Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Tuổi Trẻ, Đừng Mãi Làm Kẻ Ngốc Quá Hiểu Chuyện!

     Có một doanh nhân đã từng nói rằng:'' Tôi không biết chìa khóa đến thành công là gì, nhưng chìa khóa của thất bại chính là cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người"


    Còn nhớ một thời gian trước, tôi có một người bạn, cô ấy là một người lương thiện, thuộc kiểu người dịu dàng, luôn hiểu chuyện và đối xử tốt với những người xung quanh… Cô bé ấy ngày ngày đối mặt với người khác luôn suy nghĩ làm như thế nào mới thuận lòng người khác, làm thế nào thì hợp đạo lý, làm thế nào người ta không cảm thấy buồn lòng và khó chịu...v.v. Mỗi khi bị đám bạn trêu đùa một cách quá đáng, cô bạn vẫn luôn mỉm cười mặc nhiên như không có chuyện gì nhưng thật ra khi ở một mình cô ấy ôm mặt nức nở vì xấu hổ, vì ấm ức không thể thốt nên lời. Mỗi lần khóc xong cô ấy lại lau vội nước mắt rồi lên lớp, ngày qua ngày cô ấy cứ thế nhẫn nhịn chịu đựng vì không muốn gây bất hòa hay tai tiếng với mọi người xung quanh, không muốn bị người khác căm ghét chửi rủa. Ai nhờ cô ấy chuyện gì, cô ấy cũng nhiệt tình giúp đỡ như chuyện của mình. Mỗi lần bạn bè gặp chuyện cô ấy đều ở bên chia sẽ nhưng đến khi cô ấy cảm thấy bản thân không ổn chút nào, mở điện thoại ra cũng chẳng biết phải nhắn cho ai, một phần vì bạn bè của cô ấy bận, một phần cũng vì sợ làm phiền người khác rồi đành lặng lẽ cất điện thoại vào túi. Tôi còn nhớ có một lần, cô ấy còn sẵn sàng hạ quyết tâm cắt đứt với người cô ấy thích chỉ vì một người bạn của cô ấy cũng thích anh chàng này. Thật nực cười tại sao trên đời lại có người ngốc đến thế? Ngốc đến nổi ngay cả chuyện tình cảm cũng muốn đem nhường cho người khác được sao? Cô ấy thanh minh rằng, cô ấy không muốn mối quan hệ với người bạn đó bị rạng nứt, không muốn sau này đến nhìn mặt cũng không thể?

    Rốt cuộc vì điều gì mà một con người có thể chịu đựng làm những việc mà chính bản thân không thích?



       Thật ra cái mà tôi luôn cảm thấy khâm phục ở người bạn này chính là tính cách nhẫn nhịn của cô ấy, làm sao mà một con người có thể luôn hiểu chuyện như vậy được chứ? Cô ấy nói với tôi rằng từ khi sinh ra vốn đã là một người khó tính, rất hay không vừa ý nhiều thứ. Ngay cả việc ăn uống cũng vô cùng kĩ lưỡng, những thứ cô ấy không thích ăn, mẹ cô ấy phải ghi nhớ và không nấu cùng, nếu không cô ấy sẽ bỏ bữa, dần dần người thân không một ai có thể chịu nổi tính cách khó chiều của cô ấy. Vậy mà khi lớn lên, đối mặt với cái xã hội này, cô ấy bỗng thấy mình trở nên nhỏ bé, trong lòng luôn có một nỗi sợ rất lớn đè nặng, sợ mình trở thành hình tượng xấu xa trong mắt người khác, sợ bị dè biểu cho nên lúc nào cũng nghĩ cho người khác, kiềm nén, không dám bộc lộ tính cách riêng của mình trước mặt người khác. Cô ấy thu xếp lại những thứ mình ghét và sở thích riêng cất vào sâu trong lòng. Lúc nào cũng cố gắng hiểu cho người khác và để ý xem người ta thích gì, ghét gì, rồi lưu ý lại để không phạm phải lỗi lầm.Điều quan trọng hơn là đến một ngày cô ấy chợt nhận ra cô ấy nhớ rất nhiều điều về người khác nhưng lại quên mất bản thân muốn gì? Cần gì? Nghe đến đây thôi, tôi thật muốn quát cho kẻ ngốc này một trận nhưng lại không nỡ, vì hơn hết tôi thấy xót xa nhiều hơn!




        Chúng ta lúc nào cũng cố gắng tỏ ra hiểu chuyện để làm vừa lòng người khác rồi rốt cuộc nhận lại được gì? Một mối quan hệ tốt đẹp nửa vời hay một tâm hồn ấm ức nhưng lúc nào cũng chỉ biết khóc than trong lặng lẽ. Nhẫn nhịn tỏ ra mình hiểu chuyện vốn dĩ nó không phải tính xấu, nhưng nhẫn nhịn đến mức để người ta nghĩ mình thật dễ dãi và để bản thân chịu thiệt thòi thì đó là vì bạn quá ngốc rồi! Làm người hiểu chuyện thật sự quá khổ sở, bạn càng tốt với người ta, họ lại càng xem đó là lẽ dĩ nhiên, khi bạn tỏ ra mình càng hiểu chuyện đồng nghĩa với việc bạn cho người khác một cái cớ để làm tổn thương chính bạn. Dù năm tháng trôi nhanh, chúng ta dùng sự trưởng thành của bản thân để che giấu đứa trẻ bên trong mình, nhưng nó vẫn mãi là một đứa trẻ ngây thơ chưa chịu lớn, nó vẫn có yêu ghét hờn giận và không ai có thể ngăn cản nó thể hiện ra bên ngoài.


        Tuổi trẻ là những năm tháng con người ta đam mê thể hiện mình, hãy sống cuộc sống mình mong muốn đừng chỉ mãi mê chạy theo tư tưởng sống của kẻ khác. Tôi nhớ có một câu nói người ta thường truyền miệng nhau :” NGƯỜI KHÔNG VÌ MÌNH TRỜI TRU ĐẤT DIỆT”. Tôi đã từng dùng câu nói đó làm lý tưởng sống của bản thân trong một thời gian dài. Tôi tự dặn bản thân dù cho bất kì chuyện gì xảy ra điều cốt yếu nhất chính là phải nghĩ cho bản thân mình trước tiên. Nhưng bạn đừng đánh đồng nó với sự ích kỉ chỉ nghĩ cho bản thân mình. Tôi vẫn luôn luôn nhìn nhận cuộc sống này bằng con mắt khách quan nhất và điều mà tôi rút ra được chính là mỗi người đều có cuộc đời riêng, bạn phải sống và chịu trách nhiệm với chính nó. Đến cả bản thân mình bạn còn bỏ bê không yêu thương nó thì bạn còn tư cách để quan tâm kẻ khác sao? Cho nên trước khi bạn muốn lo lắng cho người khác thì phải khiến bản thân trở nên tốt đẹp đã nhé!

        Cùng sinh ra là con người như nhau, chúng ta ai cũng cần được yêu thương cả. Hãy yêu thương bản thân mình nhiều hơn từng ngày, bù đắp những ngày tháng tổn thương vì những gì không đáng! Bởi vì bản thân bạn- nó xứng đáng mà!


        Có lẽ trong quá trình trưởng thành chúng ta đều đã từng là kẻ ngốc quá hiểu chuyện như thế? Thật quá mệt mỏi đúng không? Sống trên đời này việc khó khăn nhất chính là làm hài lòng một người, huống chi là phải làm hài lòng vạn người? Chúng ta đâu phải nô lệ của họ, họ cũng chưa từng trả tiền thuê cho chúng ta, vậy tại sao phải nhìn nét mặt họ để mà sống? Bạn muốn trở thành một phiên bản tốt đẹp trong mắt của người khác thì bạn phải trả một cái giá chính là đánh mất con người thật của mình, chấp nhận nhún nhường, chấp nhận bao dung cho lỗi lầm của người khác. Nhưng sau tất cả bạn không những đánh mất chính chình mà còn đánh mất đi lòng tự tôn vốn có, vì khi bạn đối tốt với người ta lâu dần họ sẽ hình thành nên một tư tưởng rằng đó là điều đương nhiên bạn phải làm, đôi lúc họ không biết trân trọng mà còn dẫm đạp lên nó. Chẳng một ai quan tâm đến cảm xúc của bạn ra sao, bởi họ nghĩ bạn chính là “ tốt đẹp” , bạn chính là không biết tủi, không biết giận, không biết cô đơn. Khi đó, tôi cá rằng bạn sẽ hoàn toàn sụp đổ và hối hận cho cái nhận thức sai lầm đó.


        Việc phải giữ gìn hình tượng tốt đẹp trong lòng người khác đến một lúc nào đó bạn sẽ cảm thấy nó chỉ mang tương đối mà thôi. Ví như bạn là cái ổ khóa, còn những người yêu mến bạn như chiếc chìa khóa vậy, chỉ khi chìa khóa khớp với ổ khóa thì mới mở được. Cũng giống như việc chỉ khi hai tâm hồn đồng điệu gặp nhau thì họ mới nảy sinh tình cảm yêu mến với bạn và cảm thấy bạn vô cùng tốt đẹp. Lúc đó, bạn không cần phải tỏ ra hiểu chuyện, không cần phải che giấu cảm xúc thật của mình cũng sẽ có người chịu hiểu và trân quý bạn mà thôi!


        Thanh xuân ngắn ngủi nên đừng lãng phí nó, hi vọng chúng ta có thể khiến bản thân trở thành phiên bản hoàn hảo nhất mà mình mong muốn, sống một cuộc đời được là chính mình, được phô bày cá tính riêng của mình, được làm một cá thể khác biệt giữa đời…                   


        Tác Giả: Lê Thị Thanh Nhã, Học sinh                                          

        Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: [https://www.facebook.com/thanhnha.or.xu]

        --------------------------------

        Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link:

         (*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

        ----------------------------

        Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

        3,879 lượt xem, 3,792 người xem - 4068 điểm