Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Xin Đừng Ép Tôi Phải Nói

“Tôi ghét khi mọi người hỏi tôi: "Tại sao bạn lại im lặng như vậy?". Bởi vì đó là tôi. Đó là cách tôi hoạt động. Tôi không hỏi người khác "Tại sao bạn nói nhiều như vậy?". Nó rất bất lịch sự.” – Keanu Reeves

Xã hội trước giờ luôn chuộng người hoạt ngôn và người ta luôn xem đó là hình mẫu mà một người cần có. Và người trầm tính, ít nói thì lại trở nên lạc lõng, thậm chí còn bị khiển trách vì quá tách biệt. Vì sao vậy? Vì xã hội ngày càng phát triển theo chiều hướng năng động, do đó đòi hỏi con người phải biết thích nghi, phải “hoà mình” vào dòng đời, dòng người. Vậy thì những người ít nói, trầm lặng sẽ ra sao? Theo góc nhìn của tôi, nếu không phải là người cực kỳ giỏi, thì họ rất dễ bị lu mờ bởi những người hoạt ngôn xung quanh. Nói lu mờ cũng chỉ là một cách diễn đạt. Họ vẫn được mọi người xung quanh “quan tâm” cũng vì kiểu tính cách này. Mà cái sự “quan tâm” này nghiêng về soi xét, trách móc nhiều hơn. Bạn biết đấy, cho dù người ít nói có giỏi cỡ nào, khi so với người có cùng năng lực, cùng bằng cấp, nhưng hoạt ngôn hơn, giỏi giao tiếp hơn, họ vẫn bị lép vế. Đó dường như là một lẽ sống rồi. Và chúng ta, những người ít nói, buộc phải chấp nhận.

Tôi là một người ít nói, và tôi biết trong tất cả các bạn đọc bài viết này cũng giống như tôi. Tôi không những ít nói mà còn lười giao tiếp nữa. Và tôi nghĩ điều này ảnh hưởng đến cuộc sống của mình rất nhiều. Từ nhỏ, tôi luôn bị họ hàng lời ra tiếng vào với những câu đại loại như là: “Sao ít nói thế?” “Sao suốt ngày cứ thấy ù lì chả nói chuyện với ai?” “Nhìn con bà A xem người ta lanh lợi, hoạt bát bao nhiêu, nhìn lại mày thì...” Họ luôn bắt tôi phải làm theo ý họ, phải như này, như kia, vì họ ghét tính cách của tôi. Tôi đã nhiều lần cố gắng thay đổi nhưng rồi lại đâu vào đấy. Thật ra những gì thuộc về tính cách thì rất khó thay đổi, tôi nghĩ vậy, trừ phi bạn đã phải trải qua một biến cố nào đó, khiến cho bạn dám mạnh mẽ vứt bỏ con người cũ của mình.

Có người từng nói về tôi một câu quá đáng như này: “Không nói để giành hơi cho sống được lâu hơn.” Tôi nhạy cảm lắm. Có lẽ đối với nhiều người, đó chỉ là một câu nói bông đùa, chỉ có ý muốn khích lệ mình nói nhiều hơn thôi. Nếu thật sự như vậy thì tôi xin từ chối sự khích lệ kém duyên này. Đối với một đứa trẻ, đừng mong mỏi gì hơn là để cho nó sống thật với bản thân mình, hãy để cho nó sống với cái suy nghĩ thật sự của nó đi. 

Có bao giờ bạn ghét chính bản thân mình vì là người ít nói chưa? Có lẽ những áp đặt của mọi người xung quanh khiến bạn từng có ý nghĩ đó.

“Sao ngồi đó một mình vậy? Ra chơi với mọi người đi chớ? Hoà đồng lên! Nói nhiều lên!” Mọi người luôn nhắc nhở bạn như vậy và xem việc hoà nhập, chơi với mọi người mới vui, như vậy bạn mới là một đứa BÌNH THƯỜNG. Rồi người ta mặc định những đứa mà hay chơi một mình, chả nói chuyện với ai là những đứa KHÔNG BÌNH THƯỜNG. Nó giống như một CĂN BỆNH cần phải được CHỮA TRỊ. “TỰ KỈ”, “TRẦM CẢM”, “THIỂU NĂNG” là những từ ngữ “kém duyên” mà người ta áp đặt lên cho bạn. Rồi dần dần bạn hình thành cái suy nghĩ là mình không được bình thường cho đến khi bạn lớn lên, khiến bạn không chấp nhận con người thật của mình, bạn muốn cười cười nói nói như bao người. “Làm sao đây? Phải làm sao thể mình có thể thoát khỏi con người này? Mình ghét mình như thế này.” Khi chính bạn cũng muốn vứt bỏ mình, chính bạn cũng không yêu thương bản thân, thì đừng mong đợi người khác sẽ yêu thương bạn.

Chơi một mình cũng vui mà! Khi bạn từ bỏ việc chơi một mình để hoà nhập vào đám đông, để chơi với người khác trong khi bạn không muốn, rồi lúc đó bạn chẳng thấy thoải mái, chẳng thấy vui vẻ, đó mới chính là điều khiến niềm vui của bạn dập tắt.

Đôi lời giành cho những ai xem người ít nói, im lặng là không bình thường, muốn họ vứt bỏ đi con người của mình: Thế này, thật tốt nếu bạn cũng yêu bản thân mình. Bạn nói nhiều, bạn hoạt ngôn, năng động, bạn thích chơi cùng với mọi người, và bạn thích mình như vậy. Bạn cảm thấy mình thật may mắn vì mình “bình thường”. Chẳng ai bảo bạn hãy im lặng đi, hãy chơi một mình đi, tách biệt đi, vì trừ những người có kiểu tính cách “không bình thường” ra thì đa phần sẽ không ý kiến, thậm chí còn tán dương bạn: “Như vậy mới là tốt nè! Như vậy mới là sống chứ! Sống như vậy mới vui!” Bạn thích bản thân mình như vậy, hãy giữ nó, vì điều đó là tốt mà. NHƯNG, hãy tôn trọng tính cách của người khác. Bạn có thể không thích những người hay im lặng, không sao, vì đó là cảm xúc của bạn, nhưng đừng chỉ họ cách sống, đừng áp đặt người đó là dị biệt, nguy hiểm chỉ vì người ta khác bạn. Bạn thấy vui không đồng nghĩa với việc người khác cũng thấy vậy. Mỗi người đều có cách tận hưởng niềm vui khác nhau. Bạn thấy vui khi được trò chuyện cùng mọi người, có nhiều bạn bè. Còn tôi, tôi thấy vui và thoải mái khi ở một mình, tôi không thích tiếp xúc với những ai luôn cho mình cái nhìn phán xét. Bạn có thể cho rằng tôi bảo thủ, nhưng tôi thích bản thân mình như thế, không làm hại đến ai nên tôi chả thấy xấu hổ.

Người ta luôn khuyên bạn hãy là chính mình, hãy sống thật vì đây là cuộc sống của bạn, chỉ bạn mới có quyền quyết định mình phải sống như thế nào. Nhưng khi gặp một người đang ngồi im lặng một mình, họ lại khuyên là vào chơi cùng mọi người đi cho vui, ngồi một mình hoài tự kỉ đấy. Thật, tôi không nói trong tất cả trường hợp, nếu họ đã quyết định ngồi một mình rồi thì là họ thích như thế, mọi người có mời vào nhưng họ vẫn từ chối nghĩa là họ không muốn tụ tập, vậy thôi. Đó không phải là tự cô lập hay cố gắng tách biệt với thế giới, mà là họ đang vui với chính mình. Tôi chẳng bao giờ bảo người khác rằng họ nói nhiều cả. Nó rất bất lịch sự. Cũng giống như việc người khác bảo tôi sao im lặng vậy. Bạn muốn tôi phải trả lời thế nào? Vì tôi không muốn nói chuyện với bạn, tôi chỉ nói vào những lúc cần nói, hay đơn giản là tôi thích như thế, tôi đang sống với những gì mà tôi thấy vui, như vậy có làm bạn hài lòng không?

Nhiều lúc, tôi cũng không thể hiểu nỗi. Chúng ta đang sống trong một một thế giới mà mỗi người đều là những cá thể riêng biệt. Chúng ta khác nhau. Nếu ai cũng năng động, cũng hướng ngoại, thì thế giới sẽ hỗn loạn thế nào đây? Rồi những người hay im lặng có thật sự “dở” như người ta vẫn nghĩ? Tôi lại thấy những người đó rất “hay”. Nó giống như là một nốt trầm của cuộc sống vậy. Vì họ không nói nhiều nên họ sẽ lắng nghe nhiều hơn, và nói vào những lúc cần nói. Đôi khi, lời nói của bạn sẽ có giá trị nếu như bạn biết đặt đúng chỗ. Nói nhiều nhưng chẳng đọng lại được bao nhiêu thì chẳng khác nào đang “chém gió” cả.

Vậy nên là, nếu bạn là một người ít nói, tôi mong là bạn sẽ yêu thương bản thân mình, yêu thương cái cá tính này. Đừng chối bỏ bản thân để đi theo cái hình tượng mà người khác mong muốn. Đừng xem đây là một khuyết điểm mà hãy khiến nó trở thành ưu điểm, là đều mà bạn phải tự hào. Người ít nói thì đã sao? Bạn có thể làm được nhiều điều mà người nói nhiều không bao giờ làm được. Tôi đã từng trải qua khoảng thời gian bị người khác liên tục chỉ trỏ và bản thân chẳng thể kháng cự. Dù bây giờ điều đó vẫn tiếp diễn nhưng cũng ít dần vì tôi cũng lớn rồi. Tôi cũng quen rồi, cũng chẳng muốn thay đổi. Họ nói thì cứ nói thôi, dù sao cũng chẳng làm gì được.

Đừng cố trở thành một ai đó, vì người khác đã có người khác làm rồi, còn bạn chỉ cần là chính bạn thôi. 

Tác Giả: Lâm Hồng Châu
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link:  https://www.facebook.com/profile.php?id=100014418312244
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

979 lượt xem, 949 người xem - 987 điểm