Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Tối Ưu Hóa Trí Nhớ Để Thành Công Trong Học Tập Và Sự Nghiệp

Bộ não mỗi người là một sản phẩm ưu việt của sự tiến hóa, là thứ quyết định toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Trong một thời đại mà sự tự chủ và độc lập lên ngôi, bộ não và sự tư duy ngày một phát triển theo hướng sáng tạo cá nhân hóa, cớ gì chúng ta thường xuyên bắt nó phải phụ thuộc vào người khác và những thứ khác? Đừng lấy cớ rằng “Tôi hay quên lắm!” mà mong được thông cảm trong những lần bạn gây hậu quả nghiêm trọng chỉ vì không nhớ được những gì cần làm. Bạn cũng không thể lấy cái cớ ấy để bắt mọi người phải nhắc nhở bạn làm việc này việc nọ, vì họ còn có cả một danh sách nhiệm vụ cần ghi nhớ nữa. Bạn lại càng không thể sống cả đời mà phụ thuộc vào đủ loại ứng dụng ghi chú trên thiết bị điện tử, kể cả những chi tiết vụn vặt nhất cũng được bạn cho vào to-do list cá nhân. Không thể biến bản thân mãi sống dưới danh hiệu “não cá vàng”, đây là những cách mình đúc kết được để thăng hạng cho bộ nhớ của mình. Hãy nhớ rằng, bộ não của bạn rất siêu việt, chỉ là bạn đang lãng phí năng lượng của nó mà thôi.

 

1. Chắt lọc, cắt giảm lượng thông tin tiếp nhận.

Một trong những lí do khiến đầu óc bạn thường hay quên chính là lượng thông tin mà nó hấp thụ quá nhiều. Bạn không thể bắt não mình ghi nhớ toàn bộ tất cả được. Một cuộc sống phức tạp thì luôn rối ren vì ta không biết phải làm gì tiếp theo.

Để có thể nhớ được nhiều thứ hơn, bạn bắt buộc phải cắt giảm lượng thông tin tiếp nhận mỗi ngày bằng cách không sa đà quá nhiều vào những chuyện không thể thay đổi được hoặc những chuyện thiên hạ (trước khi tiếp cận một vấn đề gì, hãy luôn tự hỏi: “Liệu điều này có giúp ích cho mình trong tương lai không?” Nếu không, hãy “Next” chúng đi). 

Hãy thực hành phương pháp MIT (Most important tasks - Những nhiệm vụ quan trọng nhất) - mỗi ngày chỉ tập trung giải quyết 3 đến 4 việc quan trọng, liên quan đến học tập, công việc và cân bằng cuộc sống của bạn. 

Trong Marketing có một bài học về Phễu Marketing (Marketing Funnel) nhằm đánh giá mức độ nhận diện và phản hồi của khách hàng đến sản phẩm và dịch vụ của công ty hoặc tổ chức. Phễu này bao gồm 5 tầng: 

- tầng trên cùng lớn nhất là Awareness (mức độ nhận thức), khách hàng biết đến sản phẩm, và dễ dàng quên đi ngay nếu không có hứng thú; 

- tầng thứ hai là Consideration (mức độ có cân nhắc), khách hàng có hứng thú với sản phẩm và muốn tìm hiểu thêm; 

- tầng thứ ba là Conversion (mức độ chuyển đổi ý định), khách hàng cuối cùng sẽ chuyển đổi từ trạng thái cân nhắc sang quyết định sử dụng sản phẩm và dịch vụ; 

- tầng thứ tư là Loyalty (mức độ trung thành) và tầng thứ năm là Advocacy (mức độ ủng hộ và vận động, truyền bá cho đối tượng khác sử dụng thử) là hai tầng nhỏ nhất, chính là hai giai đoạn mà khách hàng cam kết sẽ gắn bó và sử dụng sản phẩm/dịch vụ của tổ chức lâu dài vì đã chứng thực hiệu quả của chúng.

Phễu Marketing 5 tầng (Marketing Funnel) 

Tương tự, bộ não chính là một vị khách hàng và nhiệm vụ của chúng ta là hãy khiến nó trở thành một khách hàng khó tính, biết đánh giá cao chất lượng các thông tin tiếp nhận từ bên ngoài - là sản phẩm và dịch vụ của “tổ chức” cuộc sống. 

- tầng trên cùng lớn nhất là Awareness – sự nhận thức về mọi chuyện ta thấy mỗi giây mỗi phút, ví dụ li cà phê trên bàn, tít bài báo giật gân trên Facebook, thông báo tin nhắn Messenger… rất nhiều thứ ta để chúng trôi tuột khỏi tâm trí ngay sau đó nếu chúng không quan trọng; 

- tầng ở giữa nhỏ hơn một chút, là những chuyện ta lưu tâm và muốn tìm hiểu thêm, ví dụ cách dậy sớm để thành công, cách học tập hiệu quả, sàn chứng khoán…; 

- ba tầng cuối cùng nhỏ nhất chính là số lượng ít thông tin ta thực sự lưu tâm, tìm hiểu kĩ càng, thực hành lặp lại và ghi nhớ được trong một thời gian dài, đồng thời truyền tải lại cho người khác nữa. Những tầng cuối cùng của phễu thông tin úp ngược này nên dành để lưu trữ những điều thực sự quan trọng trong cuộc sống.

Đáng tiếc thay, nhiều người đã dành những tầng cuối cùng để ghi nhớ rất nhiều chuyện lặt vặt, từ drama đến scandal của người khác, cho đến những thứ không thực sự quan trọng như lầm lỗi của bản thân, lời nói tổn thương của người khác, những chuyện không hay trong quá khứ… Khi lưu trữ quá nhiều, những chuyện quan trọng khác sẽ không còn chỗ đứng, bắt buộc phải kẹt lại ở tầng thứ hai hoặc tầng thứ nhất và nhanh chóng rời khỏi bộ ghi nhớ của bạn. 

Vì thế, bạn phải rèn luyện được tính kỷ luật và tự tác động vào tầng 1 của phễu thông tin trong não bộ. Nghĩa là bạn phải biết bỏ qua những điều nhỏ nhặt, không đáng giá trong cuộc sống dù chúng có hấp dẫn đến đâu, chỉ để tập trung vào những thứ thực sự quan trọng mà thôi. 


2. Deep work

Bạn đang tập trung giải một vài bài toán hình hóc búa thì bỗng nhiên màn hình điện thoại bật sáng, hiển thị trên đó là tin nhắn của hội bạn thân đang bàn bạc về bộ phim đang hot Squid Games. Bạn theo thói quen vớ lấy điện thoại, check và trả lời tin nhắn, xong xuôi theo quán tính bạn lại bật Instagram, Tiktok, Youtube và lướt qua những clip hài hước đang viral. Một hồi sau, chợt nhớ ra mình còn chưa xong với mớ bòng bong mang tên toán hình, bạn tắt điện thoại và tập trung lại vào bài học. Lúc này, đầu óc bạn bỗng hoang mang: “Ơ, mình học tới đâu rồi nhỉ? Hồi nãy nghĩ ra cách giải của bài này là gì vậy nhỉ?”

Nghe quen chứ? Tương tự, có rất nhiều tình huống như vậy xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Những chuyện cắt ngang, những biến cố đột ngột, những sự kiện vô tình xảy đến,...Vấn đề ở đây chính là chúng ta thường có xu hướng tiếp nhận và để ý mọi thứ. Có thể bạn cho là nó vô hại, nhưng lại vô tình làm hao tổn năng lượng thời gian và trí não trong một thời gian dài. Bạn không thể nào cứ mãi học được 10 phút rồi lại check Tiktok 5 phút, để khi quay lại bài học, não trạng lại hoang mang phút chốc vì không biết đang học tới đâu, tốn thêm chút ít thời gian và năng lượng để rà soát lại từ đầu.

Trong kỉ nguyên kĩ thuật số như ngày nay, khi mọi người đều có thể online và kết nối đa phương tiện, thách thức lớn nhất đặt ra cho sự thành công của mỗi người chính là tính kỷ luật kiên cường và bền vững.

Những người có thể thực hành deep work trong học tập và công việc hằng ngày xứng đáng đứng trên đỉnh cao của danh vọng và thành công.

Deep work chính là việc học hoặc làm một việc gì đó trong một thời gian đủ dài mà không bị ngắt quãng hay xao nhãng. Khi deep work, bạn thực sự đắm mình vào chủ đề đang nghiên cứu và thực hành, bạn để ý đến từng chi tiết nhỏ, tập trung toàn bộ sức lực não trạng để phân tích và giải quyết các vấn đề liên quan.

Deep work đủ lâu, ta sẽ đạt được trạng thái “flow” – trạng thái dòng chảy của sự tập trung, khi đó ta dễ dàng quên đi sự hiện diện của các sự vật, sự việc xung quanh, chỉ hướng sự chú ý đến một vấn đề duy nhất và do đó, thời gian giải quyết vấn đề ấy được rút ngắn nhanh chóng, và không bị bỏ sót bất kỳ điều gì. Người đạt được “flow” trong deep work hằng ngày thường học và làm việc nhanh hơn, giải quyết được nhiều đầu việc hơn, và chất lượng của thành phẩm tạo ra cũng được nâng cao đáng kể.

Chính sự phân tâm làm cho trí não bạn “rẽ hướng” tập trung và ghi nhớ, do đó, việc vừa học/ làm, vừa check điện thoại hoặc nói chuyện với người khác dễ khiến bạn bỏ sót đầu việc, hoặc nếu không bỏ sót thì thời gian hoàn thành mọi việc cũng bị kéo dài đáng kể do mất thời gian hơn cho việc nhớ lại những gì cần làm.

Multitasking không được khuyến khích trong deep work. Não bộ được cấu tạo theo cơ chế mỗi lúc chỉ có thể tập trung và giải quyết tốt nhất một vấn đề duy nhất. Hành động multitasking được cho là có hiệu quả trong một số việc (như vừa lái xe vừa nghe điện thoại) nhưng thực chất não bạn chỉ đang tập trung giải quyết một vấn đề duy nhất là nghe điện thoại mà thôi, còn việc lái xe hoàn toàn đang được thực hiện theo thói quen, từ đó có thể kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm.

Khi học bài, hãy chỉ học bài. Khi làm việc, hãy chỉ làm việc. Không điện thoại, không giải trí, không giao tiếp. Tránh tối đa sự xao nhãng đến từ môi trường bên ngoài. Một số cách bạn có thể tham khảo:

- Để điện thoại, máy tính xa tầm với. Ngắt kết nối mạng khi học và làm việc. Nếu không, hãy tắt chế độ hoặc âm thanh báo tin nhắn, chỉ để lại âm thanh của các cuộc gọi điện thoại phòng trường hợp khẩn cấp. Nếu học trên máy tính, không mở các tab khác nhau trên màn hình.

- Hạn chế khuyến khích tương tác với mọi người (nếu có ai bắt chuyện, đừng đáp trả nhiệt tình vì vô tình khiến họ nghĩ rằng bạn đang có hứng thú trò chuyện. Hãy đáp ngắn gọn, hoặc trực tiếp nói với họ rằng bạn đang cần tập trung).

- Tránh để quá nhiều đồ vật trên bàn hoặc tại nơi làm việc. Bàn học và bàn làm việc nên được tinh giản hết mức có thể để tránh khả năng đồ vật trước mắt khiến bạn phân tâm. Cách dán quá nhiều giấy note trước mặt cũng thực sự không hiệu quả vì chúng có thể làm bạn áp lực và kiệt quệ năng lượng.

- Để sẵn một bình nước trên bàn. Một khi đạt được trạng thái ‘flow’, bạn dễ dàng đắm mình vào nhiệm vụ mà quên đứng lên đi lại. Việc có một bình nước ngay trước mắt giúp bạn không quên uống nước thường xuyên hơn.

Một bàn làm việc tối giản giúp loại bỏ sự xao nhãng (nguồn ảnh: Unsplash)


3. Đẩy lùi xao nhãng: Quy tắc 2 phút, Quy tắc “stop wandering”, Quy tắc ứng dụng Pomodoro.

Khi deep work, bạn không dễ tránh khỏi các suy nghĩ bất chợt nảy ra và đi lang thang trong đầu. “Tối nay nên ăn gì nhỉ?”; “Mình vẫn chưa ủi cái áo sơ mi”; “Thành Cát Tư Hãn là ai ậy chứ?”…. Trong một môi trường làm việc không lý tưởng, những suy nghĩ này thậm chí còn phát sinh nhiều hơn: “Bài nhạc ai đó đang bật là gì nhỉ, nghe quen quá!”; “Mùi gì đây, mẹ mình đang nấu gì thế nhỉ?”; “Nóng quá, lúc nãy điều hòa mình bật số mấy vậy nhỉ?”… khiến bạn khó tập trung và sa đà vào những suy nghĩ không đầu không cuối.

Một vài quy tắc có thể chuyên trị được những suy nghĩ bộc phát như thế này khi bạn muốn tập trung hơn để làm việc và học tập:

- Quy tắc 2 phút: nếu việc bạn vừa nghĩ ra không làm gián đoạn quá nhiều công việc bạn đang làm, đứng lên thực hiện nó ngay. Ví dụ: chỉnh nhiệt độ điều hòa, nhắn một cái tin gấp cho mẹ, mang quần áo bẩn bỏ vào giỏ để không quên giặt vào ngày mai…

- Quy tắc “stop wandering” - ngừng lang thang: nếu việc bạn vừa nghĩ ra mất nhiều thời hơn để thực hiện và làm gián đoạn nhiệm vụ hiện tại, hãy luôn để sẵn một cuốn sổ/ tờ ghi chú bên cạnh để ghi ngay suy nghĩ bộc phát ấy xuống, giúp bạn thoải mái quên nó đi mà vẫn không lo về việc quên thực hiện nó khi bạn đã hoàn thành xong nhiệm vụ hiện tại.

- Quy tắc áp dụng Pomodoro: nếu bạn thực hiện Pomodoro 25/5 (học 25 phút, nghỉ 5 phút) hay 50/10 (học 50 phút, nghỉ 10 phút) thì mình khuyên bạn hãy tăng số giờ nghỉ ngơi lên 5 phút nữa - Pomodoro 25/10 và 50/15 có vẻ hiệu quả hơn dành cho những người hay quên. 5 phút thêm vào ấy dành cho việc ngồi xuống và tập trung nhớ lại tất cả những gì đã đi lang thang trong đầu của mình trong 25 hay 50 phút vừa rồi, có điều nào cần thiết cấp bách không; đây cũng là khoảng thời gian bạn nên xem lại to-do list của mình để xem còn việc quan trọng nào trước mắt, và cuối cùng là lên mục tiêu cho Pomodoro mới kế tiếp của bạn (ví dụ: 25 phút tới, mình sẽ làm hết 5 trang ngữ pháp tiếng Anh).


4. Phương pháp Spaced Repetition.

Ngày trước, đối với những môn kiểm tra học thuộc lòng, mình thường dồn chúng vào những ngày cuối cùng và ngồi ê a đọc để ghi nhớ. Mặc dù phương pháp này có tác dụng đối với mình nhưng hậu quả là ngay sau khi kết thúc kì thi, chữ nghĩa trong đầu mình bay sạch không còn sót lại một chút nào.

Mãi sau này mới biết cách học nhồi nhét không được đánh giá cao và không tối ưu nếu tính đến việc lưu trữ kiến thức để sử dụng lâu dài. Việc học trong một thời gian ngắn để lấy được điểm tốt trong kì thi chỉ có tác dụng chữa cháy, vì kiến thức dễ dàng rời khỏi bộ nhớ ngay sau đó. 

Cách học này cũng tương tự với cách học “tùy hứng”: một ngày nọ bạn có chí thú học tiếng Anh và chăm chỉ cày cuốc học hành trong một vài ngày đầu, nhưng sau đó khi đã nhụt chí, bạn bỏ cuộc và lao vào những thú vui giết thì giờ khác. Sau một thời gian dài, bạn lại muốn học tiếng Anh trở lại, nhưng bây giờ những kiến thức vừa học ở đợt trước đã bay sạch, bạn phải cất công học lại một lần nữa. Cứ thế, mỗi lần muốn học tiếng Anh một cách nghiêm túc (nửa vời), bạn lại phải quay về con số 0, thực sự rất mất thời gian và năng lượng.

Cách học và ghi nhớ tốt nhất chính là kỹ thuật Spaced Repetition – Lặp lại ngắt quãng. Bạn học một kiến thức mới và liên tục ôn lại chúng sau một khoảng thời gian ngắn nhất định, điều này củng cố các mối dây thần kinh lưu trữ kiến thức ấy và giúp ghi nhớ được lâu hơn. Điều quan trọng trong việc sử dụng kỹ thuật này chính là tính nhất quán. Bạn phải liên tục ôn lại/ thực hành những gì đã học thì mới mong ghi nhớ được lâu dài. 

Điều này lý giải cho việc tại sao ngày nay bạn rất dễ dàng quên đi các tên đăng nhập và mật khẩu của đủ loại tài khoản, trong khi ngày xưa vào thời hoàng kim của Yahoo, bạn luôn nhớ được chính xác mọi thứ. Vì vào thời ấy, các thiết bị điện tử không phổ biến và cá nhân hóa như ngày nay, việc đăng nhập vào tài khoản mạng xã hội thường được thực hiện nơi công cộng (quán net) nên bạn phải thoát tài khoản mỗi khi sử dụng xong. Việc lặp đi lặp lại hành động đăng nhập giúp bạn luôn nhớ được mật khẩu chính xác. Ngày nay, khi đăng nhập tự động (không đăng xuất) lên ngôi do ai cũng sở hữu điện thoại hoặc máy tính cá nhân, tên tài khoản và mật khẩu dễ dàng trôi tuột khỏi tâm trí vì bạn không ghi nhớ và lặp lại chúng hằng ngày (cách giải quyết cho vấn đề này chính là hãy thường xuyên đăng xuất khỏi các tài khoản mạng xã hội để bạn có cơ hội đăng nhập trở lại, nhờ đó dễ dàng ghi nhớ được mọi thứ hơn).

Spaced Repetition – Lặp lại ngắt quãng cũng là cách tốt nhất để học ngoại ngữ. Bạn chỉ thực sự giỏi tiếng Anh nếu bạn tiếp xúc với nó đều đặn, đủ lâu để bạn cảm thấy quen thuộc và có thể sử dụng các câu cú, từ vựng một cách thành thạo mà không cần suy nghĩ lâu. Hãy thử nghĩ xem tại sao bạn có thể nói I love you một cách thuần thục được? Đó là vì cụm từ này bạn đã bắt gặp quá nhiều trong suốt quãng thời gian nhiều năm học tiếng Anh của mình. Những từ khó như ambitous, tinnitus, authority, capacity, cardiovascular… thì bạn phải tra từ điển hoài. Đó là vì bạn tiếp xúc với nó quá ít, không đủ để ghi nhớ. Một người nghe tiếng Anh 15 phút mỗi ngày vẫn tốt hơn so với một người nghe một bài TED Talk 30 phút 1 lần mỗi tháng. 

Một vài phương pháp khác như liên tưởng/ gợi nhắc cũng không có tác dụng lâu dài mà chỉ là phương pháp chữa cháy, chủ yếu dành cho những người mất gốc tiếng Anh hoặc học tiếng Anh từ con số 0. Có một cuốn sách nào đó khá nổi tiếng trên thị trường có chỉ bạn cách ghi nhớ từ cuisine (nền ẩm thực) bằng một câu như sau: Bánh quy Zin đứng đầu nền ẩm thực, theo đó là một bức hình có một vài loại bánh đứng trên một bục xếp hạng và có một bánh quy có tên Zin đứng ở giữa, trên bục cao nhất (mang nghĩa đứng đầu). Nếu bạn học theo cách này và giả sử khi giao tiếp tiếng Anh với một người nước ngoài, bạn muốn nói một câu rằng “Nền ẩm thực Việt Nam rất nổi tiếng trên thế giới”, bạn phải dừng lại một lúc lâu để nhớ lại cái câu “Bánh quy Zin đứng đầu nền ẩm thực” ấy, sau đó lại phải nhớ thêm từ nổi tiếng, từ thế giới, và sau khi có đầy đủ các từ vựng trong đầu, bạn mới ghép chúng lại để hoàn chỉnh câu bạn muốn truyền tải. Cách giao tiếp “gián tiếp” (dịch trong đầu) thế này khiến bạn sẽ lỡ nhịp khá nhiều so với mạch giao tiếp, dễ khiến đối phương cảm thấy chán nản.

Theo mình, đó cũng chính là một lỗ hổng khá lớn trong giáo dục tiếng Anh trong trường học ở Việt Nam. Không thể nào để trẻ đi từ lớp 2 đến lớp 12 cùng với bài 1 trong sách giáo khoa luôn là Hi, Hello, How are you, How old are you được. Để nâng cao trình độ tiếng Anh của người trẻ Việt, ngay từ lớp 2, lớp 3, trẻ cần được cho đọc những bài báo tiếng Anh, nghe những bản audio của người bản xứ nói hằng ngày phù hợp với lứa tuổi, và thực hành giao tiếp với nhau. Chính trong một môi trường mà tiếng Anh được lặp đi lặp lại ấy, học sinh Việt Nam mới có khả năng phản xạ tốt trong giao tiếp tiếng Anh sau này.

 

5. Tối giản cách gợi nhớ.

Mình không phủ nhận tầm quan trọng của sự gợi nhớ và tác dụng của việc lập to-do list hằng ngày. Con người khi càng lớn tuổi, càng có nhiều vấn đề nảy sinh khiến họ phải giải quyết, từ chuyện học hành, sự nghiệp, gia đình, con cái, tài chính… thế nên đôi khi trong một ngày, một người trưởng thành phải giải quyết rất nhiều đầu việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

To-do list đóng một vai trò rất quan trọng trong việc điều hành trơn tru mọi việc trong một ngày của bạn. To-do list nên được thực hiện theo năm, kéo theo sau đó là theo tháng, theo tuần và theo ngày để bạn có thể thiết lập rõ ràng và theo dõi các mục tiêu của bản thân, từ đó đề ra những kế hoạch hành động cụ thể.

Có rất nhiều phương tiện giúp bạn lưu trữ to-do list: Google Calendar, Notion, Google tasks, sổ Bullet journal, Note trên điện thoại… Đôi khi, mình thấy nhiều người sử dụng tất cả mọi ứng dụng ghi chú ấy, mỗi ứng dụng cho một mục đích khác nhau. Nhưng việc phức tạp hóa các cách nhắc nhở như thế này dễ khiến bạn mệt mỏi hơn khi theo dõi tiến trình công việc. Nghĩa là bạn không chỉ phải nhớ các đầu việc phải làm, mà bạn còn phải nhớ thêm nơi mà mình đã lưu trữ chúng.

Theo mình, cách tốt nhất để có thể lưu trữ nhiệm vụ và ghi nhớ được hiệu quả hơn đó là tối giản hết mức có thể cách gợi nhớ. Bạn chỉ nên sử dụng một ứng dụng duy nhất làm nơi lưu trữ thông tin và lên lịch hằng ngày. Một số người như mình có thể dùng Excel cho toàn bộ kế hoạch theo năm, tháng, tuần, ngày và cả kế hoạch tài chính (rất tiện vì Excel có hàm tính toán). Một số người khác dùng Google Calendar. Một số khác lại dùng Notion – một ứng dụng giúp “quy hết về một chỗ” để bạn dễ quản lý và theo dõi hơn. Một vài người khác lại chỉ sử dụng sổ tay Bullet journal để quản lý cuộc sống vì đối với họ, việc viết giúp họ có thêm thời gian để rời mắt khỏi màn hình điện tử vốn đã xuất hiện quá nhiều trong một ngày của họ (nếu dùng Bullet journal, bạn không nên dành quá nhiều thời gian sa đà vào việc trang trí nhé).

Một cách khác rất hiệu quả có thể áp dụng đó là đặt nhiệm vụ cần làm ngay trước mặt. Việc lên kế hoạch trong các ứng dụng và viết trong sổ có thể hiệu quả, nhưng nếu bạn có quá nhiều việc và liên tục phải bật ứng dụng hoặc mở sổ ra để check lại, bạn tốn thêm một chút thời gian, năng lượng và cũng có khả năng cao bạn quên check và bỏ qua một vài đầu việc cần làm. Biện pháp cho vấn đề này chính là viết hết các nhiệm vụ cần làm trong ngày vào một bảng trắng thật lớn đặt trước mặt. Điều này không chỉ giúp bạn tối giản tối đa việc gợi nhớ thông tin (vì chỉ cần một cái liếc mắt để biết được việc nào cần được thực hiện) mà còn giúp bạn tránh xao nhãng khi chỉ cần một cú click chuột mở ứng dụng ghi chú cũng có thể khiến bạn sa đà vào mạng xã hội ngay sau đó.

Bảng nhiệm vụ đặt trước mặt giúp bạn dễ theo dõi công việc của mình (nguồn ảnh: Pinterest)

 

6. Xác định kiểu ghi nhớ tốt của bản thân.

Một cách khác cũng khá hữu hiệu để giúp bạn ghi nhớ nhiều và lâu hơn các thông tin, kiến thức quan trọng từ trường học cho đến công việc đó là xác định phong cách ghi nhớ của bản thân.

Một số người ghi nhớ tốt hơn nếu thông tin được chuyển qua dạng hình ảnh hoặc chữ viết, mã hóa thành âm thanh, hoặc đơn giản là đứng lên vận động, thực hành ngay cho khỏi quên.

Phương pháp học tập VAK giải thích chi tiết cho nhận định này. Vài người sẽ có ưu thế hơn hẳn trong việc tiếp nhận thông tin thông qua hình ảnh (Visual) thể hiện qua chữ viết hoặc hình ảnh (đó là lý do vì sao nhiều người học qua mindmap lại hiệu quả hơn hẳn); vài người khác lại muốn học bằng âm thanh (Auditory) vì khi họ nghe thông tin, họ dễ dàng tiếp thu hơn; số còn lại có thể học nhanh hơn thông qua vận động (Kinesthetic), họ muốn đứng lên thực hành ngay chứ không chỉ học suông về lý thuyết.

Một người có ưu thế vượt trội trong việc học bằng hình ảnh lại phải liên tục nghe các bài giảng không có hình ảnh trong một thời gian dài chắc chắn sẽ ghi nhớ kém hơn so với những người học với phương pháp ưu thế của họ. Hãy xác định phong cách ghi nhớ của bản thân bằng việc thực hiện bài trắc nghiệm sau để bạn tìm được hướng đi mới đúng đắn hơn trong việc lưu trữ và tiếp cận những thông tin quan trọng trong học tập và công việc.

http://vak.toppion.com/


7. Thiết lập các routine cố định.

Để tránh rơi vào quên lãng nhiều chuyện quan trọng, bạn nên thiết lập một routine cố định với các thói quen tốt được lặp lại đều đặn. Đó là lí do vì sao các video về Morning routine, Night routine… rất phổ biến trên Youtube. Ý tưởng của các routine này chính là gom các nhiệm vụ hết về một khối, chia theo buổi (sáng, trưa, chiều, tối), chia theo giờ (9-12 giờ; 13-16 giờ; 18-21 giờ…), hoặc chia theo ngày (ngày trong tuần, ngày cuối tuần) để tối giản hóa việc ghi nhớ quá nhiều công việc nếu bạn làm rải rác chúng trong ngày.

Mình thấy hầu hết các Youtuber chọn hoàn thành những công việc quan trọng nhưng dễ bị bỏ qua (uống nước ấm, tập thể dục, đọc sách, viết, lên kế hoạch, thiền định, ăn sáng…) trong buổi sáng để họ không còn lo nghĩ về chúng trong phần còn lại của ngày nữa. Thời gian buổi tối được dùng để thư giãn, thả lỏng bản thân, làm tiền đề cho giấc ngủ để tái tạo trọn vẹn năng lượng.

Một vài ví dụ khác về việc thiết lập các routine cố định:

- Luôn đứng lên đi lại một chút và uống một cốc nước khi bắt đầu một giờ mới (8 giờ, 9 giờ, 10 giờ…) để đảm bảo giữ nước cho cơ thể.

- Dành 20 phút trước khi kết thúc ngày làm việc để rà soát hết lại tin nhắn từ Facebook, Zalo, Viber, Gmail… các cuộc điện thoại, các mẩu giấy note để biết được nhiệm vụ/ thông tin quan trọng nào còn đang bị bỏ sót; sau đó check lại to-do list tuần để lên sẵn lịch làm việc cho ngày mai.

- Khoảng thời gian sau bữa trưa là lúc bạn có thể check và trả lời mail của khách hàng để không bỏ sót bất kỳ ai (không nên check mail vào buổi sáng vì nó có thể vô tình cuốn đi hết năng lượng đầu ngày của bạn).

- Dành ngày cuối tuần để giặt ủi lại tất cả quần áo cần mặc trong tuần tới, đi siêu thị mua sắm đồ ăn tích trữ, và vệ sinh nhà cửa.

 

8. Ngủ đủ.

Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc giúp cơ thể được nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng, mà còn giúp cho não bộ có khả năng củng cố và ghi nhớ kiến thức để bạn dễ dàng nhớ lại được chúng trong tương lai. Vì trong khi ngủ, não bộ sẽ xử lý thông tin nhận được trong ngày và thiết lập các ký ức. Đó là lý do vì sao ngày nay càng có nhiều bạn trẻ mắc phải hội chứng “não cá vàng”, vì người trẻ thường không coi trọng giấc ngủ, thường xuyên “cú đêm” và thiếu ngủ.

Để ghi nhớ một điều gì đó lâu dài và sử dụng lại trong tương lai (ví dụ: các con số và thông tin, các sự kiện, các cách thực hành như lái xe hay chơi piano), có ba bước cần thiết phải có:

- Acquisition – Bước thu thập thông tin: bạn học hoặc trải nghiệm điều gì đó mới.

- Consolidation – Bước hợp nhất, củng cố: bạn củng cố kiến thức vừa học được để não bộ ghi nhớ trong một thời gian nhất định.

- Recall – Bước gợi nhớ: bạn có thể hồi tưởng, nhớ lại những gì đã học để thực hành và áp dụng trong từng trường hợp cụ thể.

Cả hai bước Acquisition và Recall đều được thực hiện khi bạn thức. Bước thứ hai Consolidation được các nhà khoa học tin rằng sẽ thực hiện trong lúc bạn ngủ. Nếu không ngủ đủ, não bộ bạn không những không thiết lập đầy đủ các mối liên kết thần kinh giúp củng cố kiến thúc, mà còn không đủ năng lượng để hấp thu những kiến thức mới và gợi nhớ lại những gì đã học trước đó. Đó là lí do vì sao mà khi thiếu ngủ, bạn thường hay lờ đờ, mệt mỏi và dễ quên nhiều việc.

Để khắc phục tình trạng “não cá vàng” quá thường xuyên trong cuộc sống, một cách rất đơn giản nhưng rất nhiều người bỏ qua (nhất là người trẻ) đó là ngủ đủ, và quan trọng hơn, phải đảm bảo chất lượng giấc ngủ. Ngủ đủ 8 tiếng một ngày vẫn không được xem là một thói quen tốt nếu bạn thường xuyên ngủ lệch múi giờ, không đồng bộ với đồng hồ sinh học của cơ thể, hoặc ngủ trong trạng thái lo âu, khó chịu; môi trường ngủ không lý tưởng, hay khi bạn thường xuyên trằn trọc, thức giấc giữa đêm mà không chịu tìm hiểu nguyên nhân.

 

9. Đặt ra những thử thách ghi nhớ cho bản thân.

Tại sao ngày xưa đi học bạn vẫn có thể nhớ được các bài lý thuyết và hàng trăm phép tính toán khác nhau?

Đó là vì nếu không nhớ được, bạn sẽ không thể đạt được điểm cao khi trả bài, khi làm bài kiểm tra hoặc làm bài tập trên lớp.

Chính sự thôi thúc, áp lực đó khiến bạn ghi nhớ được nhiều thứ kiến thức trong một thời gian dài.

Lên đại học và khi đi làm, áp lực đó giảm dần vì cuộc sống của người trưởng thành dường như tự do hơn nhiều, họ không bị ép buộc phải làm điều gì cả, miễn là họ chịu trách nhiệm với những gì mình chọn, mình làm là được.

Do đó, nhiều người trẻ bắt đầu sinh ra tâm lý lười suy nghĩ, tư duy, tiếp nhận thông tin mới hữu ích và vận dụng chúng mỗi ngày. Họ chỉ muốn nếm trải sự thoải mái nhất thời trước mắt bằng những thú vui rẻ mạt như chơi game, lướt mạng xã hội cả buổi. Không ai bắt ép họ phải học, phải nhớ thứ gì nữa cả (trừ những kỳ thi cuối khóa).

Một ví dụ khá điển hình như sau: Bạn phải nhắn lại cho sếp vì vừa thấy sếp gửi tin nhắn hối deadline. Nhưng sau khi cầm điện thoại lên, theo thói quen bạn lại mở Facebook hoặc Tiktok thay vì Email, và rồi bị thế giới giải trí xô bồ ấy cuốn theo cả vài chục phút. Bạn còn chẳng nhớ ra được việc mình phải trả lời sếp nữa rồi. 

Cùng với sự phát triển công nghệ, giới trẻ càng ỉ i hơn vì cho rằng máy móc có thể ghi nhớ hết hộ mình. Muốn biết 65+57 bằng bao nhiêu ư? Chẳng cần phải nghĩ ngợi chi cho mệt, lên máy tính bấm là được.

Trí nhớ từ ấy mà giảm dần cũng là điều dễ hiểu.

Ngày nay, chúng ta đang sống cùng chủ nghĩa “tiêu thụ nhanh” bùng nổ qua Internet (tin nhanh, mua nhanh, xem nhanh…) khiến nhiều bạn trẻ lãng phí rất nhiều thời gian vì mải mê lướt hàng chục video ngắn nhiều giờ đồng hồ mỗi ngày và không rèn luyện cho bộ óc tính kiên trì suy nghĩ cũng như ghi nhớ (vì không ai bắt bạn phải nhớ những gì bạn vừa xem cả, não bộ dần dà có thói quen “không cần ghi nhớ và để tâm đến bất kỳ điều gì” lên mọi việc), đây chính là căn nguyên gốc rễ sâu xa nhất mà mình phân tích được khi thấy chính bản thân cũng như nhiều người trẻ khác mắc phải căn bệnh “não cá vàng” - chuyên gia nhớ nhớ quên quên hằng ngày. 

Một cuộc đời chỉ toàn là giải trí như thế cũng không đáng giá, đừng để đến cuối chặng đường đại học bạn vẫn hoang mang không biết nên làm gì. Bạn nên tìm một lĩnh vực bản thân yêu thích rồi bắt đầu đào sâu nghiên cứu, tìm hiểu và thực hành để rèn luyện lại khả năng ghi nhớ của não bộ, đừng để mỗi ngày trôi qua mà không có thứ gì đáng giá đọng lại trong tâm trí. Hãy chọn sống “tiêu thụ chậm và chất lượng” trong ngổn ngang vô vàn những thông tin đủ thể loại hiện hữu xung quanh chúng ta.

Đừng chọn lối sống “tiêu thụ nhanh” khiến não bộ đình trệ (nguồn ảnh: Unsplash)

Ngoài ra, bạn hãy tự đặt ra những thử thách ghi nhớ cho chính mình theo định kỳ (có thể là hằng ngày/ hằng tuần/ hằng tháng) để rèn luyện lại khả năng lưu trữ thông tin của não bộ. Ví dụ: thử ghi nhớ lịch làm việc trong cả một ngày dài mà không cần xem lại; ghi nhớ cách nấu một món ăn mới mà không cần phải xem lại hướng dẫn; ghi nhớ cách đi từ nhà đến một quán cà phê nào đó; ghi nhớ những bài học bạn ghi chú được sau khi đọc xong một cuốn sách self-help…


10. Cuối cùng, hãy dịu dàng và thông cảm cho bản thân.

Bạn có phải một con robot được lập trình sẵn với trí tuệ AI nhân tạo có thể lưu giữ hàng trăm hàng nghìn thông tin chỉ để lấy ra dùng được bất cứ lúc nào không?

Đương nhiên là không.

Thế nên, bạn cũng không nên quá khắt khe với bản thân nếu thấy mình có bộ não quá “cá vàng”, và nếu một vài người xung quanh hay chê bạn rằng bạn ‘kém trí nhớ’. 

Họ nói bạn tại sao có thể quên tên của họ được nhỉ? Thật là mất lòng.

Bạn không phải sinh ra để làm hài lòng tất cả mọi người. Không ai bắt buộc bạn phải nhớ được toàn bộ tên của những người bạn xã giao. Đừng vì những bài báo self-help sáo rỗng khuyên rằng bạn nên điểm mặt nhớ tên tất cả mọi người để có thể gây thiện cảm và gia tăng cơ hội của bản thân trong sự nghiệp và cuộc sống, mà bạn phải ép bản thân ghi nhớ cho bằng được hết tất cả những cái tên ấy. Nhớ được thì tốt, không nhớ được cũng có sao nào? Sự nghiệp của bạn, sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều nếu bạn tự gây dựng được bằng chính thực lực của mình – một loại thực lực mà ai cũng phải kiêng nể, kể cả khi bạn được cho là ‘hời hợt’ với những người xung quanh.

Còn rất nhiều những kiểu trách móc như thế. “Tại sao bạn không nhớ được sinh nhật của mình? Tại sao bạn không nhớ được ngày này tháng trước/ năm trước có chuyện gì xảy ra với chúng ta? Tại sao bạn không nhớ được địa chỉ nhà mình chứ? Tại sao bạn có thể quên ngay được món quà mà mình tặng nhân dịp sinh nhật từ thời tiểu học nhỉ? …”

Mình chỉ có một lời khuyên thế này thôi: Từ từ từng bước cải thiện trí nhớ, và hãy chỉ ghi nhớ những gì thực sự quan trọng trong cuộc sống của bạn.

Nếu bạn vẫn cho rằng những gì thực sự quan trọng vẫn là quá nhiều, mình nghĩ rằng trong hàng đống thứ ấy, vẫn có những thứ KHÔNG thực sự quan trọng mà bạn chưa chắt lọc được. Thế nên, tiếp tục chắt lọc lại lần nữa đi thôi!

---

Mình chúc bạn thành công trên con đường rèn luyện trí nhớ để sinh tồn trong cuộc sống khắc nghiệt này!


Tác Giả: Jadie Pham

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/nhinhut214/ 

--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

592 lượt xem, 574 người xem - 606 điểm