Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách “20 Hành Trang Cho Chuyến Xe Tuổi 20s”: Cẩm Nang Cho Tuổi Trẻ Từ “Con Nhà Người Ta”

Trong thời đại phát triển của công nghệ số, không khó khăn gì để tìm thấy những bài báo về gương tuổi trẻ tài cao. Bên cạnh sự ngưỡng mộ thì liệu có bao giờ bạn cảm thấy ghen tị, tự ti khi so sánh mình với họ không? Bạn có băn khoăn bí kíp nào làm nên thành công của họ? Là một người trẻ tuổi với nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ - Nguyễn Mai Đức đã cho ra đời cuốn sách 20 Hành Trang Cho Chuyến Xe Tuổi 20s với mong muốn chia sẻ hiểu biết, kinh nghiệm của mình tới các bạn trẻ. Hai mươi chương “tuyệt đỉnh bí kíp” gói gọn trong bốn chữ: “học”, “làm”, “sống” và “đi”.

 “Con nhà người ta” – đó là những gì người ta thốt lên khi nhìn vào những điều Mai Đức đạt được. Ở tuổi 20, cậu đã có được những thành tựu hết sức đáng nể: điểm số 8.0 IELTS, tác giả của bốn cuốn sách, một ứng dụng di động và một website về IELTS. Ngoài ra, chàng trai sinh năm 1998  còn là giáo viên dạy IELTS, tiếng Anh doanh nghiệp, diễn giả tại nhiều sự kiện du học, từng viết hơn 500 bài báo cho VnExpress và Vforum.vn,… Là người đầy tâm huyết và thấu hiểu những thách thức người trẻ đang đối diện, Mai Đức đã gói trọn những trải nghiệm của mình trong cuốn sách đầy tâm huyết –  20 Hành Trang Cho Chuyến Xe Tuổi 20s.

Cuốn sách này là “cẩm nang vào đời” đầy kiến thức, thú vị và bổ ích, được viết bởi một người trẻ đầy đam mê và nhiệt huyết. Rất đáng đọc nếu bạn là một người trẻ đang tìm một lối đi cuộc sống và con đường sự nghiệp trước mắt.

Đinh Hẳng – Bloger du lịch, tác giả “Quá trẻ để chết:

Hành trình Nước Mỹ”

1. Học để phát triển bản thân

Học là một quá trình diễn ra trong cả đời người chứ không chỉ diễn ra khi bạn còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng với việc kiến thức liên tục được cập nhật như hiện nay, việc ngừng học hỏi ở bất kì thời điểm nào cũng khiến bạn bị tụt hậu. Học từ những kiến thức trên giảng đường, từ kinh nghiệm của cha ông đi trước, học cách ứng xử, học về văn hóa các đất nước khác v.v. Không ai có thể vỗ ngực tự hào rằng không có gì trên đời là mình không biết. Chính vì tầm quan trọng của sự học không chỉ dành cho tuổi 20, mà còn ở mọi độ tuổi nên Mai Đức đã dành phần đầu tiên của cuốn sách cho chủ đề này.

 

Xoay quanh những chủ điểm quen thuộc như: cách tự học, hướng dẫn thi và chọn trường, học ngoại ngữ,… nhưng cuốn sách của Đức đem đến cho mình nhiều thông tin hết sức mới mẻ. Đó có thể chỉ là bí kíp để đạt thành tích cao trong học tập, làm sao để rèn thói quen đọc sách, một số sách tâm đắc,… nhưng tất cả đều được Đức “gói ghém” cẩn thận với những website sẽ hỗ trợ bạn trong từng chủ điểm. Học đối với Đức không chỉ là học lí thuyết, kiến thức mà còn là học các kĩ năng mềm để tự chăm sóc bản thân. Không đơn thuần là ghi ra những lời khuyên sáo rỗng với những câu chuyện đã được chọn lọc và “xào nấu”, 20 Hành Trang Cho Chuyến Xe Tuổi 20s được trau chuốt, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Ngôn từ hết sức giản dị, dẫn chứng số liệu cụ thể và các tips vô cùng hữu ích. Cuối mỗi chương, tác giả đều đưa ra một trang tổng kết giúp người đọc dễ dàng nắm bắt nội dung tổng quá của cuốn sách. Mình gợi ý khi đọc cuốn sách này bạn nên chuẩn bị giấy bút sẵn để ghi lại những chia sẻ hữu ích từ Đức và các trang web, đầu sách được cậu đề cập.

2.     Làm việc hết mình

Hãy làm việc như thể bạn không cần tiền. Hãy yêu như thể bạn chưa từng đau. Và hãy nhảy như thể không có ai đang nhìn bạn.

_ Satchel Paige _

Mình rất tâm đắc với câu nói này của Đức: “Chỉ có hai nơi bạn được phép mắc sai lầm: Gia đình và Quãng đời tuổi trẻ”. Gia đình là những người gắn bó máu thịt với bạn, ở bên bạn từ ngày thơ ấu nên họ sẽ dễ dàng bỏ qua lỗi lầm cho bạn. Khi bạn còn trẻ và thiếu kinh nghiệm, người ta cũng có thể tha thứ những sai lầm của bạn. Nhưng khi bạn đã trưởng thành hoặc có tên tuổi trong lĩnh vực của mình, một sai lầm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng của bạn cũng như công việc của nhiều người xung quanh. Vậy ngại ngùng dấn thân, không dám theo đuổi đam mê của mình.

 

Trong phần này, tác giả trình bày một số vấn đề cơ bản trong làm việc: cách biến sở thích thành công việc, cách chuẩn bị sẵn sàng cho các cơ hội, vấn đề start-up,… Phần này có khá nhiều mẹo hay để bạn áp dụng trong công việc như cách viết mail, viết CV, địa chỉ các website tìm việc uy tín,… Đặc biệt, có thể nhiều bạn ở Việt Nam chưa biết đến nhưng theo Mai Đức, bạn nhất định phải có một tài khoản LinkedIn hay được biết đến với tên gọi “Facebook for Professionals” – Facebook cho những người chuyên nghiệp. Điều này khiến mình khá thích thú vì lần đầu tiên mình nghe đến mạng xã hội này là qua anh Lê Tuấn Anh – một chuyên viên tư vấn nghề nghiệp nổi tiếng, tác giả của cuốn sách Best Seller Nhắm mắt bắt được việc. Việc đề cập đến tên mạng xã hội này cho thấy cuốn 20 Hành Trang Cho Chuyến Xe Tuổi 20s là một cuốn sách khá chất lượng chứ không hời hợt.

Ngoài ra, mình rất ấn tượng với câu chuyện về cách Đức nắm lấy cơ hội. Từng là một người nhút nhát nên Đức đã rất e ngại khi gửi bài VnExpress – một trang báo mạng điện tử nhiều người xem nhất Việt Nam. Nhưng nhờ thế, tuy bài viết không được đăng nhưng cậu được giới thiệu làm với ban Số Hóa. Hành trình cộng tác của Đức đã bắt đầu như vậy. Bản thân mình là người khá e dè trước đám đông và cũng khá ngại trước những thay đổi nên khi nghe chia sẻ từ Đức, mình đã được truyền cảm hứng. Cơ hội theo Mai Đức giống như một cô gái đẹp, khi “nàng” đến thì đừng chờ “nàng” sẽ tiếp cận bạn mà phải chủ động chinh phục cô ấy.

3.     Sống như một công dân thời hiện đại

Thời niên thiếu của tôi đã từng trôi qua với những khoảng thời gian vô ích, chìm đắm vào mạng xã hội, trò chơi điện tử và những thói quen hại sức khỏe khác. Tôi từng rất nhiều lần cảm thấy cuộc sống không có ý nghĩa và không biết vài năm tới mình sẽ đi đâu, làm gì.

Bạn có tìm thấy mình trong câu nói trên? Với những thành công lớn khi còn rất trẻ, bản thân mình và có lẽ nhiều bạn sẽ không ngờ Mai Đức từng có một lối sống như vậy. Với xuất phát điểm hết sức bình thường, cậu đã cố gắng rất nhiều để thay đổi bản thân.

Xây dự thói quen tốt mỗi ngày:

Ngủ đúng 8h – không thừa, không thiếu. Sức khỏe là tài sản quý giá nhất của bạn và nếu nó bị tổn thương, bạn sẽ không thể tận hưởng cuộc sống cho dù bạn có giàu sang hay thành công cỡ nào.

Phát triển các mối quan hệ xã hội:

Nếu bạn có một gia đình thì hãy trân trọng nó vì đó chính là bến bờ bình an cho tâm hồn bạn. Bạn có thể sẽ mất rất nhiều thứ nhưng nếu mất gia đình, bạn sẽ không thể lấy lại.

Ngoài ra phải phát triển các mối quan hệ theo chiều rộng và sâu vì nó sẽ rất có ích cho bạn trong tương lai.

Sử dụng mạng xã hội hiệu quả

Đây là một hành trang rất hay mà mình khuyên các bạn nên nghiên cứu kĩ. Mai Đức đưa ra một số dữ liệu như sau theo trang CareerBuilder:

  • 70% nhà tuyển dụng sẽ kiểm tra những tài khoản mạng xã hội của ứng viên trước khi nhận việc làm.
  • 54% nhà tuyển dụng đã quyết định không nhận ứng viên vào làm việc do những gì họ họ đăng tải trên mạng xã hội.
  • 57% nhà tuyển dụng sẽ cân nhắc loại bạn sau vòng xét duyệt hồ sơ nếu họ không tìm thấy bạn trên mạng xã hội.
  • 25% nhà tuyển dụng cũng kì vọng bạn sử dụng ít nhất một mạng xã hội và đăng những nội dung tích cực trên đó.

Đây là là những con số ấn tượng nhưng cũng không kém phần áp lực cho nhiều người. Có lẽ bạn quen sử dụng mạng xã hội như một công cụ giải trí, giao lưu với bạn bè nhưng nhà tuyển dụng thì không. Hãy là người sử dụng khôn ngoan, theo dõi những cá nhân, page bổ ích (ví dụ như TED Talks, BBC News, CNN, Reddit,…) vì Facebook sẽ gợi ý cho bạn dựa vào những gì bạn quan tâm. Ngoài ra tập dần tư duy phản biện bằng cách không vội vàng tin ngay vào tin tức mình đọc và chú ý xem tin đó có phải báo “lá cải” hay không. Bạn cũng tuyệt đối không nên chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng.

Điều tồi tệ đó là Facebook sẽ thông báo khi nào các bài đăng của bạn được 10,000 like hay 20,000 like nhưng nó không bao giờ cho bạn biết bạn đã dành bao nhiêu thời gian cho nó.

 

Đóng góp cho xã hội và cộng đồng:

Hãy tham gia tình nguyên, sự kiện cộng đồng hay các câu lạc bộ quy mô địa phương. Đừng ngần ngại cho đi vì bạn sẽ nhận lại nhiều hơn những gì bạn tưởng tượng.

Tình yêu tuổi trẻ:

Tuổi trẻ, yêu và được yêu là một điều hết sức thiêng liêng và quý giá. Vậy nên, hãy để đó là tình yêu trong sáng, lành mạnh và giúp cả hai cùng vượt qua trắc trở chứ không nên là thứ tình cảm kéo hai bên xuống, bị ngăn cấm, phản đối. Trong chương này, tác giả đã chia sẻ câu chuyện tình yêu “gà bông” của mình cùng các mẹo giữ lửa tình yêu, ngay cả khi yêu xa.

4.     Đi thật nhiều để trải nghiệm

Một chuyến đi đến vùng đất mới, nếu không có sự chuẩn bị kĩ và mục tiêu rõ ràng, sẽ khiến bạn lang thang vô định và từ đó không học hỏi được điều gì.

“Xách balô lên và đi” là một xu thế hết sức phổ biến trong giới trẻ và được chứng minh là một trào lưu đem lại hiệu quả tuyệt vời, Rất nhiều bạn trẻ đã đạt được tâm nguyện của mình: kết thêm nhiều bạn mới, cải thiện ngoại ngữ, phát triển kĩ năng mềm và trở nên trưởng thành hơn. Song, cũng không ít bạn trẻ sa vào cám dỗ và thậm chí bỏ mạng. Từng đi đến các đất nước trong một thời gian dài như Anh, Đức và sắp tới là Hongkong, Mai Đức đã đúc rút ra các kinh nghiệm để “xách balô lên  để đi, trải nghiệm và học hỏi”.

Trong phần này mình sẽ chỉ review một hành trang theo mình là hữu ích nhất và được nhiều người quan tâm: DU HỌC.

Du học:

Quá trình từ lúc chuẩn bị cho đến lúc kết thúc du học được gói gọn trong 8 bước:

Bước 1: Xác định trường và ngành học yêu thích.

Xác định ngành học mình yêu thích (cái này tác giả có đề cập kĩ trong hành trang thứ hai – Thi cử và chọn trường).

Sau khi xác định xong bạn có thể tham khảo một số website uy tín để tìm hiểu kĩ hơn về chương trình học:

Ngoài ra còn nhiều website khác mà mình không tiện đề cập.

Bước 2: Tìm hiểu thông tin về điểm đến mơ ước.

Như người Việt mình có câu “Nhập gia tùy tục”, khi du học ở một đất nước khác, bạn cũng phải tìm hiểu về văn hóa, lối sống của họ. Mai Đức chia sẻ một số nguồn sau:

  • Website về du lịch: Trip Advisor, CNN Traveler,…
  • Diễn đàn sinh viên quốc tế: Student.com
  • Các hội sinh viên Việt Nam tại nước ngoài trên mạng xã hội.
  • Website của các trường học, chính phủ, chính phủ địa phương nơi bạn muốn đến.

Bước 3: Tính toán chi phí và khả năng tài chính.

Tự tìm hiểu các chi phí cho quá trình du học. Song, có một số trường như ĐH Toronto, Canada (https://www.future.utoronto.ca/finances/fees) đã ước lượng sẵn giúp bạn chi phí bạn cần chi trả.

Bước 4: Săn học bổng.

Dưới đây là một số nguồn uy tín để bạn săn học bổng:

  • Website của trường: Bạn có thể tìm kiếm thông tin học bổng trên các mục “Funding”, “Financial Aid” hoặc “Schoolarships”.
  • Hội thảo du học.
  • Các chính phủ và tổ chức phi lợi nhuận: Bạn có thể tham khảo tổ chức DAAD (https://www.daad.de/en/).
  • Mạng xã hội

Trong cuốn 20 Hành Trang Cho Chuyến Xe Tuổi 20s còn có rất nhiều tips khác giúp bạn làm hồ sơ dễ hơn, vượt vòng phỏng vấn.

Bước 5: Hoàn thiện quá trình xin học đầy đủ.

Bước 6: Chuẩn bị kĩ càng trước và ngay trong ngày khởi hành

Hãy thuê trước nơi ở trước khi đến nơi để tránh rắc rối phát sinh. Ngoài ra phải chuẩn bị sớm các giấy tờ, hành lý và đồ đạc như hộ chiếu, bản sao các giấy tờ tùy thân, ngoại tệ,… từ sớm. Bên cạnh đó bạn cũng nên chuẩn bị trước hành trang văn hóa để không bị sốc.

Bước 7: Trải nghiệm và phát triển bản thân trong lúc du học.

Hành trang này miêu tả “Bốn bước của quá trình sốc văn hóa”.

  • Giai đoạn trăng mật – The honeymoon stage: Du học sinh sẽ thường cảm thấy thật tuyệt vời và đúng đắn khi đã quyết định đi du học.
  • Giai đoạn vỡ mộng – The frustration stage: Hiểu nhầm về văn hóa, rào cản ngôn ngữ, đồ ăn không hợp khẩu vị, bài tập quá khó,… chỉ là một trong vô vàn vấn đề du họ sinh phải trải qua.
  • Giai đoạn thích nghi – The adjustment stage: Sự chán nản và thất vọng dần lắng xuống. Tuy chưa chấp nhận nhưng du học sinh đã quen dần và không còn quá bi quan như ở giai đoạn vỡ mộng.
  • Giai đoạn chấp nhận – The acceptance stage: Như tên gọi, đến đây du học sinh đã hoàn toàn hòa nhập với văn hóa đất nước theo học.

Ngoài ra, Mai Đức bật mí một số cách để bước nhanh từ giai đoạn vỡ mộng sang chấp nhận.

Bước 8: Quyết định thông minh cho quá trình hậu du học.

Tùy mỗi người nhưng nhìn chung sau khi quá trình du học kết thúc, ta sẽ có ba lựa chọn:

  • Ở lại nước ngoài sau khi ra trường.
  • Sang một nước khác.
  • Về Việt Nam.

Dù bạn chọn điều nào, Mai Đức đều sẽ đưa ra lời khuyên để tối ưu hóa lựa chọn của bạn.

 

Suy cho cùng thì thước đo giá trị thành công của một con người không nằm ở chỗ anh ấy đã đặt chân và làm việc ở những quốc gia nào, mà là anh ấy đã đóng góp được gì cho xã hội đó.

Kết:

20 Hành Trang Cho Chuyến Xe Tuổi 20s có thể chưa phải cuốn sách hoàn hảo và mình không hoàn toàn đồng tình với tác giả trong mọi điểm nhưng nhìn chung, thứ khiến cuốn sách này giá trị chính là các nguồn tài liệu mà bạn có thể sử dụng tham khảo và học hỏi. Nếu bạn nhìn hành trang Du học mà mình sơ lược ở trên bạn có thể dễ dàng thấy sách sở hữu rất nhiêu thông tin không dễ gì tìm thấy trên mạng hoặc rất mất thời gian tìm kiếm. Nội dung sách được trình bày đơn giản, dễ hiểu, dễ ứng dụng chứ không gây cảm giác mông lung, không rõ ràng như nhiều đầu sách self-help hiện nay. Sách cũng được in ấn, trình bày khá đẹp mắt, tạo cảm giác thuận tiện cho người đọc. Tổng quan, đây là một cuốn sách thuộc vào loại must-read book mà các bạn trẻ nên mua về để đọc và sử dụng.

 

Review chi tiết bởi Lan Chi - Bookademy

Deal mua sách giá tốt hiện có: https://goo.gl/pXEN3h

------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3

 

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

957 lượt xem