Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

“Vùng An Toàn” - Rào Cản Ngăn Cản Sự Phát Triển Của Các Bạn Trẻ!

Được thể hiện bản thân, làm những điều mình thích là khao khát đối với mỗi con người, nhưng có mấy ai thực sự đủ dũng khí để có thể làm được điều này; thay vào đó người ta sẽ chọn cách ở trong “vùng an toàn” của mình. 

Có những lúc bạn cảm thấy rằng mình cần phải thay đổi, muốn trải nghiệm một thứ gì đó mới mẻ hơn - từ những việc đơn giản như nhuộm tóc, tham gia CLB cho đến những việc như học một nghiệp vụ mới hay tham gia một cuộc thi để làm đẹp CV của mình gây ấn tượng với nhà tuyển dụng hơn. Nhưng những sự quyết tâm, mong muốn đó chỉ duy trì được ở thời gian đầu và rồi bạn lại gạt phăng tất cả những dự định đó đi với những lý do mà chắc hẳn các bạn đã từng nghĩ và nói rất nhiều lần: “Thôi, mình không làm được đâu, người như mình làm sao mà làm được, học được những cái đó!”, “Vậy ổn rồi, thay đổi chi cho mệt, mắc công người ta nói ra nói vào!”. Hãy tự hỏi bản thân mình rằng các bạn có thấy quen với những suy nghĩ đó không? Những suy nghĩ đó luôn xuất hiện trong đầu bạn mỗi khi bạn dự định thực hiện một điều gì đó hoàn toàn khác với những thứ trước giờ bạn đang làm, chúng khiến bạn cảm thấy ổn với cuộc sống hiện tại mà bạn không nhất thiết phải thay đổi, chúng làm cho bạn không dám thể hiện bản thân mình và đó chính là “vùng an toàn”. 

“Vùng an toàn” - Comfort Zone là trạng thái tâm lý thoải mái của con người khi được hoạt động, làm việc trong một môi trường quen thuộc, không nhiều sự thay đổi áp lực đến từ những tác động bên ngoài. Và ở trong “vùng an toàn” bạn có thể kiểm soát được mọi vấn đề. Nói cách khác, khi ở trong “vùng an toàn” chúng ta luôn cảm thấy hài lòng với cuộc sống.

Chúng ta đang sống trong thời đại của sự phát triển và công nghệ, thế giới đang đổi thay từng ngày thậm chí là từng phút từng giây, và thế hệ đại diện, dẫn đầu cho thời đại này là các bạn trẻ đặc biệt là thế hệ Gen Z - những người được sinh ra và phát triển trong thời đại công nghệ số. Nhưng có một thực trạng đáng buồn hiện nay là thay vì chứng kiến sự nhanh nhạy, nhiệt huyết - những đặc tính mà đáng lẽ ra chúng ta thường thấy ở thế hệ này thì có một bộ phận cơ số các bạn giới trẻ hiện nay lại đang ù lì, chậm chạp, ngại thay đổi - thích ứng với hoàn cảnh môi trường, chỉ muốn thu mình trong “vùng an toàn” của mình. Tình trạng này của giới trẻ thường đến từ một số nguyên nhân chính.

  • Sự che chở, bảo bọc quá mức đến từ gia đình

Thương con, thương cái hết lòng lo cho con ăn học; tình thương yêu của bố mẹ trên đời này chắc chắn không có gì có thể sánh bằng. Nhưng có những lúc thương yêu, bảo bọc con quá mức lại thành ra là hại con mình. Việc cha mẹ bảo bọc sẽ khiến cho người con dần có tâm lý ỷ lại vào gia đình, “việc gì khó đã có cha mẹ giúp” - lối suy nghĩ này đã ảnh hưởng đến tư tưởng của bạn trẻ hiện nay, sinh ra tâm lý ngại va chạm, chúng khiến cho các bạn ngại xông pha, ngại thử thách. Vì khi gặp những tình huống khó khăn vượt ngoài tầm kiểm soát của các bạn, các bạn thường không có những kỹ năng cần thiết để xử lý tình huống đó, dẫn đến trạng thái chán nản hay thậm chí là hoảng sợ chỉ muốn về với gia đình - cha mẹ mà không tự mình đứng lên giải quyết chúng. 

  • Tâm lý không muốn nổi trội khác biệt, sợ người khác đánh giá mình

Đây là một dạng nỗi sợ tâm lý điển hình mà các bạn trẻ thường gặp phải; ngay cả bản thân mình - tác giả của bài viết, cũng đã từng đấu tranh rất nhiều để có thể vượt qua được dạng nỗi sợ này. Lối sống của người phương Đông, đặc biệt là người Việt Nam chúng ta là lối sống cộng đồng, ngay từ nhỏ chúng ta đã được dạy “Một cá nhân phải vì một cộng đồng”. Đây là một lối sống rất hay của người Việt Nam, giúp chúng ta biết hạ cái “tôi” của mình xuống, yêu thương, thấu hiểu những người xung quanh mình - trái ngược với chủ nghĩa sống cá nhân của người phương Tây. Thế nhưng, mặt tiêu cực của chủ nghĩa sống cộng đồng đó là vô tình kìm hãm sự phát triển năng lực tiềm tàng của mỗi cá nhân. Ví dụ cụ thể nhất là trong môi trường Đại Học, mình đã từng chứng kiến trong một giảng đường học với một trăm bạn sinh viên, khi giảng viên đứng trên bục giảng bài và tương tác với sinh viên, chỉ có khoảng 4-5 bạn là có tương tác, còn những bạn còn lại đều ngồi im phăng phắc. Tình trạng này còn diễn ra trầm trọng hơn ở những lớp học online, khi không một bạn nào chịu tương tác với giảng viên, mặc cho giảng viên liên tục nhắc các bạn cố gắng tương tác để hiểu bài hơn. Khi mình hỏi một trong số các bạn lý do tại sao các bạn không tương tác, đa phần câu trả lời mình nhận được đều là sợ sai, sợ thầy cô hỏi, sợ các bạn khác trong lớp đánh giá, chê cười. Vậy nên thay vì chấp nhận sai để hiểu thì lựa chọn “an toàn” của các bạn là ngồi im và chỉ nghe giảng viên giảng bài. Tình trạng này không chỉ diễn ra trong môi trường Đại Học mà còn ở những ngành nghề môi trường khác, hay đơn giản là trong quá trình làm bài nhóm với nhau chỉ là việc dám đứng lên tranh luận, bảo vệ cho ý kiến cá nhân của bản thân mình, một số bạn sinh viên cũng không làm được. Thay vào đó, ai làm gì các bạn làm như thế, ai nói gì các bạn cũng nghe theo và không có chính kiến quan điểm riêng của bản thân mình. Dần dà dẫn đến một số bạn trẻ ngày nay đã mất dần đi tư duy phản biện, vốn dĩ rất quan trọng khi đi làm việc. 

  • Hay so sánh bản thân mình với người khác

Con người thường có tâm lý so sánh, khi nhỏ chúng ta thường hay bị phụ huynh so sánh mình với người khác với những câu rất quen thuộc như: “Nhìn con nhà người ta mà học hỏi”. Không chỉ bị so sánh ngày một ngày mai mà gần như là hết quãng đời học sinh là bị cha mẹ so sánh mình với “con nhà người ta”. Và rồi khi các bạn bước chân vào giảng đường Đại Học hoặc một số bạn thì đi làm, đi học nghề; đến lượt các bạn tự so sánh chính mình với khác mà thường những người mà các bạn so sánh thường là những người hoặc là rất nổi trội hoặc là rất nổi trội. Một cá nhân nổi trội trong một cộng đồng sẽ là một cái bóng lớn che phủ đi những cá nhân khác. Dần dần, các bạn sẽ tự mình hình thành nên tâm lý nhược tiểu, tự ti, hoài nghi về bản thân mình, cảm thấy mình yếu kém không bằng ai và rồi không dám thể hiện những mặt tốt hay những điểm mạnh, sở trường của mình ra cho người khác thấy. Các bạn tự xây dựng nên “những bức tường vô hình” ngăn cản năng lực của bản thân mình, thu mình vào trong “vùng an toàn” của mình. Bởi vì ngay lúc này đây, bạn cảm thấy rằng cho dù mình có cố gắng đến cách nào đi nữa thì không thể bằng được họ, nên thôi không cần cố gắng nữa. Dần dần, các bạn sẽ bị nuốt chửng bởi sự tự ti do chính bản thân các bạn tạo ra. 

Vậy làm sao để có thể giải quyết được những vấn đề trên

HÃY TỰ TIN LÊN VÀ HÃY LÀ CHÍNH BẢN THÂN MÌNH

Mỗi con người là một cá thể, một bộ gen riêng biệt không ai là giống ai. Khoa học đã chứng minh rằng con người có tổng cộng có tám loại trí thông minh; có người giỏi về ngôn ngữ có người giỏi về khoa học tự nhiên. Vì vậy, hãy ngừng so sánh bản thân mình với người khác dù trong bất kì trường hợp nào. Bạn đặc biệt và bạn giỏi nhất khi bạn là chính mình. Khi gặp hoàn cảnh khó khăn, hãy mạnh dạn dũng cảm đối mặt với nó, khi làm việc nếu có cơ hội hãy cố gắng bảo vệ hoặc đóng góp ý kiến của mình, bởi vì sẽ chẳng ai chỉ trích các bạn cả. Thậm chí, mọi người sẽ rất hoan nghênh bạn vì có thể ý kiến bạn đưa ra lại giúp mọi người giải quyết được vấn đề họ đang gặp phải. 

Hãy dũng cảm, phá bỏ lớp “tường thành kiên cố” xung quanh bạn, dũng cảm bước ra khỏi “vùng an toàn’ của bản thân mình bởi vì trong một bài báo mình từng đọc có một câu rất hay “Cuộc sống chỉ thực sự bắt đầu khi bạn dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân”. Thu mình trong “vùng an toàn” càng lâu, bạn sẽ càng dễ đánh mất nhiều cơ hội phát triển bản thân, càng trải nghiệm nhiều, càng va chạm nhiều thì bạn mới biệt được bản thân mình thích gì, muốn gì và từ đó tư tưởng và góc nhìn của bạn sẽ dần dần được thay đổi. 

Tác Giả: Nguyễn Xuân Tùng
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

877 lượt xem, 811 người xem - 846 điểm