Uyên Nguyễn@Triết Học Tuổi Trẻ
5 năm trước
Xa Quê Lập Nghiệp – Hoài Bão Tuổi Trẻ Hay Sự Ích Kỷ Của Bản Thân?
Có lẽ khi bấm đọc bài
viết này cả bạn và tôi đều nghi ngờ quyết định chọn lựa của chính mình khi cả
hai đều khó xử như nhau. Tôi nhen nhóm ý định rời xa quê hương khi phát hiện
bản thân thích khám phá điều mới mẻ ở những vùng đất khác. Một phần lý do cũng
bởi gia đình tôi không lấy gì là hạnh phúc, từ bé đã không cảm nhận được hơi ấm
ngôi nhà, nên bản thân cũng không tin tưởng vào hai chữ hạnh phúc nhờ những
người thân yêu. Phần lớn quãng thời gian ở một mình, tôi thường độc thoại về
ước mơ rằng một ngày được đến một vùng đất mới, bắt đầu lại mọi thứ từ con số 0
và sống cho chính mình chứ không phải ai khác. Ước mơ đó lại càng lớn dần lên
khi tôi bước chân vào đại học, tiếp cận với một nền văn hoá và tư duy mở thay
vì chỉ gói gọn ở luỹ tre làng. Có cơ hội tiếp cận với một môi trường với những
màu sắc khác nhau, tôi càng hiểu rõ cá tính của mình là không thể che giấu. Tôi
học thêm tiếng Anh và tìm đến một ngôn ngữ thứ hai để thỏa cái ước mong đến được
vùng đất hứa của mình: Trung Quốc.
Xa quê lập nghiệp - lựa
chọn của nhiều bạn trẻ
Khi còn nhỏ, ước mơ về một cuốc sống độc lập
trưởng thành đã định hình những lý tưởng và hoài bão của mỗi đứa trẻ, trong đó
có cả tôi. Nhớ lại câu
chuyện về Bác, có lẽ chúng ta đều có những suy ngẫm riêng. Ngày đó, 21 tuổi, với
hoài bão tuổi trẻ và lý trí của một người con yêu nước, Bác đã dũng cảm đi tìm
con đường cứu lấy Tổ quốc, cứu lấy nhân dân. Con tàu Latuxo Tơlevin chở trên mình
một niềm tin bất diệt của Người về một trang sử mới cho đất nước, về một nền
văn mình tiến bộ sẽ được lập lại trên quê hương, một cuộc cách mạng có sức mạnh
đổi thay toàn thực trạng cực khổ lầm than của hàng triệu nhân dân thoát khỏi chế
độ cai trị của thực dân Pháp.
Tầng lớp thanh niên ngày nay với lối tư duy mở và sự xông xáo, đã chọn cho mình quyết định rời quê hương để gây dựng sự nghiệp với một ngành nghề mà bản thân muốn gắn bó. Sinh ra và lớn lên ở quê hương mười mấy hai mươi năm trời, ta ôm trong mình một mong muốn nơi này sẽ phát triển giàu mạnh hơn nữa, và bằng một cách nào đó, chúng ta nghĩ đên việc đi ra ngoài học hỏi kiến thức mà thiên hạ có để mang về đổi thay bộ mặt nền kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân ở quê; đồng thời ươm mầm nên những thế hệ trẻ xông xáo, dám làm, dám tiếp cận cái mới.
Là một thanh niên trẻ,
khi ướm vào bước chân của sự trưởng thành, tôi nhận ra việc cất bước lập nghiệp
ở một mảnh đất khác là điều hoàn toàn có thể. Nếu trước kia nó chỉ dừng lại ở
chừng mực của một vùng đất hứa, thì nay, chính họ đang từng ngày dựng xây những
viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp ở đó. Bước ra khỏi cánh cổng trường đại học, với
nền kiến thức và hành trang kỹ năng của con người hội nhập, nhiều bạn trẻ quyết
định Nam tiến tìm kiếm những cơ hội ở một môi trường cạnh tranh. Gần đây, sự phát
triển đầy tiềm năng của những nền kinh tế mới như Hải Phòng, vùng duyên hải Nam
Trung Bộ và đặc biệt là vùng Đông Nam Bộ với những cơ hội việc làm hấp dẫn từ mức
lương, cơ hội phát triển đến sự đầu tư cao vào chất lượng cuộc sống người lao động
cũng là những điều kiện khiến nhiều bạn trẻ thích thú. Chưa kể đến một bộ phận
không nhỏ du học sinh quyết định ở lại định cư và làm việc tại đất nước cách nửa vòng
Trái đất với cơ hội việc làm rất cạnh tranh với những ngành nghề rất được ưa
chuộng. Môi trường làm việc công bằng và tâm lý được đón nhận trao cho họ những
cơ hội thăng tiến đáng mơ ước ở độ tuổi mà nhiều bạn trẻ còn thấy mông lung.
Lập nghiệp ở một vùng đất mới không phải quê
hương đất mẹ của mình, thật là điều dũng cảm. Đôi khi buồn tủi, ấm ức, cô đơn
nhưng chỉ có mình thương lấy mình, không còn ai khác. Sống xa quê, ta đau đáu
mỗi khi chiều tà, giữa phố đông ồn ã, chỉ mình ta với ta. Đứng từ ban công ngước
nhìn lên những vì tinh tú khi màn đêm hiu hắt đổ, ta nhớ nhà vô cùng nhưng chỉ
biết khóc thầm. Ta lao lực vì công việc quên đi mình đang dần già đi, và sức khỏe
cũng không còn vẹn nguyên như trước. Tăng ca khiến ta thiếu ngủ, nhưng tất cả
chỉ mới bắt đầu. Nói "không" đồng nghĩa với việc ta bỏ cuộc. Càng sinh ra trong một gia đình thiếu
thốn về mặt vật chất cũng như tinh thần, quyết định đi xa lập nghiệp lại càng là một
điều khó khăn. Gánh nặng tài chính khi tiền thuê nhà, tiền phương tiện đi lại
cũng như các khoản phí vặt vãnh khác cũng là một chi phí lớn. Chưa kể, nếu chưa
đủ thành thục trong nghề, việc làm quen và bắt kịp công việc cũng mất 1,2 tháng.
Một mình chịu đựng vất vả nhưng không bao giờ than trách, kể lể. Một mình cô đơn
ôm trọn lấy chính mình. Những mâm cơm nguôi lạnh vì trễ bữa, những khung cửa sổ
phủ một lớp bụi vì thiếu bàn tay chăm sóc. Thế mới nói, ra đi là quyết định. Nhưng
trụ vững được hay không lại là bản lĩnh, là tinh thần thép của từng người.
Tuổi trẻ, ta có quyền
thử mọi thứ mà bản thân muốn dấn thân và đánh đổi, nên nếm trải mọi nỗi cực nhọc
mà trước kia ta thường tránh né. 20 tuổi, ôm trong mình một hoài bão lớn được
đi và mạo hiểm, chiếc vali trên tay nhẹ như lông hồng mà sao lòng cứ nặng trĩu
như đá. Cất bước đi khỏi quê hương xứ xở, đồng nghĩ với việc ta phải tự lo cho
mình nếu như không muốn những bước chân đầu tiên đã nếm mùi thất bại. Từ khi mới
đặt chân xuống vùng đất hứa, hàng tá nỗi lo lắng đã đổ ập lên đầu từ thuê nhà,
tìm việc, ổn định cuộc sống dần dần qua từng ngày rồi mới thân quen được với
vài người bạn. Niềm tin vào những mối quan hệ cũng không còn vững chắc như ngày
trước, sau vài đợt nhận ra sự thật đằng sau những cuộc vui tới bến cùng những
người bạn xã giao.
Còn trẻ, ta lại càng
phải bước đi, để có tương lai, để sau này còn chăm lo cho bố mẹ.
Ích kỷ
của bản thân
Không quá khi nói ta ích kỉ khi quyết định ra đi, sau lưng là cha mẹ đã qua tuổi tứ tuần. Đâu đó trong bóng dáng hao gầy những ngày sương gió, đâu đó trong những nếp nhăn nơi khóe mắt là một sự cô đơn thầm lặng và hi sinh. Suốt một chặng đường dài lao tâm khổ tứ vì con cái, vì gia đình, đến những tháng ngày già yếu cũng chẳng được gần con gần cháu. Ít bố mẹ nào nói ra, nhưng chẳng ai là người không đau lòng. Chúng ta có đang quá vị kỉ khi chăm chăm nhìn vào ước mơ và hoài bão của bản thân mà bỏ mặc kỳ vọng của cha mẹ, để sống cho mình nhiều quá. Cái viễn cảnh xa nhà quá lâu, lâu đến nỗi mà cha mẹ không thể chờ đợi được nữa, nó đau đớn vô cùng. Đâu đó, những lúc mẹ cha ốm đau, ta không thể về kịp. Đâu đó ta vẫn chối từ những chuyến về quê vì bộn bề công việc. Đâu đó ta vẫn gạt phăng những lời khuyên của cha mẹ để bảo vệ ý kiến của mình.
Hơn nữa, ta có đang bỏ mặc quê hương bản quán, phủ nhận cái tiềm năng phát triển còn chưa được khai thác tại chính nơi chôn rau cắt rốn của mình. Tìm kiếm cơ hội việc làm trên cả mong đợi ở một vùng đất xa xôi, ta chấp nhận đánh đổi sống xa quê. Thấp thoáng đâu đó cả suy nghĩ sẽ không bao giờ quay trở về, vì ta không muốn làm lại lần nữa. Quê hương vẫn ở đó, vẫn đẹp, vẫn chờ những trí nhân mở mang nhưng lại đang bị bỏ lại phía sau. Càng ngày, quê hương càng vắng bóng những thanh thiếu niên với sức trẻ, sức khỏe và tinh thần yêu quê hương đất nước. Chảy máu chất xám không hiếm, nhất là ở những vùng quê nghèo, thiên nhiên không ưu đãi và bị tách biệt với những vùng kinh tế phát triển khác.
Bố mẹ
nghĩ gì?
Không khó hiểu khi quyết định rời đi, ta gặp phải những ánh mắt nghi ngờ của mọi
người, trong đó có bố mẹ. Mỗi thế hệ lại có một lối suy nghĩ và tư tưởng khác
nhau, nên những suy nghĩ trái chiều cũng vì thế mà nảy sinh. Họ cho rằng, nếu
muốn có sự nghiệp, không cần phải đi đâu xa, trong khi quê hương mình vẫn còn
quá nhiều tiềm năng khai thác và phát triển. Đâu đó, cái tư tưởng an phận vào
công việc nhà nước vẫn hằn in trong tâm tưởng một đại bộ phận bố mẹ - những công
nhân viên chức gắn bó với cơ quan gần nửa đời người. Ta không trách bố mẹ, vì
suy cho cùng, thương con vẫn là điều không thể phủ nhận. Sự quan tâm của bố mẹ
vẫn luôn thường trực trong trái tim mỗi bậc làm cha làm mẹ: Chăm bẵm con từ khi
lọt lòng đến khi cắp sách đến trường rồi may mắn hơn là vào đại học. Họ muốn
sát cánh bên con, cho con những lời khuyên để tránh được nhiều thất bại nhất có
thể trong đường đời vô vàn cạm bẫy.
Bố mẹ nào
cũng muốn chứng kiên sự trưởng thành ở con cái, nhưng nếu buộc phải xa chúng
thì thật không dễ dàng. Tư tưởng “Trẻ cậy cha, già cậy con”, nhất là những lúc đau
ốm, không phải một chốc con cái đã ngay cạnh bên. Đặc biệt nếu nhà quá neo người,
bạn là con một trong gia đình thì trách nhiệm ấy còn lớn lao và nặng nề hơn bao
giờ hết. Người Việt Nam coi trọng chữ Hiếu, có lẽ cũng vì thế mà việc xa quê xa gia đình không
mấy khi nhận được sự ủng hộ ngay từ lần đầu tiên. Người lạc quan luôn nhìn thấy
cơ hội trong những rủi ro, vì thế đừng ngần ngại thuyết phục bố mẹ bằng chính năng
lực của bạn. Khi niềm tin đã có, chắc chắn mọi người sẽ đứng về phía bạn.
Lập
nghiệp: Chon quê hay phố?
Đó là câu hỏi vẫn luôn thường trực trong mỗi thanh niên khi bước chân vào thế giới người lớn, vào thị trường lao động và chính thức chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Ở tuổi 22, cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, sự phân vân về ngành nghề và những định kiến về cuộc sống quê - phố càng khiến việc đưa quyết định trở nên khó khăn. “Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố” là tư tưởng níu kéo không ít bạn trẻ ở lại thành phố sau tốt nghiệp, mặc những bon chen và khó khăn nơi đất khách quê người.
Chẳng thể phủ
nhận những điểm mạnh yếu mà quê và phố mang lại, bởi không thể khẳng định nơi nào
tốt nơi nào xấu, hay sống ở đâu là không xứng đáng. Ta vẫn nghe đâu đây những
phàn nàn về chi phí đắt đỏ nơi phố thị, rằng kiếm chẳng đủ tiêu; rồi ở quê tẻ
nhạt, không thăng tiến được, quê nhiều tệ nạn lắm, nhưng được cái môi trường
trong lành… Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, khi chính chúng ta không đưa chúng
vào một khuôn khổ mà bản thân thấy ưu tiên nhất. Nếu xác định đi theo con đường
sư phạm, muốn gắn bó với gia đình, quê hương thì quê là hợp lý. Nhưng muốn đóng
chân tại một công ty đa quốc gia với môi trường quốc tế năng động, sự tiến bộ
khoa học công nghệ… thì quê lại không phải sự lựa chọn sáng suốt. Tất nhiên, nói
đi lại phải nói lại, nếu tiềm lực kinh tế và khả năng có thể làm việc "Work from
home" thì đâu cũng có thể là nhà, là công ty, đâu ta cũng phát huy được mọi khả
năng mà mình có.
Một cô giáo
làng đam mê viết báo. Chị ứng tuyển vị trí cộng tác viên (CTV) cho một tòa soạn
nhỏ với công việc biên tập bài viết cho phép làm việc online, gửi sản phẩm và
nhận lương qua tài khoản. Một thầy giáo Tiếng Anh cấp 3 ngoài giờ làm trên trường,
nhận thêm tài liệu biên dịch y khoa về làm thêm kiếm thêm thu nhập và học hỏi những
kiến thức về ngành nghề mà anh yêu thích. Một anh nhân viên cả tuần quay cuồng
với công việc, thong thả dành những ngày nghỉ quý giá về quê với bố mẹ, bên ngôi
nhà anh từng lớn lên và gắn bó, để chia sẻ những nhọc nhằn vất vả từ ruộng đồng đến con lợn con gà, đi trên chiếc xe đạp những năm tháng cấp 3 đã từng gắn bó suốt
con đường làng dầu dãi nắng mưa. Thế mới thấy, việc cân đối cuộc sống phố - quê cũng
là cách dung hòa lựa chon khó khăn này. Chon quê hay phố đều tùy thuộc vào sự ưu
tiên và định hướng nghề nghiệp của chính bạn. Trải nghiệm luôn là điều được
khuyến khích để không cảm thấy tiếc nuối. Những trải nghiệm sẽ cho bạn cái nhìn
toàn diện nhất về cái được cái mất giữa hai sự lựa chọn, để thấy minh nên và hợp
với cuộc sống ở đâu. Tuổi trẻ phải thử, sau này mới không hối hận.
Dũng cảm
sống hết mình với tuổi trẻ
Những
quyết định của tuổi trẻ bao giờ cũng đáng giá, bởi nó thể hiện sức mạnh của sự độc
lập trong từng suy nghĩ. Thế nên đừng từ bỏ khi còn có thể, không
phải ai cũng dám đánh đổi khi nghĩ đến chi phí cơ hội. Không phải ai cũng dám từ
bỏ những điều sẵn có để tự tái tạo dựng xây cái mới của riêng mình từ những vết
chân non nớt đầu tiên. Chỉ là một khi đã quyết định bước đi, hãy chuẩn bị cho mình
một tâm lý sẵn sàng và mạnh mẽ, một sức khỏe dẻo dai và một ý chí bền bỉ.
1.
Tìm
hiểu trước văn hóa bản địa: Văn hóa là nét độc đáo làm nên vẻ đẹp riêng có của
mỗi vùng miền, bao gồm phong tục tập quán, ẩm thực và cả trang phục, lối cư xử.
Tìm hiểu trước văn hóa giúp bạn khỏi bỡ ngỡ về cuộc sống mà mình sẽ gắn bó
trong thời gian tới, đồng thời nhanh chóng bắt kịp với nhịp sống và con người nơi
đây.
2.
Cân
nhắc chi phí định cư: Chi phí này bao gồm chi phí thuê nhà, đi lại, sinh hoạt phí
và các khoản thuế liên quan. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến gánh nặng tài chính,
nhất là khi ngân sách còn hạn hẹp, lại chân ướt chân ráo vào nghề thì đây là điều
đáng để bạn phải xem xét.
3.
Định
hướng nghề nghiệp: Mỗi thành phố và vùng miền hầu hết đều ưu tiên phát triển một
ngành mũi nhọn như khai khoáng, du lịch, nông nghiệp hoặc công nghiệp kỹ thuật
cao…nhằm phát huy những thế mạnh và tiềm năng sẵn có. Định hướng đúng đắn về
nghề nghiệp là tiền đề giúp bạn tiết kiệm thời gian tìm hiểu, học hỏi và phát
triển kỹ năng thêm về nghề, hay chí ít là có cái nhìn toàn diện về tiềm năng phát
triển bản thân trong ngành nghề tại địa phương đó.
4.
Khả
năng thích nghi của bản thân: Tính linh hoạt không tự nhiên mà có, nhưng để thích
nghi tốt với môi trường mới, bạn nên mở lòng với những điều mới, chủ động giao
tiếp và nắm bắt cơ hội. Người hướng ngoại vì thế thường có xu hướng thích nghi
với môi trường mới nhanh hơn những người hướng nội, nhưng không vì thế mà cơ hội
thu hẹp với người hướng nội. Ngược lại, họ có khả năng phân tích phán đoán, biết
lên kế hoạch tức thời, tận dụng tiềm năng bí ẩn của mình chinh phục vùng đất mới.
5.
Tận
dụng các mối quan hệ đã có: Đây là điều bạn nên trân trọng vì nếu quen biết trước
những người ở nơi đó, họ sẽ phần nào giúp bạn làm quen với cuộc sống ở đó nhanh
hơn là tự tìm hiểu một mình. Gợi mở những câu chuyện về văn hóa, con người và
cuộc sống ở đây là cách giúp bạn tiếp cận thông tin một cách chân thực và cập
nhật nhất.
6.
Kết
nối với người địa phương: Những mối quan hệ mới này là sợi dây tinh thần gắn kết bạn với vùng đất xa lạ. Đó có thể là bác hàng xóm, anh em đồng nghiệp và cả những
người bạn mới có cùng một đam mê. Đừng ngần ngại quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ họ
bởi họ chính là cộng đồng của bạn. Tục ngữ vẫn có câu “Bán anh em xa, mua láng giềng
gần” cũng bởi lẽ đó.
Mỗi lần về
quê, thấy những ngôi nhà trống vắng giữa làng quê thanh bình, vắng lặng những
tiếng cười trẻ con và những hình bóng những chàng trai cô gái tuổi 20 bên cánh
đồng thơm mùi lúa, tôi không khỏi chanh lòng. Bộ mặt xóm làng đổi thay từng
ngày qua những ngôi nhà cao tầng trơ trọi nhưng lúc nào cũng khóa chặt cửa, rồi
đường làng ngõ xóm trở về cái sự yên ắng sau vài ba ngày lễ tết…ự cô độc của
những cụ già bên mái nhà nhuốm màu thời gian và kỉ niệm. Những trăn trở này là
tiếng lòng đại diện cho cả các bạn trẻ chí lớn, cả những người thầm lặng bên bạn
không bao giờ nói ra nhưng luôn chờ bạn trở về. Tôi cũng không dám chắc mình có
quyết định đi xa lập nghiệp hay không, chỉ có điều đó vẫn luôn là ước mơ thường
trực trong lòng từ khi còn nhỏ. Sự đấu tranh giữa hoài bão bản thân và mong
ngóng của mọi người sẽ khiến tôi đắn đo thêm mà không sớm quyết định được. Có
điều, mọi sự đánh đổi đều có giá của nó, và chắc chắn tương lại sẽ bù đắp tất cả
những gì bạn đã bỏ ra, không hơn thiệt.
Tác Giả: Uyên Nguyễn
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
6,516 lượt xem, 5,837 người xem - 5859 điểm