Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Review Sách] “Siêu Trí Nhớ”: Rèn Luyện Trí Nhớ Hiệu Quả Cùng Kiện Tướng Ghi Nhớ

Một trí nhớ tốt đem lại rất nhiều lợi ích cho cuộc sống hàng ngày, cả trong học tập lẫn công việc. Nếu chúng ta không phải là một người có khả năng thiên bẩm về ghi nhớ thì thứ mà chúng ta cần chính là một phương pháp luyện tập sao cho có thể rèn luyện khả năng ghi nhớ của mình. Vậy bạn đã tìm được cho mình một phương pháp luyện tập phù hợp chưa? Nếu câu trả lời là ”Chưa” thì tôi nghĩ rằng “15 bài tập đơn giản giúp bạn rèn luyện trí nhớ hiệu quả” được chia sẻ trong cuốn Siêu trí nhớ (You can have an amazing memory) của Dominic O’ Brien sẽ là một sự lựa chọn xứng đáng để bạn quan tâm. Để bạn có được một cái nhìn tổng quan nhất, bài viết sẽ review nội dung cuốn Siêu trí nhớ.

Sau khi tiến hành thực hiện rất nhiều nghiên cứu, các chuyên gia hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực trí nhớ đã đưa ra một nhận định không mấy tích cực. Theo họ, trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, với sự bùng nổ của Internet và Smartphone, khả năng ghi nhớ của não bộ con người đang có xu hướng trở nên tệ đi. “Chúng ta của hiện nay” đang bị phụ thuộc khá nhiều vào công nghệ, dẫn tới việc ít động não hơn nhiều so với “chúng ta trong quá khứ”. Và cũng giống với mọi cơ quan khác trên cơ thể, não bộ càng không được tập luyện, nó sẽ càng lười biếng và yếu đi. Đây cũng chính là một trong những mặt trái của Kỷ nguyên công nghiệp 4.0. Trong cuộc sống hàng ngày cũng vậy. Giới trẻ chúng ta vẫn thường hay sử dụng thuật ngữ “não cá vàng” để ám chỉ những người “có tốc độ quên nhanh đến mức chóng mặt”. Không ít người trong chúng ta đã từng rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười” chỉ vì tật “não cá vàng” của mình. Sau đây, tôi sẽ đưa ra 3 trường hợp “não cá vàng” phổ biến mà sinh viên hay gặp phải và biết đâu bạn lại thấy được hình ảnh của mình trong đó.

  • Bạn gặp lại một người mà hôm qua bạn mới quen nhưng bây giờ đến cả tên của người ấy bạn còn không nhớ chứ đừng nói là các thông tin khác.
  • Bạn rất tự tin vì mình vừa học thuộc xong khái niệm (phạm trù) “Chất” trong Triết học Mác – Lê-nin, nhưng chỉ 20 phút sau lại quên hết sạch.
  • Bạn đang định nói hoặc định làm một việc gì đó nhưng một lúc sau lại quên mất mình đang định nói gì hoặc làm gì.

Hãy tin tôi, “15 bài tập rèn luyện trí nhớ” mà Dominic O’ Brien mang đến cho độc giả thông qua cuốn Siêu trí nhớ sẽ cho bạn một bộ các phương pháp tập luyện nhằm giúp bạn có thể đưa bản thân mình tránh khỏi những trường hợp “não cá vàng” mà bạn thường gặp trong cuộc sống. Tuy nhiên, trước khi đưa ra những cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách này, tôi muốn bạn xây dựng cho bản thân mình hai tư duy sau:

  • Các bài tập trong cuốn sách này sẽ không giúp bạn trở thành một kiện tướng về ghi nhớ nhưng chắc chắn sẽ giúp bạn tìm ra phương pháp cải thiện khả năng ghi nhớ của mình.
  • Mặc dù những bài tập O’ Brien giới thiệu đều rất hữu ích nhưng chúng cũng chỉ dừng lại ở mức độ là các phương pháp rèn luyện mà thôi. Tất cả là ở bạn! Hãy chăm chỉ rèn luyện. Sức mạnh của phương pháp sẽ được nhân lên gấp bội lần khi bạn đem nó áp dụng vào thực tiễn. Hãy xây dựng và luôn giữ vững trong mình tư tưởng “Học đi đôi với hành”.

Một trong những phương pháp ghi nhớ đơn giản nhưng hiệu quả nhất

Đó chính là “Phương pháp liên kết”. Nhờ phương pháp ấy, Dominic đã đạt được một thành công mà theo ông, đó là “Đây rồi! Thành công đầu tiên của tôi”.

Nền tảng của phương pháp này không hề phức tạp, thậm chí chúng còn rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Đôi khi chúng ta vô thức liên kết các sự vật không liên quan lại với nhau thành một câu chuyện, và nếu như bạn thực hiện nó một cách có ý thức hơn, nó sẽ trở thành một công cụ hữu ích để bạn rèn luyện khả năng ghi nhớ của mình. “Một thứ có thể liên kết với mọi thứ khác, và cách để nhớ một danh sách là tạo ra liên kết giữa chúng” chính là nguyên tắc mà Dominic muốn độc giả thống nhất với ông. Khi liên kết chúng lại với nhau, bạn sẽ có một câu chuyện và khi bạn tự kể cho mình câu chuyện đó, bạn sẽ ghi nhớ được các sự vật dường như rời rạc với nhau.


Có 7 đồ vật chẳng có chút liên quan nào với nhau: con tàu, lốp xe, bưu kiện, nút bấm, bắp cải, con chuột, chiếc ủng. O’ Brien cần phải ghi nhớ chúng và ông đã tự kể ra một câu chuyện liên kết các đồ vật lại với nhau. Và đó cũng chính là phương pháp liên kết trong rèn luyện khả năng ghi nhớ.

Câu chuyện của tôi là: Tôi đang lênh đênh trên con tàu ở một vùng biển thanh bình. Khi vào bờ, tôi thấy một chiếc lốp xe nằm trên cát. Tôi đẩy lốp xe lăn dọc bãi cát cho đến khi nó va vào một bưu kiện. Khi mở gói bưu kiện ra xem, tôi thấy một thiết bị với một nút bấm màu đỏ. Càng lúc tôi càng tò mò, tôi quyết định bấm cái nút đó, một cây bắp cải trồi lên thần kỳ từ dưới lớp cát. Nằm trong cây bắp cải là một con chuột đang sợ hãi, vội vàng chạy biến vào một chiếc ủng bị vứt chỏng chơ xa xa ngoài bãi biển.

Bạn có liên kết được các sự vật hay không phụ thuộc khá nhiều vào óc sáng tạo của bạn. Tuy nhiên, một điều hết sức quan trọng chính là những gì mà bạn tưởng tượng chỉ nên nằm trong giới hạn có thể xảy ra hoặc ít nhất phải có một chút logic, không nên hão huyền. Đó chính là sức mạnh của hình ảnh trong ghi nhớ. Sáng tạo nhưng không phải theo kiểu hoang tưởng, đó chính là lời khuyên mà O’ Brien muốn gửi tới cho độc giả khi rèn luyện khả năng ghi nhớ bằng phương pháp liên kết.

Phương pháp này đem lại thành công vang dội cho cá nhân Dominic O’ Brien và tôi cũng mong rằng bạn sẽ đạt được một thành công nhất định nào đó khi áp dụng phương pháp mà tác giả đã giới thiệu. 

Phương pháp hành trình và mẹo tạo kho hành trình cho trí nhớ

Đây là một phương pháp ghi nhớ nâng cao hơn so với phương pháp liên kết. Nó trừu tượng hơn, đòi hỏi sự vận động của não bộ ở mức độ cao hơn. Đây cũng chính là một trong những bài tập quan trọng nhất của cuốn sách này bởi vì lần đầu tiên bạn vạch ra một hành trình cho mình và sử dụng nó để ghi nhớ danh sách từ.

Vậy tại sao tôi lại không giới thiệu phương pháp này đầu tiên? Tại sao tôi lại muốn bạn có cái nhìn về phương pháp liên kết trước chứ không phải là phương pháp hành trình? Vì 3 lý do:

  • Theo logic vận động của bộ não, bạn nên tìm hiểu vấn đề từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.
  • Phương pháp hành trình đòi hỏi bạn phải có khả năng tưởng tượng tốt và để đạt được điều đó, bạn nên bắt đầu rèn luyện từ phương pháp liên kết trước.
  • Thành công đầu tiên của Dominic đến từ phương pháp liên kết chứ không phải phương pháp hành trình.

Cảm giác về không gian với bộ nhớ sự kiện và hiệu ứng Von Restorff chính là 2 cơ sở của phương pháp hành trình. Tôi sẽ không trình bày về 2 cơ sở ấy, bởi tác giả đã viết rất chi tiết trong cuốn Siêu trí nhớ rồi, thay vào đó, tôi sẽ tóm tắt cho bạn những điểm cơ bản nhất của phương pháp hành trình mà tôi rút ra được sau khi nghiên cứu cuốn sách của Dominic.

Phương pháp hành trình hoạt động như thế nào? Dominic O’ Brien đã trình bày phương pháp này thông qua 4 chương và có thể tóm tắt lại như sau:

  • Trước hết, nghĩ về một địa điểm, một sự kiện, một mốc thời gian quen thuộc.
  • Sau đó tưởng tượng một chuỗi sự kiện ở nơi bạn vừa nghĩ tới theo một thứ tự có logic.
  • Tiếp theo, hãy “đặt” mỗi vật dụng muốn nhớ tại từng “địa điểm” trong chuỗi sự kiện đó.
  • Khi muốn nhớ lại những vật dụng ấy, đơn giản chỉ cần hình dung lại địa điểm quen thuộc mà bạn đã liên tưởng từ ban đầu, sau đó lặp lại chuỗi sự kiện đã tưởng tượng trong tâm trí của mình. Mỗi vật dụng cần nhớ đã “đặt” ở các địa điểm nổi bật, cụ thể sẽ tự động nhanh chóng nảy lên khi đang “đi” vòng quanh “địa điểm quen thuộc” trong tâm trí.

Tôi sẽ lấy một ví dụ, chính là câu chuyện trong cuộc sống của tôi khi tôi áp dụng phương pháp hành trình, thay vì sử dụng lại câu chuyện của tác giả, để bạn có thể dễ dàng hình dung ra phương pháp này. Cuối tuần, tôi cần ra ngoài mua một chút bánh mì, sữa tươi, trứng gà, bột giặt và dầu gội đầu. Hãy thử áp dụng phương pháp hành trình vào trường hợp của tôi, bởi tôi là một người rất hay rơi vào tình trạng mua thiếu những thứ mình cần phải mua mỗi khi tới tiệm tạp hóa và chỉ khi về nhà tôi mới nhớ ra. Tôi liên tưởng tới nhà trọ của mình, một nơi rất quen thuộc. Sau đó chuỗi hành trình mà tôi lựa chọn là hành trình đi từ phòng tới cửa ra vào. Hành trình đó cần phải qua hành lang, phòng tắm, cầu thang, phòng trọ của anh hàng xóm, nhà bếp. Tôi đã gắn dầu gội đầu và bột giặt với phòng tắm, bánh mì và trứng gà gắn với nhà bếp, sữa tươi gắn với phòng trọ của anh hàng xóm vì anh ấy uống sữa tươi rất nhiều. Khi ra tới tiệm tạp hóa, tôi chỉ cần tưởng tượng lại hành trình của mình từ phòng xuống cửa ra vào là có thể nhớ được hết những thứ mình cần phải mua.


Đó là một ví dụ tuy rất đơn giản nhưng tôi nghĩ rằng nó đã mô phỏng được những gì mà phương pháp hành trình muốn định hướng. Bạn có thể rèn luyện khả năng ghi nhớ của mình lên một cấp độ mới, với khả năng ghi nhớ nhiều sự vật hơn, nếu bạn chăm chỉ rèn luyện theo phương pháp hành trình. Đây cũng chính là phương pháp đem lại rất nhiều thành công cho Dominic O’ Brien. Với ông, đây chính là phương pháp rèn luyện quan trọng bậc nhất mà ông đã trình bày trong cuốn Siêu trí nhớ và muốn gửi đến độc giả trên toàn thế giới.

Vậy nên, kết luận đưa ra khá đơn giản: hành trình hiệu quả nhất là những hành trình sở hữu bộ nhớ sự kiện phong phú và giúp tôi có định hướng không gian tốt. Điều đó có nghĩa là những nơi quen thuộc nhất thường là những hành trình hiệu quả nhất.

Ngoài ra, Dominic còn gửi tới người đọc một số mẹo để có được một hành trình cho trí nhớ hiệu quả.

  • Chọn hành trình thông thuộc.
  • Chọn hành trình có ý nghĩa.
  • Chọn hành trình có nhiều điểm dừng đa dạng.
  • Chọn những hành trình cố định để nhớ những thứ nhất định.
  • Chọn những hành trình có điểm nhìn thuận lợi.

Đỉnh cao – Hệ thống Dominic

Hệ thống Dominic vận hành bằng cách ghép mỗi chữ cái với một số từ 0 đến 9 và sau đó nhóm các chữ – số này thành cặp. Hệ thống này do tác giả nghĩ ra để ghi nhớ số pi. Đó cũng chính là nguồn gốc của cái tên “Dominic System”.

Ghi nhớ bằng hệ thống Dominic đòi hỏi bạn phải vận dụng tối đa bộ não của mình. Để có thể sử dụng hiệu quả phương pháp này, bạn nên tập luyện sao cho thuần thục phương pháp hành trình, bởi nó sẽ phục vụ rất nhiều cho quá trình bạn rèn giũa các bài tập của hệ thống Dominic. Rõ ràng cấp độ đã được nâng lên một tầm mới so với các cấp độ trước đó. Siêu trí nhớ của O’ Brien cũng được trình bày theo kết cấu như vậy, từ phương pháp liên kết tới phương pháp hành trình, sau đó là hệ thống Dominic.


Hệ thống Dominic là gì? Có quá cao siêu không? Thực ra nó không hề cao siêu, nhưng nó đòi hỏi não bộ của bạn phải được luyện tập rất tốt trước đó thì mới có thể hoàn thành được các bài tập thuộc hệ thống Dominic. Như tôi đã giới thiệu, hệ thống được hình thành thông qua việc tiến hành ghép cặp của con số với chữ cái. Chúng được quy ước như sau: 1 – A; 2 – B; 3 – C; 4 – D; 5 – E; 6 – S; 7 – G; 8 – H; 9 – N; 0 – O.

Từ 1 tới 5 lần lượt là các chữ cái từ A tới E, đúng thứ tự của chúng trong bảng chữ cái tiếng Anh. Nhưng từ số 6 tới số 9 và số 0 chúng ta đã thấy có sự khác biệt. Đó chính là sự sáng tạo của Dominic trong hệ thống cùng tên. Sự khác biệt đó đã chứng minh một điều: phương pháp ghi nhớ không cần thiết phải dập khuôn.

Tôi mã hóa số 6 (six) thành chữ S vì cách phát âm gần giống nhau. Số 7 là chữ G bởi G7 là từ chỉ nhóm bộ trưởng tài chính của các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Số 8 (eight) là chữ H vì cách đọc giống nhau và số 9 (nine) tương ứng với chữ N cũng vì vậy. Số 0 được mã hóa thành chữ O vì hình dạng tương đồng.

Tôi sẽ không trình bày chi tiết về hệ thống Dominic, thay vào đó tôi sẽ lấy một ví dụ đơn giản về hệ thống này để bạn có thể hiểu được nó vận hành như thế nào. Ví dụ, tôi đặt mật khẩu điện thoại của mình là 8140. Theo như quy ước của hệ thống Dominic, 81 tương ứng với cặp HA, chính là tên viết tắt của tôi (Hà Anh), còn 40 tương ứng với cặp DO, là họ của tôi (Đỗ). Mật khẩu này sẽ rất khó có thể bị quên, trừ khi tôi không còn nhớ bảng mã Dominic hoặc khi tôi quên mất tên của mình. Điểm lưu ý ở đây là việc các hình ảnh bạn liên tưởng đến cần có sự liên quan nhất định với nhau, ví dụ bên trên HA và DO có liên quan tới nhau, do đó tôi có thể ghi nhớ được chúng một cách dễ dàng.

Vậy nếu chúng không quá liên quan đến nhau thì sao? Không phải lo, bạn đã có thể tưởng tượng rất tốt rồi mà, đúng không? Hãy thử liên kết chúng lại với nhau, sau đó gắn nó vào một hành trình trí nhớ xem sao. Bây giờ thì bạn đã hiểu vì sao tôi bảo rằng bạn cần vững phương pháp liên kết và phương pháp hành trình trước khi tìm hiểu các bài tập thuộc hệ thống Dominic rồi đó!

Với hệ thống Dominic, O’ Brien đã dành được rất nhiều thành tích đáng nể phục trên tầm cỡ thế giới.

15 bài tập đơn giản để rèn luyện trí nhớ hiệu quả

Dominic O’ Brien đã thiết lập 15 bài tập đơn giản đánh giá mức độ tiến bộ không ngừng của bạn xuyên suốt quá trình đọc cuốn sách. Các bài tập sau có sự gia tăng dần về mức độ thử thách khả năng ghi nhớ của bộ não so với bài tập trước nó. Bạn cần biết rằng Dominic O’ Brien sắp xếp các bài tập theo thứ tự tăng dần độ khó như vậy hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Khi rèn luyện theo các bài tập mà ông đưa ra, độc giả cần thực hiện chúng theo một quá trình nhất định, từ dễ đến khó, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Khi nhìn nhận theo khía cạnh vận động tư duy của bộ não, đây là phương pháp rèn luyện hợp lý nhất mà loài người có thể áp dụng để cải thiện trí nhớ của mình. Phương pháp này chính là nền tảng cho tất cả các bài tập nhằm tăng khả năng ghi nhớ của con người và các bài tập mà Dominic đưa ra không phải là ngoại lệ.

Nhưng chúng vẫn có những khác biệt so với các hệ thống phương pháp rèn luyện khả năng ghi nhớ khác.

Các bài tập của tác giả không chỉ hướng độc giả tới việc rèn luyện trí nhớ mà còn nhằm tạo đòn bẩy giúp tăng sự tự tin của họ. Độc giả không chỉ được định hướng phương pháp luyện tập khả năng ghi nhớ thông qua các bài tập cụ thể mà còn được rèn giũa “trí thông minh mềm”. Bạn đã từng nghe thuật ngữ “trí thông minh mềm” chưa? Tôi xin tiết lộ luôn, đó là thuật ngữ nói đến khả năng tập trung và phản xạ nhanh ở con người chúng ta.

Bằng cách dẫn dắt bạn đi trên hành trình khám phá của tôi, vẽ ra những cung đường đã đưa tôi đến vị trí ngày hôm nay, hy vọng rằng tôi có thể trao cho bạn phương tiện để bạn tìm thấy trí nhớ tuyệt đỉnh của mình.


Những câu chuyện về “Căn phòng tâm trí của tôi”

Nhưng không phải là “tôi”, mà là Dominic O’ Brien. Đó là căn phòng tâm trí của tác giả.

Căn phòng tâm trí của Dominic là nơi ông kể một câu chuyện nhỏ mà ông rất tâm đắc để độc giả có thể chia sẻ cùng ông. Đó là những chiến tích Dominic đã đạt được trong cuộc đời ông, đó là những câu chuyện mà ông gặp trong cuộc sống và phải sử dụng trí nhớ của mình để giải quyết, đó là các lý thuyết thú vị về não bộ con người, đó là rất nhiều câu chuyện xoay quanh chủ đề của cuốn sách Siêu trí nhớ.

“Căn phòng tâm trí của tôi” được tác giả trình bày ở cuối mỗi chương, sau các bài tập. Theo tôi, những bài viết thuộc “căn phòng” này có 2 mục đích chính:

  • Đưa tác giả lại gần gũi hơn với độc giả, bởi những câu chuyện trong đó không hề xa vời với cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
  • Xoa dịu bộ não của bạn, bởi các bài tập bên trên có thể khiến cho bạn cảm thấy mệt mỏi, đau đầu. Khi đó bạn cần đọc một cái gì đó với văn phong nhẹ nhàng hơn, ít hàm lượng học thuật hơn.

Tôi rất thích cách trình bày đó của Dominic O’ Brien. Không ngoa khi nói rằng ông là một trong những người có hiểu biết nhất về não bộ con người.

CĂN PHÒNG TÂM TRÍ CỦA TÔI: NGHĨ TÍCH CỰC

Trước đây, tôi từng cho rằng thời gian dây dưa với số pi hoàn toàn phí phạm. Dù phải bỏ ra vài tuần để học cách nhớ tất cả chữ số nhưng tôi đã đúc rút cho mình không ít kinh nghiệm. Tôi nhận ra trí nhớ của mình không hề có giới hạn, dù nhớ ở lĩnh vực gì hay bao nhiêu đi nữa, miễn là tôi tìm đủ địa điểm để biến chúng thành nơi lưu giữ thông tin. Tôi cũng hiểu ra yếu tố quyết định tốc độ nhớ số là việc sử dụng hệ thống hiệu quả ra sao và luyện tập sử dụng hệ thống đó bao nhiêu lần.

Kết

Khi bạn quyết định đọc một cuốn sách, bạn có để ý tới tác giả là ai không?

Tôi đã nhắc rất nhiều tới tác giả trong bài viết của mình. Đến bây giờ bạn có thể biết được rằng tác giả là một người đàn ông tên là Dominic O’ Brien, có khả năng ghi nhớ tốt. Tuy nhiên, nếu chỉ như thế thì chắc chưa đủ độ tin cậy để bạn lựa chọn Siêu trí nhớ là một “thành viên” trong tủ sách của mình. Thiếu gì người đàn ông trên thế giới này có khả năng ghi nhớ tốt đâu, đúng không?

Nhưng O’ Brien thì khác. Bạn có thể hỏi tôi rằng tác giả quốc tịch gì? Học hàm của ông ấy là gì? Ông ấy đang công tác trong viện hàn lâm nào?, nhưng tôi nghĩ rằng, khi nhắc đến Dominic O’ Brien, bạn chỉ cần biết rằng: Danh hiệu Nhà vô địch thế giới về trí nhớ đã 8 lần thuộc về ông. Ông là một tượng đài về khả năng ghi nhớ cả về tốc độ lẫn số lượng thông tin. Bạn có thể tìm kiếm trên Google với cụm từ: Dominic O’ Brien Achievements” và tôi tin là bạn sẽ nhanh chóng ngưỡng mộ ông ấy vì một chuỗi thành tích vô cùng đáng nể. Chính vì thế, bạn hoàn toàn có thể tin tưởng những bài tập, những phương pháp trong cuốn sách có tên Siêu trí nhớ.

Một điều nữa tôi muốn gửi gắm tới các bạn khi cầm cuốn sách này trên tay. Tôi đã nói bên trên nhưng bây giờ tôi vẫn muốn nói lại. Hãy luôn giữ trong mình tư tưởng “Học đi đôi với hành”. Bạn cần phải thực hành thì các phương pháp của Dominic mới phát huy được tác dụng.

Tôi rất mong bài viết này đem lại cho bạn một cái nhìn tổng quát nhất về cuốn sách Siêu trí nhớ của tác giả Dominic O’ Brien. Cũng hi vọng rằng Siêu trí nhớ sẽ giúp cho các bạn cải thiện được khả năng ghi nhớ của mình để phục vụ thật tốt cho hoạt động học tập và công việc, không còn bị bạn bè và đồng nghiệp gọi mình với biệt danh “não cá vàng” nữa.

Tác giả: DO

______________

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

12,228 lượt xem