Hồng Nhung@Viện Sách - Bookademy
7 năm trước
[Bookademy] Review Sách "Ảo Mộng Lehman Brothers" – Góc Nhìn Của Người Trong Cuộc Về Sự Sụp Đổ Làm Lung Lay Nền Kinh Tế Toàn Cầu
Thứ 2 Ngày 15 tháng 9 năm 2008, ngân hàng đầu tư Lehman Brothers, gã khổng lồ 158 tuổi sừng sỏ bậc nhất phố Walls, tuyên bố phá sản và đánh dấu một cột mốc kinh hoàng trong cuộc Đại khủng hoảng tài chính năm 2008. "Ảo mộng Lehman Brothers" kể lại chi tiết con đường dẫn đến kết cục phá sản của Lehman, và những gì đã có thể được thực hiện để cứu vãn nó, từ tận tâm can của con khủng long tài chính này dưới góc nhìn của Lawrence G. McDonald, phó giám đốc bộ phận giao dịch rủi ro của ngân hàng Lehman Brothers.
Sự sụp đổ gây chấn động toàn cầu…
Nước Mỹ choáng váng, thị trường chấn động. Người ta hoang mang với các câu hỏi đáng giá hàng nghìn tỉ đô la: Chuyện quái quỷ gì đã xảy ra ở Lehman Brothers? Tại sao người ta lại chấp nhận để ngân hàng này sụp đổ với cơn dư chấn làm lung lay cả nền kinh tế toàn cầu?
Tại sao Lehman phá sản? Nó không đủ lớn để được bảo vệ bởi chính quyền Mỹ hay sao? Do tầm quan trọng của hậu quả không được coi xét rõ ràng? Hay vì Lehman đã rơi vào tình trạng không thể cứu vãn? Điều gì đã có thể diễn ra khác đi để tránh kết cục kinh hoàng này? Trong “Ảo mộng Lehman Brothers”, Lawrence G. McDonald, cựu phó giám đốc bộ phận giao dịch rủi ro về các chứng khoán có thể chuyển đổi của Lehman, cố gắng đóng góp vào những nỗ lực tìm kiếm câu trả lời bằng cách cung cấp hồ sơ của toàn bộ sự việc dưới góc nhìn cá nhân với sự chắp bút của đồng tác giả Patrick Robinson, cây bút best-selling của dòng sách phi hư cấu, kinh tế và khoa học. Câu chuyện cuốn hút về con đường dẫn tới kết thúc của Lehman là một câu chuyện li kì, chứa đựng những tiết lộ đáng chú ý.
Cuộc khủng hoảng tài chính khởi đầu từ bong bóng cho vay thế chấp dưới chuẩn tại Mỹ đã dẫn tới một cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi, thời điểm chính xác bắt đầu cuộc khủng hoảng này là vào quý 3 năm 2007, với thương vụ lừa đảo bởi Jerome Kerviel đối với Ngân hàng Societe General của Pháp đã tạo ra những chấn động lớn trên thị trường chứng khoán thế giới vào những ngày cuối tháng Sáu năm đó. Đỉnh điểm là sự phá sản của Ngân hàng Đầu tư Mỹ Lehman Brothers khiến cho những người lạc quan nhất thừa nhận “tính ổn định cao” của nền kinh tế chẳng qua cũng là sự ảo tưởng. Định chế tài chính lớn thứ tư của Mỹ đã bị xoá tên khỏi bản đồ tài chính thế giới. 25000 nhân viên đã thất nghiệp, một khối tài sản khổng lồ đã bốc hơi, và 5 ngân hàng đầu tư lớn nhất phố Wall nay chỉ còn lại Goldman Sachs và Morgan Stanley.
Nguyên nhân vụ phá sản của Lehman Bros cũng tương tự như nguyên nhân của toàn bộ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Toàn bộ căn nguyên chi tiết đã được các học giả, chuyên gia, nhà báo đào xới qua lại trên sách vở và mặt báo quá sâu và quá nhiều. Lawrence G. McDonald không thể không nhắc lại toàn bộ các yếu tố ấy: cơn cuồng bất động sản và chứng khoán dựa trên tài khoản cho vay thế chấp, … nhưng ông còn khai thác một cái nhìn mới hơn: nền tài chính ở phố Wall giai đoạn ấy là “nhà thương điên” bị điều khiển bởi những ông hoàng “mất trí”.
Tổng giá trị của tất cả các chứng khoán dựa trên tài khoản vay thế chấp được phát hành từ năm 2001 đến 2006 lên tới 13.4 nghìn tỷ đô la. Nếu bạn chuyển đổi tất cả thành những tờ 1 đô la, chồng tiền có thể cao tới tận mặt trăng. 13.4 nghìn tỷ là số tiền mặt cực lớn đủ để rải kín bề mặt Trái đất.
Độ lớn khủng khiếp của số tiền ảo lý giải tại sao tác giả gọi nền tài chính ở phố Wall giai đoạn ấy là “một nhà thương điên”
Từ sự nghiệp…
Cuốn sách bao gồm cả phần tự truyện tiền-Lehman của tác giả từ một khu chung cư “chẳng là gì cả” ở Massachusetts, không có một tấm bằng đại học danh giá của Harvard, Yale, Princeton hay Stanford trong tay đến trụ sở của Lehman Brothers ở New York, nơi có một trong những sàn giao dịch giao dịch căng thẳng nhất thế giới.
Chúng ta biết được rằng mẹ ông từng là siêu mẫu thời trang và bố ông dành phần lớn thời gian làm việc và chơi golf. Thế nhưng, khả năng tài chính của họ không đủ để gửi McDonald vào một trường Đại học tử tế. McDonald bắt đầu làm lại từ đầu khi nhận ra rõ ràng mình không có đủ điều kiện lợi thế để thực hiện ước mơ: trở thành một chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới tại phố Wall nổi danh khắc nghiệt và tàn nhẫn. Nơi sự xuất sắc, kiêu ngạo, tham lam vô độ khả năng làm việc không biết mệt mỏi, sự liều lĩnh được đề cao cùng những nét tính cách khác tạo nên một hỗn hợp đã có lúc là khởi nguồn của sự thịnh vượng, nhưng cũng có khi huỷ hoại chính nó. McDonald đã từng cải trang thành một nhân viên giao pizza để qua mặt quầy tiếp tân, trực tiếp phỏng vấn và tiếp cận ban giám đốc của một công ty môi giới.
Ông đi bán hàng rong thuê cho một hãng thịt lợn đông lạnh, bấm chuông cửa từng nhà để thuyết phục những bà nội trợ kĩ tính và thu về kỹ năng bán hàng chuyên nghiệp, khôn khéo. Ông từng đi vay nặng lãi 500 đô của du côn nơi đầu đường xó chợ để thi lấy chứng chỉ Serie 7 – con đường duy nhất dẫn ông đến thế giới chứng khoán. Ông thực hiện dự án start-up cùng một người bạn thân thiết trong căn phòng tồi tàn ngay trên tầng 2 của một tiệm giặt, một nhà hàng bán đồ ăn Trung Hoa và kịp thời bán lấy lời trước khi thời kỳ “bong bóng chấm com” phát nổ. Ông lê la đến từng ngóc ngách nhỏ của truyền thông, báo chí và các công ty môi giới nhỏ lẻ để thiết lập mối quan hệ có lợi cho sự nghiệp sau này của mình.
Sau cùng, tất cả những nỗ lực của ông đều được đền đáp xứng đáng khi ông đường hoàng bước lên ghế Phó giám đốc của bộ phận giao dịch rủi ro – một trong những bộ phận chủ chốt nhất trong hệ thống ngân hàng đầu tư Lehman. Ông gặp được những người đồng nghiệp, những tài năng chủ chốt trong công ty có cùng chí hướng, mục tiêu với mình. McDonald tưởng như đã có tất cả, đã hiện thực hóa được ước mơ hoang dại của mình nhưng cuối cùng lại phải chứng kiến từng người bạn đồng hành thân thiết rời khỏi công ty, đưa mắt nhìn bộ phận giám đốc mới lạm quyền và vung tiền đầu tư không có tổ chức, chứng kiến những biến động của nền kinh tế ảnh hưởng trực tiếp tới giá trị của tòa nhà nơi ông đang làm việc, chứng kiến nỗ lực vô vọng của những người còn ở lại níu kéo Lehman khỏi bờ vực phá sản. Lehman Brothers sụp đổ trước sự bất lực, giận dữ và tiếc nuối đầy cay đắng rằng điều đó đáng lẽ đã không xảy ra.
Tới sụp đổ…
Xuyên suốt cuốn sách là sự phê phán đạo luật Glass-Stellar của chính quyền tổng thống Bill Clinton (tôi cho rằng đạo luật này cũng có phần đúng) bắt buộc các ngân hàng phải cho vay thế chấp những người dân không có đủ khả năng chi trả cho tiền nhà của họ. Qua thời gian, những tay bịp phố Wall đã tìm ra cách lợi dụng những khoản vay này dưới danh nghĩa chứng khoán mang về số tiền lời cao hơn (nhưng cũng nhiều rủi ro hơn) và bán chúng cho những tổ chức đầu tư của Mỹ và nước ngoài.
Chính quyền Bush lại tiếp tục chính sách của Clinton và cỗ máy lại tiếp tục chạy ngày một hỏng hóc trục trặc. Mỗi người đều lấy một phần lợi nhuận và để lại rủi ro ngày một nhiều hơn cho các thế hệ tiếp theo. Những con số lợi nhuận khổng lồ đến từ bất động sản của các công ty chứa đầy mâu thuẫn và những ẩn khuất đồng lõa – theo nhận xét của McDonald – là cực kì ngây thơ. Các công ty không hé lộ bất cứ điều gì về mối nguy tiềm tàng họ đang đối mặt. Nhưng rủi ro thì chưa bao giờ biến mất.
Đáng lý ra mọi thứ đều ổn nếu giá nhà đất tiếp tục tăng. Đến năm 2007 thì chững lại. Âm mưu dần dần được đưa ra ánh sáng và tràn về như vũ bão vào năm 2008. Nguyên nhân chính cho đế chế Lehman chết dần có bao gồm sự lao vào thị trường bất động sản chứng khoán dựa trên thế chấp bất ổn như thiêu thân này của tổng giám đốc Richard Fuld và chủ tịch hội đồng quản trị Joe Gregory, sự tham lam và đố kị đến mức không thèm đếm xỉa đến những lời can thiệp đến từ những “trung thần” là những bộ óc tài chính xuất sắc nhất phố Wall là Mike Gelband, Alex Kirk và Larry McCarthy của hai ông hoàng “mất trí”. Trên thực tế, họ đã được cảnh báo đến 3 lần – từ năm 2005 – khi thị trường bất động sản họ đang đặt cược tất cả có dấu hiệu suy thoái. Fuld và Gregory phớt lờ chúng, chơi cuộc chơi theo luật lệ của riêng mình và để cho cả ngân hàng Lehman Bros, hay thậm chí cả nền kinh tế toàn cầu gánh chịu hậu quả.
McDonald vẽ lại một bức tranh sống động về đời sống công sở bên trong Lehman Brothers nơi những ông hoàng lãnh đạo xa cách “đóng đại bản doanh” trên tầng 31 xa hoa của tòa nhà làm việc, ở một vị trí cao hơn hẳn, cách biệt và chỉ có thể đi lên bằng thang máy riêng. Fuld thậm chí còn chưa bao giờ gặp McDonald hay cả những vị trí lãnh đạo phòng ban chủ chốt khác của Lehman. Fuld chỉ giao tiếp thông qua một nhóm những cận thần thân tín và lên kế hoạch đưa Lehman lên đến cùng tầm của một ngân hàng đầu tư thuộc về một đối thủ cũ Blackstone Group của Pete Peterson và Stephen Schwarzman. Fuld và Gregory khăng khăng đầu tư một quỹ lớn của ngân hàng vào hình thức đầu tư bất động sản với số lợi nhuận khủng khiếp (và rủi ro cũng kinh khủng không kém).
Những nhà tài chính kiệt xuất của Lehman đã tiên đoán trước sự suy thoái của thị trường bất động sản từ năm 2005: “Thị trường nhà đất này chỉ chơi doping thôi.” Thế nhưng Fuld bỏ ngoài tai tất cả những lời cảnh báo ấy và tiếp tục lún sâu vào cơn cuồng bất động sản. Theo McDonald khẳng định – Lehman đã mua vào số tiền gấp 30 lần khả năng chi trả của nó, reo thêm hồi chuông báo động trên hành lang của sàn giao dịch chứng khoán Lehman. Cuối cùng, những bộ óc xuất sắc ấy đều tự nguyện rời bỏ Lehman vì không muốn chứng kiến thảm cảnh sụp đổ của ngân hàng.
Trong thời điểm đó, Dick Fuld còn chọc giận bộ trưởng bộ Tài chính Hoa Kì khi đó là Hank Paulson. Paulson đã đưa ra lời khuyên rằng Fuld hãy cẩn trọng với bong bóng bất động sản, vì có thể chúng cũng sẽ nổ tung và gây hậu quả mà nền kinh tế Mỹ phải trực tiếp hứng chịu. Fuld đáp lại phũ phàng: “Tôi ngồi ở vị trí này lâu hơn thời gian ông đương nhiệm ở Goldman. Vì thế đừng có bảo tôi phải điều hành công ty của mình như thế nào.”Dưới góc nhìn của McDonald, sự ngạo mạn trơ tráo và thiếu khiêm tốn của Fuld trong thời kì tăm tối nhất của Lehman đã khiến cho Bộ trưởng bộ Tài chính Hank tức giận và không ra tay giải cứu khi Lehman đang bên bờ vực phá sản. Hank đã không làm cho Lehman điều mà ông ta làm cho các ngân hàng khác như Bear Stearns (một ngân hàng khác nhỏ hơn và ít tiềm năng hơn)
Sự thực rằng Fuld đã shock khi chính phủ Mỹ quyết định mặc kệ cho Lehman sụp đổ. Khi được hỏi lí do tại sao, ông ta đã trả lời: “Tôi sẽ tự hỏi mình cho đến ngày xuống hố.” Rõ ràng ông ta không mong đợi sự phá sản của Lehman, ngay cả sau khi cuộc gọi điện thoại cầu cứu tổng thống Bush, do chính em họ của ông, một cổ đông của Lehman thực hiện đã không được chấp nhận. Đó cũng là lý do Fuld không bán lại toàn bộ Lehman cho một đề nghị của Ngân hàng quốc doanh phát triển Hàn Quốc, hay 50% Lehman cho công ty tài chính khổng lồ của Trung Quốc là Citic Securities. Giải pháp là một vụ sát nhập với Bank of America do ba vị cứu tinh của Lehman là Bart, Mike và Alex cùng nhau dốc sức thương thảo cũng không thành công, vì Lehman không phải thứ Bank America muốn, mặc dù Merrill Lynch còn chịu khoản nợ khổng lồ hơn. Lehman Brothers phá sản một cách chóng vánh mặc dù đã từng có một lịch sử 158 năm tuổi huyền thoại.
Sự sụp đổ gây dư chấn toàn cầu ấy đã có thể tránh khỏi nếu như phòng ban lãnh đạo, đặc biệt là “Richard” Fuld, CEO của Lehman Brothers đã không kiêu ngạo, tham lam, khinh suất, và nghĩ rằng công ty của mình quá to lớn để có thể đệ đơn xin phá sản. Thua lỗ, nợ nần và suy thoái đã được các tài chính gia kiệt xuất bậc nhất phố Wall dự đoán trước cả năm trời và không một nỗ lực cứu vãn tình hình nào được Fuld chấp nhận. Kết cục bi thảm của Lehman Brothers đáng lẽ đã không xảy ra. Và đây là câu chuyện vì sao nó đã xảy ra.
Review chi tiết bởi Hồng Nhung - Bookademy
---------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật những thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn
Tham gia Bookademy Team để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng kí CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
1,054 lượt xem