Hồ Nguyễn Thảo Nguyên@Triết Học Tuổi Trẻ
4 năm trước
“Victim - Blaming” - Những Kẻ Tự Cho Mình Quyền Phán Xét
“Victim-blaming is a devaluing act that occurs
when the victim(s) of a crime or an accident is held responsible — in whole or in
part — for the crimes that have been committed
against them”
Victim-blaming là hành vi quy trách nhiệm về nạn nhân
thay vì thủ phạm khi một tội ác diễn ra, ví dụ như hành hung hoặc cưỡng bức.
Lúc này, thủ phạm hoặc những người xung quanh sẽ đổ lỗi cho nạn nhân bằng cách
cho rằng họ đã có hành động, lời nói hoặc cách ăn mặc gây kích động bạo lực.
Đơn giản hơn nhé! Một ví dụ thường xuyên diễn ra trong
đời sống hằng ngày của chúng ta: Trong khu phố xuất hiện nhiều thanh niên
chuyên chọc ghẹo, xàm sỡ các cô gái trẻ và nghiêm trọng hơn, đã xảy ra một vụ
hiếp dâm. Nạn nhân là một cô gái tầm 23 tuổi, xinh đẹp. Cô là một nhân viên văn
phòng chăm chỉ làm việc vào ban ngày, có nhiều bạn bè nên thường xuyên hẹn nhau
đi ăn uống sau khi tan làm. Thật không may, vào một buổi tối, trong con hẻm
vắng dẫn vào nhà cô, cô bị cưỡng hiếp bởi 1 người thanh niên lạ mặt. Ngay sau đó,
cô lập tức báo cảnh sát và vụ án được điều tra. Tuy nhiên, không chỉ đang sợ
hãi và đau khổ vì những chuyện đã xảy ra, cô còn phải đối mặt với sự chửi rủa
và nghi hoặc của những người khác, khi họ trách cô rằng “Tại sao lại đi chơi về
muộn như vậy?”, “Ai bảo mặc váy ngắn như thế?”, “Không phải cố tình để gây sự
chú ý với lũ con trai sao?”... Và mặc nhiên, họ cho rằng cô đáng bị như vậy.
Ắt hẳn ta đã nghe rất nhiều về những câu chuyện như trên.
Thật ra có nhiều người còn nói những câu đáng sợ và gây tổn thương đến họ hơn
rất nhiều. Và thử hỏi chính bản thân ta, khi gặp một sự việc như vậy, liệu ngay
từ trong nhận thức của mình, ta có nhen nhóm một vài suy nghĩ độc ác chưa?
1. Victim-blaming
xuất hiện trong đời sống chúng ta như thế nào?
Victim-blaming được
cho là xuất hiện vào những năm của thập niên 70, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho
rằng nó đã xuất hiện từ thuở lịch sử con người được thành lập, nên hành vi này
tôi tin rằng nó đã xuất hiện khá thường xuyên, kể cả trong những tình huống nhỏ
nhất ở đời sống mỗi người.
Gần đây, có thể kể đến
một sự việc đau lòng khi đài báo đưa tin một người Việt Nam đang làm việc tại
Nhật Bản đã bị một người đàn ông sát hại tại khu
vực đi bộ ven sông cầu Ebisu – một địa điểm nổi tiếng nhiều khách du lịch tại
Osaka. Chúng ta tạm bỏ qua việc lên án sự vô tâm của những người chứng kiến khi
vụ việc bị diễn ra ngay trước nhiều người, thì đâu đó trên mạng xã hội, khi người
ta nói đến nguyên nhân của vụ sát hại này, ngoài sự cảm thương sâu sắc cho người
con xa xứ không may thiệt mạng, vẫn còn những lời nói cay nghiệt cho rằng nạn
nhân bị như vậy là do tự ý gây mâu thuẫn, do ồn ào dẫn đến sự khó chịu của hung
thủ. Tất nhiên đến lúc này, khi hung thủ chưa đưa ra lời thú tội nào, chúng ta
chưa thể biết được nguyên nhân là do đâu. Nhưng cũng vì chưa biết được rõ ràng
sự tình như thế nào, chúng ta cũng không có quyền đưa ra một lời kết luận nào cả.
Huống gì đây còn là lời kết luận làm mọi người nghĩ rằng đây là lỗi của nạn
nhân. Nếu những lời bình luận này đến tai người nhà của chàng trai mới tròn 20
tuổi ấy, khi mà họ đọc được, chẳng phải sẽ đau lòng lắm sao?
Hành vi victim-blaming thật ra được nhìn thấy rõ nhất ở các vụ quấy rối tình dục và hiếp dâm. Số lượng các vụ án cưỡng bức, hiếp dâm ở nước ta đang tăng các năm gần đây, khủng khiếp hơn còn xảy ra ở trẻ em và trẻ vị thành niên. Nó xảy ra ở những nơi ta không ngờ tới, khi cả nạn nhân và kẻ thủ ác lại là chính những người xung quanh và thân cận với mình. Nhưng có một điều giật mình là khi sự việc bị phát giác, có khá nhiều người với sự bình luận của mình cho rằng nguyên nhân ắt hẳn có đến từ nạn nhân, qua cách ăn mặc, lối sống, cách nói chuyện hằng ngày. Tôi đã từng nghe một vụ thầy giáo hiếp dâm một em học sinh cấp 2 ngay tại nơi mình sinh sống, nhưng điều đầu tiên tôi thấy được là họ xì xào về tính cách của em gái đó. Họ cho rằng vì mới là học sinh nhưng đã học cách làm điệu, hay đi chơi khuya và có mối quan hệ đặc biệt với “vị” thầy giáo kia nên mới xảy ra chuyện này. Tuyệt nhiên tôi không nghe thấy nhiều lời than trách “vị” thầy giáo kia, vì đối với họ ông ấy là một người thầy còn trẻ, tốt tính và hay giúp đỡ học sinh của mình. Nhưng hình như họ quên rằng, tội ác là tội ác. Tại sao không trách người thầy kia không làm chủ được mình mà gây ra tội ác như vậy? Tại sao không nghĩ rằng chuyện này sẽ gắn liền với cuộc đời cô bé và in hằn trong tâm trí của nó, khi mà em mới mười mấy tuổi – lứa tuổi còn chưa trưởng thành và còn hỗn loạn trong suy nghĩ của mình.
2. Victim-blaming
độc hại như thế nào?
Gây nên nỗi
sợ khi báo cáo tội phạm:
Trong môi trường công
sở, có lẽ là môi trường trong sáng và chỉ tồn tại công việc, nhưng hằng ngày vẫn
có vô vàn vụ quấy rối diễn ra ở cả nữ và nam, mà đa số các nạn nhân đều không
trình báo. Lý do mà dễ nhận thấy nhất đó là khi vụ việc được nhiều người biết,
chắc chắn sẽ có sự xì xào bàn tán từ những người xung quanh. Như tôi đã phân
tích từ trên, họ sẽ lấy độ dài váy của bạn, cách trang điểm của bạn, cái nhìn của
bạn ra để làm nguyên nhân, chứ không phải là hành động vô văn hóa của kẻ quấy rối.
Từ đó, nạn nhân sẽ thấy nỗi sợ này còn lớn hơn là sự quấy rối kia và ít có khả
năng sẽ báo cáo lên các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền.
Nó không
ngăn chặn tội ác diễn ra, nó chỉ tăng thêm những tội ác khác:
Và kết quả thứ cấp của
việc lo ngại báo án sẽ khiến người phạm tội có khả năng phạm tội tiếp, vì sự yếu
đuối, sợ hãi và không có khả năng kháng cự của nạn nhân. Năm 2019, Hiệu trưởng một Trường Phổ thông dân tộc nội trú ở
Phú Thọ đã bị tuyên án 8 năm tù vì tội dâm ô 9 em học sinh nam của mình. Đáng
nói là khi phát hiện, thủ phạm khai rằng đã thực hiện hành vi này rất nhiều lần,
vì chính sự sợ hãi của các em mà ông ta vẫn có thể gây tội mà không sợ ai phát
hiện.
Gây tâm lí
xấu hổ cho nạn nhân, ngăn cản họ tiếp tục sống tốt và quên đi quá khứ:
Nếu may mắn các vụ việc được đưa ra ánh sáng
và thủ phạm được xét xử, thì ngoài những đau đớn và tổn thương mà nạn nhân nhận
từ tên thủ ác, thì họ còn phải lo lắng rất nhiều về “miệng đời”. Mạng xã hội dần
dần đang trở thành một xã hội thực chứ không còn ảo đối với chúng ta. Khi được
tự do ngôn luận trên đó, bỗng dưng mỗi người tự cho mình trở thành “tòa án” cho
mỗi sự việc. Đã có rất nhiều vụ tự tử ngay sau khi vụ án đó được nhiều người biết
đến, khi mà họ không chịu nổi sự phán xét và đổ lỗi của mọi người. Người đang bị
tổn thương nhưng lại bị cho rằng mình đáng bị như vậy, đau đớn đến nhường nào!
3. Victim-blaming
từ đâu mà ra?
Thế giới là một nơi an toàn và công bằng - rất nhiều người vô hình tin vào việc chỉ những người xấu mới bị trừng phạt. Vì vậy khi một tội ác diễn ra, người ta hay nghĩ rằng phải có lí do gì đó mới bị vậy; nạn nhân đáng bị vậy. Từ đó tâm lý “tự bảo vệ mình” hình thành, họ cho rằng nếu không làm như nạn nhân thì sẽ không bị như vậy. Dần dần nó sẽ trở thành lối sống, quan niệm của một số bộ phận trong xã hội. Vì vậy đa số bố mẹ chỉ dạy cho con gái cách để bảo vệ mình mà không dạy cho con trai của họ không được làm tổn thương người khác, và ngược lại. Bên cạnh đó, nhiều người tự cho mình có đặc quyền phán xét và áp đặt lên người khác, cụ thể là nạn nhân. Chính việc này khiến bản thân họ thỏa mãn, vì nó như một quyền lực vô hình và vô hạn.
Không có nguyên nhân nào khác gây ra các tội ác ngoài chính thủ phạm. Ngừng đặt câu hỏi và tự phán xét nạn nhân, họ không có lỗi. Bất cứ ai cũng đều có quyền được an toàn và được bảo vệ, không có ai phải đáng bị nhận những hành vi độc ác từ người khác. Trước khi chúng ta nói một điều gì, hãy xem xét lại liệu lời nói của ta có trở thành một con dao đang làm tổn hại đến một cá nhân nào không. Lời nói là của bạn, hãy biết cách dùng nó như thế nào!
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
547 lượt xem, 490 người xem - 492 điểm