Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Trưởng Thành Là Chiếc Bánh Dở Tệ Mà Người Đời Vẫn Cố Nhét Vào Miệng Ta

Nhưng đâu ai biết để có thể buồn tủi mà khóc cũng cần bao nhiêu dũng cảm. Nhưng đâu ai biết để có thể buồn tủi mà khóc, người đàn ông lớn xác kia đã chịu đựng những gì.

Dạo trước, cô xem được một đoạn video về cuộc sống của một người trưởng thành. Gã đàn ông nếm trải vị chua chát khi người yêu năm năm trong vòng tay của kẻ khác. Gã đàn ông nếm trải vị cay nồng khi bị công ty đuổi việc theo chính sách cắt giảm nhân sự. Gã đàn ông nếm trải vị đăng đắng khi người thân duy nhất rời bỏ thế giới này. Nhưng tuyệt nhiên, chẳng một ai thấy nước mắt lăn dài trên khuôn mặt kia. Hình ảnh thân thuộc của nam tử hán hay cười hay đùa vẫn vẹn nguyên trong mắt người. 

Bỗng một ngày kia, nhìn vào gương, họ chẳng thấy hình ảnh phản chiếu của nụ cười trên môi gã nữa. Như đứa trẻ bị giật mất miếng bánh quy thơm ngon, người đàn ông ba mươi tuổi vỡ òa nức nở chỉ vì đầu bếp quán quen lỡ bỏ hành. Nước mắt hòa chung nước mũi, mọi thứ lấm lem rơi xuống bát mì. Mặc kệ bao ánh mắt hiếu kỳ đậu lên thân hình, tiếng nấc mỗi lúc một to hơn. Người đi qua kẻ đi lại chỉ trỏ dè bỉu vẻ yếu đuối không nên có của một đấng nam nhi. Nhưng đâu ai biết để có thể buồn tủi mà khóc cũng cần bao nhiêu dũng cảm. Nhưng đâu ai biết để có thể buồn tủi mà khóc, người đàn ông lớn xác kia đã chịu đựng những gì. Cứ thế, hàng giờ đồng hồ trôi qua, nơi góc trái tiệm mì có một gã trai đang nức nở chỉ vì chủ quán bỏ hành vào tô của mình.


Lớn lên rồi thì có gì hay ho?

Lớn thêm nữa thì có bớt cô đơn không?


Dạo trước, cô đã từng viết một lá thư thế này trên trang Instagram cá nhân của mình:

“Chào anh vào lúc 23:25 ngày 9/9/2019,

Anh sẽ nói gì với một cậu nhóc lạ mặt vào lần đầu tiên gặp?

Tối nay, em lại ngồi quán sinh tố quen thuộc với ly nước ép dưa hấu không đường. Vô tình bắt gặp một cậu bé đang luyên thuyên với anh chị về đủ thứ. Nhóc đã cười rất nhiều, cũng đã nói nhiều điều thật ngây ngô. Mọi người trong bàn lúc đấy, ai nấy đều  bật cười thật sảng khoái. Em cũng vậy.

Bất chợt, trong giây phút, em đã muốn chạy lại để nói với nhóc: "Đừng bao giờ ước mình sẽ lớn lên nhé. Đừng bao giờ."

Em vẫn nhớ những ngày còn nhỏ xíu xìu xiu. Niềm vui lúc đó đơn giản là được ba đón về sớm trước sự ngưỡng mộ của đám bạn. Hay mỗi buổi chiều, cả nhà được đèo trên chiếc xe Suzuki cũ kĩ chạy thong dong xuống biển. Mà nỗi buồn cũng chỉ quanh quẩn những lần không được mua đồ chơi. Và chỉ khóc toáng mỗi khi mẹ bắt ngồi vào bàn học bài.

Lúc bé, tất cả chỉ quanh đi quẩn lại với việc giành chén bát đẹp với anh hai mỗi bữa cơm. Hay lần nào hai đứa cũng chơi trò oẳn tù xì bước xuống cầu thang trước giờ cơm. Dĩ nhiên, đa phần em toàn thua.

Em đã từng có những ngày thơ ngây đến lạ và cũng vui vẻ đến lạ. Chẳng phải lo lắng hay nghĩ suy gì về những thứ xa xôi, hay chẳng bận lòng về một ai đó.

Lớn lên rồi thì có gì hay ho?

Lớn thêm nữa thì có bớt cô đơn không?”



Cô cố chấp với niềm tin về một thế giới không có bóng dáng của người trưởng thành. Chẳng phải sâu bên trong chúng ta luôn ẩn hiện hình dáng của đứa trẻ ngây ngô với cõi trần đời? Chẳng phải nếu cứ bám chặt vào ý niệm về định nghĩa “người lớn” thì ta sẽ làm tổn thương con trẻ bên trong?

Truyền thông vẫn luôn huyên thuyên về bức tranh đẹp tuyệt trần của sự tự do khi ta lớn lên. Đi đến những vùng đất mới, gặp gỡ bao con người thú vị và sống bằng tất lý trí của bản thân. Đó là mơ ước của mọi cô cậu trẻ mỗi sáng vẫn đợi mẹ phát tiền ăn sáng. Đó là mơ ước của mọi cô cậu trẻ chưa một lần tự tay giặt nội y của mình. 

Điểm sáng của bức tranh luôn được ngợi ca trong từng con chữ được suy suy tính tính. Điểm sáng của bức tranh luôn được ngợi ca trong từng khung hình được chỉnh chỉnh sửa sửa. Rồi mở lắm buổi triển lãm để thúc ép đám trẻ con tin vào viễn cảnh tươi đẹp thì có quá tàn nhẫn?


Bởi cũng như bao trẻ thơ, cô đã từng khát khao lớn thật nhanh, thật lẹ.


Những tối cô hậm hực vì bị ép ngồi vào bàn học ,trong khi bố đung đưa trên võng xem tivi. Những sáng cô uể oải dậy từ sớm để chuẩn bị đến trường ,trong khi bố đang say giấc nồng ở phòng bên. Những ngày cô thức đêm đọc đi đọc lại bài cho buổi thi ngày mai ,trong khi tiếng ngáy của mẹ đều đều vang lên. Những lần cô thẫn thờ hàng giờ trước con búp bê mới, trong khi mẹ xúng xính quần áo mới tinh. Và vô số năm tháng, cô thấy thân hình con trẻ này thật vô dụng.


Mà cô gái nhỏ bé năm đó chưa từng thấy nốt trầm được lặng lẽ giấu đi trong bản nhạc. Mãi cho đến một buổi chiều nọ.


Vì đặc thù của công việc, cô có thói quen làm việc ở tiệm cafe quen gần nhà. Món yêu thích của cô gái sắp hai mươi hai tuổi được gọi như mọi khi. Một giây trước người ta vẫn thấy dáng hình tươi tắn của độ xuân thì nơi cô. Một giây sau đã hoảng hốt bắt gặp cảnh tượng thiếu nữ ngồi thụp giữa không gian. Tiếng khóc, ban đầu, chỉ khe khẽ đến nỗi phải mất rất lâu im lặng mới có thể nghe thấy. Nhưng rồi như đứa trẻ bị giật mất miếng bánh quy thơm ngon, người con gái ấy vỡ òa. Nước mắt hòa chung nước mũi, mọi thứ lấm lem rơi xuống sàn nhà. Mặc kệ bao ánh mắt hiếu kỳ đậu lên thân hình, tiếng nấc mỗi lúc một to hơn. Người đi qua kẻ đi lại chỉ trỏ dè bỉu vẻ yếu đuối không nên có của một người trưởng thành.

Hóa ra, tiếng nấc vang lên chỉ vì chỗ ngồi hằng ngày đã bị chiếm chỗ. Hóa ra, tiếng nấc vang lên chỉ vì nhân viên lơ đãng bỏ đường vào ly của cô. Người đời chợt ôm bụng cười ngoắt nghẻo. “Không chỗ này thì chỗ khác, sao mà lại mít ướt đến thế. Đồ bánh bèo.”



Mà đâu ai biết để giữ được nụ cười trên môi đến giây phút đó, cô đã nỗ lực thế nào. Người bạn thân bặt vô âm tín cùng số tiền tiết kiệm xương máu của cô. Đồng nghiệp bắt nạt chỉ vì cô đã cố gắng hết sức hoàn thành công việc trước deadline. Sức nặng cơm áo gạo tiền như chắn ngang khí quản, khi đứa em quyết định bỏ ngang ngành đang học và thi lại vào năm sau. 


Và sợi chỉ đứt ngang vào lúc căng nhất.


Có thể, trong mắt những ly cà phê, cô quá trẻ con khi bật khóc chỉ vì những điều nhỏ nhặt. Nhưng đâu ai biết đứa trẻ bên trong cô đã đớn đau thế nào khi phải mang vác bộ áo quần “người lớn”. 


Cảm giác bất lực như đôi gánh đè nặng lên bé gái sắp hai mươi hai. Một bên là lề lối xã hội, một bên là trách nhiệm, đôi vai cô oằn oại dưới nắng chiều. Lưng khom khom trông như cụ bà tám mươi. Tha thẩn chạy đua giữa thành phố tấp nập. Thoáng chốc, trước mắt trở nên nhòe dần. Cái nóng hổi nơi tròng mắt ôm chầm lấy thân hình. Bao nhiêu nghẹn uất cuối cùng cũng tạo thành thanh âm. Lần đầu tiên, sau bốn năm xa nhà, cơ hội được sống thật với chính mình rơi vào tay cô. 


Tay lia lịa đánh đánh gõ gõ trên bàn phím, công việc thì chẳng đợi ai bao giờ.


Như đứa trẻ tự lập, cô quẹt ngang dòng nước mắt, chỉnh trang tóc tai rồi ngồi vào bàn. Tay lia lịa đánh đánh gõ gõ trên bàn phím, công việc thì chẳng đợi ai bao giờ. Tiền học của cậu em thì chẳng thể vơi đi theo giọt lệ. Người bạn thân chẳng vì bất lực của cô mà trả nợ. Và đồng nghiệp cũng chẳng mủi lòng trước tảng núi áp lực của cô gái đôi mươi. 


Trưởng thành là chiếc bánh dở tệ mà người đời vẫn cố nhét vào miệng ta.


Lắm lúc cô bắt gặp lời than vãn của anh trai vì phút chốc nhõng nhẽo với mẹ. Lắm lúc cô bắt gặp ánh mắt lo lắng của ba vì phút chốc nguyện ước bé lại. Lắm lúc cô bắt gặp cái lắc đầu của lũ bạn vì phút chốc thoải mái với ngôn từ. Lắm lúc cô bắt gặp sự thất vọng của người vì phút chốc không nỗ lực trưởng thành. 

Như đoạn quảng cáo hộp bánh thơm ngon trên tivi, mọi đứa trẻ đều bị mê hoặc. Màu sắc vàng óng của bơ. Mùi thơm trên dàn nướng đánh thức cả kẻ đang say giấc. Cái giòn rụm khi chạm nhẹ vào hàm răng trắng tinh. Hay vị ngọt béo lưu luyến nơi cuống họng. Thước phim mang tên “người lớn” dẫn dụ con người ta vào hành trình “vội lớn”. Nhưng phải nếm thử thì mới biết rằng: “Trưởng thành là chiếc bánh dở tệ mà người đời vẫn cố nhét vào miệng ta.”



Tác Giả: Worromotdam 
Kết bạn và theo dõi instagram của tác giả tại link:  https://www.instagram.com/worromotdam/?hl=en

--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ".  Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

483 lượt xem, 480 người xem - 482 điểm