Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách “Da Thịt Trong Cuộc Chơi”: Những Bất Đối Xứng Ẩn Trong Cuộc Sống Hàng Ngày

Nassim Nicholas Taleb là một tác giả nổi tiếng với một ý tưởng, một biến cố mà ông đã đặt tên cho nó là The Black Swan (Thiên Nga Đen). Một biến cố Thiên nga Đen có ba đặc điểm chính: không thể dự đoán; có tác động nặng nề; và sau khi nó xảy ra, người ta mới dựng lên một lời giải thích để khiến nó ít ngẫu nhiên hơn, dễ dự đoán hơn so với bản chất thật của nó. Chuyên gia hàng đầu về kinh tế và cũng là người có hiểu biết rộng về xác suất, khoa học, toán học và chính trị cũng như kinh tế,… Nassim Nicholas Taleb đã cho ra mắt độc giả series sách khá lớn mang tên Incerto – trong đó bao gồm 5 cuốn sách viết về hành trình khám phá sự mập mờ, may mắn, sự bất định, xác suất, lỗi của con người, và việc ra quyết định khi chúng ta không hiểu rõ về thế giới.


Skin in the game (Dịch: Da thịt trong cuộc chơi) là cuốn sách thứ năm của Nassim Nicholas Taleb. Ông đã từng so sánh rằng, cũng như Eve sinh ra từ xương sườn của Adam, mỗi cuốn sách trong bộ Incerto đều bắt nguồn từ xương sườn của cuốn sách vừa xuất bản trước đó. Thiên nga Đen thi thoảng bị nhắc đến trong cuốn Bị ngẫu nhiên che mắt; khái niệm về độ lồi của những sự kiện ngẫu nhiên, vốn là chủ đề của cuốn Thăng hoa trong nghịch cảnh, được nhắc đến trong Thiên nga Đen; và cuối cùng, Da thịt trong cuộc chơi là một phần của Thăng hoa trong nghịch cảnh.

 

Tôi sẽ tiết lộ một sự thật rằng: kể cả bạn có là một người am hiểu về kinh tế hay giỏi giang trong bất cứ lĩnh vực nào thì ít nhất bạn cũng phải mất khoảng… 1 tháng để có thể thấm thía được hết những tri thức và luận điểm của Nassim Nicholas Taleb trong quyển sách này. Tôi đã rất hoang mang và rối trí khi được tiếp nhận cùng lúc những nguồn tri thức rộng lớn như vậy. Từ khoa học cho tới thực tiễn, từ chính trị cho đến kinh tế thị trường, từ toán học cho đến xác suất và vô vàn những điều khác… Nhưng dù vậy đây vẫn là một quyển sách thực sự hay và thú vị bởi lẽ Nassim Nicholas Taleb sẽ làm bạn phải trố mắt và bất ngờ trước những nghiên cứu và phát hiện lý thú của ông. Thậm chí bạn có thể sẽ bị sốc khi những điều mà bạn quan niệm là đúng bấy lâu nay lại bị Nassim Nicholas Taleb “lật đổ” một cách phũ phàng và lạnh lùng bằng những bằng chứng không thể chối cãi. Tuy khó để có thể lĩnh hội toàn bộ, nhưng chỉ cần có thời gian và sự tập trung nhất định bạn sẽ không hối tiếc với sự lựa chọn của mình.

 



Đôi điều về tác giả

Giáo sư Nassim Taleb - chuyên gia dự báo khủng hoảng kinh tế - cha đẻ của lý thuyết Thiên nga Đen. Nassim Nicholas Taleb sinh năm 1960 tại Liban, là một nhà viết tiểu luận, học giả, nhà thống kê. Ông còn là một trong những nhà kinh tế học, nhà tư tưởng hiện đại với rất nhiều công trình được đánh giá cao, như cuốn Fooled by Randomness (dịch: Bị ngẫu nhiên che mắt) hay Antifragile (Thăng hoa trong nghịch cảnh). Nhiều bài viết khác của ông đã được đăng trong các tạp chí và tập san nổi tiếng. Taleb là giáo sư ưu tú chuyên về quản trị rủi ro tại Viện Kỹ thuật Bách Khoa, Đại học New York.

 

Cách tổ chức cuốn sách

Ngay từ phần mở đầu của quyển sách, Nassim Nicholas Taleb đã thẳng thực nói rằng: Độc giả sẽ không phải đọc quá 60 trang để có thể hiểu về tầm quan trọng, mức độ phổ biến, và tính phổ quát của da thịt trong cuộc chơi (tức sự đối xứng) trong gần như mọi khía cạnh. Nhưng về phía cá nhân tôi nghĩ, bạn vẫn nên có một cái đọc toàn diện về cuốn sách này, bởi lẽ riêng việc tìm sao cho đúng những nội dung trọng yếu để đọc cũng là một công việc khá khó khăn trong cuốn sách mà tôi phải ví như là một “cuốn bách khoa toàn thư” của Nassim Nicholas Taleb.

Cuốn sách được tổ chức khá mạch lạc, bằng cách chia ra thành 8 “cuốn sách nhỏ” được đặt tên cụ thể và trong mỗi cuốn sách ấy lại có nhiều chương khác nhau, chính Nassim Nicholas Taleb cũng đã tự tóm tắt nội dung nổi bật của từng cuốn để độc giả có thể hình dung tổng thể bố cục và dễ dàng hơn trong việc liên kết giữa các nội dung trong cuốn sách.

Cuốn 1, Giới thiệu, bao gồm 3 phần là: Cái chết của Antaeus, Khái lược về đối xứng và xương sườn của Incerto. Trong đó Nassim Nicholas Taleb sẽ đề cập tới câu chuyện cổ của Hy Lạp về Antaeus rồi từ đó liên kết sang nội dung về sự đôi xứng để người đọc có thể hình dung trước sợi chỉ xuyên suốt trong bộ Incerto nói chung và Da thịt trong cuộc chơi nói riêng.

Cuốn 2, Cái nhìn đầu tiên về người đại diện, là sự bàn luận sâu hơn về tính đối xứng và người đại diện trong việc chia sẻ rủi ro, liên hệ giữa xung đột lợi ích thương mại với đạo đức thông thường. Cuốn này cũng giới thiệu khái quát khái niệm về quy mô và sự khác biệt giữa cá nhân và tập thể, dẫn đến các hạn chế của chủ nghĩa toàn cầu hoá và chủ nghĩa phổ quát.

Cuốn 3, Sự bất đối xứng vĩ đại nhất, bàn về sự cai trị của thiểu số, theo đó một bộ phận nhỏ trong dân số áp đặt những ý muốn của mình lên toàn bộ dân số. Phần phụ lục ngắn cho chương 3 sẽ gỉải thích vì sao một tập hợp của các đơn vị lại không hành xử giống như tổng số của các đơn vị riêng lẻ, mà trở thành một thứ có ý thức riêng; và hệ quả của hầu hết những thứ vẫn được gọi là “khoa học” xã hội.

Cuốn 4, Sói giữa bầy chó, bàn đến sự phụ thuộc và, nói thẳng ra là, chế độ nô lệ trong cuộc sống hiện đại: tại sao nhân viên chính thức tồn tại vì họ có nhiều thứ để mất hơn so với những người làm theo hợp đồng độc lập. Phần này cũng cho thấy tại sao dù bạn sống độc lập và có rủng rỉnh tiền, bạn vẫn sẽ bị ảnh hưởng nếu những người bạn quan tâm có thể là mục tiêu của doanh nghiệp và những nhóm có tâm địa xấu xa.

Cuốn 5, Sống tức là chấp nhận rủi ro, sẽ cho thấy, trong chương 5, rằng việc chấp nhận rủi ro khiến bạn giảm đi sức cuốn hút bên ngoài nhưng lại tăng đáng kể sức thuyết phục. Phần này làm rõ sự khác nhau giữa cuộc sống như nó trong thực tế và cuộc sống theo tưởng tượng trong một cỗ máy kinh nghiệm, vì sao Jesus phải là con người mà không hẳn là đấng thần thánh, và vì sao Donaldo (cách tác giả gọi Donal Trump) lại thắng cử nhờ vào những khiếm khuyết của chính ông. Chương 6 nói về những TTNĐ (viết tắt của Trí Thức Ngu Đần) sẽ cho độc giả thấy những TTNĐ không hiểu rằng việc có da thịt trong cuộc chơi sẽ giúp bạn hiểu được thế giới (bao gồm cả việc đi xe đạp) tốt hơn là những bài giảng. Chương 7 giải thích về sự khác nhau giữa sự bất bình đẳng trong rủi ro và bất bình đẳng trong lương thưởng. Chương 8 giải thích về hiệu ứng Lindy, vị chuyên gia của những chuyên gia, người có thể giải thích cho chúng ta rằng tại sao những anh thợ sửa ống nước mới là chuyên gia đích thực, còn các nhà tâm lý học lâm sàng thì không.

 

 

Cuốn 6, Bàn sâu hơn về đại diện, bàn đến sự bất đối xứng ẩn có khả năng gây ra hậu quả lớn. Chương 9 cho thấy rằng, nhìn từ góc độ thực hành, thế giới đơn giản hơn và chuyên gia giỏi trông không giống như diễn viên đang đóng phim. Chương 10 lý giải vì sao người giàu lại là những kẻ khờ khạo, làm con mồi cho những người cố tình làm phức tạp hoá lối sống của họ để bán cho họ thứ gì đó. Chương 11 giải thích sự khác nhau giữa mối đe doạ và mối đe doạ thực sự, đồng thời chỉ cho bạn cách khuất phục kẻ thù bằng cách không giết hắn. Chương 12 bàn đến vấn đề người đại diện của các phóng viên: họ sẽ hy sinh sự thật và sẽ vẽ ra một câu chuyện bịa đặt chỉ để làm vừa lòng các phóng viên khác. Chương 13 giải thích tại sao đức hạnh lại đòi hỏi sự chấp nhận rủi ro. Chương 14 giải thích vấn đề người đại diện cho con người trong địa chính trị, và những nhà sử học luôn thích viết về chiến tranh hơn là hoà bình, khiến chúng ta có cái nhìn méo mó về quá khứ.

Cuốn 7, Tôn giáo, niềm tin và da thịt trong cuộc chơi, giải thích tín ngưỡng dưới góc độ da thịt trong cuộc chơi và sở thích bộc lộ: vì sao gần như không thể phân biệt người vô thần với người theo Cơ đốc giáo, nhưng lại có thể phân biệt được với người Hồi giáo Salafi.

Cuốn 8, Rủi ro và lý trí, chương 19 tóm tắt lại tất cả những nguyên tắc của tác giả về rủi ro và chỉ ra những sai lầm liên quan đến những sự kiện có xác suất nhỏ. Phần này cũng phân loại rủi ro theo từng tầng và cố gắng chứng minh rằng lòng dũng cảm và sự thận trọng không mâu thuẫn với nhau nếu người ta hành động vì lợi ích của tập thể. Nó cũng giải thích tính ergodic, một vấn đề còn để ngỏ. Cuối cùng, chương này phác thảo sườn của cái mà chúng ta gọi là nguyên tắc cảnh giác.

 

Những điều rút ra được từ cuốn sách

Trước tiên, khái niệm da thịt trong cuộc chơi là một cụm thành ngữ chưa được xác định rõ nguồn gốc, nhưng nó được Warren Buffett phổ biến khi ông dùng nó để nói về việc ông đầu tư tiền túi vào quỹ đầu tư so ông sáng lập. Có da thịt trong cuộc chơi tức là chia sẻ rủi ro và quyền lợi trong một hoạt động/mục tiêu nào đó. Thành ngữ này được sử dụng phổ biến trong kinh doanh, chơi bạc, hoặc chính trị.

Taleb, đã từng là một nhà giao dịch tài chính trước đây, nhận thấy rằng những người có da thịt trong cuộc chơi, hay nói cách khác, những người biết chấp nhận rủi ro thực sự - hiểu thế giới tốt hơn những người không có sự rủi ro nào. Hoặc, nói cách khác, một nhân viên ngân hàng biết rằng anh ta sẽ được bảo lãnh, anh ta sẽ không có động lực để cải thiện sự hiểu biết của mình về thế giới. Anh ta chỉ có thể ôm cả hệ thống với những sự rủi ro cho đến khi nó nổ tung. Nếu bạn cho phép mọi người có thể chuyển hoá những rủi ro, họ sẽ không có động lực để tính toán bất cứ điều gì, và khi ấy thì: bùm! Thiên nga Đen sẽ tới.

Điều đó chứng tỏ rằng nếu thị trường tự do và được điều hành bởi những người đang đặt cược chính tiền của họ vào trong đó, chúng ta sẽ sống trong một thế giới an toàn hơn và hiệu quả hơn. Nhưng vấn đề là những người điều hành mọi thứ hầu như không bao giờ có da thịt trong cuộc chơi.

 

 

Taleb – như mọi khi, luôn có sự khinh miệt nhất định đối với những chủ ngân hàng, quan chức, nhà báo và các học giả,… Một trong những nhân vật phản diện chính của cuốn sách này là Robert Rubin, cựu Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, người đã thu được hơn 120 triệu đôla tiền bồi thường của Citibank trong thập kỷ trước vụ sụp đổ ngân hàng năm 2008. Tất nhiên, khi ngân hàng được giải đen và cứu trợ, ông ta đã không viết bất kỳ tờ séc nào – và ông ta gọi sự không chắc chắn của mình là một cái cớ, để rồi đầu xuôi đuôi lọt, vừa bỏ bê trách nhiệm vừa được hưởng lợi, ông ta hét lên rằng đó là “Thiên nga Đen”. Taleb đặt tên cho sự kiện ấy một cách đầy mỉa mai là giao dịch ‘Bob Rubin’. Một số những nhân vật phản diện khác trong cuốn sách đó là học giả Steven Pinker, Thomas Ecletty và người đoạt giải Nobel Richard Thaler,...

 

 Có những kẻ ngu ngốc ngẫu nhiên và kẻ gian ngẫu nhiên, nhưng cách khắc phục của Taleb là như nhau: họ đều phải có da thịt trong cuộc chơi. Điều này là cần thiết để đảm bảo họ có lối suy nghĩ đúng đắn, và bởi vì hệ thống học hỏi và tiến hoá bằng cách loại bỏ thất bại. Những người không thành công phải đối mặt với sự huỷ hoại, hoặc cái chết. Taleb khám phá ý tưởng về hành vi không mong muốn không tôn trọng bằng cách cho phép những người ra quyết định có trách nhiệm hơn bằng cách phơi bày cho họ những hậu quả tiêu cực từ những hành động của họ. Do đó, những người có da thịt trong cuộc chơi sẽ cố gắng làm cho hệ thống hiệu quả hơn. Ví dụ, một người bỏ ra hàng tỷ đôla cho phần cứng để khai thác bitcoin sẽ không muốn phá hủy toàn bộ khối blockchain chỉ để kiếm một khối có giá trị trong một phần rất nhỏ của khoản đầu tư. Có da thịt trong cuộc chơi sẽ đảm bảo mạnh mẽ về mặt đạo đức.

 

Ngược lại, Taleb cũng đưa ra một lập luận: nếu bạn không có da thịt trong cuộc chơi, bạn không nên tham gia cuộc chơi. Nếu bạn đưa ra ý kiến và có ai đó làm theo, bạn phải tự chịu trách nhiệm về mặt đạo đức, phải đối mặt với hậu quả của nó. Zack Hawks trong Nhà Trắng không nên đưa ra quyết định về vụ đánh bom ở Iraq khi gia đình ông ta đang ở trong căn phòng điều hoà với 2,2 đứa con của mình bất chấp mọi kết quả có ra sao.

 

Và thế là rốt cuộc chúng ta đưa vào cái mà chúng ta gọi là giới trí thức những con người hoang tưởng, loạn trí theo đúng nghĩa đen, bởi đơn giản họ không bao giờ phải trả giá cho hậu quả từ những hành động của họ, họ chỉ ra rả hô hào những khẩu hiệu của chủ nghĩa hiện đại nhưng lại tước đi mọi ý nghĩa sâu sắc của chúng (chẳng hạn, họ thường xuyên sử dụng cụm từ “dân chủ” trong khi lại khuyến khích những tên đao phủ; dân chủ là điều mà họ đọc được trong các chương trình đào tạo sau đại học).

 

Taleb tiết lộ rằng trong kinh doanh người bán phải tiết lộ tất cả những gì anh ta biết để đảm bảo một sân chơi bình đẳng và không giới hạn bản thân theo những gì mà luật pháp cho phép. Đạo đức – điều mà ông cho rằng mạnh mẽ hơn so với luật pháp, trở nên hạn chế về mặt thẩm quyền hoặc về mặt thực tiễn. Taleb nói rằng người ta có thể đưa ra lời khuyên hoặc bán nhưng không thể làm cả hai cùng một lúc.

Khi bác bỏ nhiều khía cạnh của tính hiện đại, Taleb rất muốn tố cáo tính phổ quát. Ngoài việc phủ định rằng tính phổ quát không hoạt động trên giấy tờ, ông còn bác bỏ chủ nghĩa phổ quát chính trị và rút một đoạn thơ của anh em Geoff và Vince Graham mà ông cho rằng đã tóm tắt cái lố bịch của thứ chủ nghĩa phổ quát chính trị không tính đến quy mô:

 

Tôi, ở cấp độ Liên bang, theo chủ nghĩa tự do;

ở cấp độ bang, theo chủ nghĩa Cộng hoà;

ở cấp độ địa phương, theo đảng Dân chủ;

và ở cấp độ gia đình và bạn bè, lại là con người xã hội chủ nghĩa

 

 

Taleb còn bàn về cách toàn bộ dân số có thể phục tùng sở thích của một nhóm thiểu số nhỏ bé, cứng đầu. Ông đưa ra giả thuyết về một gia đình bốn người trong đó có một thành viên sẽ chỉ ăn thực phẩm không biến đổi gen và bướng bỉnh bắt cả nhà phải ăn theo mình. Cả gia đình phải chấp nhận và đi theo con đường ăn thực phẩm không biến đổi gen, chẳng mấy chốc, một ngày nọ cả gia đình đi ăn tiệc cùng với ba gia đình khác, vì mọi người đều biết rằng họ chỉ ăn thực phẩm phi GMO (không biến đổi gen) nên chỉ chuẩn bị thực phẩm hữu cơ. Nhận thấy rằng người dân ở đây chủ yếu tiêu thụ thực phẩm phi GMO nên cửa hàng tạp hoá trong vùng chuyển sang bán các sản phẩm phi GMO, và điều đó tác động đến nhà bán sỉ trong vùng, và cả hệ thống cứ tiếp tục nhân rộng ra như vậy. Taleb gọi đó là tái chuẩn hoá.

 

Trong bước tiến lớn hơn từ hiện đại, Taleb đã tạo ra một hệ thống xem xét các vấn đề từ các quan điểm khác nhau. Trong khi hầu hết các nhà triết học hiện đại nhìn vào một vấn đề từ một quan điểm, nói về kinh tế, chính trị, giáo lý hay đạo đức, Taleb trở lại thời kỳ cổ điển trong việc tạo ra một hệ thống tư duy (với toàn bộ Incerto chứ không riêng Skin in the game) trong đó người ta có thể xem rủi ro và các hệ thống đối xứng liên quan theo những cách khác nhau.

 

Theo Taleb, một doanh nhân không cần đến những sự đánh giá từ những người đồng cấp với mình hay từ những nhà hàn lâm học khác. Doanh nhân trên cương vị là những người chấp nhận rủi ro không bị tác động trước sự đánh giá của các doanh nhân khác, họ chỉ bận tâm đến đánh giá của viên kế toán riêng mà thôi.

 

Có thể định nghĩa chính xác một người tự do là người có số phận không phụ thuộc trực tiếp hay chủ yếu vào các đánh giá của những người đồng cấp với họ.

 

Ông cho rằng một người tự do không nhất thiết phải giành phần thắng trong các cuộc tranh luận, vì họ đã thắng sẵn rồi.

Cùng với quan điểm đó, ông cho rằng Tổng thống Donal Trump thắng cử vì ông ta dám chấp nhận những khiếm khuyết của mình trong những phát ngôn thẳng thừng gây nhiều tranh cãi. Những phát ngôn thuyết phục nhất là những phát ngôn trong đó người ta chấp nhận thất bại, trong đó người ta có da thịt trong cuộc chơi ở mức tối đa; những phát ngôn ít tính thuyết phục nhất là những phát ngôn trong đó người ta cố gắng – một cách rõ ràng nhưng bản thân họ lại không biết – củng cố địa vị của mình mà không phải có đóng góp hữu hình nào.

 

Ngoài ra, Taleb cũng khẳng định rằng hình thức không nói lên được bản chất của một vấn đề. Ông vạch trần sự thật rằng ngày nay chúng ta đang bị hình thức chi phối quá nhiều, một quả táo đẹp chưa chắc sẽ ngon hơn những quả táo khác, cũng như một vị bác sĩ phẫu thuật giỏi sẽ chưa chắc có dáng vẻ của một vị bác sĩ phẫu thuật giỏi (mà có thể sẽ trông giống như một tên đồ tể).

 

Một kẻ đỏm dáng trong chiếc Ferrari sẽ mang dáng vẻ giàu có hơn nhà triệu phú luộn thuộm; tương tự, chủ nghĩa duy khoa học có vẻ khoa học hơn là khoa học thật sự.

Một trí thức đích thực không nên có diện mạo của một nhà trí thức.

 

 

Có thể nói Nassim Nicholas Taleb là một trong số ít những tác giả thẳng thắn và lạnh lùng sẵn sàng đạp lên mọi ý kiến trái chiều để nói lên quan điểm của mình. Bên cạnh những kiến thức và chia sẻ mang tính chuyên môn cao, có một vài đoạn trong cuốn sách mà độc giả sẽ phải bật cười trước sự dí dỏm và mỉa mai của Nassim Nicholas Taleb.

 

Có lần, tôi nhận được thư từ một người làm trong ngành tài chính nêu yêu cầu sau đây: “Kính gửi ông Taleb, tôi là một người theo dõi rất sát sao những công trình của ông, nhưng tôi cảm thấy mình buộc phải đưa ra lời khuyên này cho ông. Một nhà trí thức như ông sẽ tạo được nhiều ảnh hưởng hơn nữa nếu biết cách tránh sử dụng ngôn ngữ tục tĩu.” Câu trả lời của tôi rất ngắn gọn: “Cút đi.”

 

Hay như khi Nassim Nicholas Taleb tỏ ra mỉa mai tới một số đối tượng, cụ thể là những cái tên như Martin Nowak, E.O Wilson, ông đã kèm chú thích như sau ở bên dưới:

 

Cần phải nêu đích danh những người này ở đây vì họ hành động chẳng khác gì chó săn mồi, sẵn sàng xông vào tấn công những người bác bỏ lý thuyết gen vị kỷ; tuy không giải quyết được vấn đề toán học đã nêu (vì không giải quyết nổi), nhưng họ vẫn cứ sủa.

 

Đó là lý do vì sao mà Nassim Nicholas Taleb “được” nhận xét rằng: Taleb is the festival messiah you'd follow into a river until the drugs wore off  (câu này tôi sẽ muốn giữ nguyên hơn là dịch). Ông kiên định một cách cứng đầu, để có thể bật lại những quan điểm của ông e rằng người ta phải có một sự dũng cảm và nguồn tri thức vô tận về đủ lĩnh vực trên thế giới.

 

Lời kết

Tôi sẽ không bao giờ dám khẳng định rằng mình có thể hiểu toàn bộ được cuốn Da thịt trong cuộc chơi của Nassim Nicholas Taleb. Đọc xong cuốn sách này lần đầu tiên cũng là lúc tôi nhận ra mình hoạ chăng mới chỉ hiểu nổi cỡ… 40% nội dung của nó. Đây sẽ là cuốn sách phù hợp cho những người thích tìm hiểu về đa lĩnh vực, đặc biệt là về thị trường, kinh tế, kinh doanh, tâm lý khách hàng,… thêm một chút kiến thức về lịch sử Hy Lạp và toán học…Nhưng cũng không có nghĩa là nó kén độc giả đến mức đó. Tôi vẫn khuyên mọi người nên tìm đọc thử một trong số các cuốn của Incerto để mở mang kiến thức cũng như được khám phá thêm nhiều những quan điểm khác lạ nhưng đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn của Nassim Nicholas Taleb.

 

Sau cùng, Da thịt trong cuộc chơi thực sự là một công trình táo bạo mang tính gợi mở và thực tế cho người đọc. Cuốn sách của Nassim Nicholas Taleb chắc chắn sẽ là một hành trình vô cùng sống động và lý thú cho tất cả mọi người. Lời khuyên chân thành nhất của tôi là bạn hãy tự đọc và tự cảm nhận vì mức độ hiểu biết của mỗi người là khác nhau, những gì tôi hiểu được từ cuốn sách chỉ là những thứ rất bề nổi, và chắc chắn rằng tôi sẽ còn đọc lại cuốn sách này nhiều lần nữa.

Review chi tiết bởi Thuỷ Tiên | BCat - Bookademy

------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

5,526 lượt xem