Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Tuổi 30 Và Nỗi Sợ Mang Tên "Ổn Định"

30, chúng ta không còn trẻ để cứ mãi trốn tránh một nỗi sợ vô hình, để tiếp tục trì hoãn những thứ mà lẽ ra bạn phải thực hiện được từ 5, 10 năm trước. 30, một con số vô tri vô giác nhưng đánh dấu ngưỡng cửa phần ba cuộc đời đã đóng lại, ta giật mình đối diện với nỗi sợ mang tên Ổn định - “The fear of settling down”.

Cuộc đời là những kế hoạch 5 năm

Những lý lẽ về tuổi tác và triết lý về cuộc đời đâu đó đã định hình hệ tư tưởng và cách suy nghĩ trong chính bạn và tôi về một kế hoạch như hoàn hảo đã được sắp đặt sẵn: Từ khi ta còn trong bụng mẹ, cất tiếng khóc chào đời đầu tiên tới thế giới loài người cho đến khi chập chững vào lớp 1, chuyển cấp rồi đến ngày hôm nay, tạm gọi là trưởng thành, là đã lớn. Một kế hoạch cố định dường như được áp dụng với hàng triệu con người khác nhau ấy, có thể gọi là những kế hoạch 5 năm. Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, có lẽ là vĩ đại nhất, chúng ta, từ một sinh linh bé nhỏ đỏ hỏn trong vòng tay ấm áp, bên bầu ngực nóng thơm mùi sữa của mẹ, dần phát triển và thay đổi, thích nghi với môi trường mới. Những kỹ năng căn bản của một con người như học ăn, học nói, học cách bước đi, học cách quen thân với ông bà, cha mẹ…đều diễn ra trong thời kỳ này. Cha mẹ rơi nước mắt khi ta bập bẹ những tiếng “mẹ”, tiếng “bà”, như giây phút đầu tiên họ ẵm ta trên tay lúc ta còn chưa mở mắt. Cha mẹ vui khi ta bắt đầu thuộc những chữ cái đầu tiên, ê a những bài hát con học trên lớp mẫu giáo và những câu nói ngộ nghĩnh khi con muốn khám phá thế giới muôn hình vạn trạng.


Cứ thế, ta cùng nhau bước vào những kế hoạch 5 năm lần thứ hai, thứ ba, thứ tư. Chặng đường này không dài cũng chẳng phải ngắn với bất kì ai, bởi chúng ta bước cùng một nhịp độ ở cùng một xuất phát điểm. Lên cấp rồi thi chuyển cấp, 12 năm đèn sách kết thúc bằng một bài thi đại học vẻn vẹn vài mặt giấy, ta hoàn thành trách nhiệm của một học sinh và trở thành một công dân 18 tuổi đủ khả năng chịu trách nhiệm với những hành động của mình. 12 năm, tôi và bạn đều cắp sách đến trường trong sự kỳ vọng của cha mẹ về hai chữ “thành tích”. 12 năm, ta làm tròn nghĩa vụ của một đứa con ngoan “gọi dạ bảo vâng”. 12 năm ta phó mặc mọi lý tưởng và đam mê cho những kì thi và những bài học trên lớp. Cũng 12 năm ấy, ta chưa phải lo nghĩ về cơm áo gạo tiền vì vẫn có gia đình bao bọc và chở che. Những lỗi lầm có thể vẫn được tha thứ vì lòng bao dung vô bờ bến của bố mẹ. Những thất bại có chăng cũng chỉ là điểm thi không như kỳ vọng hoặc bất đồng với bố mẹ. Ta ôm những khát khao được làm người lớn, được quyết định mọi thứ mà ta muốn, ta muốn thể hiện cái tôi trước bạn bè, nhưng thực chất ta chẳng có gì cả. Có điều, hệ tư tưởng rằng tuổi này chưa phải làm gì, nghĩ gì khác ngoài việc học đã định hình chúng ta theo cái cách cứng nhắc như thế.

Tôi 30

Ngần ấy năm trời, thời gian kéo ta đi trong quên lãng, ta không định hình mình đã bao nhiêu tuổi thay vì đang học lớp mấy. Vòng tròn học-thi phần nào cũng khiến ta thụ động về việc lập kế hoạch bản thân sau tốt nghiệp, chí ít là học nghề hay đại học-cao đẳng. Nhưng ở tuổi 30, đây mới thực sự là thời điểm chúng ta bắt đầu phải tự thân chạy đua cho một giải chạy marathon đường dài và khó đoán. Ta quanh quẩn giữa vòng tròn công việc, học hành, tình yêu và đam mê, hay đã yên chí với tất cả những gì mình có. Ta lo lắng về quãng chông chênh này, hay tạm hài lòng với quả ngọt mấy năm lao tâm khổ tứ vào nghề. 30 tuổi, trải qua quãng đời sinh viên tiết kiệm và mang nhiều kỉ niệm, cũng đau đớn không ít lần vì những mối tình tuổi đôi mươi, cũng từng bỏ tất cả chạy theo cái gọi là đam mê, cũng xô bô so sánh thiệt hơn với bạn bè đồng nghiệp, cũng thấm tháp cái chua cay khi nhận hàng loạt email từ chối phỏng vấn xin việc của mấy chục chỗ một lúc. 30 tuổi, cũng bắt đầu thấy những chuyển biến rõ rệt trong cơ thể mình, vài nếp nhăn nơi đuôi mắt, cũng thấy khó ngủ hơn, cũng hơi chạnh lòng vì sự thật là mình đang dần già đi theo năm tháng. 30 tuổi, tôi đang có gì?

30, chúng ta không còn trẻ để cứ mãi trốn tránh một nỗi sợ vô hình, để tiếp tục trì hoãn những thứ mà lẽ ra bạn phải thực hiện được từ 5, 10 năm trước. 30, một con số vô tri vô giác nhưng đánh dấu ngưỡng cửa phần ba cuộc đời đã đóng lại, ta giật mình đối diện với nỗi sợ mang tên Ổn định - “The fear of settling down”. Còn bạn, nói đến tuổi 30, bạn tự hỏi mình điều gì, hay là:

"30 tuổi rồi, vẫn có một chỗ đứng vững chắc ở thành phố này thì phải làm sao?"

"30 tuổi rồi vẫn độc thân, chẳng lẽ tôi sẽ cô đơn đến già ư?"

"Sau 30 tuổi, có khi nào tôi sẽ bị những người trẻ thay thế?

Sinh nhật năm 30 tuổi chào đón tôi bằng một bữa cơm thịnh soạn tự nấu tại nhà cùng chiếc bánh kem sinh nhật tự làm bằng công thức mày mò tập tành thử từ hơn một tháng trước. Tôi đón sinh nhật một mình vì thuê trọ sống trên thành phố, lại là ngày thứ nên bạn bè và bố mẹ không thể thu xếp đến chia vui. Tôi vẫn một mình chìm đắm trong cái sự cô đơn sau một mối tình nhiều trái ngang. Trái tim và tâm lý cần một khoảng thời gian để bình tâm và nghỉ ngơi chút ít, để thấy ổn định hơn.

Định nghĩa về sự ổn định

Theo định nghĩa của từ điển Cambrigde: “Stability is a situation in which something is not likely to move and change”, nghĩa là mọi thứ ở trong trạng thái yên ổn, không có biến động hay thay đổi đáng kể nào. Người ta vẫn hay nói về chuyện ổn định cuộc sống, giá cả ổn định, hay ổn định tâm lý. Điều đó là hoàn toàn bình thường cho đến khi nỗi sợ về sự không ổn định trở thành mối trăn trở của không ít bạn trẻ hiện nay. Có chăng, họ sợ một cuộc sống bấp bênh, thường xuyên thay đổi và có nhiều biến động xảy ra bất ngờ?

The fear of instability – Nỗi sợ về sự không ổn định …

Sợ hãi là một tâm trạng cảm xúc hết sức bình thường và tồn tại hoàn toàn tự nhiên. Ngay từ khi còn nhỏ, nỗi sợ đã hình thành trên những trải nghiệm cá nhân như sợ một con vật nào đó, sợ bóng tối, sợ đám đông, sợ độ cao, … và giờ là sợ không ổn định. Nghe có vẻ bất thường nhưng lại hoàn toàn hợp lý, bởi lẽ một cuộc sống bấp bênh cũng đáng sợ lắm chứ.

Ổn định tài chính:

Một nhân viên văn phòng với một công việc lương bèo bọt dậm chân tại chỗ suốt mấy năm, đành cắt giảm chi tiêu đến mức tối thiểu mà vẫn không có dư. Cơm trưa văn phòng hàng ngày đã thật sự làm anh ngán ngẩm, nhưng vấn đề này cũng vẫn có thể tạm chấp nhận. Tuy nhiên, thực tế khi nhìn ra xa một chút, ở tuổi 30, mọi chuyện đâu chỉ dừng lại ở cái ăn, cái mặc. Chúng ta được khuyến khích nên có một tài khoản tiết kiệm vừa đủ để trang trải và lo cho con cái, cha mẹ và đầu tư cho cả bản thân, thậm chí và quan trọng hơn hết là vừa đủ để trang trải phòng khi có chuyện đột xuất về gia đình, sức khỏe và cả công việc. Khi nền kinh tế mở cửa, ổn định tài chính lại là một nỗi đau đầu của không ít bạn trẻ vì áp lực mua nhà, mua xe, xin học và chu cấp cho con cái đến khi chúng trưởng thành. Với những bạn trẻ từ quê lên thành phố học tập và lập nghiệp, áp lực về bố mẹ ở quê còn nhiều khó khăn càng khiến nỗi sợ này choáng ngợp gấp nhiều lần.

Ổn định công việc:

Ta vẫn thường nghe về khủng hoảng một phần tư cuộc đời ở cái tuổi 20-25 khi vừa tốt nghiệp. Tốt nghiệp, ra trường và tìm việc – đó là một combo mà bất cứ sinh viên nào cũng đều trăn trở sau những năm tháng sinh viên dài rộng. Nỗi sợ thất nghiệp bao trùm phần lớn suy nghĩ, thậm chí tâm lý “cứ có việc là được” đẩy họ đến với những công việc trái ngành trái nghề, thành ra lại mất một khoảng thời gian nhất định để học việc và đào tạo lại từ đầu. Chưa kể đến chuyện họ cần quen việc và thành thạo trong nghề để có thể tiến xa hơn. Nếu ở thời điểm đó, nhảy việc hoàn toàn là một sự lựa chọn được khuyến khích để mỗi người tìm ra được đúng đam mê và tự khám phá xem mình giỏi ở lĩnh vực gì, thiếu những kĩ năng gì để trau dồi và phấn đấu. Tuy nhiên, vài ba năm sau, ở tuổi 30, nhảy việc không còn là một giải pháp an toàn vì thời gian là hữu hạn. Lúc này, chúng ta cần một sự nghiệp vững vàng để trang trải và lo cho con cái, cha mẹ và đầu tư cho cả bản thân. 30 tuổi cũng là một thời điểm vàng để bứt tốc trong công việc thay vì phân vân chọn chỗ làm.

Ổn định công việc đi đôi với ổn định tài chính, đó là mối quan hệ nguyên nhân - kết quả. Nhớ lại ngày xưa bố mẹ vẫn thường nói: Phải học thật giỏi để có một công việc ổn định. Hai chữ ổn đinh trong tư tưởng của bố mẹ ngày ấy có chăng là một mức lương hậu hĩnh, làm việc sáng đi tối về trừ những ngày nghỉ lễ tết, mà tiêu biểu trong hệ suy nghĩ của thế hệ trước là vào được biên chế nhà nước cho an toàn. Năm tháng trôi qua cùng với những chuyển biến trong các tầng lớp, giai cấp, thế hệ, công việc ổn định với nhiều người, lương cao vẫn là chưa đủ. Ổn định nhưng vẫn phải đồng nghĩa với tiềm năng, có cơ hội thăng tiến rộng mở mới là điều các bạn trẻ đang hướng tới. Chưa nói đến đam mê cũng là một yếu tố không nhỏ đối với một công việc đi theo ta dài hạn. Nói đến đây, nhiều bạn sẽ lắc đầu khi nghĩ về công việc nhà nước hay hành chính văn phòng. Tuy nhiên, nếu phù hợp, nó vẫn là một sự ổn định rất tương thích.

Ổn định tâm lý:

Ngấp nghé ngưỡng cửa một phần ba cuộc đời, tâm lý chúng ta cũng sẽ thay đổi ít nhiều cả về trạng thái cảm xúc cũng như cách kiềm chế những dồn nén về tinh thần. Tâm lý phải trưởng thành để bước vào thế giới người lớn thường khiến bản thân trở nên cứng nhắc, gượng ép và lo lắng. Từ một đứa con được che chở từ A đến Z mười mấy năm, thêm mấy năm tung hoành sống vì mình là nhiều những năm đôi mươi tươi đẹp nhất cuộc đời, giờ ta phải gánh vác trên vai hàng tá trách nhiệm và bổn phận: Nào là làm tròn đạo hiếu với đấng sinh thành, nào là đèo bòng thêm những đứa con ngoan còn thơ dại, nào là vun vén hạnh phúc gia đình, nào là làm quen với cô đơn ngay trong mối quan hệ của mình...   

Ta không cho phép mình yếu đuối như cái hồi mới lên thành phố, vào đại học. Bên ngoài ta mạnh mẽ đối diện với đời, nhưng nỗi yếu lòng đêm về lại trào dâng. Đôi khi ta lạnh lùng nhận ra bản thân thích ở một mình hơn thay vì ra ngoài kết bạn. Các mối quan hệ cũng dần được thu hẹp lại, bạn biết bạn thật sự cần ai, ai mới thực sự đem lại hạnh phúc cho mình. Thời gian cũng không cho phép những ước mơ viển vông và giàu hoài bão cất cánh bay cao như mươi năm về trước. Nhiều người không đủ mạnh mẽ còn gặp những sang chấn tâm lý không nhẹ. Trái tim đâu đó cũng cô quạnh hơn, ít nói, ít cười.

Ổn định gia đình:

Những chàng trai, cô gái đến tuổi cập kê thường lo sợ mình sẽ lênh đênh vô định vì chưa tìm được ai tâm đầu ý hợp. Nỗi sợ phải ổn định hạnh phúc với một ai đó từ sức ép gia đình thật là một điều không dễ dàng. Đã bao giờ bạn nghe về những câu nói kiểu như: Thế bao giờ cưới, Có bạn trai chưa, Ngần này tuổi đầu rồi vẫn FA à? … Còn với tôi, nó xảy ra như cơm bữa. Áp lực nặng nề khi chứng kiến bạn bè báo tin vui kết hôn, đứa nhanh nhẹn cũng một hai đứa con ẵm bồng. Nỗi sợ ổn định gia đình không thường trực như công việc, tài chính, nhưng có sức ảnh hưởng đến tinh thần và cảm xúc ít nhiều, nhất là khi dự đám cưới bạn thân họ hàng, khi hầu chuyện các cụ. Tôi vẫn nhớ như in một câu nói của nội với chị gái như thế, rằng: “Mày không định cho bà ăn cỗ à. Ngày nào mày chưa lấy chồng, ngày ấy bà chưa thể nhắm mắt được”. Chị chỉ lặng im cười xòa, cứng họng không biết nói sao, suy nghĩ suốt nhiều ngày sau đó.

Thậm chí mới đây, việc chính phủ khuyến khích nam, nữ kết hôn trước tuổi 30 cũng đẩy vấn đề này trở nên được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là những bạn trẻ độ tuổi chớm 30. Vẫn biết yêu thương và đi đến hôn nhân một phần là duyên số, một phần do hai bên chủ động, nhưng tìm được Mr Right chưa bao giờ là dễ dàng.

Trong một buổi tối bộn bề công việc chưa hoàn thiện, theo thói quen tôi vẫn cầm điện thoại lên lướt lướt. Vô tình đọc được một bài viết trên trang The Power of Silence có tên “30 and alone”. Bài viết là trăn trở của một chị gái 30 tuổi về câu hỏi: “30 and single. Why not”, tạm dịch là: “30 tuổi và độc thân, tại sao không?”. Chị đưa ra kha khá lý do cho việc lựa chọn không kết hôn, đơn cử như chị không tìm được Mr Right của đời mình dựa trên tiêu chuẩn: Chị thấy hạnh phúc khi bên anh và cả hai cùng yêu nhau. Chị không có đủ kiên nhẫn và thời gian để đợi chờ một ai đó trong vô vọng. Chị thấy tốt hơn khi cô đơn, còn hơn là buồn rầu rồi tan vỡ trái tim vì một anh chàng xa lạ. Người ấy phải đồng hành sát cánh bên chị suốt cuộc đời, cùng nhau đối diện với mọi khó khăn, cũng vì chị mà cố gắng. Họ đem lại cho chị cảm giác an toàn khi ở cạnh bên và chẳng muốn tìm những thứ vui xa xỉ ngoài ngôi nhà ấm cúng tình yêu thương. Sau không ít đổ vỡ trong tình yêu, chị thấy mình xứng đáng với một chàng trai đủ khiến chị thấy tin tưởng và không bao giờ khiến chị tổn thương. Đáng buồn là tất cả những tiêu chuẩn ấy, chị đều không thể hạ thấp để đi theo tiếng gọi của tình yêu. Là một cô gái cá tính, chị ưu tiên cho những đam mê và giấc mơ riêng của mình. Thay vì chạy theo một mối quan hệ, chạy theo những giấc mơ đời mình mới là điều chị đang làm rất tốt. Hình mẫu chị theo đuổi là độc thân vui tính, độc lập và xinh đẹp, tươi trẻ và dám sống vì đam mê của mình.

Không bao giờ có thứ gọi là cuộc sống ổn định

Sẽ thật vô vị nếu cuộc sống cứ tuần tự theo một dòng sẵn có, không biến cố, không trải nghiệm, như cái định nghĩa về hai chữ “ổn định” nói ra. Một ngày bắt đầu với một công việc máy móc từ 8h sáng đến 5h chiều không có gì mới lạ. Con đường đi làm vẫn êm đẹp thế, vẫn những khuôn mặt quen thuộc ở công ty, vẫn suy nghĩ lối mòn về sự ổn định dẫn hướng. Có hay không cái cuộc sống an toàn ấy, có hay không chỉ cần có được nó, ta thấy thỏa lòng với chính mình.

Bạn lênh đênh trên con thuyền gỗ, phiêu du trên dòng nước lặng như tờ. Bạn êm du trôi theo nó, vì biết cho dù đi đến đâu, không bao giờ bạn chìm thuyền hay gặp sóng lớn. Bạn cứ thế ngả nghiêng đàn hát mặc kệ cho thuyền thực chất chỉ quay vòng vòng vì không có người chèo lái. 1 tiếng, 12 tiếng thậm chí cả cuộc đời. Cảm giác an toàn khiến bạn không muốn dừng thuyền và đi trên một chiếc xuồng tự lái với tốc độ gấp hai ba lần, trên một dòng nước chảy xiết hơn đẩy thuyền đi băng băng. Chậm và an toàn nhưng chẳng đi đến đích, mái tóc pha sương mà vẫn “đứng đúng chỗ đấy” khác nào chôn vùi thời gian và sức trẻ. Đã nghe bao câu “Nếu biết trăm năm là hữu hạn”, hay “Đời ngắn đừng ngủ dài”, thế mà ta vẫn không chịu thay đổi để tốt hơn.

Nếu ổn định là như thế, cuộc sống có còn nghĩa lý gì. Nếu thật sự bạn đang đi tìm hai từ mang sức nặng quá lớn ấy, thì liệu có như bạn trông mong. Chỉ sợ ổn định mà chậm tiến, ổn định mà phó mặc.

Thế nên, chẳng có cuộc sống nào là ổn định. Có chăng, ổn định chỉ là điều bạn chọn lựa sẽ hưởng thụ trước hay sau mà thôi. Nếu còn trẻ mà cứ ghì chặt vào tư tưởng ổn định, có ngày bạn sẽ bị nó đốn gục mà không hề hay biết đó.

Ổn định hay không là ở chính cách bạn nghĩ và làm…

Điều tôi vẫn luôn tâm đắc sau những trăn trở như thế này là việc bạn phải luôn chuẩn bị tâm lý để dung cảm đối mặt với đời. “Ổn định”, ta mới chỉ nông cạn nhìn qua cái vẻ hào nhoáng qua câu chữ, qua tưởng tượng, chứ thật sự nó vốn dĩ tồn tại hay không là ở chính bạn. Nếu muốn ổn định, lời khuyên duy nhất cho bạn là “đừng lựa chọn an nhàn khi còn trẻ”. Tôi vẫn tâm đắc từng câu chữ về cái giá của sự lựa chọn trong cuốn sách cùng tên của tác giả Cảnh Thiên. Chắc chắn một điều là ai cũng phải đánh đổi đưa ra những quyết định trong cuộc sống, dù khó khăn hay dễ dàng. Nguyên lý về sự đánh đổi trong kinh tế nhìn từ phương diện này cũng phản ánh đúng bản chất của nó. Chi phí cơ hội cho 10 năm sau tốt nghiệp buông thả không phấn đấu là 50 năm vất vả về sau. Ngược lại vất vả 10 năm đầu vào đời cho những mục tiêu nhất quán sẽ đổi lại cho bạn cuộc sống ổn định nhàn hạ về sau.

Còn với tôi, thời thơ ấu, tôi không may mắn sinh ra trong một gia đình không hạnh phúc, có thể đã được coi là một biến cố. Có lẽ tôi khác với những đứa trẻ bình thường, khi những kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, thứ hai và thứ ba đã được nếm trải cái bấp bênh, vô định của cuộc đời. Chưa bao giờ tôi nghĩ cuộc sống này là một dòng an yên và bằng lặng. Ngược lại, cuộc sống giống như cái cách bạn lái một chiếc tàu siêu tốc chạy băng băng trên đường ray với tốc độ chóng mặt. Bạn vừa mới ngồi trên cái đỉnh cao nhất của đường ray mà bỗng chốc lao xuống tận cùng điểm đáy, lắc phải, quẹo trái. Tâm lý không ổn định đẩy bạn đến chóng mặt, mất phương hướng và bỏ cuộc giữa chừng. Nhưng đáng buồn thay, bạn vẫn phải cắn răng ngồi đó mà đi tiếp cho đến khi con tàu đó dừng lại, bạn bước xuống và mệt đừ người. Ngày tôi 18, tôi đã sống khác ngần ấy năm về trước, không chọn một cuốc sống ổn định trong chính những quyết định chọn trường, chọn ngành. Ba nguyện vọng duy nhất cho tất cả những gì tôi đam mê và tôi đã thắng. Giờ đây khi bước trên con đường do chính mình chọn lựa, chưa khi nào tôi cảm thấy ân hận. Không phải tôi đang làm rất tốt, cũng chẳng phải nó rải đầy hoa hồng trên những bước tôi đi, mà nó đáng. Nó đáng để đốt cháy thanh xuân tôi trong rừng rực lửa nhiệt huyết, đáng để mười năm sau khi nhìn lại, tôi thấy khâm phục chính mình. Có nước mắt, có mồ hôi, có cả những tiếc nuối đâu đó đan xen, nhưng tất cả đã làm nên tôi của tuổi trẻ. Tôi 30 thầm cảm ơn tôi 20 vì những tháng năm miệt mài không ngơi nghỉ trên chính đôi chân non nớt của mình. Cảm ơn vì sự dũng cảm của bạn khi dám đối diện với chính mình. Cảm ơn vì đã dám đứng lên bảo vệ cái mình muốn, chạy theo đam mê mặc kệ những nghi ngờ trong ánh mắt người khác. Còn bạn, bao nhiêu tuổi và thực sự có đang muốn một cuộc sống ổn định hay không?

Tác Giả: Uyên Nguyễn
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link:
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 8 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,517 lượt xem, 1,473 người xem - 1500 điểm

lh-fulllh-x