Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Vấn Đề, Giải Quyết Vấn Đề Và Doraemon

Trong cuộc sống hiện đại, có vẻ như xung quanh ta đâu đâu cũng là vấn đề: ô nhiễm, dịch bệnh, chiến tranh,… cho đến những vấn đề cá nhân như: thất nghiệp, bệnh tật, chia ly, … Từ “vấn đề” trở thành một từ ngữ phổ biến dùng cho hầu hết những thay đổi dù là nhỏ nhất trong cuộc sống. Chúng ta luôn khao khát được giải quyết vấn đề. Vậy có bao giờ chúng ta tự hỏi: Ý nghĩa của từ “vấn đề” mà ta hay dùng hằng ngày thật sự là gì? Tôi không phải là một nhà triết học nên sẽ không đưa ra được một lý giải nào đó ví dụ như: từ đâu vấn đề được sinh ra và cách nào làm cho nó mất đi? Tôi cũng không phải một nhà ngôn ngữ để có thể đưa ra bất kỳ một định nghĩa nào đó có thể khái quát đầy đủ ý nghĩa của thuật ngữ “vấn đề”. Tôi càng không phải là một nhà tâm lý học để mà đưa ra những lời khuyên hay bất kỳ cách giải quyết cho cuộc đời ai. Tôi là người và điều duy nhất tôi có thể làm để tìm hiểu và giải quyết vấn đề là sống và trải nghiệm trong cuộc đời mình. Tôi nghĩ vui thế này “Nếu mỗi cá nhân đều có thể hiểu rồi tự giải quyết cái gọi là vấn đề trong chính đời sống của mình thì chắc hẳn hai chữ vấn đề sẽ không còn tồn tại’. Nên tôi sẽ bắt đầu từ chính mình, từ một trong những vấn đề lớn nhất khiến tôi luôn đau đầu

Tôi là một người “Bạch Tạng” – có thể hiểu đơn giản là da, tóc tôi màu trắng và tôi có thị lực vào khoảng 1/10. Tôi có những khiếm khuyết và thiệt thòi nhất định so với người bình thường. Vậy là tôi và những người xung quanh gọi những khác biệt và thiệt thòi đó là “vấn đề”. Theo lẽ thường, ta sẽ cùng nhau đi tìm cách giải quyết nhĩ? Và kết quả, do bạch tạng là một vấn đề di truyền nên “những thiệt thòi đó” sẽ không thể tìm ra cách giải quyết. Vậy là tôi đau khổ - tôi đau khổ không phải vì bản thân “bệnh bạch tạng” bằng chứng là lúc 2-3 tuổi tôi cũng biết mình bạch tạng và tôi chẳng đau khổ gì. Hình như có gì đó khác ở đây, giữa lúc 3 tuổi với hiện tại? Tôi dần có câu trả lời cho mình, tôi đau khổ vì sự thiệt thòi, khác biệt của bệnh bạch tạng gây ra chứ không phải vì tôi là người bạch tạng. Hồi 2-3 tuổi, tôi không đủ ý thức để hiểu những thiệt thòi và khác biệt đó. Tiếp tục theo lẽ thường, ta sẽ cùng nhau đi tìm cách giải quyết sự thiệt thòi và khác biệt? Tôi sẽ cố gắng hơn nữa để bản thân thoát khỏi sự thiệt thòi và khác biệt đó. Có thể, tôi sẽ cố gắng học giỏi, kiếm tiền thật nhiều để mọi người không còn chú ý đến những thiệt thòi khác biệt của tôi nữa. OK. Ta cũng tưởng tượng xíu nha “Tôi đã học giỏi rồi kiếm được việc làm và kiếm được rất nhiều tiền. Lúc đó mọi người sẽ không chú ý tới sự thiệt thòi và khác biệt của tôi nữa. Rồi. ….” Có gì sai sai ở đây. Ngay trong viễn cảnh mà tôi hình dung ra hình như đã có sự xuất hiện của từ “thiệt thòi và khác biệt” mà tôi muốn quên, muốn không chú ý nữa? Và mọi người đã thật sự không còn chú ý đến điều đó nữa. Vậy sao nó vẫn tồn tại nhĩ? Hình như là tôi càng muốn giải quyết cái được gọi là thiệt thòi và khác biệt của mình tôi lại càng chú tâm vào nó và bị nó dắt muĩ. Mọi người có thể quên nhưng tôi không thể quên vì đó là tôi và đó cũng là sự thật. Quên làm sao được khi mục đích ban đầu là hướng đến việc giải quyết nó. Ôi trời. Và cách giải quyết vấn đề “bạch tạng” của tôi cũng có đôi phần tương đồng với cách ai đó giải quyết việc họ sinh ra: nghèo, xấu hoặc có phần khiếm khuyết nào đó? Tôi bắt đầu rút ra bài học cho mình, vấn đề sẽ không bao giờ được giải quyết thông qua việc giải quyết vấn đề. Vì ngay từ đầu trong mệnh đề đó đã có sự tồn tại của tận hai chữ “vấn đề”.

Tôi đã rút ra bài học là “vấn đề sẽ không bao giờ được giải quyết thông qua việc giải quyết vấn đề” nên lần này tôi sẽ thử làm theo một hướng khác lẽ thường.  Nguyên nhân sâu xa của lần thất bại trước là do trong mệnh đề có tận hai chữ vấn đề. Lần này tôi sẽ đổi “sự thiệt thòi và khác biệt” cái mà tôi gọi là vấn đề thành một từ gì đó mới hơn. Như thế sẽ giúp tôi tránh được việc xuất hiện từ “vấn đề” trong câu. Nói ngoài lề xíu, đôi khi tôi nhìn vào gương và thấy ôi mình thật thông minh khi nghĩ ra cách này. Suy nghĩ thử và rồi tôi chọn từ “Doremon”  thay cho từ “vấn đề. Lý do ư? Đơn giản là vì tôi thích xem hoạt hình Doremon thì tôi chọn.  Vậy mệnh đề ban đầu mà tôi muốn giải quyết:

“Tôi là một người “Bạch Tạng” – có thể hiểu đơn giản là da, tóc tôi màu trắng và tôi có thị lực vào khoảng 1/10. Tôi có những khiếm khuyết và thiệt thòi nhất định so với người bình thường.”

GIờ sẽ là:

“Tôi là một người “Bạch Tạng” – có thể hiểu đơn giản là da, tóc tôi màu trắng và tôi có thị lực vào khoảng 1/10. Tôi có những “Doremon” nhất định so với người bình thường”.

Tới đây tôi nhận ra một sự thật. “Tôi có những “Doremon” nhất định so với người bình thường” là sao? Tôi cũng không biết là sao. Và cũng sẽ không ai còn hứng thú để giải quyết Doremon nữa. Vì bản thân Doremon có gì cần giải quyết chứ? Nó là Doremon và chỉ thé thôi. Chẳng ai xem Doremon là thứ cần giải quyết nên cũng sẽ chẳng ai đau khổ vì muốn giải quyết Doremon để rồi càng chú tâm vào Doremon. Bản thân Doremon là Doremon và thực là như thế. Không ai có kết luận gì hay so sánh gì với ai về Doremon.

Và đó chỉ là sự khởi đầu. Khi chúng ta không thấy cần giải quyết Doremon. Chúng ta bắt đầu có thể cho phép mệnh đề đầu tiên “Tôi là một người “Bạch Tạng” – có thể hiểu đơn giản là da, tóc tôi màu trắng và tôi có thị lực vào khoảng 1/10” được hiểu theo nhiều cách hiểu khác nhau. Và sau đây là vài cách hiểu khác của tôi.

Tôi là một người “Bạch Tạng” –  có thể hiểu đơn giản là da, tóc tôi màu trắng và tôi có thị lực vào khoảng 1/10. Tôi có vài Doremon so với người khác và cũng có vài thứ đặc biệt hơn họ. Tôi nghĩ mình có thể phát huy nó (Không bị cuốn vào giải quyết Doremon)

Tôi là một người “Bạch Tạng” – có thể hiểu đơn giản là da, tóc tôi màu trắng và tôi có thị lực vào khoảng 1/10. Tôi cũng có vài Doremon so với người khác. Nhưng đổi lại khi lên sân khấu tôi chả cần nói gì mà khan giả vẫn rất ấn tượng về làn da và mái tóc của tôi. Cũng hay đâu phải ai cũng được. (Nhìn Doremon như một từ bình thường không đánh giá không so sánh để cho mình có nhiều cách hiểu và hướng hiểu khác đôi lúc tận dụng cả Doremon).

….

Tới đây vấn đề không còn như xưa nữa. Nó vẫn ở đó nhưng nó được trả lại như cách mà nó vốn là. Không cần ai giải quyết cũng chẳng cần ai phải phân tích, đánh giá, so sánh hay nhấn mạnh. Nó là nó và chỉ thế thôi.

Đó là quá trình tôi đi tìm cách giải quyết vấn đề của mình hay bất cứ thứ gì mà tôi gọi là vấn đề. Để rồi tôi chọn ra một cách giải quyết là… Uả có gì cần giải quyết nửa hả?. Khuyến cáo là hên xui nha. Thân ai nấy lo. Nó đúng với tôi chứ chả đảm bảo là đúng với người khác.

Chúc các bạn may mắn.


Tác giả: Thiên Hy

Kết bạn và theo dõi Facebook của tác giả tại link:  https://www.facebook.com/thachtranbachlong1997

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.



----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

365 lượt xem, 360 người xem - 367 điểm