Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Vì Sao Bạn Ghét Người Khác Không Lý Do?

 


Đã bao giờ bạn rơi vào trường hợp có những người chẳng làm gì ảnh hưởng đến bạn nhưng lại khiến bạn cảm thấy không thoải mái, thậm chí là ghét bỏ trong lòng? 

Bạn có thể mở lòng với nhiều người khác, nhưng với một số người chẳng làm gì, chẳng động chạm với bạn thì bạn lại dè chừng và đóng cửa.

Dù cho họ có cố gắng ghi điểm với bạn, thế nhưng bạn cũng cảm thấy không thể cải thiện việc bạn không thích họ, thậm chí còn nghi ngờ lòng tốt của họ. Nhiều người hay nói đơn giản ghét là ghét thôi. Thực chất có phải như vậy hay vì lí do gì khác?

Hãy cùng tìm hiểu nhé.

Ấn tượng đầu dễ gây cảm giác sai về đối tượng

Chị đồng nghiệp của tôi luôn không thích em nhân viên mới ngay từ lần đầu ra mắt công ty. Tuy là người mới nhưng em rất hòa đồng và làm được việc vậy mà không hiểu sao chị lại cảm giác không ưa em ấy. Tôi có hỏi thì chị chỉ giải thích rằng: “Chỉ mới nhìn qua đã thấy không thích, chỉ là chị không thích thôi”. 

Nhưng theo tôi thì nguyên nhân chính là ấn tượng đầu của em đồng nghiệp kia đã lệch khỏi quỹ đạo yêu thích của chị. Cũng có thể do cách ăn mặc ngày đầu làm việc của em không hợp văn hóa công ty, cách nói chuyện của em không hợp với guu của chị… thế rồi cái cảm giác này cứ kéo dài mãi về sau mặc dù hai bên cũng cố hòa nhập với nhau. Qua đôi ba lần tiếp cận chị đã dành cái nhìn thiển cận với đối phương.

 Ấn tượng ban đầu chỉ thu được bằng mắt và là chất xúc tác cho cảm giác để nhận định vấn đề. Có rất nhiều người, chỉ vì ấn tượng đầu tiên cảm thấy không tốt đã ngay lập tức “đóng cửa” mối quan hệ nhằm tránh những mệt mỏi và rắc rối không mong muốn có thể xảy ra ở tương lai.  Điều đó cũng dễ hiểu khi họ thậm chí chẳng có cơ hội tổn hại đến bạn nhưng vẫn bị không thích bởi lẽ họ đã bị bạn đóng cửa, xây rào ngay ở lần đầu gặp mặt rồi.


Thế mới thấy, ấn tượng đầu tiên rất quan trọng, nó quyết định lớn trong việc duy trì mối quan hệ với người khác. Nếu tỏ ra quá lố, không đúng với chính mình thì cũng rất dễ bị ghét bởi lẽ: “Người ta sẽ không tùy tiện theo đuổi những mối quan hệ thân thiết. Thường thì mọi người có xu hướng tìm đến những người sẵn sàng đáp lại lòng nhiệt thành của họ. Vì vậy, nếu người ta phát hiện ra có kẻ đang che giấu cảm xúc thật, họ có thể sẽ cho là người ấy không mặn mà gì với sự nhiệt tình của mình đã bỏ ra như hành động thân tình, khích lệ động viên và cả tình đoàn kết”.

Một mối đe dọa tiềm ẩn

Thực tế là bạn ghét ai đó chỉ vì người đó có thể trở thành mối đe dọa đến bạn.

Tôi có một đứa bạn tên An, nó luôn không thích đứa bạn trọ cùng tôi - Thùy Linh đi chơi cùng nhóm. Hỏi ra mới biết, không phải vì Thùy Linh không chơi cùng nhóm từ trước mà vì nó cảm thấy Thùy Linh quá xinh đẹp, lại còn chuẩn guu một người bạn nam trong nhóm mà nó thích. Nguy cơ nó bị “mất” crush rất cao khi có Thùy Linh xuất hiện.

Có rất nhiều người, người đó có thể không trực tiếp gây hại gì đến bạn nhưng bạn vẫn thấy có nguy cơ cao trong việc đe dọa bạn. Họ thành công trong công việc nguy cơ rất cao bạn sẽ mất chức, giảm lương. Họ được nhiều người yêu quý bạn sợ rằng họ sẽ cướp hết đi phần yêu quý người khác dành cho mình. Họ là người hay đi muộn, làm việc chậm tiến độ bạn sợ rằng thói quen này sẽ ảnh hưởng đến dự án của bạn khi phải hợp tác cùng. Họ quá khôn khéo trong công việc và các mối quan hệ bạn cảm giác rằng họ sống không thật, sống khôn lỏi và giả dối. Họ học giỏi hơn  bạn sợ rằng nguy cơ mình sẽ tuột mất vị trí top đầu.



Đó cũng là lý do bạn không thích họ, không thể hiện ra bên ngoài, nhưng sẽ để trong lòng giống như cái nguy cơ không hiện hữu kia. Hình ảnh của họ đôi khi lại chính là hình ảnh bạn ao ước được trở thành. Và sự thật ngược lại là, người bạn ghét và chối bỏ ở đây lại chính là hình ảnh của mình. Hơn thế, việc ghét ai đó trong trường hợp này cũng chứng minh bạn đang phần nào đó thiết lập cho mình cơ chế bảo vệ bằng việc đổ lỗi. 

Hoặc ngược lại như Hermann Hesse từng nói: “Nếu bạn căm ghét ai, bạn căm ghét một phần trong người đó giống một phần của mình. Điều không phải là một phần của ta không làm phiền ta”.

Thích cảm giác tàn nhẫn

Ghét người khác chỉ để thỏa mãn cảm giác tiêu cực của chính mình.

Hành vi của con người thường có mục đích tìm đến niềm vui hoặc ít nhất là tránh đau đớn. Có nhiều người, lại lấy việc ghét bỏ ai đó trở thành niềm vui của mình. Bởi lẽ việc ghét bỏ ai đó không chỉ để trong lòng mà họ thể hiện bên ngoài. Phải “lườm” đối phương một cái mới thấy vui. Phải tám chuyện sau lưng người đó mới thấy hả hê trong lòng, lại còn được tán hưởng. Phải nói những lời khó chịu với người đó thì mới đã miệng. Họ chọn đóng vai ác để khẳng định cái tôi của mình, chẳng cần biết đối phương đã làm gì mình chưa. Lúc này người ghét là con sư tử và người bị ghét chính là con cừu. Dĩ nhiên là làm gì có con sư tử nào lại đi yêu một con cừu đâu, sư tử chỉ thích giày vò còn cừu cho đến khi miếng thịt cừu chui vào miệng mới thôi.


Không thể thích thêm vì không chịu mở lòng

Có yêu thì có ghét. Có tổn thương thì cũng có ghét. Nhiều người sợ tiếp nhận những thứ mới mẻ bởi lẽ họ sợ rằng những thứ mới lạ kia sẽ giống những vụn vỡ trong lòng của họ trước kia, sẽ tổn thương đến họ. Cách duy nhất để bản thân không tổn thương đó là đóng chặt lòng mình lại, không để ai tiếp cận. Để làm được điều đó, đầu tiên thứ cần nhất chính là sự đề phòng. Họ đề phòng tất cả những người mới, những gì mới lạ. Vì vậy sẽ chẳng lạ gì khi ai đó mới xuất hiện sẽ được đưa ngay vào trong danh sách - những người tôi không thích. 


Họ cũng biết việc mình ghét bỏ ai đó trong khi họ chưa làm gì mình như vậy là không đúng, là nhỏ nhen, là ích kỷ. Thế nhưng, họ sẽ chẳng chịu thay đổi. Việc họ thừa nhận mình sai, mình nhỏ nhen ích kỷ chỉ xuất hiện ở trong một góc nào đó trong tâm trí mà thôi. Còn việc mở lòng mình ra, bao dung và vị tha thành hành động với họ rất khó. Thà không làm thì hơn. 

Có một hiện tượng tâm lý mà các chuyên gia gọi là “xu hướng yêu thích qua lại”: Khi chúng ta nghĩ ai đó thích mình, chúng ta có xu hướng thích lại họ. 

Trong trường hợp với những người không chịu mở lòng cũng vậy. Bản thân họ không mở lòng chỉ nghĩ rằng ai đó không thích mình, họ cũng có xu hướng không thích họ. 

Bạn nhận lại được gì khi không thích ai đó không lý do như vậy?

Sự nghi ngờ bản thân. Bạn không thích ai đó bởi họ là mối đe dọa ngầm của bạn, chính bạn đang nghi ngờ về năng lực bản thân mình, giá trị bản thân của mình. Đôi khi sự nghi ngờ đó sẽ khiến bạn mất tự tin và mất đi cơ hội đánh giá khách quan về người khác.

Tính cách méo mó. Khi bạn ghét một ai đó và bạn có thể bắt đầu làm những điều vô lý.  Bạn sẽ chẳng thể đưa ra những quyết định đúng đắn. Lâu dần hành vi thể hiện sự ghét đó ăn sâu vào trong tính cách của bạn, khiến bạn trở nên không còn là chính mình.  Giống như một nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King từng nói: “Bạn không nhìn rõ nữa khi bạn ghét, bạn không đi thẳng được nữa khi bạn ghét. Bạn không đứng thẳng được, cái nhìn của bạn bị méo mó. Không có gì bi kịch hơn là chứng kiến một con người với trái tim đầy căm ghét. Anh ta trở thành một con bệnh”.

Lạc mất hạnh phúc. Việc không thích ai đó sẽ khiến bạn tốn khá nhiều tâm trí để để ý đến họ, tâm trạng bạn sẽ cuốn theo người bạn không thích. Như vậy, chính cuộc sống của bạn bị ảnh hưởng, bị xáo trộn. Lâu dần, bạn sẽ lạc mất niềm vui, thậm chí là hạnh phúc của chính mình. 


 


Tác Giả: Anh Nguyen
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/anhnguyenna16
--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

9,656 lượt xem, 7,258 người xem - 7258 điểm