Fullsun@Triết Học Tuổi Trẻ
5 năm trước
Victim Blaming - Vì Sao Nạn Nhân Lại Là Người Bị Chỉ Trích?
Hành vi đổ lỗi nạn nhân (victim blaming) diễn ra khi nạn nhân bị buộc tội, chịu trách nhiệm một phần hoặc hoàn toàn cho một hành vi sai trái xảy ra nhằm vào họ. Hành vi đổ lỗi độc hại này núp sau những ngôn từ đẹp đẽ như “góp ý”, “ý kiến”, tấn công tiêu cực đến nạn nhân. Vết thương cũ chưa lành, các nạn nhân còn phải chịu đựng thêm nhiều cuộc “tấn công” từ một tập thể thích đổ vấy nhưng lại cho rằng bản thân “công bằng và lý trí”
Vì sao mọi người lại trách nạn nhân?
Có nhiều lý do giải thích cho hành vi này, phần lớn nguyên nhân bắt nguồn từ những nhận thức sai lầm về nạn nhân, tội phạm và động cơ của hình vi phạm tội. Nạn nhân thậm chí đôi lúc còn bị cho rằng là những người "cố tình" tạo điều kiện cho người khác xâm hại như ăn mặc hở hang, đi một mình vào ban đêm, tán tỉnh người khác,... và tội phạm thì lại được cho rằng là bị hấp dẫn bởi những hành vi "cố tình" của nạn nhân, không thể kiểm soát được bản thân, dẫn để những hành vi phạm tội. Những nguyên nhân phổ biến nhất của hành vi đổ lỗi nạn nhân thường được gói gọn trong ba lý thuyết: Just World, Attribution Error, Invulnerability
Just world - Luật nhân quả hay định kiến xấu xa?
“Nếu muốn ăn quả ngọt, chúng ta phải gieo hạt mầm tốt”
Thuyết Just World dựa trên niềm tin của mỗi người rằng vận mệnh của mỗi người là do chính người đó tạo ra. Người tốt sẽ nhận được điềm lành và ngược lại, kẻ xấu sẽ phải bị trừng phạt. Những người theo đuổi thuyết Just World tin rằng điều tốt sẽ xảy ra với người tốt và điều xấu sẽ xảy ra với kẻ xấu, vì vậy, đối với họ, những hành vi xâm hại nói riêng và các hành vi phạm tội nói chung xảy ra là lỗi của nạn nhân, không phải của kẻ phạm tội. Theo cách nghĩ này, thuyết Just World tin rằng không có những người vô tội hay nạn nhân mà chỉ là những người phải gánh chịu những số phận, những trách nhiệm mà họ xứng đáng phải nhận, kể cả cho đó là những "số phận" tồi tệ nhất.
Những người tin vào thuyết Just World tin rằng những khó khăn chỉ là một phần tất yếu được tạo nên từ những nỗi đau mà mọi người phải gánh chịu và trong trường hợp những khó khăn chưa đến mức nghiêm trọng, thuyết Just World cho rằng đó chỉ là những tai nạn và mọi người phải chấp nhận điều đó. Tuy nhiên, số lượng trường hợp các hành vi cưỡng bức, tấn công nạn nhân ngày càng tăng, những người này bắt đầu lo sợ điều này sẽ xảy ra với mình. Do đó, để trấn an bản thân, họ bắt đầu đổ lỗi cho nạn nhân rằng họ phải gánh chịu những đau khổ đó vì họ xứng đáng, vì đó là số phận của họ
Liệu chỉ cần hạt giống tốt sẽ có được quả ngọt để ăn?
Attribution Error - Khi đổ lỗi và né tránh lại được mang tên “góp ý” và “nói lên sự thật”
Theo Kelly và Heider, có hai yếu tố chính quyết định đến hành vi của con người, bao gồm yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài. Khi hành vi con người được quyết định bởi chính tính cách, con người họ thì được gọi là internal attribution (tạm dịch: sự quy kết bên trong). Ngược lại, khi hoàn cảnh, môi trường là nhân tố quyết định quyết định đến hành vi con người thì được gọi là external attribution (tạm dịch: sự quy kết bên ngoài)
Attribution error (tạm dịch: sự quy kết sai lầm) diễn ra khi mọi người quá nhấn mạnh, coi trọng sự ảnh hưởng của yếu tố bên trong mà bỏ qua yếu tố bên ngoài, chính điều này đã dẫn đến victim blaming. Ví dụ trong trường hợp nạn nhân bị cưỡng bức, thay vì xét đến các yếu tố bên ngoài như khu vực an ninh kém, tội phạm xem thường pháp luật, nạn nhân phải đi làm về khuya thì attribution error chỉ tập trung nguyên nhân về phía nạn nhân như ngoại hình, tính cách. Mọi người luôn cho rằng những tên tội phạm hiếp dâm thường ăn mặc xuề xòa, mập béo và không bao giờ nghĩ rằng những người trông hiền lành, nghiêm túc với chiếc kính và lối ăn mặc gọn gàng sẽ thực hiện bất kỳ một hành vi phạm tội nào.
Invulnerability Theory - Khi sức mạnh của niềm tin được tạo nên từ nước mắt và nỗi sợ hãi của nạn nhân
Invulnerability Theory (tạm dịch: thuyết bất khả xâm phạm) cho rằng những người theo đuổi niềm tin này sẽ đổ lỗi cho nạn nhân để bản thân có cảm giác an toàn hơn, để bảo vệ cho sự bất khả xâm phạm của họ. Invulnerability Theory cho rằng nạn nhân là những người nhắc lại cho họ, những người tin vào thuyết này, về sự tổn thương của chính mình và họ không muốn điều đó, họ không muốn suy nghĩ về cảm giác mất kiểm soát bản thân nên họ tìm cách đổ lỗi cho nạn nhân. Invulnerability Theory tin rằng nạn nhân tự khiến họ bị tấn công bởi tội phạm, nạn nhân không ý thức được nguy hiểm hay không cảnh giác được nguy hiểm đang đến gần, dẫn đến họ bị tấn công. "Con đó bị cưỡng bức do đi đêm một mình thôi, tao chả bao giờ đi đêm một mình như vậy nên chắc chắn tao không bao giờ bị cưỡng bức" trở thành những lời nhắc nhở để tạo cảm giác an toàn cho bản thân. Họ mang một niềm tin rằng miễn là họ không làm giống những gì nạn nhân đã làm, họ sẽ được an toàn. Một niềm tin mãnh liệt được tạo nên từ nước mắt và nỗi sợ hãi của các nạn nhân.
Và những nạn nhân, từ hi vọng muốn được ánh sáng công lý che chở, lại dần dần lui về bóng tối im lặng vì những tội lỗi không thuộc về mình…
Việc đổ lỗi nạn nhân có những ảnh hưởng tiêu cực, nghiêm trọng đến những nạn nhân vô tội khi họ phải chịu trách nhiệm cho chính những tội ác gây ra bởi kẻ khác lên chính họ. Victim blaming gây ra mất niềm tin của nạn nhân vào xã hội, vào những người xung quanh, khiến họ có khả năng cao sẽ bị tiếp tục xâm hại trong tương lai. Những người đã trải qua victim blaming sẽ phải gánh chịu những nỗi đau khiến họ không còn muốn tố cáo những trường hợp bị xâm hại trong tương lai, thay vào đó họ sẽ cắn răng chịu đựng vì họ không muốn tiếp tục cảm giác victim blaming trong tương lai.
Victim blaming không chỉ khiến cho nạn nhân mất niềm tin vào những người xung quanh, không còn muốn tiếp tục tố cáo thủ phạm khi bản thân bị xâm phạm, mà còn khiến nạn nhân mất động lực trong việc giúp đỡ, hỗ trợ những nạn nhân khác khi họ bị xâm hại, bảo gồm cả về mặt luật pháp như làm nhân chứng hay về mặt tinh thần.
Nhắc nhở bản thân rằng bạn là nạn nhân, bạn không có lỗi
Victim blaming có thể đến từ xã hội, gia đình, bạn bè hay thậm chỉ là bản thân, tuy nhiên, bạn cần phải hiểu rằng bạn là nạn nhân, đó không phải là lỗi của bạn khi đi vào con đường đó hay đó không phải là lỗi của bạn khi mặc chiếc váy ngắn hôm đó. Đó là lỗi của tên tội phạm và bạn không thể kiểm soát hay chịu trách nhiệm cho hành vi của hắn.
Đối mặt với cảm xúc tiêu cực của chính mình
Đây cũng chính là cách duy nhất để chấp nhận, buông bỏ và tiếng lên phía trước. Hãy thừa nhận và lắng nghe những cảm xúc tiêu cực của bản thân. Nhắm mắt và để cảm xúc chảy trong bản thân, hãy tin rằng những cảm xúc ấy không thể kiểm soát được bạn và hãy buông bỏ nó, để nó chảy ra khỏi cơ thể một cách tự nhiên nhất.
Cắt liên lạc tạm thời với những kẻ đổ lỗi, gây tiêu cực đến cảm xúc của bản thân
Sẽ có những người không tin bạn, liên tục đổ lỗi cho bạn hoặc tệ hơn, xem nhẹ việc bạn bị xâm hại hay những chuyện tồi tệ bạn đã trải qua, hãy tránh xa những thứ tiêu cực và độc hại đó ra xa. Điều này sẽ tốt hơn cho tâm trạng, cảm xúc của bản thân, đặc biệt là trong quá trình phục hồi tâm trạng cũng như tâm lý của bản thân
Tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia, bác sĩ tâm lý
Gặp và nói chuyện với những người am hiểu về vấn đề này không chỉ giúp bản thân giải tỏa căng thẳng mà không bị đánh giá mà còn giúp bản thân hiểu rõ phải làm gì để thoát khỏi tình trạng hiện tại. Đặc biệt còn phát hiện, ngăn chặn các dấu hiệu của bệnh trầm cảm hay tự làm hại bản thân trong tương lai.
Việc xã hội thay đổi là một vấn đề lớn, và một vấn đề lớn luôn cần một thời gian dài để trả lời. Đừng mong hay chờ sự thay đổi đến từ xã hội hay kể cả môi trường xung quanh bạn. Vì người chịu thiệt thòi vẫn luôn là các bạn. Chính vì thế các bạn cần chủ động bảo vệ bản thân nhiều hơn, nếu không sẽ tự có lỗi với chính mình.
Tác Giả: Fullsun
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 11 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
1,067 lượt xem, 952 người xem - 952 điểm