Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách "Tại Sao Em Ít Nói Thế": Khi Im Lặng Là Chìa Khóa Mở Ra Wonderland Của Người Hướng Nội

Tại sao em ít nói thế? - Mình nghĩ không ít người từng nghe người khác nói như vậy với mình, trong đó có cả mình. Có thể bạn từng nghe nhiều đến 2 kiểu người thiên mạnh về não trái hay não phải và bạn sắp biết thêm rằng tất cả chúng ta cũng có thể chia thành 2 kiểu khác: hướng ngoại hay hướng nội. Cuốn sách này sẽ cho bạn biết nhiều hơn về người hướng nội, giúp người hướng nội hiểu hơn về chính mình và tìm được những lời khuyên hữu ích để cải thiện kỹ năng giao tiếp cũng như phát triển bản thân.

Trong thời gian vừa qua, cụm từ “Người hướng nội” được nhắc đến rất nhiều lần cũng như có nhiều hơn những bài viết về chủ đề này. Với cá nhân mình khi đọc cuốn Tại sao em ít nói thế?, mình phải khâm phục tác giả Huy Đức khi anh đã tìm hiểu và đọc rất nhiều tài liệu tham khảo để cho ra đời cuốn sách hoàn chỉnh. Đó là sự kết hợp giữa việc tổng hợp từ các tài liệu nước ngoài, từ những chia sẻ của chính những người hướng nội và cả của bản thân tác giả nữa.

Có gần hai mươi khía cạnh xung quanh cuộc sống của người hướng nội được đề cập trong cuốn sách được tác giả tổng hợp và chia thành các chủ đề lớn như: “Bạn có phải là người hướng nội?”, “Người hướng nội trong các mối quan hệ xã hội”, “Tính hướng nội trong công việc” và “Tình yêu của người hướng nội”.

Cảm tưởng như mỗi phần có thể được viết riêng thành những quyển khác nhau vậy. Mình đánh giá cao về sự phong phú, đa dạng trong nội dung của cuốn sách hơn là cách viết của tác giả vì nhiều chỗ còn lan man, lặp ý. Mình đã từng đọc qua nhiều bài viết về người hướng nội nên nhiều chi tiết trong cuốn sách không khiến mình bất ngờ lắm nhưng đối với những bạn chưa từng nghe hay biết đến chủ đề này thì rất nên đọc thử. Dưới đây là một số phần của cuốn sách mà mình thích cũng như muốn chia sẻ với mọi người.




Bạn có phải là một người hướng nội?

Nhiều người không biết người hướng nội là như thế nào và cũng có nhiều hướng nội không hiểu về mình. Để giúp người đọc tự xem xem mình có phải là hướng nội hay không thì cuốn sách đã có một phần trắc nghiệm nho nhỏ. Mình đã làm thử và kết quả thật bất ngờ. Trước đây mình nghĩ mình hướng nội nhưng đôi khi so sánh bản thân với những đặc điểm của người hướng nội thì lại có vài điểm không giống lắm.

Làm xong trắc nghiệm thì mình ra kết quả là người “ambivert” tức là người có tình cách “hai mặt” vừa hướng nội vừa hướng ngoại, lúc thế này lúc thế kia với tỉ lệ hướng nội – hướng ngoại là 50/50 hoặc chênh lệch không nhiều. Nếu bạn ra kết quả là người hướng nội hay người hướng ngoại thì cũng chưa chắc là bạn hướng nội, hướng ngoại hoàn toàn. Cũng giống như người thiên về não trái hoặc não phải, chúng ta chỉ là thiên về một hướng nào đó nhiều hơn thôi chứ không thể là 100% được.

Người hướng nội là người có thiên hướng tìm kiếm và thu nạp nguồn năng lượng từ chính bản thân mình. Họ thường thích những nơi yên tĩnh hay ở một mình để dành thời gian cho bản thân. Nhưng như vậy không có nghĩa là họ không thích những nơi đông vui hay người hướng ngoại không thích ở một mình. Chỉ là người hướng nội dễ cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức hơn khi ở chỗ đông người nhộn nhịp, sôi động hơn thôi. Người hướng nội ít nói? Đúng là vậy. Do đó nên họ bị đánh đồng là nhút nhát, trầm tính. Thật sự là không phải người hướng nội nào cũng ít nói và ngại giao tiếp. Họ thích những cuộc đối thoại 1-1, trong nhóm nhỏ từ 3-4 người hơn là những bữa tiệc, cuộc thảo luận có quá nhiều người. Họ có thể ngại ngùng và ít chia sẻ với người lạ nhưng khi họ tìm thấy chủ đề phù hợp với mình thì họ có thể nói rất nhiều và nhiệt tình. Tác giả đã dành một phần riêng để so sánh người hướng nội với người nhút nhát và đưa những giải pháp khắc phục sự rụt rè, thiếu tự tin đối với ai còn ngại hay sợ phải giao tiếp với nhóm xã hội.

Bạn thuộc kiểu hướng nội nào?

Ồ, chia thành hướng nội, hướng ngoại đã đủ gây đau đầu rồi, đã thế lại còn nhiểu kiểu hướng nội nữa ư? Nhiều người nhận thấy mình có vẻ là người hướng nội, nhưng đôi lúc lại thấy hoang mang vì thấy mình không có những đặc điểm này nọ kia. Vì hướng nội cũng có nhiều kiểu khác nhau đấy. Có thể kể ra một vài kiểu như: Hướng nội lo lắng, hướng nội suy nghĩ, hướng nội chậm rãi và hướng nội xã hội.

Trong đó những người hướng nội xã hội thích hoạt động trong những nhóm bạn thân, đồng nghiệp với số lượng không nhiều. Họ cũng thích tham gia các hoạt động, sự kiện về lĩnh vực mà họ thích thậm chí khi nhìn vào không nhiều người nghĩ họ là người hướng nội. Tuy nhiên họ lại có xu hướng từ chối những buổi đi chơi xa hay tiệc tùng linh đình vì họ thích những hoạt động nhẹ nhàng, không tiêu tốn nhiều sức lực hơn. Những ai thuộc các kiểu hướng nội kia thì sẽ trầm tư và ít thể hiện mình ở ngoài xã hội hơn. Tất nhiên là kiểu chia thành các loại này chỉ mang tính chất tương đối, mỗi người chúng ta sẽ thấy mình có vài đặc điểm của kiểu này, vài đặc điểm của kiểu kia tùy thuộc vào hoàn cảnh của mình.


Người hướng nội trong các mối quan hệ xã hội

Người hướng nội ưa thích những nơi yên tĩnh, muốn ở một mình để có thể suy nghĩ về bản thân, về thế giới xung quanh, dành thời gian cho những gì họ thích, họ quan tâm. Họ có vẻ như trốn tránh khi phải gặp người lạ, một trăm lần mời đi chơi thì kiểu gì cũng phải chín mươi chín lần từ chối. Do đó bạn có thể nghĩ họ ghét giao tiếp với xã hội, có chút kì quặc, khó hiểu. Thật sự thì nếu bạn tìm hiểu nhiều hơn về người hướng nội bạn sẽ thấy họ sẽ những người bạn, người đồng nghiệp tuyệt vời, đáng mến.

Dù bạn hướng nội hay hướng ngoại thì sẽ cần có những người hướng ngoại có thể cùng bạn quậy hết mình, gặp gỡ và khám phá nhiều người bạn mới, nhiều điều lạ kỳ. Và bạn cũng cần một vài người bạn hướng nội sẵn sàng lắng nghe và thấu hiểu mọi tâm tình của bạn. Lắng nghe chính là một thế mạnh trời phú dành cho người hướng nội. Làm bạn với người hướng nội không hề khó. Đề tìm hiểu họ, hãy dùng các cuộc đối thoại 1-1 vì người hướng nội rất muốn tập trung quan tâm đến dòng suy nghĩ, cảm nhận và ý tưởng của đối phương. Họ sẽ luôn sẵn lòng nghe những lời chia sẻ của bạn, chỉ cần bạn thể hiện được sự chân thành, thiện chí và nếu như bạn bắt đúng mạch chủ đề yêu thích của họ thì cuộc trò chuyện sẽ cực kỳ thú vị, thậm chí kéo dài không dứt. Nhưng đôi khi bạn sẽ thấy họ mất tích một cách bất ngờ hay tự tách mình ra khỏi đám đông. Đừng thấy như vậy là kì lạ nhé mà hãy tôn trọng sự riêng tư của họ và họ sẽ quay trở lại sớm thôi.

Tuy vậy, người hướng nội lại dễ mắc những hiểu nhầm như thiếu lễ phép, thiếu thiện chí khi chào hỏi gặp gỡ vì sự im lặng, ít nói của mình. Ở phần này tác giả có một mục tên: Người hướng nội và ác mộng mang tên “lời chào hỏi”. Thật sự với tư cách là một người hướng nội mình nghĩ “lời chào hỏi” không phải là một cơn ác mộng khủng khiếp như tác giả viết. Trước đây mình cũng gặp chút khó khăn khi phải gặp người lạ nhưng nếu như nói người hướng nội không chào hỏi hay lẩn tránh ai. Việc mình gặp khó khăn ở đây là không biết sẽ nói gì tiếp theo sau lời chào hỏi đó vì mình không giỏi cách hỏi thăm chuyện người khác, mỗi lần cố gắng hỏi thì lại thấy thật nhạt nhẽo và gượng gạo. Mặc dù mình không thích cách viết của tác giả phần này lắm vì nó có cảm giác như người hướng nội thật là kì quặc nhưng mình lại rất đồng ý với quan điểm của tác giả là dù hướng nội là tính cách nhưng kĩ năng giao tiếp thì ai cũng cần phải học. Và thật sự mình đang từng ngày từng ngày cải thiện kĩ năng của mình trong cuộc sống.

Tác giả đã dành một phần riêng tên: Người hướng nội và cách cải thiện kỹ năng giao tiếp để đưa ra một vài lời khuyên dành cho những bạn hướng nội đang gặp khó khăn ở vấn đề này. Ngoài ra tác giả còn đề cập một số mục như: Người hướng nội bên trong lớp học, Người hướng nội và gu yêu thích âm nhạc, Người hướng nội và ngày sinh nhật của bản thân, Người hướng nội và niềm vui ngày Tết,…. nhưng mình không đánh giá cao lắm vì nó hơi lan man, dài dòng không đúng trọng tâm người đọc cần.



Tính hướng nội trong công việc

Trong một xã hội có vẻ như ưa chuộng người hướng nội hơn vì sự linh hoạt, sôi nổi, nhiệt tình của họ thì người hướng nội lắm lúc sẽ chịu nhiều thiệt thòi hơn. Nhưng người hướng nội có những điểm mạnh riêng trong công việc. Một người lãnh đạo hướng nội cũng thành công không kém gì người lãnh đạo hướng ngoại. Tác giả đã chỉ ra một số phẩm chất của người lãnh đạo hướng nội như:

- Khả năng lắng nghe: Họ quan sát, thu thập ý kiến khá tốt. Họ thích trò chuyện, trao đổi ý kiến riêng với nhân viên của mình nên dễ gây cảm tình và tạo được sự liên kết. Mặc dù họ không phải là mẫu người hay tổ chức những cuộc vui chơi, hoạt động tập thể để củng cố team-building nhưng họ sẽ là người sẵn sàng lắng nghe tâm tư, giải quyết vấn đề của cấp dưới .

- Sự tự do: Người hướng nội luôn cố gắng hòa hợp suy nghĩ của mình với những đồng nghiệp, trong khi người sếp bình thường sẽ cố gắng dẫn những suy nghĩ của cấp dưới theo suy nghĩ của họ.

- Sự chân thật: Giống như tình bạn bình thường, những người lãnh đạo hướng nội có thể không quảng giao rộng, có nhiều đối tác ở mọi lĩnh vực nhưng họ lại có những đối tác, những người bạn thật sự chân thành.

- Sự chính xác: Có thể trong suốt quá trình tạm thời tách biệt ra khỏi xã hội, người hướng nội thường phát triển kỹ năng suy nghĩ và phản biện bởi nó giúp họ xử lý mọi thông tin mà họ thu nhận được trong ngày một cách chính xác hơn.

Những công việc phù hợp với người hướng nội có một vài điểm chung như: đòi hỏi sự sáng tạo, tính độc lập trong công việc, những công việc đòi hỏi sự tính toán, chính xác cao,… Người hướng nội cũng không hẳn không phù hợp với những công việc đòi hỏi sự giao tiếp. Họ tuy có chút ít nói nhưng khi có sự chuẩn bị, cộng với khả năng thuyết phục, khả năng lắng nghe của mình thì những công việc như luật sư, sales,…vẫn có thể phù hợp.

Tình yêu của người hướng nội

Những cô gái, chàng trai người hướng nội thường giàu cảm xúc và họ có thể không thường thể hiện sự chủ động trong chuyện tình cảm. Họ đòi hỏi nhiều thời gian của bạn hơn để có thể thực sự hiểu họ. Nhưng khi bạn quan tâm đến suy nghĩ, tình cảm, tính cách của họ hơn thì bạn sẽ thấy họ không hề khó hiểu như bạn nghĩ. Họ là những người nhạy cảm, tinh tế và hết mực yêu thương người khác. Sự im lặng trong mối quan hệ với người hướng nội cần có một cách phù hợp, hãy để cho họ có không gian riêng và tạo được cảm giác an toàn đối với họ.



 Kết luận:

Mặc dù cuốn sách còn có nhiều điểm mình không hài lòng lắm như cách viết còn dài dòng, lan man, các giải pháp được thể hiện thành các bước khiến cho lời khuyên đưa ra hơi bị cứng nhắc. Một số đoạn tác giả viết lại khiến cho người đọc cảm thấy người hướng nội thật kì quặc và có vấn đề. Nhưng trên hết đây vẫn là một cuốn sách cung cấp một cách bao quát cho người đọc những khía cạnh khác nhau của người hướng nội. Một câu nói của tác giả mà cực kỳ tâm đắc:

Hướng nội hay hướng ngoại đều không quan trọng bằng hướng thiện.

Để rồi khi gấp cuốn sách lại, chúng ta sẽ nhận ra rằng: Thế giới của người hướng nội nếu như ta nhìn từ ngoài vào tưởng chừng như thật bí hiểm nhưng nếu bạn biết cách khám phá, giúp họ mở lòng thì đó thực sự là như một Wonderland muôn sắc màu.


Review chi tiết bởi Tuyết Ngân - Bookademy

Deal mua sách giá tốt hiện có: https://goo.gl/HdkfH1 hoặc  https://goo.gl/6AQwHf

-----------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

5,289 lượt xem