Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách “Người Lạ” – Nỗi Cô Đơn Của Những Con Thuyền Không Neo

Đọc Người lạ của Mai Thảo Yên, tôi luôn phải tự nhắc rằng mình đang đọc một tác phẩm hư cấu vì những cảm xúc, những trải nghiệm của An – nhân vật chính quá thực. Liệu có bao nhiêu phần của An chính là Mai Thảo Yên, và bao nhiêu phần của nỗi buồn trong An là thực tế đời sống của người trí thức xa xứ?

Người lạ là một truyện dài nằm trong serie Văn học tuổi hai mươi của Nhà xuất bản trẻ. Mai Thảo Yên – tác giả của cuốn sách - hiện đang là nghiên cứu sinh ngành xã hội học tại đại học Uppsala, Thụy Điển.

Người lạ là một lát cắt chân thực về cuộc sống của những người trí thức trẻ đầy hoài bão, lí tưởng ở nơi đất khách quê người. Nhân vật chính, An Lê, là một nghiên cứu sinh trẻ ở Thụy Điển. Cô rời xa thành phố Sài Gòn quê hương đã lâu, đã đi du học ở nhiều vùng đất trước khi đếnThụy Điển. Cô đến xứ này với niềm tin và lí tưởng, đắm mình vào cuộc sống Bắc Âu, kết bạn với những người trẻ từ khắp nơi trên thế giới cũng đầy khát vọng, đầy niềm tin như cô. Nhưng đằng sau đó, đời sống của An nơi đây lại nhuốm màu cô đơn lạnh lẽo, đầy những ngăn cách vô hình, những bất ổn chông chênh mà trong đó cô vùng vẫy, và cuối cùng phải chấp nhận.

Chạm đáy cô đơn

Cái chạm đầu tiên của nỗi cô đơn vào cuộc đời An có lẽ bắt đầu từ cái chạm tay của Holger – nghiên cứu sinh cùng nhóm – trong căn phòng khách sạn ở Trollhattan. Đêm đó, họ đã hé lộ cho nhau những tình cảm giấu kín, chỉ để tiếp tục chôn vùi tình cảm đó và đẩy nhau ra xa hơn. Tình yêu giữ những người đồng nghiệp trong giới học thuật là quá nhiều rủi ro. Những người hôm nay yêu nhau, ngày mai có thể sẽ trở thành đối thủ trong cuộc chiến tìm vị trí làm, tài trợ nghiên cứu. Vì vậy, họ tự nguyện để cho tình cảm của mình lắng xuống nhưng An vẫn không thôi băn khoăn, day dứt về mối tình nửa chừng của mình với Holger, để rồi nhận ra nó trôi đi vì Holger không muốn nó đủ nhiều để giữ nó lại.

An có thể tự hỏi, vì sao anh lại từ bỏ mọi thứ dễ dàng như thế. An có thể nhìn những lựa chọn của Holger, và hiểu rằng ngay từ đầu anh đã luôn trả lời câu hỏi của cô. Liệu tình yêu có cần phải tranh đấu không? Có, tình yêu thật sự cần có tranh đấu. Chỉ là tình cảm anh dành cho cô chẳng đủ lớn để anh muốn đấu tranh vì cô, vậy thôi.

Cái hố ngăn cách giữa An và Holger cũng là ngăn cách chung giữa những người đến Châu Âu và những người sinh ra từ Châu Âu, mà An dần dần nhận ra. Một người đã đi du học lâu như An, đã đắm mình trong văn hóa Âu Mỹ, tìm thấy tư tưởng tương đầu trong những người bạn quốc tế mà cô chưa bao giờ thấy được trong chính gia đình, họ hàng mình; có thể nói cô là một công dân toàn cầu, thế nhưng An vẫn nhận ra những ranh giới trong cách những người bạn ở đây thấu hiểu mình. Họ, về một số mặt, rất khác An và vì vậy họ không thể quan tâm cô theo cách cô muốn. An đã bắt đầu nhìn thấy và dự tính về điều này khi một người bạn của cô – Leo - phải cấp cứu vì dị ứng đậu phộng. Những người bạn khác trong nhóm vẫn tiếp tục ăn tối trong khi Leo vào viện. Những thanh niên Thụy Điển đã được giáo dục để trở thành những con người rất độc lập, họ thấy chuyện một mình vào viện cấp cứu là rất tự nhiên. Nhưng An thì không bao giờ muốn ở một mình trong tình trạng như vậy.

 


Mà điều An lo sợ cuối cùng cũng đến, khi cô bị những cơn đau dạ dày hành hạ, trong lúc bị bệnh, nỗi cô đơn của cô lại càng trào dâng. Cô nhìn thấy sự ngăn cách giữa mình và Holger trong cả giấc mơ, thèm được ăn cháo ngoại nấu, ngồi trong một phòng chờ ở bệnh viện nơi những người trong phòng chẳng có gì kết nối với cô trừ một cơn đau. Cách làm việc chậm chạp và máy móc của hệ thống y tế càng đẩy An vào bất lực và hoang mang.

Trong khi An bắt đầu nhìn thấy những rạn vỡ trong đời sống của mình ở Thụy Điển thì ở Phần Lan, cô bạn người Ấn Độ Prisha của An đã bỏ cuộc. Prisha cũng đang là một nghiên cứu sinh, cô quyết định quay về Mumbai để tìm việc làm thay vì tiếp tục nghiên cứu. Có lẽ, Prisha ở vào vị trí khiến cô phải nhìn thấy nhiều những vực ngăn cách hơn An.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa những người như An và Prisha và những người Châu Âu là An và Prisha đến từ những nước đang phát triển, họ phải đấu tranh và làm việc để đến được thiên đường Châu Âu, họ phải trở về với những phòng trọ trống rỗng sau giờ làm trong khi những người khác trở về với thế giới riêng mà họ đã xây dựng ở xứ này từ khi sinh ra. An và Prisha không có điều đó, và những nỗi buồn, những tranh đấu của họ thì những người bạn Châu Âu, dù yêu quý họ đến đâu, có thiện ý đến đâu cũng không thể hiểu được.

Hình bóng quê nhà

Khi đang lênh đênh trong biển cô đơn, An tìm thấy nơi neo đậu là những người bạn Việt ở Thụy Điển. Khi gặp những người bạn này, An mới nhận ra Sài Gòn, quê hương, thời thơ ấu vẫn chảy như một mạch ngầm trong cô. Chỉ cần nhắm mắt lại và nghe chất giọng miền Tây của Hằng, An có thể nhìn thấy những cánh đồng trù phú, những gốc dừa, những chiếc ghe chợ nổi, ngửi thấy cả mùi của đất. Những tối đi chơi với Hằng và Nhật, An có thể cảm thấy phảng phất trong đêm Thụy Điển lạnh giá là một nét của Sài Gòn nhộn nhịp, với hơi nóng, hàng quán, người xe tấp nập. Rồi trong ngày giáp Tết gói bánh chưng ở nhà vợ chồng Hằng, có những khoảnh khắc An như thấy mình ngồi trong một gian bếp lợp lá ở nông thôn, có vài tia nắng chiếu qua vách lá, có lửa bập bùng và mùi khói cay xè. Quê hương vẫn luôn ở sâu trong An, chỉ cần được đánh thức, nó sẽ lại hiện diện.

Về sau cùng, An thật ra vẫn là Linh An, không phải An Lê. Dù An tin cái tên không nói lên điều gì về chân giá của một con người, cô biết Linh An vẫn là phiên bản toàn vẹn nhất của mình. Linh An là một dòng chảy từ thuở ấu thơ cởi trần tắm mưa đến những buổi trưa đội nắng trên đầu đạp xe đi tìm một gánh hàng bánh tráng trộn.  An Lê chỉ là một phân đoạn trong dòng chảy đó, lại là một phân đoạn có quá nhiều gãy vỡ khi cô liên tục chuyển từ thành phố này sang thành phố khác cho con đường nghiên cứu, mà không có nơi nào trong phân đoạn này cô có thể yên lòng gọi là nhà.

Những hình bóng thoáng qua của quê nhà này cũng chẳng phải là giải pháp tối ưu cho nỗi buồn và cô đơn của An. Có chăng chỉ là một vài giây phút xoa dịu mà sau đó càng làm cô cảm thấy lạc lõng trong cuộc sống ở Thụy Điển, như buổi tối ngày Tết cô ngồi gói bánh chưng với nhận thức ngày mai sẽ lại phải đến trường đại học làm việc như thường. An mắc kẹt giữa hai thành phố, một bên là biển lớn tự do của tư tưởng nơi cô có thể theo đuổi đam mê nghiên cứu, và một bên là quê hương nơi lưu giữ sự thơ ngây, trong trẻo, bình an.

 


Mà nếu An có thực sự quay về thì quê hương, Sài Gòn có còn là nhà của cô không, hay cô sẽ tiếp tục là người lạ ở chính mảnh đất của mình. Alina, người bạn Ukraine của An, đã không trở về Kiev vì lí do đó. Kiev mà chị yêu và nhớ chỉ còn trong tâm tưởng, Kiev nơi chị quay về thì đã khác xa. Những người bạn ở Kiev cũng chẳng hiểu được nỗi lòng chị, với họ, chị đã may mắn được đến vùng đất hứa, chị không có quyền phàn nàn. Prisha trở lại Ấn Độ, cảm thấy ổn hơn với cuộc sống ở đây như đôi giày cũ, xỏ vào vẫn vừa chân. Thế nhưng cô vẫn chật vật tìm việc, gia đình vẫn mong muốn cô quay lại Phần Lan vì họ tin rằng đó mới là điều tốt nhất. Có lẽ, là người lạ ở quê hương mình còn đáng sợ hơn nhiều so với là người lạ ở những vùng đất khác.

Chấp nhận để bước tiếp

Cuối cùng thì, nỗi hoang mang, cô đơn cũng chẳng đưa An tới đâu, cô vẫn lênh đênh, mắc kẹt giữa đại dương. Vùng vẫy, quẫy đạp bao nhiêu cũng không thể giải thoát. Giải pháp còn lại chỉ là chấp nhận, rằng có những điều cô không thể thay đổi được, rằng những công dân hạng một Châu Âu sẽ luôn được bao bọc trong sự hồn nhiên chính thiện của họ và không bao giờ có thể hiểu được cảm giác của những người lạ như An, rằng thế giới này chẳng bao giờ đạt được đến độ lí tưởng, dù An có cố gắng bao nhiêu. Sự chấp nhận đó đòi hỏi ở An một lòng dũng cảm, một niềm tin rằng mọi sự chịu đựng rồi cũng sẽ có ý nghĩa của nó.

Chẳng ai là có lỗi. Suy cho cùng, đó là sự hồn nhiên của một người không cần ra đi. Họ là những hòn đảo ngay từ đầu đã bám rễ vào đại dương. Yên vị và chắc chắn. Làm sao An có thể trách họ không hiểu cảm giác vô định của những cánh thuyền ngay từ đầu đã chẳng thể có bến bờ? Làm sao có thể kể về sự neo đậu cho những người chưa bao giờ phải dạt trôi?

An đã nhìn thấy trước những chiếc vali của cô rồi sẽ lại được xếp đầy hành lí, một ngày cô sẽ để lại những người bạn trên mảnh đất Thụy Điển, để tiếp tục cuộc hành trình đến những xứ sở khác, không nơi nào có thể được gọi à nhà. Cô chấp nhận số phận của một tinh cầu cô đơn không nơi neo đậu với một cảm giác bình thản và tự do.

Có lẽ, có sự hòa trộn đan xen giữa chuyện và thực, giữa nhân vật An và tác giả Mai Thảo Yên là vì Mai Thảo Yên viết để soi chiếu những trải nghiệm của mình, như chị đã chia sẻ. Chị viết Người lạ cũng để trả lời những câu hỏi mà nhân vật An gặp phải: Tôi đã hiểu gì về thế giới này, về bản thể con người? Tôi còn bao nhiêu niềm tin vào tự do, vào lòng chính thiện? Và tôi phải làm gì để dưỡng nuôi trong mình lòng dũng cảm để nhìn thẳng vào cuộc sống, lẫn sự bình an để chấp nhận nó như nó vốn phải thế? Chị viết để tìm lại sự thăng bằng trong những ngày tháng chông chênh, và với kết thúc nhẹ nhàng, bình thản của Người lạ, tôi tin rằng chị đã tìm được điểm cân bằng đó.

 


Thực ra, tôi nghĩ, bạn chẳng cần phải đến tận đất nước Thụy Điển để có cảm giác người lạ, để hiểu rằng có một số thứ mình phải chấp nhận và làm quen.  Ngay cả trên quê hương, đất nước mình, chắc hẳn bạn cũng từng có cảm giác chẳng ai hiểu hậu cảnh của mình và mình cũng chẳng hiểu hậu cảnh của ai, cảm giác bạn không thuộc về cộng đồng bạn đang sống, một  niềm thôi thúc đi tìm nơi bạn thuộc về, để rồi nhận ra bạn chẳng thuộc về nơi nào cả. Nếu bạn còn trẻ, thì chắc hẳn bạn sẽ vẫn còn tìm thấy những ngày mình thốt lên rằng “Thế giới thật bất công”, những ngày bạn có thể tự tin khẳng định rằng mình sẽ là người thay đổi sự bất công đó, rồi cũng sẽ có ngày bạn nhận ra một số bất công đã là cố hữu, không thể đổi ngược. Những cảm giác đó sẽ mạnh mẽ, thường xuyên hơn khi chúng ta đến một vùng đất lạ, nhưng chúng không phải là không tồn tại ở ngay trên chính quê nhà. Vì vậy, Người lạ không phải chỉ là câu chuyện dành cho những người xa xứ, những du học sinh mà là câu chuyện của tất cả những ai đã từng cảm thấy cô đơn, lạc lõng, của những người giàu lí tưởng trong một thế giới không hoàn mỹ.

 

Review chi tiết bởi Hân Bùi - Bookademy

Deal mua sách giá tốt hiện có: https://goo.gl/KcZXxr

--------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: 

https://www.facebook.com/bookademy.vn/

Tham gia Bookademy Team để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị,

đăng ký CTV tại link:  https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3

 


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,036 lượt xem

lh-fulllh-x