Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Điều Kì Diệu Của Ngôn Ngữ Cảm Xúc

Đôi khi, không phải bạn không có một cảm xúc nào đó. Chỉ là khi bắt gặp, bạn không thể gọi tên được nó. Tâm hồn chúng ta là cả một bản nhạc nền rực rỡ nhưng lại được thể hiện bằng những câu hát rất nghèo nàn. Chúng ta chỉ biết tô lên bức tranh cảm xúc bằng những gam màu rất chung chung: vui vẻ, buồn bã, tức giận, thất vọng,… Những chuyến trải nghiệm cảm xúc dần dần hé lộ những bất ngờ rằng: nước mắt có thể mô tả hạnh phúc, giận dữ không đơn giản chỉ có sự bực tức, căm ghét mà còn có thể bao hàm cả sự đố kị và thất vọng. Kể cả biết thế thì vẫn thật khó để phân biệt những sắc thái khác nhau đó.

Có những rung động rất nhẹ, lẳng lặng như một chiếc lá vàng khẽ chạm mặt đất, rất khó để lắng nghe, nhưng chỉ cần bạn gọi tên, nó sẽ rất rõ ràng trong tâm trí bạn. Mãnh liệt hơn bao giờ hết...

Từ điển cảm xúc của mỗi người nói lên những trải nghiệm và tình trạng của bản thân

Khi học từ vựng của một ngôn ngữ, không chỉ là học cách sử dụng ngôn ngữ, nó còn là văn hóa, là lịch sử, là bản sắc của quốc gia đó. Và mỗi chúng ta đều có một cuốn từ điển mang dấu ấn riêng của mỗi người, mỗi cuộc đời khác nhau, chúng bao hàm những từ vựng được sử dụng nhiều nhất, tự nhiên nhất, vô thức và chân thật nhất – từ vựng của cảm xúc. Mỗi cá thể là một hình ảnh độc nhất, được xây dựng từ những gì họ nhìn thấy, nghe thấy, được học mỗi ngày, từ môi trường, xã hội và cũng từ chính tính cách nội tâm cá nhân. Vì vậy, cuốn từ điển cảm xúc của mỗi người là khác biệt. Một người tham lam khó lòng nhét được chữ “hài lòng” trong cuốn từ điển của họ, một người đang chìm đắm trong hạnh phúc sẽ xóa mờ đi chữ “tuyệt vọng”.

Để xem xét mức độ sử dụng từ vựng cảm xúc tương ứng như thế nào với kinh nghiệm sống, nhóm nghiên cứu tại đại học Pittsburgh đã phân tích blog của 35.000 cá nhân và các bài luận về luồng ý thức của 1.567 sinh viên đại học. Các sinh viên cũng tự báo cáo tâm trạng của mình theo định kỳ trong suốt quá trình thí nghiệm.

Nhìn chung, những người sử dụng nhiều từ cảm xúc tiêu cực hơn có xu hướng hiển thị các dấu hiệu ngôn ngữ liên quan đến tình trạng kém hạnh phúc, chẳng hạn như đề cập đến bệnh tật và cô đơn, cho thấy nhiều dấu hiệu của trầm cảm, rối loạn thần kinh cũng như sức khỏe thể chất kém hơn.

Ngược lại, những người sử dụng nhiều từ cảm xúc tích cực có xu hướng hiển thị các dấu hiệu ngôn ngữ về hạnh phúc - chẳng hạn như nhắc đến các hoạt động giải trí, thành tích. Họ thể hiện là những người tận tâm, hướng ngoại, dễ chịu, có sức khỏe tổng thể cao hơn, tỷ lệ trầm cảm và rối loạn thần kinh thấp hơn.

Những phát hiện này cho thấy rằng vốn từ vựng của một cá nhân có thể tương ứng với trải nghiệm cảm xúc, nhưng nó không nói lên liệu từ vựng về cảm xúc hữu ích hay có hại trong việc mang lại trải nghiệm cảm xúc.

Bạn có từng nghĩ rằng cảm xúc là những thứ đã định hình trong não bộ, là bản chất chung con người?

Tiến hóa của cảm xúc – những thứ định hình từ xã hội loài người.

Các cảm xúc bậc 1 và bậc 2 thường liên quan đến những chức năng sinh học làm tăng khả năng sống sót của sinh vật, tiến hóa giữ lại ở trong di truyền và gắn chặt với bộ não. Cảm xúc bậc 1 (cảm xúc sơ cấp) được thể hiện thông qua những phản ứng trực tiếp của sinh vật đối với các kích thích của môi trường xung quanh. Chúng bao gồm những trải nghiệm như nỗi đau, niềm vui, sợ hãi, lo lắng, đói và no. Cảm xúc bậc hai phức tạp hơn, được thể hiện thông qua nhiều kết hợp khác nhau của các cảm giác. Đó là những cảm xúc như tình cảm mà chúng ta thường thấy ở các loài chim và động vật có vú, điển hình như tập tính giao phối, lựa chọn bạn tình và mối quan hệ mẹ con. Động vật cũng có khả năng đau buồn, chúng phải thể hiện thông qua các cơ chế sinh học thần kinh tương tự như cảm giác đau. Cảm xúc bậc hai này cũng thực hiện chức năng sinh học: củng cố trật tự xã hội trong bầy đàn, duy trì đặc tính di truyền và do đó đảm bảo sự tồn tại của loài.

Những cảm xúc bậc ba – điều mà loài người không chia sẻ với bất kì giống loài nào như tình yêu, tham vọng, tự hào, xấu hổ, tội lỗi , cảm hứng, nhiệt tình, kính sợ, ngưỡng mộ, khiêm tốn, nhục nhã, cảm giác công bằng và bất công, ghen tị, ác ý, oán hận, độc ác,... Cảm xúc bậc ba không hề được phổ quát với các động vật khác, thậm chí là những loài quan hệ gần gũi với con người như tinh tinh. Những cảm xúc trên không cần thiết cho sự sống còn, vì vậy không được chọn lựa vào đời sống các loài động vật. Cảm xúc là sản phẩm của nền văn hóa chứ không phải do di truyền. Bộ não hỗ trợ nhưng không quyết định một cảm xúc nào đó được tạo ra hay không. 

Cảm xúc thể hiện sự tiến hóa của xã hội. Xã hội định hình nên cảm xúc.

Điều này cũng gợi ý rằng trải nghiệm cảm xúc của những người từ các nền văn hóa khác nhau có thể không giống nhau. Nó không chỉ dừng lại khi con người xuất hiện. Và chúng ta sẽ khám phá được đôi điều kì diệu của từ vựng cảm xúc qua những câu chuyện lịch sử thú vị sau…

Lịch sử ra đời của ba từ vựng cảm xúc hiện đại – Điều kì diệu của việc đặt tên cảm xúc

“Khát vọng”, “Tình yêu”, “Hạnh phúc” được gọi là ba cảm xúc hiện đại. Không phải là bây giờ loài người mới mường tượng ra được nó là như thế nào. Mà trước thế kỉ 16, chúng không hề có trong từ điển, chúng có thể vô định trong cảm xúc của ta nhưng không cách nào mô tả và gọi tên được. Thậm chí, các nhà tâm lý học còn khẳng định rằng con người không thể cảm nhận được những cảm xúc này trước khi biết gọi tên chúng.

Để biểu thị một khát vọng mãnh liệt ngoài sức tưởng tượng chúng ta có từ “tham vọng”. Tuy nhiên cụm từ này trong quá khứ đã bị hiểu nhầm như một tệ nạn của sự kiêu căng, tự cao tự đại. Giờ đây nó đã trở nên trung lập, xấu hay tốt tùy thuộc vào thành tựu muốn đạt được. Một từ tương tự là “passion” – “đam mê” mà ở trong quá khứ đã từng được giải nghĩa như sự đau khổ, ví dụ trong trường hợp “Passion on the cross” – nỗi đau của Chúa trên thánh giá. Bây giờ không thể phủ nhận rằng: tham vọng là một trong hai niềm đam mê mãnh liệt của văn hóa hiện đại. Cái còn lại là tình yêu.


Tình yêu trong lịch sử nhân loại được định nghĩa rất khác nhau, có thể là tình yêu thiêng liêng với chúa, tình yêu mang âm hưởng của tình dục, ham muốn thể xác và đôi khi bị nghĩ là những tội lỗi, hay là bản năng tiến hóa và di truyền ở mỗi người. Đến khi bài thơ “Sonnet” của  Shakespeare  ra đời, người ta đã có một cái nhìn khác về tình yêu.  Đó là niềm đam mê duy nhất trong đời, là điều mà tất cả chúng ta đều muốn có, đôi khi đưa chúng ta đến những bến bờ tuyệt vọng. Đó là khi chúng ta nhìn thấy được chính mình trong một người khác, xác định được “danh tính” của bản thân. Nó tìm kiếm bản ngã còn lại của chính mình trong một ai đó. Tình yêu là đam mê tột cùng, là biểu hiện chân thực nhất của cái tôi: điều này phải được chỉ ra và cuối cùng nó cũng đã thực sự được làm rõ ở thế kỉ 16, làm thay đổi quan điểm về bản chất con người thời bấy giờ. Điều này đã được thể hiện trong Romeo và Juliet , câu chuyện về tình yêu lý tưởng , trong đó  Shakespeare  đã miêu tả rõ ràng nhất về tình yêu mà chúng ta mong muốn bây giờ là gì.


Hạnh phúc – một trải nghiệm hài lòng, sung sướng một cách lâu dài và sâu sắc, được hiểu như một thành tựu được gặt hái cho những lựa chọn đúng đắn. Không biết bao nhiêu từ mỹ miều có thể mô tả được cảm giác hạnh phúc nhưng không một từ nào dùng như từ đồng nghĩa. Nó như là một mục tiêu sống tối cao của xã hội loài người. Thế mà trước thế kỉ 16, không một từ nào có thể miêu tả được cảm xúc đó. Các từ bằng tiếng Pháp, tiếng Đức hoặc tiếng Nga với một ý nghĩa đặc biệt như vậy thì được dùng với những từ có nghĩa là “may mắn”. Từ “may mắn” đã có từ thời cổ đại với từ “eudemonia” , tất cả các từ đồng nghĩa của nó đều ám chỉ sự nhân từ của số phận. Trải nghiệm may mắn có nghĩa là phải tuân theo lòng nhân từ như vậy, để được “ban phước”. May mắn là một trạng thái khách quan, không phải là một cảm xúc, không thể bộc lộ được chút nào. Và nhân loại phải thực sự cảm ơn từ điển tiếng Anh đã cho ra đời từ “Happiness” – “Hạnh phúc” để ta có thể gọi tên được cái đích cuối cùng của sống. Đến bây giờ, không một từ nào có thể thay thế được quyền mưu cầu hạnh phúc – một quyền bất khả xâm phạm của con người trong Bản Tuyên ngôn Độc lập của Pháp.

Thật đáng buồn là trong lịch sử con người đã không thực sự hiểu về 2 đam mê mãnh liệt của hiện đại – tham vọngtình yêu, cũng không biết gọi tên cái mà sự sống nhân loại muốn hướng đến – hạnh phúc. Nếu không thể tưởng tượng được, rất khó có thể trải nghiệm và chắc chắn không thể mong muốn và theo đuổi một cách có ý thức. Chúng ta cũng không có bằng chứng liệu nó có được cảm nhận, mong muốn và theo đuổi một cách vô thức hay không. 

(Nguồn ảnh: https://www.inc.com/)

Thượng đế đã ban cho một cuốn từ điển cảm xúc trống rỗng khi mỗi đứa trẻ sinh ra. Như lịch sử của 3 từ ngữ cảm xúc trên, con người không thể gọi tên nó, đến khi hiểu nhầm về nó, rồi có những định nghĩa rõ ràng hơn, để chúng ta biết cái mình muốn hướng đến là gì. Chúng ta từ bé sinh ra không thể biểu thị được cảm xúc ngoài tiếng khóc và tiếng cười. Lớn lên chúng ta có thể hiểu nhầm về những xúc cảm đang trải qua, rằng bố mẹ la mắng nghĩa là không yêu thương mình, về mối tình chớm đầu vì sự hâm mộ cô bạn cùng lớp. Dần dần lớn lên và trải nghiệm, chúng ta sửa đổi những định nghĩa đã mường tượng không rõ ràng: cảm nhận được ý nghĩa lớn lao của tình mẫu tử khi trở thành mẹ,  hiểu được rằng tình yêu là sự thấu hiểu, chấp nhận và gắn bó lâu dài chứ không đơn thuần là yêu thích vẻ bề ngoài. Hồi nhỏ chúng ta chỉ biết khóc nếu bị la mắng, lớn lên chúng ta còn hiểu rằng người ta có thể khóc khi hạnh phúc. Tóm lại, từ điển cảm xúc mang tính thời điểm, nó không được sắp xếp theo abc mà là phân chia như một cuốn sách giáo khoa lịch sử.

Lẽ ra cuốn từ điển cảm xúc mang tính cá nhân rất rõ ràng. Nhưng khi nhìn lại, chúng ta cảm thấy quá nhiều điểm chung giữa các cuốn từ điển khác nhau… đơn giản vì nghèo vốn từ vựng.

MỘT CUỐN TỪ ĐIỂN NGHÈO NÀN VỐN TỪ

Khi xã hội đang ngày càng đón chào nhiều những thay đổi mới, con người ngày càng có nhiều cảm xúc phức tạp hơn. Nhưng chúng ta vẫn nghèo nàn vốn từ như thời sơ khai, và thường xuyên mắc phải lỗi lặp từ nhưng chúng lại chẳng hề giống nhau.

Phải khẳng định rằng, không phải con người nghèo nàn cảm xúc mà đáng lo ngại là chúng ta không thể định nghĩa được những dòng chảy cảm xúc xảy ra hằng ngày, hằng giờ. Một đứa trẻ mới sinh ra, được "định nghĩa" trong xã hội và cũng là tài sản đầu tiên thuộc về chúng - tên gọi. Cảm xúc cũng vậy. Chúng cần một tờ giấy khai sinh để được công nhận. Chúng ta cảm nhận được nó nhưng lại không chạm được đến nó, vì đến cả gọi tên cũng không biết gọi sao cho đúng nhất. Và rồi rất dễ lặp lại những sai lầm trong lịch sử, quay lại những bước đi đầu của tiến hóa, những mơ màng của cảm xúc tiền hiện đại. Nhưng rất tiếc, lịch sử của nhân loại rất dài để có thể sửa đổi, còn quãng đời của chúng ta quá ngắn để hiểu hết.

“Vui vẻ, buồn chán, giận dữ, thất vọng, lo lắng,…” nhắc đi nhắc lại đến phát chán, và thậm chí còn là “Tôi cũng không biết đang cảm thấy sao nữa”. Cảm xúc tiêu cực rất quan trọng, là sự tiến hóa tuyệt vời để cảm nhận những mối lo ngại, nguy hiểm. Nhưng đôi khi chúng ta lại quá lạm dụng nó để hiểu sai lệch đi cảm giác thật. Tôi nhìn một buổi sáng không có ánh nắng cũng thấy “khó chịu”, tôi ăn gà rán nhưng cửa hàng cho thiếu tương ớt tôi cũng cảm thấy “khó chịu”, cái laptop của tôi tự dưng lăn đùng ra ăn vạ không chịu mở màn hình tôi cũng thấy “khó chịu”, và rồi lại “khó chịu” khi đứa bạn cho tôi leo cây. Chúng là những cảm giác khác nhau, nguyên nhân và bản chất cảm xúc khác nhau nhưng tôi chỉ biết dùng từ chung là “khó chịu” và chẳng biết giải quyết như thế nào với cảm xúc bản thân ngoài thốt lên rằng “Sao hôm này nhiều thứ khó chịu thế nhỉ”, thế là ôm luôn tâm trạng khó chịu đến khó hiểu như vậy trách móc số phận.

Thật may mắn, việc trau dồi kĩ năng sử dụng từ vựng cảm xúc hoàn toàn có thể thực hiện nhờ cố gắng. Trước khi làm giàu vốn từ vựng, phải học cách : Đừng cố giấu đi những điều thật thà.

Đoán cảm xúc của bạn

Đôi khi bạn sẽ không chắc mình đang cảm thấy hay suy nghĩ gì. Trong những tình huống này, hãy tự hỏi: Tôi có đang cảm thấy _____ không? Nếu ai đó ở trong tình huống này, họ có thể sẽ cảm thấy ____.

Bạn cũng có thể đoán được cảm xúc của mình bằng cách nhìn vào những hành động bạn muốn thực hiện. Nếu bạn muốn che giấu điều gì đó, có lẽ bạn đang cảm thấy xấu hổ. Hoặc chú ý đến những cảm giác thể chất của bạn. Ví dụ, sợ hãi, thường cảm thấy đầu tiên sự khác biệt ở cổ họng, khi rất khó để thốt lên một lời nói nào. 

Thật thà với cảm xúc

Phản ánh chính xác những gì thực sự cảm nhận được là rất quan trọng.  Hãy bám vào các câu hỏi: Bạn đang trải qua những cảm xúc nào? Điều gì đã kích hoạt những suy nghĩ và cảm xúc mà bạn đang gặp phải? Bạn cảm thấy mệt mỏi trong cơ thể không và bạn muốn thực hiện những hành động nào? 

Nhiều người muốn chối bỏ sự tồn tại của cảm giác tiêu cực như lo sợ, buồn chán, thất vọng,… Một là muốn tránh né và không muốn trải qua những cảm giác đó, có thể bắt nguồn từ việc sợ hãi chúng. Hai là không chấp nhận việc mình có những cảm giác đó, không cho nó được phép tồn tại kể cả trong cảm giác, suy nghĩ. Cảm giác tiêu cực là điều bình thường. Bạn cảm thấy buồn khi không nhận được công việc như mong muốn và điều này cũng được trải nghiệm bởi rất rất nhiều người ngoài kia. Hãy nói lời thật thà với bản thân: Tất nhiên là tôi cảm thấy buồn. Tôi thực sự muốn công việc đó. Chấp nhận và bình thường hóa mọi cảm xúc tiêu cực là cách tốt nhất để không trải qua nó một cách đau đớn hay sợ hãi.

Đừng lừa dối bản thân. Đừng giả vờ rằng bạn không phải như vậy. Bạn sợ bản thân mình lại có những cảm xúc mà bạn cảm thấy rất đáng ghét: ghen tị, hận thù, nhục nhã, kiêu căng,… Cần phân biệt: Bạn là ai, bạn nghĩ gì khác với những gì bạn hành động. Bạn không phải là hành vi của bạn. Thay đổi một số hành vi không phù hợp có thể làm giảm bớt một số đau khổ mà bạn phải trải qua. Bạn rất hay ganh tị với cô bạn thân nhưng không có nghĩa bạn phải có mưu kế làm hại. Thay vào đó, việc nhận ra là mình thua kém sẽ làm động lực để bạn cố gắng học hỏi và phát triển bản thân hơn.

Bạn có đang bị chi phối bởi bóng ma quá khứ?

Từ điển cảm xúc của mỗi cá nhân được hình thành từ những trải nghiệm độc đáo riêng của bản thân. Đôi khi bạn sẽ có những suy nghĩ và cảm xúc dựa trên những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ. Có thể bạn sợ khi phải tham gia một cuộc thi, bởi vì đã phải trải qua những sự thất bại đáng tiếc từ việc thi cử. Hãy thành thật với bản thân rằng bạn đang bị chi phối bởi những trải nghiệm: Tôi có thể hiểu rằng tôi không dám đăng kí thi cuộc thi này vì tôi đã đạt nhiều kết quả không tốt, nhưng rõ ràng đó chỉ là những thất bại thuộc về quá khứ.

Thực hành những điều trên nhiều hơn sẽ giúp bạn xác định cảm xúc bản thân một cách tự nhiên hơn.

Khi xác định chính xác cảm xúc: hãy tận dụng ngôn ngữ cảm xúc để thể hiện!

Tập gọi tên cảm xúc
Một nhà văn nổi tiếng hay một người dán mắt vào màn hình máy tính với công việc văn phòng, đều có những trải nghiệm xúc cảm riêng. Thật sự thì… hừm… tất cả đều rất phức tạp. Chỉ là một nhà văn sẽ biết gọi tên những cảm xúc đấy ra bằng lời, những người bình thường như chúng ta thì điều đó không hề dễ dàng.

Chúng ta vẫn luôn “Tôi cảm thấy cứ khó chịu kiểu gì ấy”, “Hình như tôi cảm thấy hơi bất an”, “Mặc dù đó là một chiến thắng nhưng tôi không cảm thấy tự hào lắm, những cũng không có gì thất vọng cả”. Nghe có vẻ như việc hiểu cảm xúc bản thân rất dễ, nhưng thực sự khi bạn chưa gọi được tên nó, nó sẽ không hồi đáp và giải thích cho bạn hiểu. Chúng ta có những cảm giác vui chung chung, nhưng không hiểu vui chỉ mỉm cười nhẹ, vui không nói nên lời, vui đến khóc hết nước mắt phải diễn tả khác nhau như thế nào. Chúng ta cũng có những nỗi buồn rất khác nhau, buồn chỉ vì trưa nay không được ăn món tôi thích, buồn vì bị người khác trách mánh hiểu nhầm và tổn thương trầm trọng, nhìn chung chúng cũng chỉ được định danh là “tôi buồn”.

Tại sao chúng ta cần phải gọi tên cảm xúc?

Ít nhất thì chúng ta không phải bối rối trả lời với đối phương rằng “Không không ý anh không phải là vậy nhưng anh không biết diễn đạt như thế nào cả”. Việc xác định cụ thể cảm xúc của bạn có thể giúp người khác hiểu hơn về bạn.

Một gợi ý nhỏ cho bạn: bánh xe cảm xúc – một công cụ tuyệt vời từ những nhà tâm lý học để gắn nhãn cho những cảm xúc chung và thường được dùng trong trị liệu tâm lý.

 

(Nguồn ảnh: http://robslink.com/)

“Tôi đang giận dữ”. Hãy làm sâu bản chất tâm lý của cơn giận này.

Nó có thể là

“Chị đang giận dữ (anger) đến phát điên lên (mad -> furious) vì em đã mở nhạc ồn ào trong lúc chị tập trung làm bài luận”. Đến mức này rồi tôi nghĩ đứa em nên tắt nhạc, tránh xa, và không nên giải thích bằng bất kì lời biện minh nào lúc này.

Hoặc

“Tôi đang cảm thấy giận dữ (anger) với bạn, nhưng hình như nó xuất phát từ sự tổn thương (hurt) vì bạn đã làm tôi xấu hổ (embarrased) khi nói câu trêu đùa nhau như vậy trước đám đông”. À rồi, thì ra đây không phải một sự căm phẫn và muốn cô bạn đi cho khuất mắt, nó gợi ý cần một lời xin lỗi và thấu hiểu nhau hơn.

Chưa cần người khác hiểu bạn nghĩ gì, việc hiểu bản thân đang thật sự cảm nhận điều gì đã có thể giúp bạn đưa ra một quyết định hành động sáng suốt chứ không phải đâm đầu vào cách mọi người đang nóng nảy vẫn làm.

Dòng chảy cảm xúc trong 20 phút

Anh ấy mới nhắn tin tỏ tình mình nhưng mình thực sự không biết cảm xúc bây giờ của mình như thế nào để đưa ra một câu trả lời. Vừa mới phạm sai lầm, mình thực sự cảm thấy chênh vênh giữa hi vọng và từ bỏ, thực sự cũng không hiểu bản thân mình muốn gì. Bạn có bao giờ đặt ra hàng đống câu hỏi để hỏi cảm xúc bản thân không.

Những lúc như vậy bạn sẽ làm gì? Nhờ sự giúp đỡ của một người tin cậy vì không thể hiểu mình nghĩ muốn gì nữa? Thực chất người khác cũng chỉ nắm rõ tâm trạng của bạn qua những từ vựng cảm xúc và sắc thái biểu cảm, bạn càng sử dụng các từ cảm xúc một cách rõ ràng, đối phương sẽ càng hiểu bạn đang trong trạng thái nào. Điều đó không hề khó, nhưng nghĩ lại xem, bạn đã làm việc đó với chính bản thân mình chưa. Đã bao giờ bạn lắng nghe những ngôn từ cảm xúc của mình một cách chậm rãi trước khi nhanh nhảu với chiếc điện thoại để nhắn một hàng dài tin nhắn cho cô bạn. Và mỗi tin nhắn hiện ra cũng là lần đầu bạn gọi tên cảm xúc đó ra.

Hãy cố gắng thử điều đó trước với chính mình. Đặt bút xuống và viết. Lắng nghe cảm xúc thì thầm điều gì với chính bạn. Hoặc là nhắn tin trước cho chính mình để xem bạn đã cải thiện được sự rối bời tâm trí hơn bao nhiêu. Tiếp theo, dựa trên những từ vựng cảm xúc hoặc những câu văn miêu tả những cảm giác khó gọi tên, xếp chúng vào nhóm cảm xúc tương ứng để kết luận cảm xúc thật khách quan, xem chúng thiên về nhóm nào hơn.

Nghiên cứu đã đề cập lúc ban đầu, bài luận mà các nhà nghiên cứu của đại học Pittsburgh dành cho sinh viên chỉ đơn giản là: Hãy viết một bài mô tả dòng chảy cảm xúc của mình trong 20 phút, viết tự nhiên nhất, không phải cân nhắc nhiều, không cần phải quay lại sửa.

(Nguồn ảnh: Đại học Pittsburgh)

Và từ đó các nhà nghiên cứu có thể phán đoán được cả cảm xúc lẫn tình trạng thể chất của người viết.

Trau dồi vốn từ vựng cảm xúc theo hướng bạn muốn trở thành

Nghe nhạc, đọc tiểu thuyết, tin tức trên mạng xã hội, nghe những lời khen có cánh hay những lời chê trách thậm tệ và đó là cách chúng ta vô thức hay chủ động nạp thêm các từ vựng mới để mô tả cảm xúc trong những tình huống tương tự. Việc bạn nạp vào những từ ngữ tích cực sẽ làm các nơ ron tích cực trong não bộ hình thành những liên kết. Lặp lại hằng ngày sẽ tạo ra những mối nối cố định và duy trì cách thể hiện những cảm xúc này. Nếu bạn muốn trở nên là một người sâu sắc bằng những cuốn tiểu thuyết lãng mạn, bắt gặp thường xuyên và biết cách sử dụng những từ ngữ sâu lắng. Sau này khi bạn gặp lại những tình huống đó, bạn sẽ dễ dàng gọi tên những xúc động và dần hiểu sâu sắc được những trải nghiệm mà trước đây bạn thường ngó lơ.

“Chúng ta trở thành cái mà chúng ta nghe, thấy và làm mỗi ngày. Chúng ta không trở thành cái mà chúng ta không nghe, không thấy và không làm hằng ngày." Trong khoa học thần kinh, điều này được gọi là  "sự sinh tồn của cái bận rộn nhất.”

Thật đáng tiếc rằng sự phong phú của ngôn ngữ cũng không chạy kịp với độ phức tạp của nội tâm.

Có vẻ đó là lý do quan trọng nhất mà ngôn ngữ cảm xúc phải dùng khá nhiều từ mượn. Ví dụ, không có bản dịch nào hoàn hảo cho cảm xúc “ennui” của tiếng Pháp. Trong tiếng Anh phải mượn lại từ gốc “ennui” và được từ điển Oxford giải nghĩa là “cảm giác mệt mỏi về tinh thần và không hài lòng do mong muốn trong nghề nghiệp hoặc không quan tâm đến môi trường xung quanh, công việc hiện tại.” Sự tiêu cực ít hơn nhiều so với trầm cảm nhưng lại nhiều hơn so với buồn chán. Ôi thế giới cảm xúc thật phức tạp làm sao!

Và bạn cũng hoàn toàn có thể tự nghĩ ra những từ ngữ cảm xúc sáng tạo mà cảm thấy tất cả từ điển trên thế giới đều bất lực để mô tả chính xác. Một ngày thật xanh lá. Cảm giác thật “à há”. Cuốn từ điển cảm xúc sinh ra với nhiệm vụ đầu tiên là phục vụ cho thế giới nội tâm của chủ nhân.

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Nội tâm rõ ràng là những bức tranh tuyệt sắc, pha trộn từ những sắc màu khác nhau để tạo thành nét đẹp độc nhất. Không một cuốn từ điển cảm xúc nào là khuôn mẫu chung có tất cả. Chỉ cần bạn trộn màu "tự hào" nhiều hơn màu "thỏa mãn" một chút, nó đã ra một sắc thái niềm vui chiến thắng riêng. Hãy trở thành những người họa sĩ tài năng, đừng chỉ biết tô lên nó những gam màu cơ bản: tức giận, vui vẻ, buồn bã,…

Kể cả những nỗi buồn, cũng là những nỗi buồn thật đẹp.

Ngày hôm nay của bạn như thế nào?

Tác Giả: Tharo

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/haphuongthao.nguyen.56/

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link:  

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,047 lượt xem, 1,890 người xem - 1917 điểm