Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Việc Dũng Cảm Để Tổn Thương Thay Đổi Cách Chúng Ta Sống, Yêu Thương Và Dạy Dỗ Con Cái Như Thế Nào?

"Mình không đủ tốt...không đủ giỏi...không đủ giàu...."

"Vậy mình đủ cái gì?"

Chào mọi người,
Đây là bài đầu tiên của mình trên một trang mà việc viết đối với các tác giả *trông có vẻ* đơn giản như nhện bắn tơ hàng ngày vậy. 

Nhưng mình là một người nghiêm túc, nên trước khi thực sự mà đặt tay lên gõ mấy dòng này, mình đã search ở mọi nơi, đọc các bài viết hướng dẫn của các anh chị hướng dẫn làm sao để khiến bài viết của  mình chỉnh chu hơn. 

Và các link bài viết ngút ngàn hiện ra với đầy đủ các thông tin ít nhiều cũng thỏa được lòng tham của một đứa không từ mọi thủ đoạn để research như mình. Nhưng....
Cũng chính vì bị choáng ngợp bởi rất nhiều thứ, ở một nơi mênh mông mà ai cũng làm tốt hơn mình, mình lại gặp triệu chứng của "Nỗi sợ khởi đầu".

Như một câu tự cổ chí kim mà mọi người thường nghe "Vạn sự khởi đầu nan" hay "Bước đi đầu tiên suôn sẻ tức là hoàn thiện được 50% đoạn đường".
Đối với mình, First step bước đi vượt ra khỏi vùng an toàn của bản thân và chống chọi với suy nghĩ "Mình không đủ ..." chính là bước đi tốn nhiều sức lực nhất, không phải vì chuyện mình muốn làm là khó hay dễ, mà chính vì sự khó khăn trong quá trình đối chọi với suy nghĩ của bản thân về việc mình không nên bắt đầu.
Và mình chắc chắn rằng mình không phải là người duy nhất có cảm giác như vậy khi bắt đầu làm chuyện gì đó đòi hỏi sự thách thức. Cụm từ "mình không đủ...." chỉ cần vài ba giây là có thể điền hàng chục cụm từ vào dấu ... tùy vào hoàn cảnh của mỗi người:
"Mình không đủ giàu"
"Mình không đủ tài năng"
"Mình không đủ đẹp"
"Mình không đủ chuyên môn"
"Mình không đủ mối quan hệ"
"Mình không đủ kiên trì"
.....
Việc có những suy nghĩ như vậy không hoàn toàn lỗi của chúng ta. Chúng ta sinh trưởng trong một nền văn hóa dựa trên sự so sánh, từ đó làm nên một thế hệ luôn cảm thấy thiếu an toàn và luôn thấy không bao giờ là đủ. Vậy, sống trong đó như thế nào? 

Định nghĩa lại về sự tổn thương_Và việc dễ bị tổn thương.

Não bộ của chúng ta được lập trình để bảo vệ trạng thái quen thuộc mà chúng ta đang có.
Ngay từ khi khởi thủy cho đến lúc con người có các dấu hiệu đầu tiên của nền văn minh, não bộ chúng ta đã phát triển để tự động gửi các tín hiệu cảnh báo nếu chúng ta đi vào một vùng lãnh thổ mà ta chưa đặt chân tới bao giờ. Andrenaline được tiết ra để duy trì sự phấn khích và cảnh giác cao độ cùng một lúc, các tín hiệu về những điều chưa biết của lãnh địa mới được gửi đi liên tục với viễn cảnh tồi tệ nhất để chúng ta luôn cẩn thận trước những nguy hiểm có thể xảy ra, Nó chính là một phần của bản năng sinh tồn.
Đây là một cơ chế hai lưỡi, một phần nó bảo vệ chúng ta, và phần còn lại nó ngăn cản chúng ta khám phá, trải nghiệm và học hỏi. 
Và tại ranh giới này, Sự tổn thương xuất hiện, như một cầu nối để mình đi ra khỏi vùng an toàn của bản thân.
Đón nhận những khả năng tồi tệ nhất có thể xảy ra khi làm một điều gì mới mẻ và thừa nhận rằng mình có thể bị tổn thương, nhưng mình sẽ học cách dần chữa trị các vết thương đó, là con đường duy nhất để bạn can đảm dấn thân vào bất cứ điều gì bạn muốn làm trong đời.

Everything you want is on the other side of the fear
"Hãy thích ứng với nỗi đau, nên nhớ, việc chống lại việc bị tổn thương là không khả thi. Chừng nào chúng ta còn quan tâm đến việc kết nối, trải nghiệm và học hỏi; sự sợ hãi sẽ bị tổn thương sẽ luôn hiện hữu."

3 dạng khiên ngụy biện để chúng ta trì hoãn sự dấn thân

Sau khi chúng ta hiểu được cơ chế xuất hiện của sự tổn thương tại ranh giới của "vùng an toàn" và "vùng trải nghiệm mới", điều tiếp theo mà chúng ta nên biết, chính là những chiếc khiên mà nỗi sợ này tạo ra, để giữ chúng ta tạo vùng an toàn. Các dạng thức đó bao gồm:

Tấm khiên đầu tiên: Niềm vui ẩn chứa điềm gở
Brené Brown_tiến sĩ và giảng viên ĐH Houston đã thực hiện một khảo sát về trải nghiệm tổn thương của con người, và bà đã không ngờ rằng vui sướng lại là một phần của câu trả lời. Bà bị sốc khi nghe mọi người nói họ cảm thấy tổn thương nhất khi:
- Nhận ra mình yêu chồng/vợ mình biết bao nhiêu.
- Ngắm nhìn bố mẹ già chơi với những đứa con của mình.
- Khi thăng tiến trong sự nghiệp.
- Khi yêu một ai đó.
- Khi có con.
...
Đây chính là nỗi sợ khi tận hưởng một dạng thức của niềm vui và đồng thời lo sợ rằng chúng sẽ mất đi. Đây là một vòng xoáy nơi bạn nhận ra việc nhẹ nhàng đón nhận những khoảnh khắc ngọt ngào của cuộc sống luôn đi kèm với sự tổn thương khi tưởng tượng đến những viễn cảnh tồi tệ của việc đánh mất chúng. 

Tấm khiên thứ hai: Chủ nghĩa hoàn hảo
Tấm khiên này hẳn đã quá quen thuộc với mọi người nên mình sẽ không dành thời gian để nói nhiều về nó. Việc mưu cầu sự hoản hảo thoạt đầu trong có vẻ chính đáng: "Tôi chỉ muốn làm tốt nhất mọi thứ có thể, nên chưa đủ tốt thì tôi sẽ chưa bắt đầu". 
Điều rủi ro nhất của mưu cầu này là nó hủy hoại niềm tin nhưng đồng thời lại rất mê hoặc, vì nó cung cấp năng lượng cho một suy nghĩ cốt yếu: "Nếu tôi làm mọi thứ hoàn hảo, tôi sẽ tránh được sự đánh giá, so sánh và phán xét".
Tấm khiên cuối cùng: Sự căng thẳng và tê liệt 
Khi có đủ nhiều kinh nghiệm, chúng ta nhận ra được những đòi hỏi ngày càng nhiều của cuộc sống: người ta cần càng ngày càng nhiều tiền của và đồ hiệu để chứng minh giá trị của bản thân, ba mẹ ngày muốn con học nhiều và có nhiều bằng cấp, thành tựu, những vị sếp vin vào "tuổi trẻ cần trải nghiệm" để đòi hỏi họ luôn phải làm nhiều thứ hơn, cô bạn gái muốn mua nhiều thứ hơn, con cái trưởng thành và cần nhiều tiền hơn cho hàng loạt các khoản phí. Một số người trong chúng ta dường như cảm thấy không có cách nào kiểm soát và đáp ứng được những yêu cầu ngày một tăng cao xung quanh họ. Và, tiến tới sự tê liệt là một cách để họ chống chọi để thoát khỏi cảm giác chông chênh và kém cỏi.
Họ tìm tới bia rượu, game, thuốc kích thích, các thú vui khiến họ có thể đắm chìm vào nó và quên đi mọi thứ "một thời gian ngắn" nhưng liên tục và không có cách nào thoát ra. 

Vậy thì quay lại câu hỏi trên title, việc này ảnh hưởng thế nào đến cách ta ra lựa chọn trong cuộc sống, yêu thương và dạy dỗ con cái?  

Một câu chuyện cực kỳ tinh tế mà mình đã rất thích khi đọc cuốn Sự liều lĩnh vĩ đại:
Một đêm, Brené_tác giả cuốn sách đang đọc cuốn tiểu thuyết dang dở mà bà rất tâm đắc, đang tới đoạn gay cấn và bà nghĩ mình đã đoán được hung thủ. Bà nhìn thấy chồng mình mở cửa bước vào nhà với gương mặt buồn bã và suy tư. Bà có một lựa chọn: bà có thể lơ khoảnh khắc đó đi, quyết định rằng mình không muốn dính dáng đến nỗi buồn của chồng mình tối hôm đó, nó chỉ là chuyện bình thường của anh ấy và anh ấy có thể lấy lại cân bằng rất nhanh, bà muốn quay lại với cuốn tiểu thuyết đang gay cấn của mình. Nhưng bà đã không làm như vậy, bà là một người nghiên cứu về các mối quan hệ, bà đến gần và hỏi: "Có chuyện gì thế anh yêu?" và lắng nghe chồng mình chia sẻ những băn khoăn của anh tối đó. 
Đó là một khoảnh khắc nhỏ trong cuộc sống, như một đồng tiết kiệm được nhét vào một chú heo đất. Những khoản đầu tư bé nhỏ theo thời gian hình thành sự cởi mở và niềm tin của một người vào người đối diện. 
Hầu hết khi nhắc tới sự phản bội, người ta thường nghĩ đến một sự kiện khủng khiếp gắn với một Tu-ét-day nào đó. Nhưng thật ra, có một kiểu phản bội nguy hiểm hơn, diễn ra trước hết thảy mọi điều và có sức tàn phá hơn cả. Sự phản bội này ở dưới dạng sự thờ ơ. 

Điều gì khiến sự phản bội này ghê gớm hơn cả? Ví dụ như là một lời nói dối hay một cuộc vụng trộm, nó gắn liền với một sự kiện cụ thể, nó chỉ ra rất rõ nguồn gốc của sự tổn thương. Còn sự thờ ơ thì khác, nó không có ngọn nguồn cụ thể, nó không bao hàm các bằng chứng xác đáng. Chúng ta chỉ có thể cảm giác là có một điều gì đó không ổn đang diễn ra. 
Chúng ta nói với người mà mình yêu rằng: "Hình như anh không còn để tâm đến em nữa..." Và câu trả lời sẽ là: "Ngày nào anh cũng về nhà lúc 6h, anh chơi với con, anh đưa đón bọn trẻ và phụ em làm việc nhà, em còn đòi hỏi điều gì nữa?"
Sự tinh tế và chú tâm đến những thay đổi nhỏ nhặt này thường hay có ở những người đã đánh mất nhiều trong cuộc sống hoặc những người có mức độ đồng cảm cao. Khi bạn đã đánh mất nhiều thứ, bạn sẽ học được cách trân trọng những điều bé nhỏ. Và khi bạn học cách biểu lộ nỗi đau ra ngoài và chia sẻ cho những người mà bạn tin tưởng, bạn được lắng nghe, thì khi những người quan trọng đó rơi vào hoàn cảnh tương tự, bạn sẽ nhạy cảm hơn với các biểu hiện *không ở dạng lời nói* và biết cách ứng xử phù hợp để người đó hiểu được là bạn sẵn sàng ở bên họ. Vì bạn đã trải qua việc đó, biết rõ những dấu hiệu của sự tổn thương và hiểu được cảm giác có người chia sẻ có ý nghĩa tích cực như thế nào. 
Nói một cách đơn giản, nó hoàn toàn khác với việc cố gắng dồn toàn bộ sự tổn thương vào lòng, cư xử như không có gì xảy ra, khước từ sự giúp đỡ của những người quan tâm đến bạn, khiến người khác không có cách nào hiểu được cảm xúc của bạn và đồng thời nhận ra bạn không cần họ ở đó khi bạn gặp vấn đề. 
Và khi họ có những nỗi buồn trong cuộc sống, họ cũng ngại phải trải lòng việc đó với bạn. 

Ước mơ không thành của cha mẹ và câu thần chú "Khắc nhập" vào cuộc đời đứa con

"Để nuôi dạy con cái phải biết dấn thân mạo hiểm trong nền văn hoá "không bao giờ là đủ", câu trả lời không dừng lại ở "Bạn có nuôi dạy con đúng cách?" mà là "Bạn đã trở thành người mà bạn muốn sau này con cái mình muốn trở thành?"
Có lẽ bạn đã biết và trải nghiệm quá rõ ràng việc chúng ta đang sống trong một thế giới "không bao giờ là đủ". Nhưng có một điều mà bạn cần biết, đó là trái nghĩa với việc "không bao giờ là đủ" không phải là dư thừa, mà là sự "biết đủ".

Mặc cho theo thời gian, các phương pháp nuôi dạy trẻ ngày càng đa dạng và được củng cố bởi hàng loạt các bằng chứng vững chắc và được cho là được cập nhật để phù hợp với từng thế hệ. Chúng ta nghe đến những làn sóng phản đối "mẹ Hổ"_hình tượng người mẹ đầy hung dữ và áp đặt, rồi "cha mẹ trực thăng"_ám chỉ những bậc cha mẹ quá theo sát con cái. Chúng ta nghe về việc giáo dục của những bà mẹ Âu và cách nuôi dạy con của người Do Thái giỏi như thế nào. Những cuộc tranh luận bất tận diễn ra khiến chúng ta quên mất một sự thực quan trọng là trẻ con bắt chước giỏi đến thế nào, và câu hỏi mang tính trách nhiệm tự thân: "Chúng ta là ai, chúng ta có phải một hình mẫu mà chúng ta muốn con cái mình học theo hay không, và chúng ta kết nối với đứa trẻ như thế nào để có một phương pháp nuôi dạy phù hợp với hoàn cảnh cá nhân của mình?"

Hơn hết thảy, việc đứa trẻ đối diện với nỗi sợ tổn thương và đón nhận những thách thức trong cuộc sống như thế nào có tác động rất lớn từ chiếc nôi đầu tiên mà chúng bước vào: gia đình. Sự tổn thương nằm trong trung tâm của những câu chuyện của gia đình. Đó là nơi biểu hiện những khoảnh khắc tột cùng hạnh phúc, sợ hãi, đau đớn, thất vọng, tự hào, yêu thương, ghét bỏ, biết ơn, và những điều kỳ diệu khác. Việc quay lưng lại với những điều tiêu cực xảy ra trong gia đình khiến việc trở thành cha mẹ như một cuộc chạy đua với những tiêu chuẩn *xã hội cho là hoàn hảo* mà cả cha mẹ, con cái đều phải hứng chịu. 
Chính vì thế, giá trị chống lại nền văn hóa không bao giờ là đủ-sự biết đủ- cần bắt đầu từ những bậc cha mẹ hiểu được chúng ta không thể cho con cái những thứ mà chúng ta không có. Nói cách khác, nếu chúng ta muốn con cái mình biết yêu thương và chấp nhận bản thân như chính nó vốn có, chúng ta phải yêu thương và chấp nhận bản thân mình như mình vốn có. Nếu chúng ta muốn con cái cởi mở chia sẻ về những điều tổn thương nó và đối diện với sự sợ hãi để học cách dấn thân, chúng ta cũng phải là người như vậy. Nếu chúng ta muốn con mình là người hiểu được giá trị của việc "biết đủ" , chúng ta cũng phải là người "biết đủ" và quên câu chuyện của "con nhà người ta" đi. Đã qua rồi cái thời đại nơi con cái phải sống để thực hiện ước mơ và chạy theo tiêu chuẩn của ba mẹ mình, khi mà chúng không thực sự muốn như vậy. 
Thực sự mà nói, gấp lại cuốn sách Sự liều lĩnh vĩ đại của Brené Brown, mình thực thấy hâm mộ quá trình nghiên cứu dày dặn và những phát hiện rất cô đọng mà bà đã truyền tải trong cuốn sách. Những nội dung trong đó chứa đựng những bài học sâu sắc hơn bất cứ một cuốn sách self-help dạy công thức bề nổi nào về việc phát triển bản thân và nuôi dạy trẻ. Chỉ có một điều mà mình không đồng ý lắm với tác giả, đó là câu trích dẫn mà tác giả rất thích được in ở bìa sau cuốn sách: 

Mình tin vào việc có những sự liều lĩnh cực kỳ vĩ đại, nhưng mình không tin vào việc có sự khác nhau giữa "thất bại khi đang liều lĩnh vĩ đại" và một thất bại "bình thường".  Có lẽ mình quá thực dụng, nhưng đối với mình, thất bại là thất bại, và cứ nhìn thẳng vào nó như một thứ gì đó thuần là một chuyện nghiệt ngã không ai muốn, còn hơn cố tô điểm cho nó theo kiểu "đó là một bài học" hay "thất bại khi làm những chuyện vĩ đại", cứ như một cách cứu vớt nào đó để mình bớt đau vậy, thật không giống với những gì cuốn sách truyền tải.  

Tác Giả: Dani Phạm_D2B Trading
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/phuongg.dung/
 ---------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

368 lượt xem, 339 người xem - 339 điểm