Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Tự Ta, Trước Hết, Nên Học Cách Làm Bạn Với Chính Mình

“Tại sao chẳng có ai rủ mình đi chơi? Tại sao mình lần nào mình cũng là người chủ đng lên tiếng trước?

Cô bạn cùng phòng của tôi vừa giận dữ quăng chiếc điện thoại xuống giường vừa thốt lên như vậy. Vào một ngày cuối tuần thế này, đáng lẽ như mọi hôm, cô nàng phải xúng xính áo quần cùng một ai đó hòa mình vào dòng người đông đúc ngoài phố. Họ sẽ đi ăn cùng nhau, uống cà phê hoặc là xem phim, mua sắm. Hôm nay, mặc dù đã gọi liên tục vài cuộc điện thoại để có người đi ăn cơm cùng tối nay nhưng không có ai rảnh để đi cùng cô ấy cả. Người thì bận làm thêm ngoài giờ, người vẫn còn tăng ca ở công ty chưa về, người thì bận đi với cuộc hẹn khác. Cuối cùng cô ấy đành quyết định ở nhà, ăn mì tôm và ôm điện thoại lướt web thay vì ra ngoài như mọi khi, bởi vì: “Đi ăn một mình á, chán chết. Tớ không đi một mình đâu”. Suốt buổi tối cho đến lúc lên giường ôm điện thoại đi ngủ, thi thoảng tôi lại vẫn nghe cô phàn nàn về điều đó.

Chắc hẳn mỗi chúng ta đều có lúc rơi vào tình huống như cô bạn của tôi. Chúng ta luôn cố gắng tạo cho mình cảm giác kết nối với người khác nhiều nhất có thể. Ta rảnh tay lướt mạng xã hội hàng ngày, thậm chí chỉ để đọc những status trôi đi trong vô thức. Ta mở nhạc, xem phim, dùng máy tính bất cứ khi nào có thể, chỉ vì không thích cảm giác quá đỗi yên tĩnh. Ta đã luôn cố gắng gắn mình vào một đám đông nào đó có khi thực tâm chính mình cũng không thích lắm chỉ vì sợ bị bàn tán là “chảnh”, là không có kỹ năng hòa nhập với mọi người. Chúng ta tiếp tục duy trì những mối quan hệ chẳng ra đầu ra cuối chỉ để không bị cảm giác một mình xâm chiếm.


"Chúng ta luôn cố gắng tạo cho mình cảm giác kết nối với người khác nhiều nhất có thể"
Nguồn ảnh: unsplash.com

Ta nên học cách làm bạn với chính mình. Vì sao?

Bởi vì, sẽ có lúc chúng ta chỉ có thể làm mọi thứ, một mình. Mối quan hệ quan trọng nhất mà bạn từng có là mối quan hệ với chính mình. Những người khác rồi sẽ đến và đi khỏi cuộc sống của bạn, nhưng người luôn ở đó với bạn chỉ có thể là chính bạn mà thôi. Mỗi con người đều có cuộc sống riêng, những mối quan tâm riêng, kể cả người thân một nhà hay bạn bè thân thiết. Chúng ta dần phải chấp nhận một sự thật rằng vì khách quan hay chủ quan, không phải lúc nào cũng có người ở bên cạnh ta, cũng như không phải lúc nào ta cũng có mặt bên cạnh người khác khi họ cần mình. Đó có thể nhng khi ta chuyển nơi ở, ta có người thương của riêng mình, ta có một mối quan tâm khác.

Người ta nói rằng, “xa mặt cách lòng”. Nhưng tôi tin rằng, có rất nhiều tình huống không phải như vậy. Có những mối quan hệ giống như cái cây hướng sáng mà ta mua để trong phòng. Ta cần chăm sóc, cần bón phân, tưới nước, tỉa lá, bắt sâu. Nhưng bên cạnh đó, ta cũng cần đặt cây ra ngoài ánh sáng mặt trời, để cho một vài loài cỏ mọc bên cạnh bầu bạn. Cây cần một bầu không khí riêng để thở, những mối quan tâm khác ngoài cuộc sống trong căn phòng với chúng ta. Để rồi, thi thoảng ta trở về nhà sau một ngày dài mệt mỏi, ta ngồi nhìn cây một chút, như người bạn lâu lâu gặp lại, dù thời gian có thế nào, cảm giác dễ chịu và thân thuộc vẫn như mới ngày hôm qua. Cá nhân tôi thực sự thích những mối quan hệ như vậy.

" .....khi chúng ta học cách chú ý đến suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác cơ thể của mình, chúng ta sẽ có thể tin tưởng bản thân, từ bi và thoải mái, và dựa vào chính mình khi cuộc sống khó khăn"

Nguồn ảnh: unsplash.com
Hơn nữa, việc không thể ở một mình dẫn đến một tình trạng là chúng ta dễ đặt kỳ vọng quá cao vào mối quan hệ và phụ thuộc vào cảm xúc của người khác. Bạn bè thân thiết là phải gặp gỡ thường xuyên, người yêu là đi đâu làm gì cũng phải cập nhật. Tại sao mình quan tâm bạn nhiều như thế nhưng dường như bạn chẳng có chút bận tâm nào với mình? Kèm theo những câu hỏi chất vấn đó là thái độ bực bội, khó chịu thậm chí là đau xót. Nhưng, đã bao giờ bạn tự hỏi: “ Tại sao ta yêu quý người khác thì nhất định họ phải yêu quý lại ta?”. Tại sao một thứ vốn xuất phát từ chính bản thân mình - việc tự nguyện trao đi tình yêu thương lại phụ thuộc vào sự quyết định của người khác. Bởi vậy, khi chúng ta học cách chú ý đến suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác cơ thể của mình, chúng ta sẽ có thể tin tưởng bản thân, từ bi và thoải mái, và dựa vào chính mình khi cuộc sống khó khăn.


Bằng cách nào chúng ta có thể trở thành bạn của chính mình?

Thành thật với chính mình

Tôi cho rằng đây là điều đầu tiên trên hành trình làm bạn với bản thân. Tình bạn luôn cần sự thành thật và trung thực. Nếu ta có thể làm điều đó cho người khác, ta cần điều đó từ bạn mình, vậy tại sao ta không thể làm điều đó với chính mình. Nói vậy nhưng thực tế lại không dễ dàng như vậy. Tôi từng là một người thích “lừa dối” chính bản thân mình. Tôi có thể luôn cho rằng mình ổn dù có bất cứ điều gì xảy đến. Thậm chí, sự việc có tồi tệ, tiêu cực đến đâu thì tôi cũng luôn cố gắng nhìn ra một điểm tích cực để giải quyết nó. Dù có vẻ lạc quan, tích cực nhưng tôi biết rằng, có nhiều lúc mình cần phải giải tỏa. Thực ra thì, cảm xúc tiêu cực hay tích cực, bản thân nó không tốt cũng không xấu. Chỉ có cách chúng ta đối diện và đi qua chúng mới là vấn đề.

Thành thật với chính mình đặc biệt quan trọng. Bởi vì, từ đó ta có thể nhìn nhận những ưu điểm, khuyết điểm của mình một cách gần gũi nhất. Đôi khi những gì ta thể hiện ra lại khác xa so với những gì ta thực sự muốn. Nếu cứ duy trì một cuộc sống như vậy, chẳng phải là rất khó chịu hay sao?

Thành thật với chính mình giúp ta hiểu mình hơn. Sẽ như thế nào nếu bạn tự hào về việc chăm sóc người khác và chỉ đáp ứng nhu cầu của họ và thời gian còn lại, bạn không nhận thức và đánh giá nhu cầu và cảm xúc của chính mình. Hiểu về bản thân và nhận thức về chính mình là những phần quan trọng để trở thành một người bạn tốt cho chính bạn. Hãy thử dành một vài phút thường xuyên viết ra sở thích, những điều bạn thích và không thích, mục tiêu và giá trị của bạn. Để rồi từ đó, ta có thể thử để tìm ra điều gì thực sự phù hợp với chính mình.


"Đôi khi những gì ta thể hiện ra lại khác xa so với những gì ta thực sự muốn. Nếu cứ duy trì một cuộc sống như vậy, chẳng phải là rất khó chịu hay sao?"

Nguồn ảnh: unsplash.com

Dành thời gian trò chuyện với mình

Điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn và không bình thường với nhiều người, nhưng đây thực sự là một giải pháp hữu ích. Bạn thử nhớ lại mỗi khi một người bạn thân của mình gặp chuyện khó khăn, chẳng phải mình có thể ngồi rất lâu để lắng nghe và trò chuyện với bạn ấy hay sao? Mình sẽ nhẹ nhàng, dùng lời lẽ chân thành, tử tế để động viên. “À, mình thấy cậu đã cố gắng rất nhiều, nên dù kết quả có như thế nào thì cũng không sao hết”. “Cậu làm sai ư? Con người làm sao tránh được lúc mắc sai lầm, nên cứ bình tĩnh, chúng ta có thể học hỏi từ sai lầm đó cho những lần tiếp theo”. Và rất nhiều câu nói tương tự như vậy. Vậy hà cớ gì, chúng ta không thể trò chuyện với mình, bằng một cách quan tâm chân thành, với những lời tử tế, tích cực, tự động viên bản thân thay vì tự dằn vặt và làm đau đớn mình. Nghiêm khắc với bản thân là tốt, nhưng nghiêm khắc một cách tử tế, chân thành với mình còn quan trọng hơn. Bởi bạn biết đấy, nếu chính mình còn không tử tế được với mình, thì ai sẽ làm như vậy với mình đây?


"Nghiêm khắc với bản thân là tốt, nhưng nghiêm khắc một cách tử tế, chân thành với mình còn quan trọng hơn. Bởi bạn biết đấy, nếu chính mình còn không tử tế được với mình, thì ai sẽ làm như vậy với mình đây?"

Nguồn ảnh: unsplash.com

Thoải mái làm bất cứ điều gì đó, một mình

Làm bất cứ điều gì đó, một mình. Nhiều hơn. Không hiểu sao càng ngày con người ta càng có vẻ thổi phồng sự cần thiết của việc nhất định phải gắn mình vào một đám đông nào đó, những mối quan hệ chẳng ra đầu ra cuối chỉ để không bị cảm giác một mình xâm chiếm. Sự thực tách mình ra khỏi đám đông hay hòa mình vào đám đông một cách nhẹ nhõm, đó là lúc bạn sẽ thấy mọi mối quan hệ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều vì đơn giản là mỗi người tự chủ về cảm giác của mình và không còn bị đám đông chi phối nữa.

Trước đây tôi là một người không thể đi ra ngoài chơi nếu không có người đi cùng như cô bạn của tôi. Tôi hay rủ bạn đi nghe nhạc cùng tôi dù bạn không thích nhạc cổ điển.  Tôi rủ bạn đến buổi giao lưu ký tặng sách của tác giả tôi yêu thích dù bạn không mấy quan tâm. Mỗi lần như thế, thay vì cả buổi tập trung hoàn toàn vào thứ mình hứng thú, tôi lại dành thời gian để ý xem người đi cùng mình có thích hay là không. Sau này, khi đã nhận ra điều đó, tôi không còn làm như vậy nữa. Tôi thoải mái đi đến những nơi tôi yêu thích, một mình. Chính vì không còn mất thời gian bận tâm đến cảm xúc của người đi cùng, tôi có cơ hội làm quen kết bạn với những người bạn cùng chung sở thích và tập trung tận hưởng trọn vẹn một ấm trà, một bài hát hay một bộ phim theo đúng ý thích cùa mình. Nhờ đó mà tôi biết mình đã gặp đúng người, như tác giả Nomad Nguyễn Thiên Ngân có viết: “Ở sai chỗ, với sai người, có cố gắng mấy cũng thành sai. Ở đúng nơi, cạnh đúng người, chỉ cần là mình thôi đã đúng”.

 “Ở sai chỗ, với sai người, có cố gắng mấy cũng thành sai. Ở đúng nơi, cạnh đúng người, chỉ cần là mình thôi đã đúng”

Nguồn ảnh: unsplash.com

Trở thành bạn của chính mình không phải là một sự thay thế cho việc có những mối quan hệ bạn bè và các mối quan hệ khác. Tất cả chúng ta vẫn khao khát kết nối với người khác, nhưng khi chúng ta yêu chính mình, chúng ta thu hút mối quan hệ lành mạnh với những người cũng an toàn và tự tin; chúng ta sẽ như một cái cây với bộ rễ chắc chắn, ta có thể thoải mái tận hưởng và làm bạn với gió trời, chim chóc và những cái cây khác. Nhưng ta không cần phải có sự trấn an từ người khác vì chúng ta biết rằng trong bản thân mình, chúng ta xứng đáng được yêu thương như cách ta vẫn yêu thương người khác, hàng ngày.

Tác Giả: Andy (nickname), Legal Executive_MPTV 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/phucngo.24

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,309 lượt xem, 2,128 người xem - 2164 điểm