Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách “Chiến Binh Cầu Vồng” - Câu Chuyện Cảm Động Về Tình Thầy Trò, Những Chiến Binh Kiên Cường Đấu Tranh Cho Quyền Dạy Và Học


“Tôi thất vọng vì có quá nhiều đứa trẻ thông minh buộc phải bỏ học nửa chừng vì lí do tài chính. Tôi nguyền rủa tất cả những kẻ ngu dốt mà cứ làm ra vẻ thông minh. Tôi căm ghét những đứa trẻ con nhà giàu không chịu học hành đàng hoàng.”

Chiến binh cầu vồng là tác phẩm dựa trên câu chuyện có thật về thời thơ ấu của chính tác giả, Andrea Hirata. Đó là câu chuyện về ước mơ được học hành của những đứa trẻ Mã Lai nghèo khó, là câu chuyện về cuộc đấu tranh kiên cường của thầy trò Trường Muhammadiyah để dành lại quyền được dạy và học chính đáng của mình.

Về ngôi trường Tiểu học Mohammadiyah, Thầy Harfan và Cô Mus

Trên một “hòn đảo nhỏ giàu có nhất Indonesia”, đảo Belitong, có một  ngôi trường tiểu học đã hàng trăm năm tuổi. Ngôi trường mang tên Trường Tiểu học Mohammadiyah. Sáng hôm ấy, ngôi trường làng lâu đời ấy đang đứng trước nguy cơ bị đóng cửa vì không đáp ứng đủ chỉ tiêu mười học sinh mới. May thay, nhờ sự xuất hiện vào phút chót của Harun, một cậu bé đầu óc hơi kém phát triển, mà ngôi trường đã được cứu và ước mơ dạy và  học của thầy trò nơi đây được tiếp tục.

Tại ngôi trường cũ xập xệ, thiếu thốn ấy, chỉ có hai giáo viên phụ trách tất cả các môn và các khối lớp. Đó là Thầy Harfan và cô Mus, hai con người thầm lặng, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục.

Học thức thể hiện lòng tự trọng, giáo dục thể hiện lòng sùng kính đối với đấng tạo hóa, học tập không phải lúc nào cũng buộc chặt với những mục tiêu như lấy được bằng cấp hay trở nên giàu có. Học tập là cao quý, là ca tụng nhân bản,  là niềm vui khi được cắp sách tới trường và là ánh sáng văn minh.

Đó là định nghĩa về giáo dục của Thầy Harfan. Thầy là người đã dựng cây cột thiêng ở giữa lớp học để ngôi trường đứng vững. Thầy đã bán những hoa màu từ vườn nhà để mua sách cho lũ học trò. Thầy không bao giờ từ bỏ việc thuyết phục các em trở lại trường học. Và rồi vào  một đêm tĩnh lặng, người thầy cần mẫn đó đã trút hơi thở cuối cùng. Thầy đã ra đi ngay trên chính ngôi trường thầy đã gắn bó, đã đấu tranh quyết liệt để gìn giữ. Và đó là môt cái chết vinh quang, như Thầy đã mong muốn.

Và cô Mus, một cô giáo trẻ đã gắn bó với ngôi trường tiểu học này từ tuổi mười lăm. Cô từ bỏ cơ hội trở thành nhân viên của điền trang với mức lương hấp dẫn vì ước mơ được trở thành cô giáo. Cô là người đã truyền cho các em niềm đam mê học hành, tạo cho các em cơ hội để phát huy tính ham học hỏi và sáng tạo. Vì thế cô không phiền khi bị học sinh ngắt lời. Là một cô giáo hết lòng vì học trò nhưng cô cũng  là một cô nghiêm khắc và công bằng. Cô dạy các em “dù làm bất cứ việc gì chúng ta cũng phải tuân thủ nguyên tắc. Người dù tài bao nhiêu mà thái độ không tốt thì vô dụng mà thôi” khi học trò  nộp bài muộn so với quy định. Khi học trò bị những cám dỗ của đồng tiền, của thế giới thần bí học, cô kiên quyết không đánh mất một học sinh nào vì đối với cô “mất một học sinh là mất nửa linh hồn”. Cô đến gặp từng em, thuyết phục các em trở về lớp học. Cô làm việc hết mình để có tiền chuộc lại học sinh của mình. Cũng có lúc cô buông xuôi, muốn từ bỏ nhưng nhìn thấy khát khao học tập của các em, cô lại vực dậy tinh thần, kiên quyết bảo vệ các em, bảo vệ ngôi trường này đến cùng. Chính nhờ những người như Thầy Harfan và cô Mus mà ngôi trường vẫn tồn tại, quyền học hành của những trẻ em nghèo Mã Lai được bảo vệ. Và đối với những học sinh, “hai con người ấy vừa là thầy cô giáo, vừa là bạn bè, vừa là những người dìu dắt tinh thần để chúng tôi  luôn đi đúng hướng.”


Về nhóm Chiến binh cầu vồng

Cũng chính tại ngôi trường này, nhóm Chiến binh cầu vồng được thành lập. Đây là tên gọi mà cô giáo Mus đặt cho nhóm mười học sinh của mình vì thói quen trèo lên nhánh cây filicium để ngắm cầu vồng sau mỗi cơn mưa. Tại đây, những chiến binh học tập, trải qua những khó khăn và cùng nhau trưởng thành. Đối với đa số mọi người, từ khi sinh ra, quyền học tập  là hiển nhiên. Nhưng có những người, họ phải đấu tranh quyết liệt để có được và bảo vệ cái quyền được coi là hiển nhiên ấy. Ngay ngày đầu tiên đến trường, bao nhiêu háo hức của các em bị xua tan vì đã hơn mười một giờ mà học sinh thứ mười vẫn chưa đến. Các em phải đấu tranh với các thanh tra giáo dục, các bậc lãnh đạo, những người luôn muốn đóng cửa ngôi trường này càng sớm càng tốt. Các em phải đấu tranh với tập đoàn khai thác, những máy xúc, máy dò để giữ lại  ngôi trường. Và quan trọng hơn, các em phải đấu tranh với chính mình, vượt qua cám dỗ của những đồng tiền còm kiếm được từ công việc culi để tiếp tục đến trường.

Và các chiến binh ấy, các em có một điểm đó là đều là con của những gia đình nghèo khổ. Đó là Harun, người đã cứu ngôi trường vào phút chót ấy. Chàng trai luôn kể chuyện về con mèo tam thể và có niềm yêu thích đặc biệt với số ba. Chàng trai bị hội chứng Down ấy luôn cư xử tốt với  mọi người và một lòng muốn trở thành Trapani khi lớn lên. Đối với Harun, môn học quan trọng nhất chính là môn đạo đức. Và với hành vi cư xử gương mẫu của mình, cậu xứng đáng được  nhận điểm cao cho môn đạo đức. “Điều mỉa mai ngược lại  là, những đứa có đầu óc bình thường hơn lại chẳng bao giờ nhận được điểm tám cho môn này.”

Vì sao Harun lại muốn trở thành Trapani nhỉ? Trapani chính là hoàng tử của lớp với khuôn mặt điển trai, quần áo tươm tất, sạch sẽ. Trapani là một đứa có nhân cách tốt, với một khát vọng cao quý muốn trở thành giáo viên để dạy học tại những vùng xa xôi hẻo lánh.

Đó là Thằng Syadan, con một thợ xảm thuyền, đứa có vóc dáng nhỏ nhất nhưng ăn thì không đứa nào bằng. Là Akiong, con một gia đình Phúc Kiến, có vẻ ngoài ma chê quỷ hờn. Là Kucai, với những tố chất của mình được cả lớp bầu làm lớp trưởng. Và Sahara, đứa con gái duy nhất trong lớp, cương quyết và thẳng thừng. Nó là đứa khóc to nhất khi tưởng rằng mình không được đi học. Nó cũng là đứa đối xử với Harun nhẹ nhàng nhất. Và hiệp sĩ danh dự Breck, người không quan tâm đến gì khác ngoài việc làm sao cho cơ bắp của nó phát triển và được mọi ngời gọi là Samson.

Và hai chiến binh đặc biệt Lintang và Mahar, hai đứa thần đồng và là niềm tự  hào của cả lớp. Chắc hẳn ai khi đọc Chiến binh cầu vồng cũng dành cho Lintang một niềm thương cảm đặc biệt. Cậu, một chàng trai miền biển, sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em. Cậu hằng ngày đạp xe hơn tám mươi cây số, vượt qua mối nguy hiểm từ bầy cá sấu để được đến trường. Chỉ sau hai tháng học ở trường, cậu đã có thể điền tên vào tờ giấy nhập học, thực hiện lời hứa lấy lại danh dự cho cha mình. Khi bạn bè còn loay hoai tính nhẩm, cậu đã thuộc lòng bảng cửu chương và thực hiện những phép tính, bài toàn phức tạp. Cậu mang lại cho cả lớp niềm hi vọng, giúp các bạn tự tin, dám mơ ước. Cậu luôn say mê học tập điều mới mẻ. Để tiếp tục được đi học, cậu nén nước mắt bán đi chiếc nhẫn cưới của mẹ để có tiền sửa lại chiếc xe đạp.Với những hiểu biết, sự tự tin của mình, cậu giúp trường Muhammadiyah dành chiến thắng tại cuộc thi học sinh giỏi, đem cúp về cho trường. Khi các bạn lần lượt bỏ học đi làm culi toàn thời gian, cậu vẫn không bị cám dỗ, vẫn tiếp tục là đứa đến trường sớm nhất và ra về muộn nhất. Khi cô Mus xuống tinh thần, cậu là người thay cô giảng dạy cho các bạn, truyền cho các bạn cảm hứng học tập. Tuy nhiên con người không ai là hoàn hảo cả. Lintang cũng có điểm yếu, đó chính là môn Nghệ thuật. Dù có cố gắng đến đâu, Lintang cũng không thể đạt được điểm cao môn này.

Và cái đứa bù trừ cho Lintang ở điểm này chính là Mahar, thiên tài nghệ thuật. Người nghệ sĩ tài năng ấy đã giúp trường Muhammadiyah lần đầu tiên đạt được giải nhất cuộc thi biểu diễn nghệ thuật. Mahar là đứa mộng mơ, bất cứ điều gì cũng có thể làm nó phân tâm. Và có một khuyết điểm nữa, xưa nay nó nổi tiếng là người  hay nói dối, vì thế chẳng ai tin việc nó đã nhìn thấy loài chim thần pelintang pulau, loài chim báo bão.

Rốt cuộc khi bạn cũng nói ra được một sự thật giữa hàng triệu lời nói dối, thì những người khác vẫn cho rằng sự thật đó là sản phẩm của một sự nói dối nữa mà thôi.


Và thành viên thứ mười  một của nhóm Chiến binh cầu vồng chính là con nhỏ Flo. Nó là con gái của một ông chủ điền trang giàu có. Sau sự việc được nhóm chiến binh cầu vồng tìm thấy khi bị lạc, nó quyết tâm từ bỏ trường PN danh giá để đến học tại ngôi trường nghèo khổ và vì lòng ngưỡng mộ Mahar. Sống trong sự giàu có nhưng nó không coi thường những đứa trẻ khác, nó vẫn luôn hòa đồng với bạn bè.

Và Ikal, thành viên đã chứng kiến và kể lại toàn bộ câu chuyện. Ikal cũng là con của một gia đình culi nghèo, được đi học với nó là một điều may mắn. Ikal thông minh, nỗ lực học tập, thương yêu bạn bè. Dù cố gắng rất nhiều nhưng Ikal chỉ đứng thứ hai, suốt những năm tháng học tập tại ngôi trường này, vì Lintang luôn đứng nhất. Tuy nhiên cậu không hề ganh ghét mà  ngược lại ngưỡng mộ tinh thần của Lintang. Bởi cậu nghĩ “nếu người ta không ganh ghét một người giỏi giang thì sẽ được người đó khai sáng” và cậu tin “thông minh cũng có tính lây lan”. Ikal là một cậu bé với trái tim ấm áp với những suy nghĩ chín chắn. Khác với đa số đánh giá tài năng thiên về nghệ thuật của Mahar là kém thông minh. Cậu công nhận tài năng của cả Lantang và Mahar đó là “những tài năng đích thực, chỉ có điều là không cùng lĩnh vực”.  Cậu tin rằng, Lintang và Mahar là hai đứa giữ cho ngôi trường của cậu cân bằng giữa bán cầu não trái và bán cầu não phải, giữa nghệ thuật và trí tuệ.


Về những kế hoạch A dang dở

Và tất cả các chiến binh này đều có kế hoạch A cho riêng mình. Thằng Syadan một lòng muốn trở thành diễn viên. Akiong muốn trở thành thuyền trưởng. Kucai thì tất nhiên muốn trở thành chính trị gia. Sahara cũng có một ước  mơ đó là trở thành nhà hoạt động xã hội vì quyền phụ nữ. Samson muốn trở thành nhân viên soát vé và bảo vệ rạp hát của làng. Trapani muốn trở thành thầy giáo. Còn Harun thì lại muốn trở thành Trapani. Lintang muốn trở thành nhà toán học. Mahar muốn trở thành ông đồng được nhiều biết đến. Ikal cũng có kế hoạch A cho riêng mình, cậu muốn trở thành vận động viên cầu lông hoặc nhà văn, hoặc cả hai, miễn sao không phải làm nhân viên bưu điện.

Liệu những ước mơ của những chiến binh ấy có thành hiện thực. Thực tế là, không biết tụi nó có còn nhớ những ước mơ chúng đã từng mơ. Không đứa nào thực hiện được hoài bão của mình. Akiong đã quên rằng cậu từng ước mơ được đội chiếc mũ tròn, trở thành thuyền trưởng. Vợ cậu, Sahara cũng không trở thành người đấu tranh cho nữ quyền. Thậm chí đến ước mơ của Samson cũng không thành hiện thực. Cậu vẫn là một anh culi bốc vác. Buồn nhất là Lintang, cậu hoàn toàn có thể trở thành một nhà Toán học  lừng lẫy trong tương lai thế nhưng hiện thực cuộc sống không cho phép cậu làm điều đó. Ba tháng trước khi kì thi tốt nghiệp, cha Lintang mất. Cậu phải nghỉ học, thay cha làm trụ cột gia đình, lo lắng cho mười mấy miệng ăn của gia đình. Lintang cũng giống như những đứa trẻ Mã Lai thông minh nhưng nghèo khác, đã đầu hàng số phận. Kucai, đứa luôn đứng bét khi nhận bảng điểm, ấy thế mà nó lại là đứa duy nhất thành công với kế hoạch A của mình. Vậy ai mới là người tài giỏi đích thực? Lintang hay Kucai? Về phía Ikal, người kể chuyện, cậu cũng đã phải làm người phân loại thư trong một thời gian dài. Nhờ khát khao được học tiếp, nhờ những lỗ lực của bản thân, cuối cùng cậu nhận được học bổng du học Châu  Âu rồi dần dần hoàn thành ước mơ còn dang dở của mình.


 

Tạm kết

Chiến binh cầu vồng khép lại với hình ảnh một cô gái trẻ cầm băng rôn với dòng chữ: Cố lên, đừng bỏ học nhé. Có lẽ đây cũng chính là thông điệp mà tác giả muốn truyền đến chúng ta. Giống như câu nói được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong tác phẩm “Những thứ không thể làm bạn chùn bước thì nhất định làm bạn mạnh  mẽ hơn”.  Dù cuộc sống có cho ta một số phận như thế nào chăng nữa, chỉ cần chúng ta có niềm tin, khiêm nhường, mạnh mẽ và nỗ lực thì cuối cùng sẽ được đền đáp.

Nếu Chiến binh cầu vồng là một bức tranh thì bên cạnh gam màu trầm của những khó khăn, hiện thực đau lòng, nó vẫn còn tồn tại những màu tươi sáng. Đó là những trò chơi của nhóm chiến binh ấy vào mùa mưa, những buổi xem phim, là giải nhất cuộc thi nghệ thuật, là chiếc cup học sinh giỏi, là những rung động đầu đời mà chúng nhớ mãi về sau. Khoảnh khắc hai con người bị tình yêu sét đánh nhìn nhau giống như “kim trên tất cả các đồng hồ trên thế giới đều đứng lại hết”.  Tình yêu làm cho Ikal thấy yêu cuộc sống hơn, dễ tính hơn và hăng say với những cộng việc mà thường ngày cậu ghét cay ghét đắng. Tình yêu cũng làm cho Ikal đau khổ nhưng cũng chính tình yêu truyền cho cậu động lực và cảm hứng.

Tác phẩm để lại cho người đọc những trăn trở, suy nghĩ cho người đọc. Đọc để thấy chúng ta may mắn. Trong khi những đứa trẻ khác phải đấu tranh  quyết liệt để dành một “quyền cơ bản được quy định trong Hiến pháp”, quyền học tập thì chúng ta được nhận một cách hiển nhiên. Trong khi nhiều người phí hoài cơ hội được học tập của mình thì những đứa trẻ như Lintang dù cố gắng thế nào cũng không thể đến trường được. Rồi chúng ta cũng sẽ cảm thấy như tác giả.

Tôi thất vọng vì có quá nhiều đứa trẻ thông minh buộc phải bỏ học nửa chừng vì lí do tài chính. Tôi nguyền rủa tất cả những kẻ ngu dốt mà cứ làm ra vẻ thông minh. Tôi căm ghét những đứa trẻ con nhà giàu không chịu học hành đàng hoàng.

Liệu ai cũng may mắn như tác giả? Sau bao nhiêu  năm làm một công việc nhàm chán, kế hoạch A không thành, kế hoạch B cũng thất bại, có thể viết tiếp một kế hoạch C, từng bước nỗ lực, học tập, lao động để hoàn thành nó? Trường học, đối với chúng ta đôi khi đơn giản là nơi sáng lên nghe giảng, chiều đi về. Nhưng đối với những đứa trẻ Mã Lai nghèo khó này, ngôi trường Muhammadiyah “đã trở thành một biểu tượng, một biểu tưởng của niềm hi vọng được cắp sách đến trường của những trẻ em nghèo khổ. Nếu ngôi trường này sụp đổ, trẻ em nông thôn sẽ mãi mắc kẹt trong những vườn tiêu, nhà máy cùi dừa khô, những chiếc thuyền đang chờ xảm và những của hàng của người Hoa. Chúng sẽ thiếu tin tưởng vào những ngôi trường làng và không tin vào việc học nữa.”

Chiến binh cầu vồng là một câu chuyện chân thực, cảm động về hiện thực cuộc sống, về tình bạn và tình thầy trò và hơn hết là về ý nghĩa đích thực của việc dạy và học.

Học thức thể hiện lòng tự trọng, giáo dục thể hiện lòng sùng kính đối với đấng tạo hóa, học tập không phải lúc nào cũng buộc chặt với những mục tiêu như lấy được bằng cấp hay trở nên giàu có. Học tập là cao quý, là ca tụng nhân bản,  là niềm vui khi được cắp sách tới trường và là ánh sáng văn minh.


Review chi tiết bởi Vân Nguyễn - Bookademy

------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,349 lượt xem