Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Yêu Xa Có Là Yêu Sai?

Gửi đến bạn Tịch với tình yêu màu hồng nơi xa, chúc ông sẽ sớm hoàn thành ước mong vào miền Nam để thăm người ấy khi hết dịch nhé!

 Gửi đến “Người Anh Không Thân Lắm”, nao em lên, anh phải báo tin mừng của anh chị đấy nhé, hóng mãi cái kết đẹp của mối tình mấy nghìn km đấy.

 Chúc chị Lu và anh Arius, những người bạn tốt của em sẽ sớm được bên nhau, không phải ngày nào cũng nhìn nhau qua màn hình nữa nhé!

 

Vì “xa mặt cách lòng” nên trong chuyện tình cảm, người ta thường tránh yêu xa nhiều nhất có thể. Không những thế, dưới tác động mạnh mẽ của kỷ nguyên số, “long-distance relationships” còn là một vấn đề cực kỳ nan giải với một số bạn trẻ bởi vô vàn những hệ lụy không đáng có. Nhưng có thật yêu xa là một cách yêu sai không thì vẫn cần rất nhiều thời gian để suy xét.

 Bài viết này, trước hết mình muốn gửi đến những người bạn yêu quý của mình đang trong giai đoạn tìm hiểu và yêu xa, sau thì dành tặng cho ai đó đang trống trải, cô đơn khi đang xa cách với người mình yêu. Chúc mọi người sẽ có một cái kết viên mãn nhất nhé!

 

1. Có nên tự động định nghĩa “yêu xa” là “quen qua mạng”?

 Vơ “yêu xa” vào vỏ bọc của “quen qua mạng” rồi tự cho rằng đây là chuyện tiêu cực thì có phần không mấy chính xác. Thật ra, nhiều người trẻ hiện nay sẽ lầm tưởng vài dòng tin nhắn ngập tràn mùi thính, mùi mẫn, ngọt ngào là “tình yêu đích thực”. Nhanh chóng làm quen, rồi cũng nhanh chóng bước vào một mối quan hệ do Internet làm bà mối để rồi vỡ mộng, nỗi ê chề nhận lại nhân đôi vì những người với bản tính không nghiêm túc, ưa nói dối hơn nói thật, thích sống ảo hơn thực tế. Theo ReportLinker, 54% người được khảo sát cho rằng những website hay ứng dụng hẹn hò từ xa mang tính tiêu cực cũng vì thế.

Điều đáng nói là, phần lớn thời gian, người yêu xa cũng sẽ phải sử dụng các thiết bị điện tử như một cách liên lạc duy nhất để giao tiếp với nửa kia. Tuy nhiên, sự khác biệt lớn nhất đó chính là họ chân thành và xác định lâu dài trong mối quan hệ. Thay vì liên tục chờ đợi tin nhắn như tìm hiểu qua mạng xã hội chóng vánh vì họ chờ đợi những khoảnh khắc trò chuyện cùng nhau, trân quý từng giây phút một mỗi khi được gặp gỡ. Họ không vội vàng, trái lại còn rất điềm tĩnh và thấu hiểu người còn lại dù mỗi người một phương.

 

2. Tự định nghĩa lại cho “yêu xa”

 2.1. Hãy ví đó là một chiếc cầu vồng

 Dĩ nhiên, cầu vồng, khác với mây trắng ở chỗ nó đa sắc hơn rất nhiều. Kể đến là có đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím – những sắc màu xuất hiện thật lung linh và đẹp đẽ dưới sự tán sắc của ánh sáng. Phải chăng cũng chính vì lẽ đó mà ta sẽ ví von yêu xa như một chiếc cầu vồng, vô cùng huyền ảo, vô cùng thuần khiết tựa nắng ban mai?

 Có một điều kỳ lạ là trong tiếng Anh, các tính từ chỉ màu sắc đôi khi còn thể hiện cả cảm xúc của con người nữa. Chẳng hạn như “blue” - xanh dương, ám hiệu cho nét buồn đang trĩu nặng bên trong tâm hồn, trong khi“yellow” – vàng thì lại tái hiện dáng vẻ nhút nhát, rụt rè của một ai đó hay bỗng dưng cảm thấy tức giận với cụm “see red”. Do đó, cầu vồng của tình yêu là mối nối giữa vô số các loại xúc cảm như buồn sầu bởi sự ngăn cách xa xăm giữa không gian và cả thời gian; tự ti, bồn chồn ập đến ngay tại khoảnh khắc đối phương bất chợt là tâm điểm thu hút của biết bao người khác hoặc hờn dỗi vu vơ khi chợt nhận ra họ chẳng thể nào dành toàn tâm toàn ý cho mình vào ngày sinh nhật hoặc Valentine, v.v.

 

Thực chất, cầu vồng vốn là ảo ảnh hư vô không có điểm nào kết thúc sau cơn mưa rào tưởng chừng không bao giờ dứt. Người biết trân trọng mối quan hệ sẽ nắm bắt được mọi khoảnh khắc, dù chỉ là nhỏ nhất một cách không do dự, tiếc nuối. Dù có vẻ như những mối quan hệ ấy xa xôi đấy, được người ta cho là sẽ biến mất nhanh thôi nhưng ta vẫn lắng nghe nhịp đập của chính trái tim mình, một trái tim vẫn ngày ngày thổn thức không ngừng.

 Yêu xa không sai khi cả hai cá nhân đều dũng cảm, đối diện với ranh giới của tất thảy mọi khó khăn từ vị trí địa lý, thời gian cho đến khác biệt về mặt tư tưởng. Vượt qua cây cầu vồng, ta sẽ thấy nhau, sẽ thấy ánh sáng nơi ráng trời xa xôi.

 

2.2. Nói tình cảm ấy như một bản nhạc

Phải, yêu xa và đĩa nhạc có một điểm tương đồng là “đều nỗ lực chạy không ngừng nghỉ cho đến khi kết thúc” Tình yêu đẹp, đặc biệt là khi bị chi phối bởi muôn trùng yếu tố ngoại cảnh, sẽ bền chặt hơn nếu như cả hai trái tim cùng chạy, cùng tiến lên vì nhau.

 Trong cuốn “Nhà giả kim” của Paulo Coelho, nhân vật chính, cậu chăn cừu tên Santiago đã đem lòng thầm mến “cô gái đất Andalusia với mái tóc đen dài và đôi mắt phẳng phất nét người Mauren xâm lược” sau ngày đến thăm thành phố nọ để xén lông cừu. Một năm sau, cậu trở lại nơi ấy để bán lông cừu lần thứ hai. Cậu không biết cô gái ấy có còn nhớ tới mình, nhớ tới câu hỏi mà cô đã từng hỏi anh về việc lựa chọn trở thành gã chăn cừu không. Anh thậm chí còn cho rằng chuyện đó cũng không quan trọng là bao bởi đi đến đâu thì anh cũng sẽ gặp khối người đàn bà khác, thế nhưng, “trong thâm tâm cậu biết mình không thể chẳng cần, vì rằng bất cứ người chăn cừu, người thủy thủ hay người khách thương nay đây mai đó nào cũng có ở đâu đó một kẻ khiến cho họ quên mất thú vui được tự do giang hồ đi cùng trời cuối đất”

Trên cuộc hành trình kiếm tìm kho báu, theo đuổi vận mệnh để định nghĩa “hạnh phúc” và hòa hợp với vũ trụ nơi châu Phi, Santiago vẫn đâu đó mong mỏi hình ảnh của người con gái rắn rỏi dưới ánh nắng vàng ngày đó, nhờ vậy mà luôn tự nhủ phải mạnh mẽ hơn, bền bỉ với hành trình của số mệnh chông gai phía trước.

 Khi hoàn thành sứ mệnh, phát hiện ra cả một rương báu quý giá, cậu ngẫm nghĩ hồi lâu.

“Gió lại thổi, gió Levante từ châu Phi. Lần này gió không mang lại mùi sa mạc hay mối đe dọa của người Mauren, mà mang đến một mùi thơm cậu rất quen, và một nụ hôn nhẹ nhàng chạm trên môi cậu.

Cậu mỉm cười. Lần đầu tiên cô ấy hôn mình.

“Fatima ơi, anh đến với em đây,” cậu nói.”

Vậy đó, cả hai đều nghĩ đến nhau, ngày ngày hoàn thành những việc mà bản thân thấy quan trọng. Đâu có sự chia xa khi trong lòng vẫn có nhau chứ? Ta vẫn phải miệt mài chạy trên đường ray của ta, để tiến lên tương lai mà lòng không do dự, suy cho cùng cũng cảm thấy hãnh diện cùng người còn lại.

 


3. Thổi lửa nấu tình yêu xa

Ở lớp, tôi có chơi cùng một cậu bạn. Ngoài việc là một classmate thần sầu chính hiệu với ước mơ làm giáo viên môn tiếng Anh ra thì tôi quý mến cậu ấy còn trên cương diện của một chủ tịch CLB hết sức toàn tâm toàn ý với công việc. Không chỉ nổi tiếng về học tập, bạn ấy còn được biết đến với chuyện tình kéo dài hai năm (cho đến tận thời điểm này) với một bạn khác cũng bằng tuổi chúng tôi ở Hồ Chí Minh. Thành thật mà nói, tôi chưa từng tin vào bất kỳ một mối tình với khoảng cách địa lý quá nhiều đến thế, thế nên, tôi rất tò mò về quan hệ của bạn tôi và người kia.

 Một buổi chiều nọ, sau khi soạn xong giáo án cho ban mình cùng cậu ấy, tôi cố tình hỏi nhỏ:

- Ê ông, tại sao ông lại yêu được bạn kia vậy? Cái bạn ở trong Nam í.

- Hừm… Thật ra lúc đầu tôi chỉ định yêu để trải nghiệm thôi – Bạn tôi cười xòa – Nhưng mà, sau này mới phát hiện, bọn tôi khăng khít hơn thế nhiều.

Chưa dừng lại ở đó, tôi tiếp lời luôn:

- Vậy tại sao ông lại duy trì được tình yêu đó thế? Ông đâu có nhiều tiếp xúc với họ đâu. Mà…

- Mà sao?

- Mà… mà… nhiều người… nói rằng đấy chỉ là “ảo”. Ông không sợ à?

- Tôi hiểu. Chính vì để thoát khỏi chữ “ảo” đó, bọn tôi cố gắng update thông tin thường xuyên cho nhau này, tranh thủ tìm kiếm thêm các dự án online để làm việc cùng nhau, cố gắng dành người còn lại nhiều thời nhất có thể này. Và hơn hết, tôi, bạn ấy, đều tin tưởng nửa còn lại.

 Nghe đến đây, tôi đứng hình một lúc, chính xác là vậy đấy. Ồ, hóa ra, bao lâu nay, tôi vẫn luôn gắn cho “yêu xa” một cái mác tiêu cực, luôn chế giễu và mỉa mai tính bất khả thi của một “long-distance relationship” bất cứ khi nào có ai đó nói về điều này. Nhưng giờ thì tôi tin vào sức mạnh kỳ diệu của cảm xúc tuy có phần xa cách nhưng kỳ diệu ấy rồi. Người ngồi trước mặt tôi, một cậu bạn sẵn sàng bộc lộ cá tính, một cậu bạn dịu dàng, luôn giúp đỡ tôi mỗi khi cần, đã, đang và sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực ngày qua ngày nhờ vào phép màu của tình yêu này.

 


Và qua trả lời của bạn mình, tôi đúc rút được một số cách để “thổi lửa nấu tình yêu xa” như này:

3.1. Tin tưởng một nửa trái tim

Không thể phủ nhận rằng, người có tình yêu kề bên đôi khi còn cảm thấy khó khăn trong việc trao hết niềm tin cho người còn lại, vậy mà, giờ đây còn yêu xa nữa, biết làm sao? Câu trả lời vẫn chỉ là “TIN HẾT MÌNH” mà thôi. Người kia vẫn đang trau dồi, cố gắng vì bạn, bạn cũng thế thì có cớ gì để không tin tưởng nhau nữa chứ?

Hãy chỉ rời đi khi họ đã không còn tin bạn chứ bạn đừng rời đi chỉ vì họ không nhắn tin mỗi ngày, không gọi điện cho bạn từng giờ do bận việc.

 

3.2. Cập nhật thường xuyên cho nhau

Như đã nói ở phần đầu, có thể việc yêu một người ở quá xa sẽ khiến bạn thấy rối bời hay bồn chồn bất cứ lúc nào. Đôi khi, đó còn là cảm giác mình đang trải qua một tình yêu quá xa xỉ và không có thật vì hai người đang không sánh bước cùng nhau tại khoảnh khắc này. Vì vậy, để không sa lưới vào mối quan hệ ảo, hãy luôn dành ra những giây phút hiếm hoi để cả hai cùng trao đổi với nhau về sở thích, sở ghét, công việc, sinh hoạt hằng ngày – một cách để update những thông tin cơ bản nhất cho người kia qua những cuộc gọi điện hay video call.

 

3.3. Phát triển bản thân

Dù xa nhau nhưng đừng bao giờ buông thả bản thân. Bạn nghĩ rằng, trong những mối quan hệ như thế thì không cần phải câu nệ thói quen, nề nếp sống của chính mình, nhưng đặc biệt, càng những khi xa người ấy, bạn cần phải cố gắng vươn mình mạnh mẽ mới phải. Tự chủ về tài chính, tự do trong suy nghĩ, đón nhận những thử thách mới, sống tích cực hơn, siêng năng tập tành thể dục,… mới là những điều mà bạn cần làm nhất. Hãy chứng tỏ rằng bạn xứng đáng để được họ theo đuổi cũng như là nâng tầm giá trị của mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào nhé!

 

Sau cùng, mỗi tình yêu đều là những mảnh ký ức rất tuyệt vời đối với mỗi chúng ta, đặc biệt là những tình yêu vượt qua mọi khoảng cách địa lý, khác biệt về tôn giáo, suy nghĩ. Vậy nên, hãy trân trọng, trao đi yêu thương đủ nhiều để những mối quan hệ ngày càng bền chặt hơn bạn nhé!


Tác Giả: Vũ Lê Yến Nhi

--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá +19,087,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

414 lượt xem, 413 người xem - 415 điểm