Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Từ Khi Nào Lòng Thương Cảm Lại Trở Thành Trò Đùa?

Mỗi khi định viết gì đó, tôi thường hay suy nghĩ rằng liệu sẽ có nhiều người có chung suy nghĩ với mình không. Tất nhiên là sẽ có những ý kiến khác nhau, nhưng liệu điều đó có đúng và phù hợp không?

Những gì tôi viết cũng là góc nhìn của cá nhân tôi, những gì tôi đã trải qua và chứng kiến. Nó không thể hoàn toàn hài lòng tất cả mọi người, sẽ có những phản ứng khác nhau, nhưng tôi vẫn mong rằng những ai không giống mình, sẽ một phần nào đó thấu hiểu và tốt hơn nữa là có thể thay đổi suy nghĩ của họ.

Vấn đề tôi muốn nói hôm nay đó chính là việc đối xử với động vật trên quốc gia của mình, và những người dành sự yêu thương cho chúng lại bị xem là làm chuyện rảnh hơi.

Tôi không thể hiện điều gì cả, cũng chẳng dám nhận là người tốt, nhưng những ngày qua, thật sự có nhiều sự việc khiến tôi đau lòng lắm, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và tự hỏi rằng con người ta có thể tàn nhẫn đến thế sao?

Bạn có phải là người yêu chó mèo và lên án việc ăn thịt chúng không? Nếu có, chúng ta giống nhau. Nếu bạn có thắc mắc tại sao tôi chỉ yêu chó mèo, còn các loài động vật khác thì không, thì là bởi vì chúng khác với những loài gia súc, gia cầm khác, những loài sinh ra để lấy thịt, chúng khác vì chúng là vật nuôi trong nhà, là loài gắn bó với cuộc sống của chúng ta, và đối với tôi, chúng là “bạn”. Bạn có bao giờ thấy người nào buông thịt chó, mèo sang nước khác không? Đó là phạm pháp, là một trong những điều xấu xa và tàn nhẫn nhất. Tôi chẳng thấy quốc gia nào thoải mái buông bán, giết, và ăn thịt chó mèo nhiều như nước mình cả, thật đấy. Nhiều người xem việc nuôi chúng cuối cùng cũng chỉ để làm thịt, thật sự điều đó tàn nhẫn và vô cảm vô cùng. Tôi tự hỏi rằng liệu những người đó có một chút tình cảm nào không. Chúng xem bạn là chủ, vẫy đuôi vui mừng lúc bạn đi làm về, chúng xem bạn là tất cả và cho đi tất cả những gì chúng có, nhưng cuối cùng, cuối cùng bạn chỉ xem chúng là thức ăn.

Lúc bé, tôi từng hỏi mẹ rằng: “Tại sao chó, mèo lại thích ăn xương vậy mẹ?”, mẹ trả lời: “Vì chúng không có thịt để ăn.” Tôi đã khựng lại và nhận ra rằng mình đã nghĩ sai. Chúng cũng như chúng ta, cũng thích ăn thịt, nhưng vì chúng sinh ra là chó mèo, chúng cũng chỉ ăn để tồn tại, làm gì có sự lựa chọn nào khác đâu chứ.


Nếu bạn sử dụng mạng xã hội và thường xuyên xem tin tức, chắc bạn cũng biết thời gian trước, sự việc 15 chú chó, mèo ra đi oan ức. Lúc tải tấm ảnh này về, tôi không dám nhìn kỹ, thật sự quá đau lòng.

Lặn lọi một chặng đường dài theo chủ về quê, cứ ngỡ đến nơi rồi, được thoải mái vui đùa rồi, vậy mà bị những con người, có cả người khoác lên mình chiếc áo blouse với danh xưng “bác sĩ”, thiêu rụi. Nó đã gây ra một làn sóng với phản ứng trái chiều, đa phần vẫn lên án hành động này. Lúc đấy, lướt đến đâu cũng thấy, nhìn thấy những sự việc đau lòng xảy ra như vậy mà bản thân chẳng thể làm gì được, đau lòng lắm. Tôi đã đọc nhiều bình luận, hầu hết mọi người đều thương cảm và lên án hành động này, nhưng vẫn còn đâu đó những người xem đây là việc cần thiết, không đáng trách, và trách ngược lại những người kia rằng họ quá dư thời gian quan tâm đến chuyện không phải của mình. Tôi không biết họ nghĩ gì nữa, tôi chỉ thấy họ thật sự vô cảm, so với những người đã làm hành động đó chằng khác gì mấy. Biết là dịch bệnh đấy, nhưng vẫn có nhiều cách mà, tại sao lại nỡ nhẫn tâm như vậy chứ?

Từ khi nào lòng thương cảm lại trở thành trò đùa?

Từ khi nào việc xót thương cho động vật lại trở thành việc đáng khinh thường như vậy?


Tôi thấy những người cười nhạo ấy hầu hết là “người lớn”, những người luôn coi trọng nhân quyền. Nói những câu đại loại như là: “Mạng người quan trọng hơn mạng chó” “Nhân quyền quan trọng hơn chó quyền”. Nghe hay đấy. Vậy bao lần mạng người bị mất oan, nhân quyền bị chà đạp, những áp bức bất công xảy ra thì họ ở đâu? Họ chẳng dám đứng lên, chẳng dám thể hiện quan điểm, tình cảm của mình, và hơn hết, họ sợ bị cười nhạo. Nếu không làm được thì không có quyền phán xét ai đó thể hiện quan điểm của mình. Đó là thứ tình cảm tự nhiên của con người, cũng như cách bạn yêu một cái cây hay một dòng sông vậy. Tất cả đều đáng trân quý và làm tiền đề cho sự phát triển toàn diện của một quốc gia.

Mahatma Gandhi, một nhà lãnh đạo, vị anh hùng dân tộc của Ấn Độ, đã có câu: “Sự vĩ đại và tiến bộ đạo đức của một quốc gia có thể được đánh giá qua cách họ đối xử với động vật.” Đây là câu nói tôi rất tâm đắc và thấy rất đúng. Đạo đức của một con người có thể được đánh giá qua nhiều góc độ. Không thể cho rằng một người đối xử tốt với mọi người, không làm gì trái pháp luật, nhưng lại hành hạ động vật, ăn thịt chó mèo là “có đạo đức” được.


(Ảnh từ phim John Wick)

Đất nước chúng ta là một trong những quốc gia tiêu thụ thịt chó nhiều nhất thế giới và nhiều người vẫn nghĩ việc ăn thịt chó là bình thường, không trái pháp luật, vậy thì không ai có quyền cấm họ hết. Ừ thì đúng là không cấm được, nhưng đạo đức và lương tâm của họ đã một phần bị mai một rồi.

Động vật cũng chỉ là động vật, dù nó có cảm xúc, nó xem bạn là gì đi chăng nữa, thì cuối cùng nó vẫn là thức ăn thôi, đúng không?

Chúng ta cũng biết rằng những quốc gia tiến bộ như Mỹ, Thụy Sĩ, Nga,... họ đều yêu thương động vật, đặc biệt là chó mèo và việc hành hạ chúng là phạm pháp và có thể bị ngồi tù. Đây là điều mà tôi mong nước mình có thể học tập theo. Tôi không nói hết thảy người Việt Nam mình, nhiều người bây giờ có suy nghĩ thoáng hơn rất nhiều, họ xem chó mèo là bạn, là thành viên trong gia đình và khi chúng mất, vẫn được chôn cất tử tế. Thật sự tôi rất quý những người như vậy.

Tôi từng nuôi một em chó, tôi rất quý nó và tôi nghĩ nó cũng vậy. Nó dường như là người bạn thân nhất của tôi thời điểm đó. Mỗi lần đi học về, nó đều vẫy đuôi chào mừng tôi, mọi mệt mỏi đều tan biến. Cũng gần 5 năm rồi, ngày nó bị người ta bắt mất. Tôi đã khóc rất nhiều và vẫn mong đợi một ngày nào đó nó sẽ quay về. Tưởng tượng khuôn mặt hả hê của những tên xấu xa đó khiến tôi căm hận vô cùng.

Nhưng sự yêu thương đó không được mọi người xung quanh tôn trọng, họ xem đó là trò cười. Nhưng bây giờ tôi cũng quen rồi, tôi không quan tâm họ nghĩ gì nữa, mỗi người đều có cách nhìn riêng và tôi vẫn đang sống với thứ tình cảm mà tôi cho rằng là quý giá.

Những người “bạn” của tôi, từ lúc nhỏ và khi tôi lớn, đều lần lượt ra đi. Chúng không thể đi cùng tôi một quảng đường dài được. Tôi vẫn luôn nghĩ là do mình đã quá vô tâm hay là mình không có duyên với việc nuôi chúng.

Tôi không ghét những người ăn thịt chó, nhưng tôi mong sẽ ngày càng ít những người như tôi, ngày ngày đứng trước cổng, ngóng trông một hình bóng xa xăm mãi không bao giờ trở về.

Tụi chó mèo ấy, có thể bạn xem chúng là những loài vô dụng, chỉ biết ăn rồi kêu gào, nhưng bạn biết không, khi bạn sẵn sàng đón nhận chúng, chúng sẽ trao cho bạn tất cả những gì chúng có. Người ta thường nói vật nuôi sẽ phản ánh cách người chủ đối xử với nó. Cho dù bạn có đánh đập, chúng vẫn xem bạn là tất cả, chúng khác con người ở chỗ là chúng sẽ không bao giờ phản bội bạn. Bạn có thể không yêu thương chúng, nhưng làm ơn đừng đối xử tệ với chúng. Tìm được người yêu thương mình khó lắm, mà yêu thương bạn vô điều kiện thì càng khó hơn.

Bạn không thích chó mèo cũng được, đó là quyền của bạn, nhưng làm ơn, đừng đối xử tệ với chúng.

Tôi của bây giờ chẳng thể làm được việc gì to lớn để giúp những người bạn của mình. Điều duy nhất tôi có thể làm bây giờ là viết ra những gì mình nghĩ và lan tỏa đến mọi người. Tôi hy vọng một ngày nào đó Việt Nam sẽ có luật cấm ăn thịt chó mèo. Và hơn trên hết, sẽ càng có nhiều người có suy nghĩ đúng đắn hơn về việc này.

 

Mỗi khi gặp một em chó mèo cần cứu, xin hãy nhớ rằng gặp được bạn có thể là hy vọng cuối cùng mà nó có được.

Khi bạn thấy một con chó hay con mèo cần giúp đỡ, đừng chần chừ, vì có thể bạn chính là cơ hội cuối cùng của nó.

Cứu một con vật không làm thay đổi thế giới, nhưng với con vật đó, thế giới của nó sẽ hoàn toàn thay đổi.

Đừng làm ngơ khi bạn có thể giúp đỡ những con vật xung quanh mình. Sự hỗ trợ dù nhỏ nhất của bạn cũng có thể mang lại cho chúng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm, đừng thấy việc ác nhỏ mà làm.

Nếu không thể làm việc lớn, hãy làm từng việc nhỏ với tình yêu lớn. 


/Nguồn: YeuDongVat Foundation (YDV)/

Tác Giả: Lâm Hồng Châu
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link:  https://www.facebook.com/profile.php?id=100014418312244
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

272 lượt xem, 254 người xem - 321 điểm