Tra Le@Triết Học Tuổi Trẻ
6 năm trước
Viết Cho Những Ai Còn Cha Còn Mẹ
Viết cho những ai
còn cha còn mẹ
Kí ức về cha về mẹ là gia tài vô giá
của mỗi người. Gia tài đó càng ngày càng giàu có hơn hay nghèo nàn
đi là do chính bạn quyết định.
Cuộc sống là tập hợp của những nghịch lí, mỗi người trong
chúng ta là một nghịch lí trong tập hợp ấy. Đó có khi là nghịch lí trong cảm
xúc, suy nghĩ, tâm trạng, cũng có thể là nghịch lí trong tính cách, cách ứng
xử hay cả những mối quan hệ ngoài xã hội, trong gia đình.
Khi sự quan tâm của cha mẹ bị con cái từ chối…
Có lẽ chúng ta không mấy xa lạ với một nghịch lí đang tồn tại
trong các gia đình Việt Nam ngày nay khi các con lớn lên nhờ sự nuôi dưỡng, dạy
dỗ của cha mẹ nhưng sự quan tâm của cha mẹ lúc các con đã trưởng thành lại khiến
chúng khó chịu, bực bội. Càng được hỏi han, quan tâm, chúng lại càng cảm thấy bị
kiểm soát, mất tự do, bị xem là những đứa trẻ thiếu chín chắn, thiếu suy
nghĩ. Càng bị từ chối nghe theo, làm theo những chỉ dạy, cha mẹ lại càng muốn
chỉ dạy nhiều hơn khi sự lo lắng trong họ lớn dần. Cha mẹ càng muốn thể hiện sự
yêu thương, bảo bọc, con cái lại càng xem đó là sự thiếu tôn trọng, không thấu
hiểu. Nếu bạn cần sự tự do, tự quyết thì cha mẹ lại muốn trở thành người hỗ trợ,
luôn ở bên cạnh con cái trong mọi tình huống. Chính từ đó, sự chênh lệch, khoảng
cách giữa cha mẹ và con cái trong gia đình dần dần phát triển theo thời
gian.
Khi con cái xem việc chăm sóc cha mẹ là một gánh nặng…
Đến khi cha mẹ đối diện với tuổi già, họ dần trở nên chậm chạp,
thường xuyên đau ốm, không còn khả năng tự chăm sóc bản thân... Lúc này, các
con đã trưởng thành, cứng cáp và biết mưu sinh. Chúng cảm thấy bị làm phiền vì
những phàn nàn của người già, bị tốn thời gian vì phải chăm sóc cha mẹ, bị đau
đầu khi trở về nhà với những câu chuyện vụn vặt của cha mẹ... Các bạn có thể dành vài giờ đồng hồ
với thế giới ảo nhưng không thể dành vài phút nói chuyện tử tế với
cha mẹ. Các bạn vui vẻ, cởi mở với đám bạn trên lớp, với đồng
nghiệp ở cơ quan nhưng hiếm khi kể một câu chuyện hài hước cho cha mẹ
trong bữa cơm gia đình. Các bạn không bao giờ quên, càng không bỏ sót
một cuộc vui, một buổi tiệc, một cuộc hẹn nào nhưng ngày sinh nhật
cha mẹ thì trí nhớ lại không ghi nhận…
Trong cuộc đời này, được
là máu mủ, cùng chung huyết thống trong một gia đình có lẽ là một nhân duyên,
không cha mẹ nào chọn được con cái hay con cái chọn cha mẹ. Vậy mà, thật đau
xót cho những người làm cha làm mẹ một đời cặm cụi, chăm chút bảo ban những đứa
con trưởng thành nhưng bao nhiêu người được ấm lòng tuổi xế chiều trong sự hiếu
đạo của con cái. Cha mẹ cảm thấy họ trở nên vô dụng, trở thành gánh nặng của
con cái để rồi lòng tự trọng khiến họ ngày càng lặng lẽ, lầm lũi, cô đơn…
Và rồi đến khi không còn cha, không còn mẹ…
Và rồi đến khi không còn cha, không còn mẹ, các con mới bắt đầu
cảm nhận sự yếu đuối của bản thân, sự buồn chán và cô độc trong căn nhà quen
thuộc. Ngôi nhà khi trở về sau một ngày làm việc trở nên vắng vẻ, nhạt nhòa, lạnh
lẽo. Chúng muốn được nghe giọng nói khề khà, lời càu nhàu của ai đó, được ngồi
chung một mâm cơm vừa ăn vừa rỉ rả bao buồn vui cuộc sống, được hỏi han, được
vuốt ve, được chở che, được bảo bọc... chỉ là đơn giản được nhìn thấy và mỗi
ngày được nhìn thấy một bóng hình...
Sinh lão bệnh tử là quy luật của cuộc sống. Ai cũng có thể đã
chuẩn bị tâm lí cho một cuộc chia li không bao giờ hội ngộ. Nhưng khi phải đối
diện với sinh li tử biệt, trái tim lại bóp thắt, đau cùng tận. Sự trống rỗng ấy
có lẽ chỉ có ai đã từng trải qua mới thấu hiểu được nỗi đau mất cha mất mẹ cấu
cào ruột gan đến chừng nào.
Có người cho rằng, thời gian trôi qua vết thương nào rồi cũng
sẽ liền da. Với những bận rộn, tẹp nhẹp của cuộc sống mưu sinh, mỗi người sẽ
không còn thời gian để đau, để buồn hay để thương, để nhớ và rồi dần dà lấy lại
trạng thái cân bằng, quên đi cảm giác mất mát, đớn đau. Người ta nghĩ rằng, thời
điểm cha mẹ mất đi, giây phút đầu tiên ấy, ngay lúc ấy, nỗi đau, nỗi mát mát là
lớn nhất. Nhưng sự thật là, càng lâu nỗi đau lại càng sâu, không cần đến lúc
trở trời vết thương vẫn cứ nhức nhối, âm ỉ; bởi nỗi day dứt hiện hình trong thực
tế cuộc sống hằng ngày, qua những gì gần gũi, thân thiết với mỗi chúng ta. Ở
đâu đó nghe câu chuyện đồng nghiệp kể về cha, về mẹ của họ, ta lại nhói lòng;
lúc nào đó, hình ảnh người cha người mẹ vỗ về, an ủi đứa con thân yêu, ta lại tủi
thân; rồi ai đó hân hoan, hạnh phúc ngã vào vòng tay cha mẹ, ta lại lầm lũi,
tha thân, tự té tự đứng dậy… Đó là những lúc chông chênh không còn điểm tựa, những
lúc ốm đau không còn ai chăm sóc, những niềm vui không có ai chung cùng, những
tâm sự không còn ai chia sẻ, bữa cơm vắng một người, ngôi nhà thiếu một bóng mà
lạnh teo, xa xôi… Cuộc sống cứ thế vô tình hết lần này đến lần khác xô đẩy để
ta bắt gặp những tình huống, những khuôn mặt, khiến nỗi đau quay trở về, thấm
thía, dày vò. Hóa ra nỗi đau tồn tại với ta lâu đến thế, lâu đến vĩnh hằng, bất
biến. Nỗi mất mát ngày ngày lớn dần, loang ra rồi vỡ òa. Những lúc nhận ra điều
đó, ta mới thấu hiểu được mất cha mất mẹ là mất mát lớn lao nhất trong cuộc đời
mỗi con người.
Hãy cảm ơn cuộc đời vì bạn được sinh ra là con của cha mẹ!
Những ai còn cha còn mẹ, đừng để thời gian trôi qua vô nghĩa,
để về sau lại dằn vặt, ân hận: “Giá như… giá như…”. Ngay hôm nay, ngay lúc này
hãy tỉ tê những lời yêu thương lâu nay còn giấu kín trong lòng, hãy làm những
hành động dù nhỏ nhất nếu điều đó làm cha mẹ ấm lòng, hãy dành thời gian chăm
sóc cha mẹ ngay khi cha mẹ còn khỏe mạnh, hãy yêu thương khi cha mẹ còn khả năng
nhận thức được yêu thương, hãy trân trọng những giây phút được ở bên cha mẹ,
hãy cảm ơn cuộc đời vì số phận cho bạn được làm con của cha mẹ. Mãi về sau, kí ức
về cha về mẹ sẽ trở thành gia tài vô giá đi theo suốt cuộc đời bạn. Gia tài
đó càng ngày càng giàu có hơn hay nghèo nàn đi là do chính bạn
quyết định.
Bạn còn cả một cuộc đời
dài lâu để sống và ước mơ. Cha mẹ bạn chỉ đếm trên đầu ngón tay những phút giây
được nhìn thấy bạn hạnh phúc và bay cao. Hãy luôn khắc cốt ghi tâm:
(…) Ai đẻ ta Cha cùng mẹ |
Hai thân là (Lên sáu – Tản Đà) |
Thật hạnh phúc cho những ai được cài
lên ngực áo một bông hoa hồng đỏ ngày Lễ Vu lan, thật sung sướng xiết bao khi mọi
nẻo đường ta đi đều có cách để quay về, thật ấm áp ngần nào khi ta biết chắc chắn
rằng, ở một nơi nào đó, vào bất cứ lúc nào có ít nhất một người đang ngóng
trông, chờ đợi mình. Có ai khác chính là cha, là mẹ, là đấng sinh thành luôn sẵn
sàng thứ tha để các con được an yên giữa giông tố cuộc đời.
Tác giả: Lê Nguyễn Sơn Trà, Chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link:
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
2,374 lượt xem, 2,134 người xem - 2167 điểm