Kiều).

Cũng có những bạn trẻ may mắn khi họ hoàn toàn tự do để lựa chọn cuộc sống của mình, nhưng lại quyết định một cách bồng bột. Họ ngã theo số đông để lựa chọn các “hot”: đi theo những nghành học “hot”, cuốn mình theo những “hot trend”, chọn một anh chàng “hot boy” hay cưới một cô nàng “hot girl” nào đó… mà chưa dành đủ thời gian để suy nghĩ tính đúng đắn trong quyết định của mình. Rồi sẽ có lúc, khi đám đông quay lưng lại, khi những cái “hot” trở nên “cold” lại, ta mới thực sự vỡ oà “tôi sai rồi!”. Lúc đó, dẫu có trăm lần “nếu như” và nghìn lần “phải chăng” thì thời gian cũng chẳng bao giờ quay đầu trở lại.

           Chỉ một lần hiện hữu mà thôi!

Từ khi chúng ta lọt khỏi lòng mẹ, khóc oa oa chào đón thế giới này, ta là một thực thể độc lập. Ngay cả người mẹ cho ta bú mớm, dưỡng nuôi ta bằng dòng sữa của mình, nhưng vẫn không thể nào sống thay cho ta được. Ta vẫn thở bằng hơi thở của riêng mình, đi trên đôi bàn chân của ta và nhìn cuộc đời bằng một nhãn quan rất riêng tư. Không ai có thể thay ta tạo lập cái ý nghĩa hiện hữa của chính ta trong cuộc đời này.

 Triết gia hiện sinh người Pháp, Jean Paul Sartre  đã hô vang một câu khẩu hiệu làm nền tảng cho triết học của ông “Hiện hữu đi trước bản chất” (Existence precedes essence). Qua đó, Satre đã kêu gọi mỗi người chúng ta, chứ không ai khác phải tự mình nỗ lực để xác định “Tôi là ai?” trong cuộc đời này, cái ý nghĩa cuộc sống của tôi là do tôi tạo lập, giá trị và ý nghĩa của sự tồn tại của tôi là do chính tôi chọn lựa và quyết địnhBạn sinh ra chưa phải là người, bạn trở thành người” và quá trình trở thành người-như-thế-nào chính là do sự lựa chọn của bạn. Vì thế giữa các chọn lựa của cuộc sống, trong những điều có thể, hãy suy nghĩ chín chắn và chọn lựa những điều bạn cảm thấy hạnh phúc nhất. Đừng vì sự ép buộc, cũng đừng vì chút hoang dại bồng bột của tuổi trẻ mà đi theo những con đường không thuộc về mình. Sartre tiếp tục khuyên chúng ta một câu đáng để mỗi người dừng lại và suy gẫm “Hãy là chính mình và hãy sống khác đi!”.

Đến đây, có lẽ nhiều bạn sẽ hỏi rằng? Nếu bạn đang đi trên một con đường mà mình cảm thấy không hạnh phúc thì phải làm sao? Hãy dám làm theo điều mà bạn mong muốn nhất!

Nếu bạn muốn tiếp tục, bạn hãy nỗ lực để “yêu mến” nó, hãy xem nó là một phần cuộc sống của chính bạn một cái gì đó thuộc về bạn đến nỗi không thể tách rời “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn” (Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên). Các triết gia của phong trào triết học hiện sinh như Gabriel Marcel, Karl Jasper… đều khẳng định: bản chất của sự hiện hữu chính là tình yêu. Tình yêu nâng đỡ, bao bọc và là “nhớt” bôi trơn làm sinh động cho cuộc sống của con người. Có biết yêu quê hương, yêu gia đình, yêu đất nước, yêu nghề, yêu cả những gì xung quanh mình…thì ta mới thấy sự hiện hữu của ta có giá trị, tìm ra ý nghĩa và hạnh phúc trong mỗi nhịp thở của cuộc sống. Tình yêu là chiếc chìa khoá mở cánh cửa hạnh phúc, đầy tràn ánh sáng nơi mỗi nẻo đường khác nhau của hiện hữu

Ngược lại, nếu cảm thấy bạn không thể tìm thấy chính mình trong những điều đang có. Hãy mạnh dạn buông nó xuống và bắt đầu lại. Buông đi! Hãy mạnh mẽ chọn lựa và tiếp tục tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời bằng sự nỗ lực, niềm hy vọng và khát khao. Thời gian luôn tuần hoàn, mỗi ngày đều khởi đầu từ bình minh và dẫu ở lứa tuổi nào, trong hoàn cảnh nào thì bạn cũng có thể bắt đầu lại. Nếu mỗi ngày ta đều nghe tiếng họa mi hót thì tiếng hót đó cũng là một tiếng hót mới mẻ, không giống như ngày hôm qua, và cũng chưa bao giờ giống nhau cả. Phải không? 

 Quả thực, hạnh phúc hay không hạnh phúc, là chính mình hay không là chính mình, phụ thuộc vào thái độ và hành động kiên quyết của ta khi đối diện với cuộc sống, với mình, với người và thậm chí là đối diện với cái chết. Bí quyết của một cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn là hãy luôn nhìn đời như những giây phút đầu tiên, hãy dám khởi đầu lại, đừng bao giờ cho rằng đã quá trễ, bởi chẳng bao giờ là muộn màng trong hành trình khám phá cuộc đời mình.

Nếu bạn đang là bệnh nhân của cuộc “khủng hoảng căn tính”, tôi hy vọng rằng tôi có thể tiếp cho bạn một ngọn lửa nhỏ trong chính những suy tư của tôi. Hãy dám chọn lựa, dám thay đổi và dám bắt đầu lại. Bạn nhé!

Ngày mai, mặt trời khác sẽ mọc lên lúc bình minh.

Tác giả: Huyền Tẫn

  --------------------------------

 Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,074 lượt xem, 1,048 người xem - 1242 điểm