Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách “Một Chỗ Trong Đời”

Đó là câu chuyện về một người cha, xuất thân nông dân, từ nhỏ đã phải nghỉ học sớm để làm chân giúp việc cho trang trại trước khi đi nghĩa vụ quân sự. Chiến tranh kết thúc, ông làm công nhân ở nhà máy sợi tổng hợp, sau đó làm thợ lợp sửa mái nhà, tiếp đến chuyển sang làm công nhân ở nhà máy lọc dầu, đi tiếp tế cho làng và thậm chí là nhận lấp hố bom. Cuộc đời làm công của ông chỉ thật sự kết thúc khi hai vợ chồng mua lại được một quán cà phê kiêm cửa hàng tạp phẩm khiêm tốn trong khu phố. Lúc đó, ông không khỏi tự hào vì bấy giờ bản thân đã trở thành “ông chủ” và gây dựng được một địa vị nhất định, cho dù địa vị đó cũng chỉ “trên mức khốn cùng một chút”.

Người cha ấy, cật lực làm việc, điều chỉnh lời ăn tiếng nói của mình trước chốn đông người,.. làm tất cả những gì có thể để rũ bỏ chất nông dân cố hữu của mình, để được công nhận là đã “bước chân ra khỏi cuộc sống bần hàn thô kệch và bước vào thế giới của trí thức, tư sản.”


Tuy nhiên, thế giới trí thức, tư sản của Pháp không đơn giản là có tiền sẽ hòa nhập được. Ông có thể kiếm được nhiều tiền, học hỏi cách cầm dao nĩa tại bàn ăn, học cách phối đồ cho hợp nhãn… ông vẫn không thể hòa nhập được với thế giới ấy nếu ngôn ngữ ông dùng vẫn là của nông dân. Người cha ấy biết rõ điều đó. Bằng chứng là ông luôn từ chối sử dụng những từ ngữ không nằm trong vốn từ vựng của mình, ông tỏ ra cứng nhắc, rụt rè, không bao giờ dám đặt câu hỏi, ông lúc nào cũng ở trong nỗi ám ảnh, hoang mang, lo sợ những người xung quanh nhìn ra mình là kẻ quê mùa.

Nhưng cũng người cha ấy, cố hết sức cho cô con gái được ăn học tử tế để đặt chân được vào giới tiểu tư sản - điều ông luôn muốn mình làm được khi còn trẻ. Khi con ông được thế giới ấy đón chào, thì ngay lập tức một hố sâu “mang tính giai cấp, nhưng kỳ dị, không tên, như tình yêu bị ngăn cách” hình thành giữa hai cha con. Ngôn ngữ của họ dần dần trở nên khác biệt nhau, như thể không hòa nhập được. Nó hiện hữu rõ ràng và ảnh hưởng sâu sắc hơn bất cứ xung đột nào: “Trong các ký ức của tôi, tất cả những gì liên quan đến ngôn ngữ đều là nguyên nhân của sự oán hận, của những cuộc cãi vã đau lòng, còn hơn cả vấn đề tiền bạc.”

Cho đến khi “chúng tôi không còn gì để nói với nhau nữa.”

Tất nhiên, một người cha như thế không thể nào bày tỏ được tình yêu dành cho cô con gái của mình, cho dẫu là bằng lời, bằng ánh mắt trìu mến hay cử chỉ nâng niu, chiều chuộng. Tất cả những gì ông làm, là cho con gái mình mọi thứ tiện nghi mà mọi đứa trẻ bằng tuổi cô đều có; là nghiêm khắc mắng mỏ, bắt cô học hành tới nơi tới chốn; và cố không làm cô mất mặt trước bạn bè bởi xuất thân cơ cực của cha mình.




Đáp lại cách thể hiện tình yêu vụng về của người cha ấy, là một quyển sách mà cô con gái viết dành riêng cho ông, nhưng lại chẳng một lần đề cập đến tên ông, cũng chẳng một lần dùng những từ ngữ dịu dàng để diễn tả cảm xúc mà đáng lẽ ra một cô giáo, một người viết văn cần phải có khi kể về người cha mình hằng yêu kính.

…để thuật lại một cuộc đời chỉ mải lo việc cơm áo, tôi không có quyền vị nghệ thuật trước tiên, cũng không có quyền tìm cách tạo ra thứ gì đó “khiến người ta say mê” hay “gây xúc động”. Tôi sẽ tập hợp lại những lời nói, hành động, sở thích của cha tôi, những sự kiện nổi bật trong đời ông, tất cả các dấu hiệu khách quan về một cuộc đời mà tôi cũng đã từng chia sẻ.


Annie Ernaux truyền tải những mẩu chi tiết vụn vặt ấy một cách trung lập và công tâm nhất. Bà không bộc lộ quá nhiều thái độ cá nhân dành cho nhân vật, càng không cố lái cảm xúc cho người đọc. Họ sẽ chỉ dựa vào những tình tiết được cung cấp để tự đánh giá nhân vật theo trực giác của chính mình.

Không có chút thi vị nào của hồi ký, cũng chẳng có gì là châm biếm hài hước, lối viết nhạt nhẽo đến với tôi một cách tự nhiên, chính là lối viết tôi vẫn dùng ngày trước để biên thư cho bố mẹ, kể những tin tức chính.

Khi dùng giọng văn lạnh lùng như vậy, có lẽ Annie Ernaux đã chuẩn bị trước cho tình huống bản thân sẽ bị đánh giá là “vô tâm”, thậm chí là “bất hiếu”. Tuy nhiên, ngẫm kĩ sẽ thấy, đằng sau mỗi câu chữ tưởng chừng khô cứng kia là tất cả sự kính trọng và thương yêu mà bà biết rằng bao nhiêu bóng bẩy cũng không nói hết được. Hơn ai hết, Annie hiểu cha mình – người đàn ông chưa từng biết đến hai từ “lãng mạn” – sẽ phật ý nếu bà dùng sự hoa mỹ, kiểu cách để viết về ông. Và chính vì thế, bà dùng lối viết giản đơn gần như nhạt nhẽo này, với hi vọng một lần đủ sức dùng ngôn từ xoá bỏ khoảng cách giai cấp tồn tại bất biến giữa hai cha con, dẫu ông không còn trên đời nữa.

Thế mà, chính giọng văn lạnh lùng này khiến tôi không ít lần thấy tim mình nhói đau. Tôi nghĩ về cha mình, về những lần cha con chúng tôi tranh cãi vì bất đồng quan điểm. Không chỉ bởi khoảng cách thế hệ, mà còn là thứ mà Annie Ernaux gọi là “khoảng cách giai cấp”. Suốt phần đời làm lụng của mình, cha tôi chỉ dừng lại ở vị trí của một công nhân, không hơn không kém. Điều đó dẫn đến việc cha tôi luôn luôn nói chuyện bằng ngôn ngữ địa phương, đôi khi có phần thô thiển. Cha tôi không hiểu về những phát triển công nghệ; không nắm bắt được những câu chuyện mà tôi nói với bạn bè xung quanh các vấn đề chính trị, kinh tế hay tình hình xã hội; cha không hiểu sở thích về phim ảnh, âm nhạc, sách báo hay kể cả ăn uống của tôi; cha không hiểu những quyển sách giáo trình toàn tiếng Anh dày cộm mà lúc nào tôi cũng ôm theo bên mình,… Và cũng như người cha trong câu chuyện trên, cha tôi chưa một lần thể hiện tình yêu của mình, ngược lại, thường nổi cáu với tôi, la mắng tôi, nghiêm khắc với tôi.

Vì vậy, tôi chỉ biết cáu giận và ấm ức. Tôi ấu trĩ tự nhủ mình sau này lớn lên nhất định sẽ cao chạy xa bay. Mãi cho đến khi cầm quyển sách Một chỗ trong đời, tôi mới hiểu ra rằng, tất cả những gì cha tôi mong muốn, là đưa con mình thoát ra khỏi số kiếp khó nghèo vất vả mà cha đã phải gánh chịu gần như cả cuộc đời. Kể cả cái mơ ước “cao chạy xa bay” thuở ấy, cũng là do cha lặng thầm đánh đổi mồ hôi, xương máu để giúp tôi biến nó thành hiện thực. “Ông đã nuôi tôi khôn lớn để tôi tận hưởng một thứ xa xỉ mà bản thân ông không hề biết đến”.

Hoá ra, đằng sau sự thô lỗ ấy, đằng sau những dằn vặt, cay nghiệt ấy, vẫn là tình yêu, là niềm tự hào lớn lao mà cha dành cho con – cả cha tôi lẫn người cha trong quyển sách ấy – niềm tự hào rằng bản thân, dù có bần hàn và quê kệch, cũng đã dưỡng dục con gái mình thành công.

Tôi muốn thông qua bài viết này, gửi lời cảm ơn từ tận trái tim đến tất cả những người cha như thế - những người cha đã làm mọi cách, vượt qua nghèo đói, vượt qua bao vất vả, vượt qua mọi khó khăn, để dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con mình.

 

Nguồn: Trương Lê Thi Thi – nhanam.tumblr

--------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: 

https://www.facebook.com/bookademy.vn/

Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị,

đăng ký CTV tại link:  https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3

 

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,745 lượt xem