Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Xã Hội Năng Động-Chỗ Đứng Nào Cho Người Hướng Nội?

Bạn là sinh viên? Bạn gặp khó khăn trong môi trường đại học vì bản thân là một người hướng nội? Bài viết này là dành cho bạn!

Khi nghĩ đến chủ đề này, mình đã do dự và đắn đo nhiều, vì bản thân cũng mới là sinh viên, chưa có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ, cung cấp kiến thức sâu rộng và có “sức nặng” cho những người khác. Tuy vậy, mình vẫn quyết định giữ nguyên đề tài này. Bài viết này là thành quả từ sự đúc kết các trải nghiệm thực tế và những bài học mình đã rút ra được, với mong muốn lớn nhất là chia sẻ nỗi niềm, đồng hành cùng với các bạn trong hành trình khai phá sự hướng nội của bản thân. 


Trước tiên, hãy cùng nhìn xem xã hội ngày nay nhanh và năng động thế nào nhé!

Khác với thời “ông bà anh” trước đây, đề cao sự bền vững, tính lâu dài, chú trọng vào kiến thức hàn lâm, người trẻ, đặc biệt là sinh viên thời đại công nghệ 4.0 như chúng mình, được đặt cho những tiêu chuẩn hoàn toàn khác : năng nổ, linh hoạt, đa nhiệm, có khả năng chịu áp lực cao, trang bị những kỹ năng mềm là một lợi thế rất lớn ngoài những lý thuyết trong sách vở. Sự thay đổi này, như một lẽ dĩ nhiên, đến từ xu hướng hội nhập của thế giới và sự phát triển tột bậc của công nghệ . Một xã hội dường như đang nhập làm một, khiến cho mỗi cá nhân người trẻ phải loay hoay tìm cách trở nên nổi bật giữa đám đông, định hình phong cách cá nhân để bản thân lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng; một thời đại mà công nghệ được đầu tư phát triển để hỗ trợ con người trong mọi lĩnh vực đời sống, khiến cho sinh viên phải luyện mình trở nên hoạt bát, nhanh nhẹn, học nhiều kỹ năng mềm để trở nên linh hoạt, ứng biến tốt với nhiều tình huống khác nhau - điều mà những cỗ máy công nghệ hiện đại ngày nay, tuy có sức chứa đến hàng tỉ thông tin dữ liệu trong bộ nhớ, vẫn chưa làm được, để cạnh tranh với chúng trong trong công việc. Giả sử một sinh viên vừa mới tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi của trường đại học danh tiếng, hí hửng đi xin việc. Nhưng anh/cô ấy ngoài kiến thức chắc về lĩnh vực đang ứng tuyển, lại không có kỹ năng gì nổi bật để chứng minh rằng bản thân khác với vô vàn những ứng viên khác - cũng có nền tảng kiến thức rất vững để đảm nhận công việc đó, sẽ đem lại giá trị cao cho công ty họ ứng tuyển. Thế là, vì không khiến mình nổi bật giữa đám đông, khả năng vào được vị trí mong muốn đã giảm đi nhiều.                                                                                                    Cre: Lindsay James

Vậy người hướng nội, có phải ngay từ môi trường đại học đã thiệt thòi rồi không?

Ngay khi có bến đỗ hậu cấp 3 - những ngôi trường Đại học mà chúng ta sẽ gắn bó trong những năm tháng tuổi trẻ tiếp theo, thế hệ trẻ thường xuyên nghe được những lời khuyên đại loại như: “Lên đại học nhớ phải năng động lên đấy nhé!”, “ Môi trường đại học khác lắm đấy, phải xông xáo, năng nổ lên thì sau này mới có lợi!”, “Tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa vào, đừng chỉ học không như cấp 3”. Từ bố mẹ, người thân, đến các anh, chị tiền bối đều nhắc nhở chúng ta phải thay đổi như vậy, nhưng không ai chỉ dẫn cho chúng ta phải làm như thế nào. Kết quả là, người hướng ngoại, một cách rất tự nhiên, hòa nhập với môi trường mới, làm quen được với nhiều người bạn mới và mở rộng mối quan hệ, trong khi đó những cá nhân hướng nội, vốn cần nhiều thời gian hơn để có thể “thả lỏng” bản thân và cảm thấy thoải mái trong môi trường mới với những con người mới, lại cảm thấy bản thân bị áp lực khi thấy mọi người xung quanh đã có những nhóm bạn để trò chuyện, học bài và ôn tập chung. Một trong những hoạt động điển hình cho áp lực năng nổ kết bạn mà những bạn hướng nội gặp phải chính là việc chọn nhóm. Khi giảng viên tuyên bố rằng lớp được tự do chọn bạn và lập nhóm, các nhóm học tập đã được lập từ trước sẽ được tự động mặc định là một nhóm cho môn học ấy, hoặc các sinh viên sẽ cùng nhau lập nên những nhóm mới, mà trong đó, các teammates đã thân thiết, cởi mở nói chuyện với nhau. Lúc này, ta sẽ thấy rõ sự lúng túng của những sinh viên hướng nội khi họ là những người lẻ loi “sót lại” sau quá trình lập nhóm. Khi đó, việc mà họ có thể làm là đi tìm những người bạn cũng “sót lại” giống mình và cùng nhau lập thành nhóm cho môn. Một người bạn hướng nội của mình cũng từng trải lòng rằng, bản chất hướng nội của mình cũng không ít lần đẩy cậu ấy vào những tình huống bất lợi: không có bạn để cùng nhau ôn lại kiến thức khi kì thi đến, không có ai đốc thúc, hỗ trợ hoặc nhắc nhở deadline mà phải tự mình ghi nhớ và làm việc. Bản thân là một người 79% hướng nội theo kết quả của bài kiểm tra tính cách MBTI, và cũng đã đôi lần trải qua tình huống trên, mình có thể hiểu được cảm nhận những cá nhân hướng nội trong những trường hợp tương tự như tình huống trên: những phút giây mông lung, lo lắng, lạc lõng và sự lung lay, hoài nghi về chính mình: Liệu hướng nội có thật sự ổn trong môi trường đại học không?


Cùng bình tĩnh ngồi xuống và suy ngẫm nhé !

Hmm… Hướng nội đúng là có chút bất lợi như mình đã nói ở trên thật, nhưng tại sao chúng mình không nghĩ theo hướng tích cực hơn nhỉ. Những con người hướng nội có thể có những điểm mạnh có thể thu hút đối phương đấy!

Thứ nhất, người hướng nội có kỹ năng tư duy và quan sát tốt. Thay vì tham gia vào cuộc nói chuyện, những người hướng nội chúng mình sẽ dành thời gian quan sát và phân tích, đánh giá sự vật, sự việc một cách kĩ càng và toàn diện. Điều này Khả năng tư duy sâu sắc, cùng với sự kỹ lưỡng trong mọi quyết định giúp chúng mình tập trung cao độ vào công việc và hoàn thành chúng một cách hoàn hảo nhất.

Cre: Freepik

Thứ hai, khả năng lắng nghe là một điểm mạnh rất lớn của những bạn hướng nội đấy. Có thể tính cách trầm lắng không giúp thu hút nhiều bạn bè như sự năng động, hoạt náo của những người hướng ngoại, nhưng việc những người hướng nội chúng mình sẵn sàng lắng nghe câu chuyện của người khác chính là chìa khóa cho những mối quan hệ bền vững, gắn kết và lâu dài. Điều này là bởi vì, chúng mình đã khiến cho họ cảm thấy tâm tư, tình cảm chất chứa trong câu chuyện của họ được lắng nghe và được cảm thông. Ngoài ra, Katrina Mayer, nhà thuyết trình nổi tiếng thế giới, đã nói rằng : "Sự sáng suốt không đến từ việc nói. Nó đến từ việc lắng nghe". Thật vậy, lắng nghe người khác chính là một cách để học hỏi được những kinh nghiệm, bài học rất quý giá từ đối phương mà các bạn hướng nội có thể thử đấy!

Cre: Google

Thứ ba, có thể bạn sẽ hơi bất ngờ khi biết được điểm mạnh này : Người hướng nội là một nhà lãnh đạo giỏi. Đến đây, nhiều độc giả có thể nghĩ rằng : “Điều này có thể sao? Không phải lãnh đạo nào cũng mạnh mẽ, quyết đoán, oai nghiêm để dẫn dắt và làm gương cho nhân viên à?”. Điều này cũng đúng. Nhưng nó không có nghĩa là những cá nhân hướng nội không thể trở thành nhà lãnh đạo giỏi. Thay vì làm người nắm quyền, họ chọn trở thành người bạn đồng hành với những người xung quanh, thông qua sự chỉ dẫn, nhận xét, động viên họ. Với sự tập trung và giữ bình tĩnh trong mọi trường hợp, người lãnh đạo hướng nội sẽ xây dựng được lòng tin từ người khác qua điểm mạnh lắng nghe và điều phối công việc hài hòa. Thực tế lại nói lên điều ngược lại, 70% người thành công có tính cách hướng nội. Bill Gates, Warren Buffett, Haruki Murakami, v.v… đều là những nhân vật thành công và truyền cảm hứng trong lĩnh vực của mình, và họ đều là những người hướng nội đấy.

Người hướng nội là những nhà lãnh đạo tài ba đấy! ( Cre: watchwellcast )

Còn rất nhiều những điều tuyệt vời được giấu dưới tấm màn “ hướng nội” mà mình tin rằng những người bạn hướng nội sẽ có thể tự mình khám phá để từ đó có thể yêu thương, trân trọng bản thân cũng như tính cách hướng nội của mình nhiều hơn. 


Khám phá bản thân như thế nào?

Ở đoạn trước mình có nói các bạn hướng nội hãy tự mình khám phá bên trong con người mình để có thể tìm thấy được những khía cạnh tiềm tàng của bản thân. Vậy thì bằng cách nào nhỉ? 

Trước tiên, mọi người nên hiểu rằng, so sánh giữa mình với người khác chỉ là những so sánh tương đối, khập khiễng. Mình biết, trong xã hội ngày nay, việc so sánh bản thân với người khác là không thể tránh khỏi, nhưng những so sánh đó chỉ nên được xem như sự tham khảo, hoặc học tập những điều hay và bổ ích mà bản thân mình thấy cần thiết hoặc hứng thú, chứ không phải như áp lực đè lên mình, ép bản thân phải giống như họ. Nhà khoa học Albert Einstein có một câu nói rất nổi tiếng: "Mỗi con người đều là một thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ sống cả đời và nghĩ rằng mình thật ngu ngốc". Mỗi người là một cá thể độc nhất, riêng biệt, hãy tìm hiểu và tìm ra lộ trình phát triển của riêng mình; hoặc nếu chưa, bạn hãy cứ tìm hiểu những gì mình có hứng thú hoặc có kĩ năng, kiến thức. Mình đã từng là một đứa chỉ mãi đắm chìm vào những suy nghĩ tiêu cực rằng bản thân thật vô dụng khi xung quanh những người bạn của mình đều có tài ăn nói và giao tiếp khôn ngoan, vậy nên xung quanh họ luôn có thật nhiều bạn bè. Tuy nhiên, sau một thời gian cố gắng tỏ ra thân thiện, nói chuyện hài hước để có thể thu hút nhiều người bạn hơn, mình chỉ cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức. Sau này, mình đã hiểu được vấn đề và quyết định tập trung phát triển những mối quan hệ sẵn có và xây dựng những mối quan hệ mới tập trung vào chất lượng. 

Mỗi cá nhân đều tuyệt vời theo cách riêng của mình. ( Cre: chintanjain )

Tiếp theo, hãy trải nghiệm thật nhiều để mỗi trải nghiệm là một dịp để mình có thể khám phá những khía cạnh mới trong bản thân mình. Hãy để tính cách hướng nội là động lực, chứ không phải là giới hạn ngăn cản bản thân trên chặng đường trải nghiệm và học hỏi, phát triển nhiều hơn. Nếu bạn thích dự án, công việc đấy, hãy cho mình một cơ hội để thử, đừng nghĩ rằng mình chưa có kinh nghiệm mà quyết định không ứng tuyển. Mình cũng đã từng do dự, chân chừ và kết quả là tụt mất những cơ hội rất tốt để học kiến thức và kĩ năng mới. Nếu bạn không thử, cơ hội thành công là 0%, nhưng nếu bạn quyết định cho bản thân một cơ hội thử sức, cơ hội thành công đã tăng lên rồi đấy! Hãy trải nghiệm và bạn sẽ nhìn ra được mình giỏi ở lĩnh vực nào và có thể tận dụng những tiềm năng đó trong việc học tập và làm việc trong tương lai. 

Hãy luôn cho mình một cơ hội để thử thách bản thân nhé!

Trên đây là những kinh nghiệm mà mình rút ra được từ những trải nghiệm của bản thân và từ những bài học của người khác. Có thể nó chưa sâu sắc, nhưng mình hy vọng với những chia sẻ rất tâm huyết này, những người bạn hướng nội hãy tự tin hơn vào bản thân và thoải mái trải nghiệm để bản thân phát triển hơn nữa nhé!

Tác Giả: Hiếu Trần

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/myhiuu2910/

--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

665 lượt xem, 587 người xem - 594 điểm